Kỹ sư Phạm Ðình Quý Và ước nguyện sống là cho

Thứ Tư, 25/09/2019, 09:27
Có những người nhỏ bé, giản dị, bình thường như bao người khác, nhưng tâm hồn và nhân cách lại lặng lẽ tỏa sáng bằng những việc làm đẹp đẽ mà không mảy may toan tính.

Bởi với họ, cho đi không phải là mất đi, mà ngược lại, nó làm cho tâm hồn người ta thấy thoải mái, và hạnh phúc hơn. Cho đi, tại sao không? Với kỹ sư Phạm Đình Quý, cho đi là thứ dễ làm nhất của cuộc đời này…

Niềm vui của học sinh vùng cao tại mái trường có tấm lòng gây dựng của kỹ sư Phạm Ðình Quý.

Kỹ sư Phạm Đình Quý là một người đàn ông có trái tim nồng ấm, lan tỏa tình thương, sự chia sẻ và hướng thiện. Suốt 5 năm qua, trải qua quãng đường dài 365.000 km, anh cùng với bạn bè mình và sự chung tay góp sức của nhiều “mạnh thường quân” đã xây 105 ngôi trường khang trang ở những vùng cao khó khăn, góp phần hiện thực hóa giấc mơ đi học của nhiều em nhỏ.

Anh Quý cho biết trước đây anh từng là giám đốc một công ty xây dựng. Sau khi công ty phá sản, anh bỏ việc. Lúc rảnh, anh tham gia hoạt động từ thiện, và "chém gió" trên các diễn đàn. Còn cơ duyên dẫn lối anh đến với công việc kỹ sư xây trường tình nguyện bắt đầu từ một lần theo đoàn thiện nguyện lên Mường Lát tặng đồ cho các cháu nhỏ. 

"Hôm ấy, trời đổ cơn mưa lớn, tôi đi ngang qua căn nhà bán trú dột nát của các cháu mà quên luôn cả việc đi tặng quà, cứ đứng đấy suy nghĩ một hồi lâu. Hầu hết học sinh ở nơi đây đều là những em nhà rất xa, chưa kể địa hình hiểm trở, muốn học con chữ thì đều phải ở lại trong căn nhà bán trú này. Vậy mà, dột nát thế này sao ở".

Thế là anh quyết định phải "hô biến" những lớp học tạm bợ, những bức tường bằng tranh tre dột nát này thành ngôi trường mới kiên cố và vững chắc. Bởi phải có học thì tương lai mới khá lên được. Điểm trường Mường Lát đầu tiên này như một dấu mốc lớn của cuộc đời. Cái khó khăn lần đầu được trải nghiệm cho anh thứ xúc cảm không bao giờ quên.

Để xây một ngôi trường trên núi cao quả thật rất vất vả. Vất vả nhất là việc vận chuyển vật liệu lên tới nơi xây trường vì đường đi nhỏ hẹp, dốc núi quanh co, trơn trượt, dựng đứng… không xe nào có thể đến nơi được, tất cả đều phải nhờ vào sức người. Ở đây bà con dân tộc và cả các thầy cô giáo đều tự nguyện dùng sức mình giúp đội thợ của anh Quý vận chuyển từng viên gạch, từng bao xi măng…

Khi công việc vận chuyển hoàn thành, mọi người lại tiếp tục giúp sức làm các công việc như đánh vữa, khuân gạch, đun nước... để ngôi trường nhanh được hoàn thiện hơn. Mọi người cùng làm, cùng chuyện trò gần gũi, sát cánh bên nhau chẳng khác gì một gia đình để xây dựng những ngôi trường mới bằng tình yêu thương.

Năm năm với 105 ngôi trường mới dành cho các em nhỏ ở những miền đất xa xôi hẻo lánh, anh Quý luôn tìm những điểm trường khó khăn nhất để làm. Mặc dù càng ở sâu, càng ở xa, điều kiện đường sá càng khắc nghiệt nhưng anh chưa từng từ chối bất cứ đề nghị nào. Anh chia sẻ: "Mình nhận ra sự đầu tư về tri thức chưa bao giờ là thừa. Có cái chữ, các em nhìn đồi trọc sẽ biết trồng cây gì, nuôi con gì để làm giàu cho quê hương. Đó mới là giá trị con người!".

Trung bình mỗi điểm trường từ Điện Biên tới Lai Châu, Bắc Kạn, Hà Giang,... được xây nên từ 10.000 viên gạch, 30 khối cát và khoảng 10 tấn xi măng. Những con số cho thấy sự khó khăn vất vả nhưng anh bảo anh không thấy khổ, chỉ thấy niềm vui, tiếng cười và niềm hạnh phúc khi được cho đi. Những căn nhà bê tông mái ngói đỏ tươi chính là dấu hiệu của sự đổi thay, của tương lai và một mai hy vọng.

Không chỉ là một con người dễ mến, chân thành, đầy nhiệt huyết, yêu thương và sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ cộng đồng, ở anh Quý luôn toát ra nguồn năng lượng tích cực, và câu chuyện của anh có sức lan tỏa, khích lệ tất cả mọi người. 

Bác sĩ Shigeaki Hinokara từng viết: "Sinh mệnh là thời gian được trao ban cho mỗi người. Nếu mỗi người chúng ta không chỉ sống cho riêng mình trong quỹ thời gian giới hạn đó mà còn sử dụng thời gian ấy để giúp ích cho người khác, cho dù chỉ là một giờ đồng hồ, thì một giờ đồng hồ ấy cũng có ý nghĩa cực kỳ sâu sắc. Chỉ cần có thêm một người biết sống như thế thì thế giới này sẽ tươi đẹp hơn, cuộc sống sẽ có ý nghĩa hơn".

Mặc dù được vinh dự nhận giải Top 10 nhân vật truyền cảm hứng của WeChoice Awards 2018 và Top 5 Đại sứ truyền cảm hứng 2018, nhưng anh khẳng định: "Đúng là cuộc sống khó khăn của các em nhỏ vùng cao đã thôi thúc tôi, nhưng nếu không được các nhà hảo tâm ủng hộ, bạn bè tiếp sức và cổ vũ thì tôi sẽ không bao giờ có được thành quả của ngày hôm nay. Thường những người làm ra tiền thì không có thời gian, còn những người có thời gian thì không có tiền. Tôi chỉ dùng toàn bộ sức lực tổng hợp những cái "tốt" lại để tạo nên một giá trị đích thực. Tôi nguyện mãi là người chiến binh chân thành của các em nhỏ vùng cao.

Thu Thủy
.
.