Họa sĩ Phạm An Hải: Vượt biên giới tình yêu

Thứ Sáu, 16/03/2018, 07:01
Không cần danh xưng nghề nghiệp trước tên, Phạm An Hải đã định danh mình 20 năm nay trong nền mỹ thuật Việt Nam và quốc tế. 

Thành công nhiều mặt đến sớm với anh, bù đắp lại mất mát nghiệt ngã mà anh phải gánh khi 30 tuổi. Trong khí xuân tràn ngập, không gì hợp hơn là được hòa vào thế giới của anh, một thế giới nhiều không gian gợi mở, đầy lôi cuốn.

Số năm họa sĩ (HS) Phạm An Hải (sinh năm 1967) khẳng định mình ở hội họa tương đương thời gian tôi biết anh. Một quãng năm không gặp, với nhiều người, sự "bẵng đi" ấy có thể đi liền hao hụt, "biến mất", thì Phạm An Hải ngày càng chín tỏa. Tài năng "lộ sáng" từ thời sinh viên, bền sáng khi qua tuổi 50 bởi cường độ lao động của một năng lượng sáng tạo đáng nể. 

Trầm tích và bùng nổ đồng thời trong niềm khát sống, An Hải tự mình tạo ra "cương giới" địa hạt anh sở trường và hiển danh: Tranh trừu tượng. Anh cũng tự "vượt biên" địa hạt thế mạnh để khai phá lãnh thổ khác, bởi chính nội lực mãnh liệt của mình. Những cuộc vượt "vượt biên" ấy không chỉ do ngẫu hứng, để chứng tỏ đa tài, mà tự nhiên, từ nền tảng một tâm hồn giàu có và lý tưởng "sống là cống hiến".

Coi tác phẩm là tiếng nói, căn cước nghệ sĩ, Phạm An Hải dám và thường trực chủ động "vượt biên" nhiều khía cạnh, chẳng bởi sự liều lĩnh, mà bởi đam mê đích thực giúp anh ấn lưu bằng định mệnh sự nghiệp, hôn nhân đều nhờ hội họa.

Đan chéo đa tầng ý nghĩ, vệt thời gian, kỷ niệm của tôi về Phạm An Hải. Phạm Đình Hổ (1768-1839), quê Hải Dương, học sĩ Hán học uyên bác, nhà văn, nhà biên soạn tầm cỡ là một ông tổ dòng họ Phạm An Hải - hậu duệ tác giả Vũ trung tùy bút (tùy bút viết trong ngày mưa) đúng 200 năm, cuộc đời cũng chẳng dễ dàng, đề huề phong lưu như số đông vẫn thấy.

An Hải bị nạn ở tuổi 30, khi hai con Công Thành (1993), Thu Trang (1995) còn thơ dại. Năm 1997, bị tấn công vô lý từ một kẻ tị hiềm, An Hải bị chấn thương nặng mắt phải. "Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay", làm công việc gì trên đời mà chẳng cần mắt, huống hồ nghiệp tạo hình. 

Phạm An Hải trải qua 3 lần phẫu thuật, đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần, đã có lúc chìm vào "hố đen tuyệt vọng" khi nghĩ đời mình bế tắc, không thể cầm cọ vẽ. Làm gì khác đây, khi là trụ cột gia đình, 2 con quá nhỏ. 

Chính tình yêu hội họa, vợ con là động lực khiến anh có sức mạnh lạ kỳ, làm nên kỳ tích. Hải vùng dậy khỏi giường, mắt còn băng kín, đến giá vẽ và "vồ vập" cơn âu yếm màu - hình lên toile trắng. Vung cọ như trận hôn tới tấp. Tràn ắp xúc cảm màu đau đớn hân hoan. Vẽ như thể lần cuối, như sập xuống ngày mai. Vẽ để mở ra một tương lai khác.

Những cơn đau mắt, đau đầu "hành" anh, sự gắng gượng của thị lực mắt trái trong khi mắt phải vừa mổ ít ngày là cuộc "vượt biên" khủng khiếp, siêu thường của Phạm An Hải. Và trời, phật, tổ tiên, thần nghệ thuật đã độ trì An Hải. 

Vợ chồng họa sĩ An Hải và hai con tại một cung đường trên đất Mỹ.

