Nguyễn Ngọc Ký: Trời xe mấy sợi chỉ hồng mà vui

Thứ Tư, 10/05/2017, 07:18
Bị liệt hai tay từ nhỏ, Nguyễn Ngọc Ký đã dùng chân để viết chữ, để vượt lên số phận nghiệt ngã và trở thành một tấm gương về nghị lực sống. Hành trình từ một cậu bé tật nguyền ở vùng quê Hải Hậu - Nam Định đến một nhà thơ - Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký đã được chính ông viết trong các cuốn hồi ký “Tôi đi học”, “Tôi học đại học” và “Tôi dạy học”.


Với một chút cơ duyên quen biết Nguyễn Ngọc Ký, tôi cảm thấy tình duyên của ông cũng khiến nhiều người trong chúng ta ngạc nhiên và trân trọng.

Trong căn nhà khang trang được xây dựng trên miếng đất do quận Gò Vấp, TP HCM ưu ái dành tặng ông, nhà thơ - Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký ở ngưỡng cổ lai ly vẫn cần mẫn với tư cách... một nhà tư vấn tâm lý qua điện thoại. 

Tên tuổi và sự chân thành đã giúp ông làm một chuyên gia gỡ rối vướng mắc cho hàng trăm người mỗi ngày. Điện thoại nhà ông được nối thẳng với tổng đài 1080, hễ ai có tình huống gì khó giải quyết thì... đầu dây nghe vang một giọng ấm áp: “Xin chào, Nguyễn Ngọc Ký đây!”.

Nhà giáo ưu tú - nhà thơ Nguyễn Ngọc Ký trong buổi gặp mặt cuối năm do Thành ủy TP HCM tổ chức.

Câu chuyện giữa tôi và ông cứ liên tục đứt quãng vì những cuộc a lô trợ giúp. Tôi quan sát, thấy cách Nguyễn Ngọc Ký làm nhà tư vấn tâm lý cũng thật kỳ thú. Cái điện thoại được đặt trên giường, khi có chuông reo, ông nằm vật ra giường rồi lấy chân kẹp cái ống nghe đặt vào tai và nhẹ nhàng khuyên giải khách hàng đang gọi tới: “Đừng khóc, đừng khóc! Nước mắt để dành khóc mẹ, khóc cha. Còn yêu đương trai gái phải ứng xử bằng cách khác...”.

Nguyễn Ngọc Ký dùng chân pha trà và rót trà, rồi cười: “Bây giờ tớ là anh giáo về hưu, làm tư vấn mỗi phút được 1.000 đồng. Vừa giúp người vừa giúp mình, mỗi tháng kiếm được mấy triệu để trang trải chi phí chống chọi với bệnh thận!”.

Ánh mắt tinh tế của ông nhìn thoáng qua, dường như đã đọc được sự thắc mắc trên khuôn mặt tôi, nên thổ lộ tiếp: “Cuộc sống hiện đại ngột ngạt lắm, dửng dưng lắm. Người ta gọi đến tớ, chưa hẳn để nhận lời mách bảo nào đâu, mà chủ yếu muốn có một người thành tâm nghe họ tâm sự. Có cuộc tư vấn kéo dài 275 phút đấy!”.

Có vẻ không khí đã cởi mở, tôi khơi gợi: “Ông gỡ rối tình duyên cho thiên hạ, còn tình duyên của ông thì sao?”. Nguyễn Ngọc Ký bật cười sảng khoái: “Tình duyên của tớ nhiều phen cũng éo le lắm, nhưng trời thương cho cưới vợ hai lần, đứt tình cô chị lại nối duyên cô em!”.

Nguyễn Ngọc Ký kể: “Năm 1970, tớ tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội. Không biết từ đâu cụ Phạm Văn Đồng hay tin, cho mời vào Phủ Thủ tướng gặp mặt. Sau khi nghe tớ trình bày dự định về lại quê nhà dạy học, cụ Phạm Văn Đồng hỏi ngay: “Thế chưa có kế hoạch cưới vợ à?”.

Tớ lúng túng thưa: “Hoàn cảnh cháu thế này, làm một giáo viên bình thường đã khó, dám mong gì chuyện làm chồng, làm cha!”.

Cụ Phạm Văn Đồng vỗ vai động viên: “Nghĩ vậy là sai. Cháu cần phải có vợ hơn ai hết. Về, lấy vợ đi. Nếu cháu không tự tìm vợ được, thì trở lại đây, bác mai mối cho!”. Như được tiếp thêm nghị lực, tớ vừa chăm chỉ lên lớp giảng bài, vừa lặng lẽ thăm dò các cô giáo đang độ tuổi như mình!”.

