Vui lưu lạc dưới cùng một gầm trời

Thứ Ba, 31/01/2017, 12:13
...Tôi nghĩ là mình vẫn giữ được cái thẻ lên máy bay từ hai mươi năm trước, khi tôi - một cậu bé quê mùa gầy nhẳng bỡ ngỡ vừa thoát cảnh cơm độn sắn khô - được tiếp xúc với cỗ máy hiện đại đến sởn gai ốc của nhân loại tiến bộ.

Chiếc Boeing trườn trên mây gió, như một tòa lâu đài diễm lệ biết bay. Với tôi, các tấm thẻ lên máy bay hoặc dấu triện ở những hòn đảo xa xôi đè lên tờ công lệnh mang tên mình nữa…, chúng được giữ lại, vừa giống như kẻ cuối mùa nhan sắc ôn lại kỷ niệm lúc mình còn mơn mởn đương tơ, lại vừa là biểu hiện của một cái thứ "nghiện" rất thú vị và cũng rất... tai hại. Nghiện đi.

Lãng mạn trên mọi cánh bay. Say mê ôtô và xe máy. Nghiện mua sắm va li, ba lô, túi xách. Tóm lại là toàn những thứ để xê dịch. Nghiện sưu tầm đá sỏi đặc trưng từng vùng địa lý cùng các cuốn sổ tay mang thương hiệu mỗi quốc gia. Nghiện rửa những tấm ảnh khoảnh khắc lịch sử giăng kín các bức vách nhà mình.

Đây, con đèo cao nhất thế giới ở Tây Tạng; kia, hai sải bơi của chính tôi, khi lượn từ Đại Tây Dương sang Ấn Độ Dương ở Mũi Hảo Vọng (Nam Phi). Kia nữa, hắn thò chân xuống Biển Đen ở Sochi (Nga) rồi lại thắp nhang cho Khổng Minh ở miếu Vũ Hầu bên đất Ba Thục huyền thoại (Tứ Xuyên, Trung Quốc...).

Tôi cũng lưu giữ, "trưng bày" đủ các mẫu thẻ nhà báo mà đời mình từng được cấp. Sưu tầm gần như đủ từng thẻ bước lên giời với các chuyến bay trong đời. Những đồng hồ từng đeo, kính cận từng sử dụng, không thiếu cái nào. 

Xe máy từng vi vu xuyên Việt cũng được tháo xăng, tháo ắc quy ra trưng bày. Tôi lưu giữ và trưng bày cho riêng mình, như một lối sống không vô cảm với từng bước chân của mình trên trần thế (chứ tuyệt nhiên không dám nghĩ mình là anh hùng hay mỹ nhân để lập bảo tàng cho thiên hạ ngắm và tưởng nhớ).

Tuy nhiên, vật vã gần hai chục tiếng trên chín tầng mây vẫn có những "khi tỉnh rượu, lúc tàn canh" ngồi ngẫm lẩn thẩn rằng, liệu máy bay có bay lạc vào một quỹ đạo thần bí nào đó, rồi vĩnh viễn lơ lửng như hạt cát bằng sắt trong hệ thiên hà rộng lớn hơn mọi sự hình dung của loài người không?

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (ảnh chụp tại thủ đô Moskva, Nga)

Có lần bay sang châu Phi, quá cảnh ở Hong Kong vài tiếng xong, vừa ngược đường trời, tôi đã hỏi một nữ tiếp viên da đen to lừng lững: "Này cô em, anh hỏi thật, tàu bay nó phải dừng lại đổ xăng, bơm dầu gì đó chứ?". "Không, bay thẳng anh ạ". "Vô lý. Hay là có máy bay nào đó bay ở trên đầu rồi mở nắp, bơm dầu vào?", một người hỏi vui.

Rồi tôi bắt đầu kể cho họ nghe về những ngày đầu tôi đi tàu bay lên Tây Bắc (Việt Nam). Sân bay Nà Sản ở tỉnh Sơn La rồi sân bay Điện Biên Phủ, chúng cứ vàng ươm biến thành sân phơi ngô lúa.

Chiếc ATR 72 cũ kỹ dạng chân đi giữa hai làn bê tông khấp khểnh, bụng nó dường như chạm cả vào lúp xúp cỏ hoa. Trước khi hạ cánh, nhân viên mặt đất đội mũ lá, cầm roi đuổi bò ra để dọn hiện trường, rồi đóng cánh cổng tre, kê ghế, ngồi canh không cho bò quay trở lại. 

