Phú Quang: “Chia cho tôi một đời thơ”

Thứ Sáu, 01/09/2017, 07:34
Phú Quang một đời làm âm nhạc. Nhưng ông cũng là người một đời “chia thơ” với các nhà thơ. Vì không có thơ, khó mà có một Phú Quang hoàn chỉnh của âm nhạc. 

Ông khiêm tốn bảo: “Đôi khi một bài hát tôi chỉ nhặt một câu thơ trong bài thơ tôi thích. Rồi tôi viết thêm ca từ của tôi vào. Tôi kể câu chuyện của tôi, đằng sau câu chuyện mà nhà thơ đã kể. Một câu thơ thôi nhưng sẽ là vĩnh viễn không có bài hát, nếu tôi không nhìn thấy một câu thơ đó”.

Năm ngoái Phú Quang tự mình viết hồi ký. Đọc thấy ông viết văn rất hay. Những lần ra album ông cũng tự viết phần giới thiệu. Kịch bản văn học của những đêm nhạc ông cũng một mình nhúng tay vào. Cái chất bảng lảng trong văn ông giống như cái màu sương khói trong âm nhạc của ông. Nói vui nếu ông đi làm thơ, viết văn, cũng thành tên tuổi không chừng. 

Phú Quang kể, hồi trẻ không mơ làm nhạc sĩ đâu, thích làm nhà văn nhà thơ hơn. Ngày đó toàn đánh đu với Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha và một số nhà viết tiểu thuyết khác, suốt ngày đàm đạo văn chương ở khu vực Trường viết văn Nguyễn Du. 

Đọc thơ của bạn bè thích lắm, thấy đời sống của dân văn chương rất sâu sắc. Nhưng rồi chả hiểu thế nào, Phú Quang lại thành ra nhạc sĩ. “Cũng có cái hay, chứ nếu làm thơ có khi giờ này tôi vẫn loay hoay là một nhà thơ trẻ không biết chừng”.

Không biết Phú Quang làm thơ thì có nổi tiếng như Phú Quang làm nhạc bây giờ không, nhưng có một điều chắc như đinh đóng cột, là nếu ông dan díu với nàng thơ, ông sẽ nghèo hơn bây giờ. Nhà sẽ bớt to hơn và xe sẽ bớt đẹp hơn. Dù sao thì bán nhạc vẫn dễ hơn bán thơ, lại nhiều tiền hơn bán thơ. Cho nên, bỏ thơ theo nhạc có khi lại là cái may.

Phú Quang đọc nhiều thơ. Trên giá sách của ông nhiều nhất là những cuốn thơ. Ông có nhiều bạn bè là nhà thơ. Mỗi khi đọc được một bài thơ hay, ông thường đắm chìm rất lâu trong đó. 

Ông cũng thích cảm giác hưng phấn khi bất ngờ phát hiện một câu thơ hay. Đôi khi một câu thơ vô tình, cứ quẩn quanh trong đầu ông, đòi có thêm một hình hài diện mạo mới trong âm nhạc, làm ông mất ăn mất ngủ. 

Bị thơ “nhập”, ông bắt đầu ngồi với cây đàn piano, và một bài hát có cuộc đời, chờ ngày ra mắt công chúng. Hàng trăm bài hát nổi tiếng của Phú Quang đã có mặt theo cách đó, rồi chảy trôi theo số phận riêng, mà khi còn là một bài thơ, tác giả thơ cũng không thể nào hình dung nổi.

Một bài hát hay là cộng hưởng của nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là âm nhạc và ca từ. Âm nhạc có khi còn cần đến kiến thức để phân tích, nhưng ca từ thì trực quan hơn. Nó đập thẳng vào trái tim, tâm hồn, cảm xúc của người nghe. Đôi khi người ta yêu ca từ một bài hát rồi từ từ mới đến phần âm nhạc. 

Để nói rằng, những câu từ vô cảm, vô nghĩa sẽ đóng cửa tâm hồn người nghe, không cho bài hát có được cơ hội đến với khán giả. Phú Quang có lẽ hiểu rõ điều này hơn ai hết. Đối với ông, gặp một bài thơ hay, đồng điệu là giây phút hạnh phúc. Mà những giây phút như vậy thường lại đến rất tình cờ.