Ngừng lại, dùng ngón chân kẹp tách trà đưa lên miệng uống một ngụm, đuôi mắt Nguyễn Ngọc Ký nheo nheo đầy ẩn ý: “Thời đó tớ ngố lắm. Chả biết tỏ tình ra sao, cứ thấy ai có vẻ hợp với mình thì tối về làm một bài thơ, hôm sau mang ra... bưu điện xã để gửi, chứ cũng không dám đưa tận tay! Thơ tình gửi đi mấy bận mà chẳng thấy hồi âm gì. Lúc tưởng chừng nản chí rồi thì một cô gái bất ngờ xuất hiện. Cô ấy theo anh trai từ huyện Nam Trực xuống nhà tớ chơi. Như kiểu chúng ta hay nói là tiếng sét ái tình ấy, tớ bám theo tỉ tê liền...”.

Vợ chồng Nhà giáo ưu tú - nhà thơ Nguyễn Ngọc Ký.

Tôi chen ngang: “Lại... làm thơ phải không?”. Nguyễn Ngọc Ký đáp gọn: “Dĩ nhiên!” và đặt cái tách trà xuống bàn, bồi hồi nhớ lại: “Nàng đi rồi, tớ thao thức mãi, hôm sau gửi cho nàng bài thơ, ngoài bì thư ghi rõ “Gửi Nhiễu thương yêu!”. Nàng nhận được, hôm sau lặn lội 30 cây số đường quê qua thăm tớ ngay”.

Tôi tò mò: “Bài thơ viết gì mà có sức mạnh dụ dỗ ghê gớm vậy?”. 

Nguyễn Ngọc Ký ngâm nga: “Tối nay hai đứa bên thềm. Trời không trăng, đất dịu hiền lặng im. Khuya về thăm thẳm màn đêm. Vẫn đôi mắt ấy ánh lên sắc hồng. Đây của em cả tấm lòng. Muốn dâng anh trọn giữa vòng yêu thương. Đây của anh cả quê hương. Muốn dâng em hết bốn phương đất trời”.

Tuy nhiên, tình trong như đã, mà mặt ngoài chưa yên. Bố của cô Nhiễu kiên quyết từ chối, khi nghe tin con gái muốn lấy Nguyễn Ngọc Ký làm chồng. 

Một người bạn thân tên là Cách vừa chở Nguyễn Ngọc Ký đến đầu ngõ, thì bố của cô Nhiễu đã xua tay: “Không ai hoan nghênh. Ở đây không có Ký - Cách gì hết!”. Vừa buồn vừa tủi, Nguyễn Ngọc Ký than thở với nhà thơ Đoàn Văn Cừ. Vốn là hàng xóm của gia đình cô Nhiễu, nhà thơ Đoàn Văn Cừ khảng khái: “Cháu cứ yên tâm, để bác nói cho!”.

Kéo bố của cô Nhiễu sang nhà uống rượu, thi nhân Việt Nam nức danh với bài thơ Chợ tết mềm mỏng trình bày: “Người đời, ai cũng chết, chỉ có nhà thơ không chết, ông ạ! Cậu ấy tuy thua thiệt, nhưng là nhà thơ đấy! Hơn nữa, tên cậu ấy là Ngọc Ký, có nghĩa chữ viết trên đá, quý giá lắm. Chúng ta tuy viết bằng tay, nhưng chữ của chúng ta không thể có nhiều người muốn xin bằng chữ của cậu ấy viết bằng chân”. 

Nể uy nhà thơ Đoàn Văn Cừ và nghe cũng xuôi tai, bố của cô Nhiễu đồng ý cho tổ chức đám cưới.

Nguyễn Ngọc Ký tiếp tục tường thuật mối tình lâm ly: “Nếu không có nhà thơ Đoàn Văn Cừ thì không ai có thể lay động được bố của cô Nhiễu. Khi biết cô Nhiễu viết cho tớ mấy câu thơ “Dù cho sóng gió phũ phàng. Lòng em vẫn đứng vững vàng bên anh”, ông bố đã vác gậy rượt đánh. Thấy chị bị đòn, em gái của cô Nhiễu tên là Đậu thương chị ốm yếu, đã ôm lấy chị để đỡ bớt roi vọt cho chị! Mối tình giữa tớ và cô Nhiễu thì cô Đậu đã chứng kiến và đồng cảm ngay từ đầu. Do vậy, khi đã thành vợ tôi, cô Nhiễu vẫn thường nửa đùa nửa thật: Nếu mai này em có mệnh hệ gì, thì Đậu sẽ thay em chăm sóc anh!”.