Xe ôm người Thái, người Mông vào tận cửa, bấu vào cầu thang máy bay mà... mời khách. Bù lại, những tuyến bay ngắn bao giờ người lữ thứ cũng bị hớp hồn bởi cảnh sắc bên dưới. Núi dựng thành vách. Mây đuổi nhau mải mốt. Đặc biệt là các dòng sông miền núi cứ chơi trò ú tim, khi như thanh kiếm tuốt trần sáng choang, lúc lại rúc mình vào bụng của rừng núi xanh bất tận. 

Sau này tôi đã nhiều lần lang thang trong rừng châu Phi bằng những chiếc trực thăng đỏ ối, xanh lè, xinh xẻo y hệt đàn chuồn chuồn. Lại khoái chí với những chuyến bay ngắn ra đảo Penang của Malaysia hoặc vù đến thiên đường nghỉ dưỡng Sochi của Nga, hoặc các trực thăng bé như đồ chơi ở ven Moskva, trực thăng bay ngắm nóc nhà thế giới Himalaya ở Nepal.

Con chim sắt huyền thoại đây ư? Cỗ máy tinh vi như biểu tượng của trí tuệ con người thế kỷ 21 đây ư? Không, nó bé như cái dù tròn của một bà bán chè chén với bốn cái ghế gỗ ở vỉa hè Hà Nội. Bé đến mức, cô nhân viên đẹp như người mẫu của sân bay dùng một tay đẩy nó đi bằng bánh xe được, vừa đẩy vừa cọ rửa.

Vui, lưu lạc dưới gầm trời. Những người bạn đến từ các vùng đất xa xôi đã cùng với những người bạn gần gụi ở trong nước làm thay đổi tôi rất nhiều. Một cô gái Do Thái 25 tuổi, tóc vàng và mắt xanh như nước biển đã bỏ ngang giấc mơ đi vòng quanh thế giới của mình, khi gặp lũ trẻ sống trong hang núi đầy khói thuốc phiện, dưới mức sống của một con người tại Sa Pa. Cô kêu cứu đến mười lăm tổ chức bảo vệ trẻ em và thiện nguyện của quốc tế và Việt Nam, rồi cô cùng tôi bò như thạch sùng vào các hang tội lỗi kia để cứu đám trẻ và bố mẹ lầm lạc vì ma túy, HIV của chúng. 

Câu chuyện đã khiến Phó Thủ tướng Việt Nam phải vào cuộc, chỉ đạo Bộ Công an cùng cơ quan chức năng Lào Cai giải quyết dứt điểm thảm trạng. Từ bấy, Sa Pa, Việt Nam, trở thành quê hương thứ hai của cô. Cô đến đó, đem tiền giúp lũ trẻ, chống nạn tảo hôn, nạn dùng trẻ em làm mồi nhử kiếm tiền của những ông bố, bà mẹ nghiện ma túy.

Thổ cẩm các bé làm ra, cô gái tóc vàng đóng va-li mang sang Nhật tiêu thụ giúp. Một người đàn ông bỏ cả cuộc đời danh tiếng kinh doanh tài chính để vào rừng châu Phi, đeo súng lớn với vàng chóe các băng đạn ốp quanh người, nhằm bảo vệ sư tử, voi và tê giác cho Lục địa đen. 

Một cô gái Hà Lan bỏ kinh đô ánh sáng vào sống trong rừng Kruger của Nam Phi để chống lại "cuộc chiến tranh tê giác" đang cực kỳ thảm khốc. Rồi gã lái trực thăng người Pháp, râu vểnh như chổi sể, sẵn sàng tung mình lên xanh ngắt trời châu Phi để tôi được ngồi bên cạnh hắn, chĩa ống kính xuống chiếc trực thăng đỏ như chuồn chuồn ớt bên dưới, xa xa là đàn thú hoang bị giết tang thương. 

Rừng sa-van lúp xúp, bờ suối cạn loang máu thú hoang trên cát trắng tinh khôi. Xác con tê giác nằm chổng vó, mắt bị khoét, sừng bị cưa, dương vật bị chặt đem đi mất. Đêm, trong tiếng nhạc nồng nàn, từng cô đầu bếp, từng anh bồi bàn cùng ra nhảy múa vỗ trống trong bữa tiệc nướng BBQ giữa rừng.

Tôi đã đi dưới gầm trời và cũng gặp họ trong một hành trình lưu lạc vừa vật vã, cô đơn lại vừa nồng ấm. Họ đã ban cho tôi niềm vui và cả những bài học ám ảnh. Đôi lúc muốn viết lại, giống như để lưu giữ những chiếc đồng hồ mình đã đeo, những thẻ lên máy bay mà bầu trời đã thêm một lần xướng tên mình vào trong mây gió. Nhưng đôi lúc lại nghĩ, viết cũng chẳng để làm gì. 