Anh đã thắng tai nạn ghê gớm ấy, anh tiếp tục vẽ, sáng tạo chỉ bằng mắt trái 20 năm nay quả là lập phương của phi thường. Nguyễn Minh Thu (1969), đồng môn sau học sau anh 2 năm, cùng sinh tháng 11 - mùa đông là lửa ấm cho An Hải 26 năm. 

Đâu phải số năm nhiều là "thâm niên" quan hệ, độ sâu sắc của tình vợ chồng Hải - Thu còn là tri kỷ, qua biến cố, thử thách tới êm đềm, vẫn đẹp đôi, nâng niu, trân trọng nhau.

Hội họa "tái sinh" và định danh An Hải: và tên anh góp phần làm sáng, thêm "điểm son" cho mĩ thuật Việt Nam trên bản đồ hội họa thế giới. Con đường dài không thuận chiều, bằng phẳng mà An Hải đã đi, không có chỗ cho quen tay, biếng lười, lựa theo thị hiếu, cốt bán chạy, chớp thời cơ tiền bạc. 

Việt Nam mấy chục năm sau đổi mới vẫn chưa có một lượng công chúng tinh hoa để định hình bền vững và xác lập một thị trường hội họa đẳng cấp chuyên nghiệp đúng nghĩa, thì sự kiên gan của cá tính, bản lĩnh sáng tạo càng không đơn giản. 

Dù ở thời đại nào, cái khó nhất của người nghệ sĩ là xác lập được "khuôn mặt" riêng biệt. Phạm An Hải làm được điều ấy, ngay ở các cường quốc nghệ thuật nơi mà tranh trừu tượng thịnh phát, chọn quê hương.

Chọn đất hoa để "nở", mười năm trước, người đàn ông mang tên biển mua mảnh đất ở Nhật Tân. Năm 2010, anh xây ngôi nhà 5 tầng "đúp" trên mặt bằng 150m2, một năm sau mời bố mẹ về tầng trệt.

Bỏ lại câu thơ Bùi Giáng "Còn hai con mắt khóc người một con", Phạm An Hải nén ghìm, cất ghém máu nước mắt, mất mát từ tai họa ấy (vẫn đau mỗi khi trở trời, căng thẳng) để, chỉ bằng một mắt, vẽ không ngơi như sóng đợt này dồn đợt khác, như ý tưởng nảy biếc suốt màu. 

Phạm An Hải như được quyền phép của thời gian. Không gian Thăng Long tụ tỏa trên khí quyển nghệ thuật mà anh và gia đình trú ngụ. Ngôi nhà sơn xám, tường trắng được ôm bởi hàng rào xanh ùa hương ra ngõ rộng gió tràn, gió sông Hồng lùa vào từng khung cửa sổ. 20 bậc cầu thang một nhịp tầng, tư gia Phạm An Hải là bảo tàng sống động, hấp dẫn của chủ nhân. 

Chẳng phải "phú quý sinh lễ nghĩa", dư dả kinh tế mới nảy sinh thú tiêu dao, An Hải tiếp thu ý chỉ Nguyễn Công Trứ "nghề chơi cùng lắm công phu" mà dày công chăm chút cho các sở thích một cách kỹ lưỡng, dồn tâm - cách bổ trợ cho phù sa tinh thần vừa sống nội tâm, chăm chút chi tiết lại hướng ngoại hào sảng, tích lũy mua đồ để giữ lại cổ vật, giữ những thế kỷ quanh mình. 

Bên cổ vật im lặng là tiếng tích tắc, hồi chuông của hàng trăm đồng hồ cổ. Cái thú vị là mọi đồng hồ đều chạy. Có phải nhiều hiện vật nhắc thời gian đến thế, mà anh chơi tới cùng, làm tới cùng, không nhạt phí một ngày.  

Xưởng vẽ của anh trên tầng 5 đầy ánh sáng, không tạp âm lọt qua kính cách âm, chỉ có nhạc cổ điển, đĩa than, đĩa nhựa, đĩa CD của các nghệ sĩ lớn, ban nhạc lừng danh, qua dàn loa khổng lồ Mark Evinson, Conrad Johnson (Mỹ), Revox (Đức). Đến nhà HS, tranh treo từ tầng 1 đến tầng 5 không lạ. Nhưng đến mà thụ hưởng một không gian thanh lịch, có gu, tinh tế tổng hòa như tư gia Hải - Thu hiếu khách, dễ mấy ai. 