Cuộc hôn nhân với cô Nhiễu đã mang lại cho nhà thơ - nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký một mái ấm hạnh phúc với ba người con lần lượt ra đời và dần dần thành đạt. Năm 1994, bà Nhiễu bị tai biến mạch máu não.

Lúc nằm tại bệnh viện ở Hà Nội, tưởng mình không qua khỏi lưỡi hái tử thần, bà Nhiễu gọi chồng và em gái đến cạnh giường, dặn dò mạch lạc: “Anh Ký ơi, cái Đậu không may chồng mất sớm, phải một mình nuôi hai con, anh hãy yêu thương nó như đã từng yêu thương em... Đậu ơi, anh Ký là cả cuộc đời chị, em giúp chị đỡ đần những năm tháng còn lại của anh ấy.. Hai người ở lại, hãy vì một người vắng mặt mà nương tựa nhau sống tiếp nhé!”.

Định mệnh dẫu trái ngang cũng có những độ lượng nhất định. Cơn tai biến chỉ làm bà Nhiễu liệt nửa người, chứ chưa nhẫn tâm bắt bà rời khỏi thế gian. Năm 1995, Nguyễn Ngọc Ký đưa vợ vào TP HCM sinh sống và tận tụy chăm sóc bà. Sự xúc động bỗng hiện ra trong giọng kể bùi ngùi của Nguyễn Ngọc Ký: “Hai vợ chồng tớ còn lại một cánh tay thôi. Những lúc tớ tắm rửa và thay quần áo giùm vợ, bà Nhiễu lại nhắc đến Đậu. 

Suốt 6 năm chịu đựng sự dày vò của bệnh tật, vợ tớ cứ giục kêu Đậu từ Nam Định vào sống chung. Tớ ngần ngại nên cứ ậm ừ cho qua chuyện. Đến năm 2001, lúc hấp hối, vợ tớ ráng sức hỏi câu duy nhất: “Cái Đậu đã vô chưa?”. Chỉ khi thấy cô Đậu đứng bên tớ khóc nức nở, vợ tớ mới thanh thản nhắm mắt!”.

Tôi nhìn tấm ảnh bà Nhiễu trên bàn thờ, và tin rằng bà đã cười mãn nguyện từ giã dương gian khi biết người chồng cực nhọc của mình đã tục huyền với người em gái lận đận của mình.

Tự truyện của Nguyễn Ngọc Ký.

Bà Đậu vừa đi chợ về, thấy chồng có khách liền nhanh nhẹn gọt trái cây mang ra chiêu đãi. Bà Đậu có khuôn mặt phúc hậu giống hệt chị ruột. Năm 2002, nhà thơ - Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký và bà Đậu đã tổ chức một lễ cưới đơn giản, trước sự chứng kiến của bạn bè và người thân. Bà Đậu đã làm theo di nguyện của chị, chu đáo chăm sóc miếng ăn giấc ngủ cho ông chồng đặc biệt.

Ngoài việc bếp núc, mỗi tuần bà Đậu đều “hộ tống” nhà thơ - Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký đi giao lưu ở các trường học. Căn phòng đọc sách và viết lách của ông Nguyễn Ngọc Ký, nhờ bàn tay của bà Đậu mà ngăn nắp và gọn gàng. 

Tôi hỏi bà Đậu: “Từ ngày chính thức làm vợ chồng đến nay, nghe nói thầy Ký làm nhiều bài thơ tặng cô lắm, phải không?. Bà Đậu cười, một nụ cười chất phác và hiền lành. Ông Nguyễn Ngọc Ký thay vợ trả lời bằng cách trầm bổng đọc hai câu thơ: “Bên nhau cau thắm trầu xanh. Vì chưng nghĩa nặng mà thành duyên sâu!”.

Lúc được nhà thơ - Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký tiễn ra cửa, tôi ngoái lại thấy bà Đậu đang cắm hoa lên bàn thờ. Bên cạnh tấm ảnh của bà Nhiễu, có một tấm ảnh người đàn ông, chính là chồng quá cố của bà Đậu! Hai người đã khuất được thờ chung, để mỗi ngày khói hương bịn rịn chứng kiến mối tình tốt đẹp của hai người đang sống bình yên!

Lê Thiếu Nhơn
.
.