Mà làm sao viết ra được, có gì nhanh bằng ánh mắt, có gì thính nhạy bằng trái tim. Có ai chụp ảnh quay phim được vẻ đẹp của ký ức? Bút, sách nào diễn tả hết được xúc cảm của buổi hoàng hôn mà một gã nhà quê như tôi được ngồi cạnh mấy chị báo hoa gợi cảm trong rừng già châu Phi. 

Chị báo nào cũng eo thon, vai hông nở, lông mượt. Dáng đi uyển chuyển như vũ nữ. Lúc ngồi thì ưu tư rất là nữ tính. Rồi cái ngày lạc giữa khu rừng mà xung quanh là bốn mươi con sư tử đực đang dựng bờm tắm nắng. Bữa tiệc núi có đàn voi chống ngà chào hỏi. Rừng bướm Malaysia trên hòn đảo Penang cổ kính phong trần giữa Thái Bình Dương mênh mông. 

Các tòa kiến trúc quyến rũ đến mức nhân loại gọi là một thứ "điên rồ" của người Ý hào hoa trên biển Adriatic: kinh thành trên sóng nước Venice. 

Buổi sáng khất thực bên bốn mươi ngôi cổ tự ở Luang Prabang. Thế giới các loài vẹt thân thiện ở Hàn Quốc. Lũ sóc chuột ở Nepal thì vểnh phom đuôi trùm xòa ra, tinh nghịch leo lên tay, lên cổ. 

Những tinh sương như lạc vào tiên cảnh của nông thôn Ấn Độ, các thiếu nữ đi trong thung lũng hoa cải dầu vàng bất tận, vàng ngỡ ngàng. Cứ như họ vừa bước ra từ thơ tình cụ Tagor. Lại nữa, hòn đảo với 6.000 con hải cẩu, nằm chung chiêng giữa hai biển lớn Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Chếch mé biển lạnh Đại Tây Dương là cá voi gù lưng phun từng cột nước trắng xóa; rồi lũ chim chưa bao giờ biết bay (chim cánh cụt) tụ hội đủ khoảng ba ngàn con ở Penguin Island.

Không thể không nhắc đến là Tây Tạng. Miền đất kỳ diệu đã khiến tôi phải khóc lúc chia tay, bởi nóc nhà thế giới với những hồ nước mặn khổng lồ, những đỉnh tuyết sơn vĩnh cửu cao nhất quả đất.

Bên cạnh thiên nhiên là vẻ đẹp sức sáng tạo sửng sốt của trí tuệ con người. Thành phố Amsterdam thấp hơn mặt nước biển những sáu mét, sao mà lắm kiệt tác kiến trúc đến thế. Thụy Sỹ, các hồ xanh và núi trắng tuyết, thiên nhiên được đối xử tử tế đến mức không ai cảm thấy ngạc nhiên khi nơi đây trở thành quốc gia đáng sống nhất hành tinh, nơi chưa kịp chia tay mà ai cũng khát lòng ước đến ngày được trở lại. 

Nơi mà nhân loại phải ngạc nhiên đưa vào sách kỷ lục, chỗ này, từ lâu lắm lắm rồi, bà con chưa từng phải biết đến cái gọi là chiến tranh. Vatican, thành quốc nhỏ nhất thế giới - chỉ 0,4km². Đi bộ vèo một cái là vòng quanh trọn cả biên giới quốc gia, nhưng sao mà hội tụ lắm bảo tàng, lắm tác phẩm khiến nhân loại phải nghiêng mình kính trọng đến thế? 

Nếu từng lạc vào bảo tàng Louvre của Pháp, rồi Vatican Museum, ngoái đến vẹo cổ ngắm các bức tranh tường nần nẫn thịt da chư vị thiên thần, thì tôi tin chắc rằng, người ta sẽ hiểu thế nào là cảm giác bủn rủn chân tay trước nghệ thuật thứ thiệt.

Các câu chuyện đó, những gương mặt người kia, chủ nhân của những vẻ đẹp và cả sự lấm láp ấy, họ đắm say với đời, đôi khi họ quá tài hoa và lãng mạn. Họ đã cho tôi hạnh ngộ và cả giác ngộ nữa, trong quá trình lưu lạc dưới cùng một gầm trời. 

Và, cuối cùng, nếu có Thượng đế, thì tôi tin rằng, Thượng đế sẽ rất tự hào khi sinh ra họ với hành trình số phận mà họ đã, đang mang tải. Họ đã dạy tôi cách sống hài lòng với số phận, cũng như giúp Thượng đế hài lòng khi Ngài đã độ sinh tôi vào trong bụng mẹ tôi, trong một ngày đẹp trời như thế".

Ngọc Nguyễn (*)
.
.