Ông chủ sành trà, sưu tập nhiều bộ đồ pha trà độc đáo, trà Bạch Hạc Thái Nguyên, trà sen, trà suối Giàng Yên Bái không khó kiếm, danh trà Trung Hoa, Đài Loan, Ấn Độ, trà từ dãy Himalaya cũng tỏa thơm từ bàn tay pha sành điệu kiểu cách kia; Có phải bởi hào hoa, phóng khoáng, sẻ chia thú vui, niềm thụ hưởng bằng sự cộng cảm, ưa chiều bạn - khách, mà nhà An Hải hay có khách, bạn bè khắp nước và nước ngoài, đa quốc tịch, đến Hà Nội là muốn tới. 

Chủ nhà tiếp đãi chu đáo, còn bỏ công sức, thời gian đưa bạn đi miền núi ngắm hoa, du ngoạn. Đấy cũng là cách relax, nạp năng lượng mới, tiêu thời gian để rồi về, anh lại vẽ thâu đêm, thường chỉ dành mỗi đêm 3 giờ để ngủ. An Hải trường sức vì không theo nghề bằng bản năng, anh liên tục tích nạp kiến thức. 

Vợ chồng anh thành thạo Anh ngữ, thường xuyên xem TV, sách báo nước ngoài chuyên về hội họa. An Hải từ năm 1990 đã bỏ ghế giảng viên tại Cao đẳng Sư phạm nhạc họa; vợ anh cũng bỏ công việc giáo viên mỹ thuật trường cấp 2 về làm công việc khác và quán xuyến gia đình cho chồng yên tâm sáng tác.

Hai con của HS An Hải đều tuấn tú, tinh khôi và đều theo nghề cha, và HS còn có một cô con gái nhiều gien giống bố. Anh em HS trêu đùa, xếp HS Đặng Xuân Hòa (kết hôn khi 23 tuổi) lên ông ngoại sớm nhất, khi 46 tuổi, An Hải chiếm "giải nhì", 49 tuổi làm ông ngoại. 

Cậu bé Xoài nay được 20 tháng đã được ông ngoại dạy vẽ từ lúc bi bô. Yêu thương vợ, quý gia đình, mà vẫn nuôi dưỡng sự lãng mạn, lại liên tiếp triển lãm nước ngoài, được giải thưởng thế giới, An Hải làm được nhiều, từ chính việc biết "giữ vững biên cương" tổ ấm và hệ giá trị truyền thống của đạo hiếu, nếp sống, lẽ ăn ở trên đời. 

Vững "cương thổ" rồi mở rộng, thăng hoa sang các địa hạt, lãnh hải, cảnh giới khác, phiêu mà không ảo hão. An Hải đã nhiều lần đưa tranh vượt đại dương sang Mỹ, Minh Thu đồng hành cùng anh trong các chuyến tới Hoa Kỳ năm 2014, 2016. 

Từ 2012, tranh An Hải đều đặn xuất hiện tại mỗi kỳ mở phiên của nhà đấu giá hàng đầu thế giới Sotheby's. Giá sách trong xưởng vẽ của anh trĩu nặng những vựng tập in tranh An Hải ở các bộ sưu tập, bảo tàng... 

Phạm An Hải được giới thiệu trong sách 310 trang các tên tuổi trừu tượng thế giới, gồm cả P.Cézanne, Marc Chagall, S.Dali, H.Matiss. Bộ sách trừu tượng châu Á 100 năm, chọn ra 20 HS, Việt Nam duy nhất có Phạm An Hải. 

Anh nhận bằng The Best Modern and Contemporary 19/11/2016 của tổ chức ETA lớn nhất của mỹ thuật châu Âu (OTO The Art, EFETTOARTE), sự tôn vinh của Salvatore Russo, Francesco Saverio Russo, Hoàng gia Áo (Vienna Palais Russo Studio di Consulenza Artistica cho "The Artirs Pham An Hai - for the Stylistic value" (giá trị phong cách). 

Giải Nhì cuộc thi tranh trừu tượng thế giới trao tại New York năm 2015 trao cho Phạm An Hải, luôn là đại diện duy nhất của Việt Nam, kể cả khi dự trại sáng tác lớn tại Venise, Ý, Bienale d'Art tháng 5/2017.