Phú Quang kể về bài hát nổi tiếng được nhiều người yêu thích Một dại khờ, một tôi: “Hôm ấy tôi đọc được bài thơ Chia của Nguyễn Trọng Tạo rất vô tình. Đọc xong thấy đồng cảm ghê gớm. Có gì thật buồn, thật cay đắng xót xa trong những câu thơ giống như lời bộc bạch của đời thi sĩ. Chia cho em một đời tôi/ một cay đắng/ một niềm vui/ một buồn/ tôi còn cái xác không hồn/ cái chai không rượu tôi còn vỏ chai/ Chia cho em một đời say/ một cây si/ với/ một cây bồ đề/ tôi còn đâu nữa đam mê/ trời chang chang nắng tôi về héo khô/ Chia cho em một đời thơ/ một lênh đênh/ một dại khờ/ một tôi/ chỉ còn cỏ mọc bên trời/ một bông hoa nhỏ lặng rơi mưa dầm. 

Thời điểm tôi đọc bài thơ này, phong trào chân dài yêu đại gia đang sôi nổi lắm. Khắp báo chí truyền thông, chỗ nào cũng thấy nhắc chuyện đại gia. Ngẫm về đời nghệ sĩ, đời các thi nhân, tự dưng lòng như chùng lại, buồn. Bài thơ nói về cái sự chia, sự cho, sự trao của người nghệ sĩ. 

Mấy ai hiểu được nỗi lòng, trái tim của họ. Thế là tôi viết, chừng 1 tiếng thì xong bài hát và đặt tên là Một dại khờ, một tôi. Rồi tôi bốc máy gọi cho Nguyễn Trọng Tạo. Anh Tạo nghe, gật gù khen hay, nói rất thích”.

Một trong những bài hát nổi tiếng khác là bài Khúc mùa thu của Phú Quang phổ thơ Hồng Thanh Quang. Phú Quang kể: “Hồi đó tôi chơi với cả Lê Dung và Hồng Thanh Quang. Tôi chứng kiến tình yêu của họ và thấy cảm động về mối tình nghệ sĩ rất đẹp đó. Có lần tôi nói với Hồng Thanh Quang tôi muốn viết tặng hai người một bài hát. Rồi một hôm tôi tình cờ đọc bài thơ Khúc mùa thu của Hồng Thanh Quang. Đọc xong bài thơ, thì dường như bài hát đã hình thành. Tôi viết một mạch. Và bài hát ra đời như vậy. Nó luôn là bài hát được khán giả yêu thích nhất và gần như năm nào cũng được vang lên trong chương trình của tôi”.

Nhạc sĩ Phú Quang với người bạn thơ Nguyễn Trọng Tạo.

Nhà thơ Hồng Thanh Quang có lần bộc bạch, đối với riêng anh mà nói, bài hát Khúc mùa thu đã  trở thành ca khúc định mệnh, vì dường như nhạc sĩ đã tiên cảm được tất cả những gì anh sẽ phải gánh chịu trong tình yêu. 

“Hơn một phần tư thế kỷ trôi qua nhưng Khúc mùa thu” mỗi khi vang lên đều khiến cho lòng tôi nhức nhối” - nhà thơ Hồng Thanh Quang chia sẻ.

Kể tên những nhà thơ mà Phú Quang đã từng phổ nhạc thì nhiều lắm, nhiều đến mức có người nói đùa, nếu có một show diễn mà Phú Quang mời tất cả các tác giả thơ ông từng phổ nhạc đến thì cũng đủ kín rạp, khỏi cần bán vé. 

Phú Quang gần gũi các nhà thơ và ông rất thương họ. Các nhà thơ thường nghèo, nhuận bút từ thơ chẳng đáng là bao. Phú Quang thường gửi tiền tác quyền cho các nhà thơ rất đầy đủ.

Ông bảo, người mà ông thương nhất có lẽ là Doãn Thanh Tùng, vì hoàn cảnh của nhà thơ rất khó khăn. Lâu lâu ông lại lấy cớ gửi cho nhà thơ chút tiền, dù chẳng có chương trình nào cả.