Từ cuối đông 2017, An Hải mở một lối rẽ mới: vẽ chân dung. Người được anh chọn "mở hàng" là đồng nghiệp đàn anh Thành Chương. Thành Chương đón tuổi 70 bằng mấy chục bức chân dung quà tặng từ đàn em nhiều nơi quây tụ, có cả Đặng Tiến từ Hải Phòng lên. 

"Đội" HS tập trung tại nhà An Hải, có HS đưa tranh đến từ chiều hôm trước, để sáng 19-1-2018 cùng đến phủ Thành Chương. Chưa được xem hết bộ chân dung bày tại phủ hôm ấy, tôi vẫn linh cảm bức sơn dầu 30x40cm mà Phạm An Hải cẩn thận ghi đề tặng "ông anh yêu quý - danh họa Thành Chương" mà anh nể trọng ở tài năng và sức vẽ, là bức mang sắc thái Thành Chương nhất. 

An Hải đã tỏ rõ trình độ của một tay cọ được tôn vinh "master" về trừu tượng, hình họa điêu luyện ở mảng chân dung, qua các bức vẽ nhà văn Nguyễn Văn Thọ, Võ Tá Hùng... Series đang tiếp nối bởi anh đang mạch hứng khởi lối rẽ này cho năm nay.

Trừu tượng không phải sự "vô lối" như ai kém hiểu biết đã ngộ nhận, nhầm tưởng, trừu tượng có mã khóa để "mở", thường thức, thấu cảm. An Hải không thể nheo mắt như các HS thông thường. Khi muốn tập trung ngắm sâu, kỹ tranh, anh dồn sinh lực của cơ thể 78kg - khối óc bén nhạy và tâm hồn đa cảm cho những cuộc vẽ vật lực độc nhãn khổ nhọc và nhận lại sự xúc động, hào hứng của người xem chia sẻ. 

Để có sức vẽ lâu dài và sống chất lượng, cách tái tạo năng lượng của Phạm An Hải rất "chịu chơi". Anh đã đến mấy chục quốc gia trên thế giới qua các cuộc triển lãm, kết hợp du lịch, đưa vợ đi cùng...

An Hải còn nhiều thú chơi cầu kỳ. Người "nghiện" bánh chưng này, bánh kỳ công mua từ Điện Biên, gói bằng gạo nếp Mường Thanh, ăn quanh năm, như quanh năm, vườn và nhà anh luôn có hoa, chẳng chờ đến tết. Hoa giấy tím buông bờ rào xanh, cây khế gọi chim về hót chuyền tán lộc vừng, hoa hồng cổ hòa sắc tường vi, cây mận gai đua nụ mai chiếu thủy. Hương từ vườn theo cửa vào từng tầng. Nơi gian bếp, bình mùi già tỏa hương. 

Chị Thu vợ anh cũng thật cầu kỳ, chọn hàng tin cậy cho bữa ăn thường nhật, mà trứng vịt, dưa, cà chị tự muối thường xuyên. Tết thì chị làm thịt đông, bò kho, muối hành, cà la thau. Nước uống tự ngâm: sấu, mơ, dâu, chanh, quất, giò xào tự gói, bò cuốn tự làm... Thưởng trà nấm lim xanh, ngắm tranh, nhìn ra cửa sổ lớn hoa ngợp đất lành, yên tĩnh nghe tiếng chim ríu rít gọi đàn, hót lảnh lót.

Vợ chồng HS An Hải và con trai lớn có chuyến xuất hành đầu năm đúng mồng 2 tết Mậu Tuất, một tuần du xuân Tây Bắc bằng xe nhà, cùng gia đình mấy người bạn thân, trong đó có Phó Hiệu trưởng Đại học Mĩ thuật Việt Nam Nguyễn Ngọc Long, lên cao nguyên Mộc Châu (Sơn La), Lai Châu, Điện Biên, Y Tý (Lào Cai) ngắm hoa và cảnh sắc miền núi.

Thỉnh thoảng An Hải tự thưởng bằng cách dừng lại hút xì gà Cuba, mở dàn loa "khủng" và ngắm tranh đang vẽ hay vừa hoàn thành, sơn còn ướt. Một mắt "mở" vào nghệ thuật bằng tình yêu không biên giới, để đến được nhiều thế giới. Đấy chẳng phải là hạnh phúc đích thực nơi thiên đàng trên mặt đất hay sao?

Vi Thùy Linh
.
.