Một lần, trong lúc trà dư tửu hậu, Phú Quang kể chuyện rủ bạn nhà thơ đi kiếm tiền. Thái Thăng Long đến gặp tôi và bảo, ông Quang, tôi đang cần tiền, ông cho tôi vay dăm chục triệu. Phú Quang bảo, cho ông vay chuyện đơn giản, nhưng ông việc gì phải vay. Ông sẽ có nhiều hơn số tiền đó bằng chính thơ của ông, thế có phải sung sướng không, đỡ phải áy náy chuyện vay nợ. 

Khi đó Phú Quang đang nhận lời viết bài hát với một vị lãnh đạo ở địa phương nọ. Ông đưa Thái Thăng Long cùng đi. Đến gặp vị lãnh đạo nọ, Phú Quang bảo, tôi chỉ có thể sáng tác phần nhạc, còn ông nhà thơ này sẽ viết lời cho bài hát. Tất nhiên, Thái Thăng Long đảm nhiệm viết một bài thơ. Rồi Phú Quang sử dụng lời thơ cho bài hát. Xong bài hát, cả nhạc sĩ lẫn nhà thơ được trả thù lao. Thái Thăng Long nhận xong thì vội vàng đến chỗ Phú Quang, bảo, ông xem có nhầm không, sao họ lại trả cho tôi nhiều tiền thế, những hơn 100 triệu. 

Cả đời làm thơ, chắc chắn chưa khi nào nhà thơ nhận được khoản nhuận bút lớn thế. Phú Quang cười, hóm hỉnh nói với Thái Thăng Long, ông mà chê nhiều nhớ đừng trả lại họ mà đưa cho tôi nhé. Của tôi họ trả 750 triệu mà tôi vẫn còn thấy ít đấy. Mỗi lần gặp nhau, Phú Quang và Thái Thăng Long lại nhớ kỷ niệm này. Hóa ra thi ca cũng có lúc được giá lắm đấy chứ.

Yêu quý các nhà thơ, hiểu được từng câu chuyện cuộc đời phía sau bài thơ mình phổ nhạc, Phú Quang có một mối đồng cảm sâu sắc với những người bạn thi sĩ. Thỉnh thoảng ông nghẹn lời khi kể chuyện với bạn bè thân thiết về cuộc đời hay tình yêu của nhà thơ này, nhà thơ kia. Ông cắt nghĩa được vì sao nhà thơ lại viết bài thơ này, bài thơ khác. Và Phú Quang xác định, cuộc chơi của ông với các nhà thơ là “vô điều kiện”.

Vài ba năm trước, trong đêm thơ nhạc của Hồng Thanh Quang, Phú Quang vui mừng làm khách mời. Ông biểu diễn, nói chuyện với khán giả về thơ của chủ nhân đêm diễn. Sắp tới đây, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo làm đêm nhạc, ông cũng nhiệt tình nhận lời. 

Tò mò hỏi chuyện cát-sê, Phú Quang bảo: “Tôi không chê tiền, nhưng với chương trình Nguyễn Trọng Tạo, đừng nói chuyện tiền với tôi. Tôi thích thơ anh Tạo viết, nó hợp với tôi và âm nhạc của tôi. Chưa bài thơ nào của Nguyễn Trọng Tạo tôi phổ nhạc mà không thành công”.

Phú Quang bảo, những câu thơ hay nó cứ ám vào mình, đòi mình chia cho nó một đời sống khác bằng âm nhạc. Rồi Phú Quang thủng thẳng đọc thơ. Bài thơ Phiêu diêu của bạn ông, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, đã được ông phổ nhạc thành bài hát cùng tên, từng là một bài hit của ca sĩ Trần Thu Hà. “Rồi mùa xuân rồi sẽ qua thanh xuân không lặp lại/ thuốc trường sinh đồng lõa với dối lừa/ cây-mười-hai-cành chết rồi sao bóng râm cứ còn mãi trong thơ...”.

Vũ Quỳnh Trang
.
.