Vẽ chuyện

Thứ Năm, 23/07/2020, 15:27
Không biết dạo này bọn trẻ con còn hay được nghe từ "vẽ chuyện" như ngày xưa bọn tôi hay nghe hay không. Nếu trong nhà mà có bà, dù nội hay ngoại, và có mẹ hay mắng mỏ một chút, bảo đảm là câu “Vẽ chuyện” sẽ được nghe hàng ngày.

Bất cứ thứ gì mình kể, mình tưởng tượng, mình nhận xét, mình góp ý, mình nói ra, thì câu trả lời tức thời sẽ là Vẽ chuyện. Hôm nay con không thích đi học- Vẽ chuyện. Hình như con ốm - Vẽ chuyện! Con muốn đi học đàn - Vẽ chuyện!... Đại loại thế, chuyện gì cũng là vẽ, vẽ ra cho có, dưới mắt người lớn. Muốn phủ nhận hay từ chối, chỉ cần bảo Vẽ chuyện…

Không bàn về yếu nghĩa từ này làm gì, vì làm thế đúng là ...vẽ chuyện lắm. Cứ nói về cách sử dụng nó trong những trường hợp phổ biến thôi. Nhưng thú thực, cái thứ "vẽ chuyện" ấy cũng thú thú là. Người miền Bắc thì dùng từ ấy. Người miền Nam lại dùng từ "bày đặt". "Vẽ chuyện" hay "Bày đặt" nó đều hình tượng cả. Nghe tương đồng ra phết. Nghe "nghệ thuật thị giác" ra phết. Nghe… rõ là vẽ chuyện.

Hồi nhỏ nghe câu “vẽ chuyện” thấy ấm ức. Nhưng đến lúc thành người lớn và có quyền được trả lời, tự dưng tôi thấy câu "vẽ chuyện" là hay, rất hay, càng ngày càng hay, trong mọi tình huống. Muốn nói gì đó kiểu như phê phán người ta, làm sao nhẹ nhất, mà có khi là duyên dáng nhất, thì cứ cười cười mà bảo: "vẽ chuyện". Như là sáng nay, ở hàng xôi, xôi gánh vỉa hè thôi, có ông khách bĩu môi bảo cô bán hàng: Xôi xéo cần gì ruốc, Vẽ chuyện, cứ hành phi rưới thêm thìa mỡ lợn là đủ ngon lắm rồi. Ruốc với chả giò, ăn mất vị.

Lâu lắm mới nghe từ "vẽ chuyện". Thêm thắt một thứ chẳng đáng vào một món ăn vốn tự nó đã cân bằng và đủ đầy hương vị đúng là vẽ chuyện, không cãi được.

Ví dụ về vẽ chuyện, như là cho ruốc thịt lợn, hay chà bông heo, vào xôi xéo tính ra nhiều lắm. Xôi xéo còn bị, đúng là bị, cho thêm thịt gà, pa tê thịt kho, trứng, chả… Và cũng vẽ chuyện như thế là cho ruốc heo vào cháo sườn, cháo trai, cho ruốc heo vào bánh giò, vốn nhân đã đầy những thịt heo, hoặc vẽ chuyện hơn nữa, tống giò tai giò lụa cùng với thịt bò, có khi còn thêm quả trứng vịt lộn vào bát bún ốc, bún riêu cua. Hỗn hợp ấy lâu nay gọi là một bát "Đầy đủ". Vào quán mà cao giọng gọi một bát đầy đủ, cứ tưởng sang, thực ra rất là vẽ chuyện. Chẳng chứng minh được gì ngoài chuyện lôm côm vị giác.

Mở ngoặc một chút, ruốc, hay chà bông heo là thứ phổ biến để có thể vẽ chuyện mà cho vào mọi thứ quà vặt vỉa hè theo kiểu bổ sung protein bất cần hương vị, nên thật khó trả lời vị bộ trưởng bảo dân thịt heo đắt thì ăn thịt gà đi. Chà bông gà chẳng mấy ai thích, nó khô xác khô xơ. Chà bông gà mà ngon thì đã chẳng có chuyện phu nhân một vị bộ trưởng khác năm trước gây bão mạng vì vài ký ruốc heo chứ không phải ruốc gà. Vụ đó quả thật tất cả các bên liên quan, bao gồm cả bên bới móc và làm ồn ào, đều xứng với từ Vẽ chuyện, vì vài ký ruốc heo đúng là quá nhỏ. Thịt heo có đắt đỏ như hiện tại, vẫn là quá nhỏ.

Ấy nhưng mà nhiều khi người ta lại vẫn tự dưng vẽ chuyện một cách vô thức, lý do thì nhiều vô cùng. Cũng là ruốc đấy, xôi xéo đấy; cũng là pate đấy, cũng là chả, trứng đấy. Tôi nhớ hôm ngồi ở gần chợ Bến Thành, một khuya, uống rượu lề đường với cậu em đồng nghiệp vốn đã vào Nam lập nghiệp 20 năm rồi. Tự dưng nó thèm ăn xôi, thế là nó "gờ ráp bai" từ một cái quán quen nào đấy ít xôi, lại còn là xôi xéo luôn. Cái thằng vốn ăn tinh mồm như nó thế mà bữa đó lại "o-đờ" cả patê, cả chả, cá trứng ăn kèm. Nó chỉ không ăn mỗi "đồ chua", theo đúng cách nói trong này, tức là ít dưa chuột ghém ăn kèm cho đỡ ngấy. 

Tôi hỏi: "Ơ thế sao hôm nay chú ăn xôi xéo tạp pí lù thế?". Nó cười hì hì "Tự dưng mưa, lạnh lạnh chị ạ. Đâm ra thèm ăn miếng xôi nóng phủ lớp pate y như ngày xưa còn ở Hà Nội. Chứ thường thì xôi xéo em tuyền ăn không, chả kèm gì". Đấy, nhiều khi "vẽ chuyện" cũng chỉ bởi trong đầu có chuyện để mà vẽ, nó như kiểu cảm xúc lấn át hết cả lý trí, cứ bộc phát thích gì thì làm nấy thôi.

Lúc ấy tất nhiên chả dại gì mà nói "vẽ chuyện" với cậu em, dù biết thừa là nó chả giận hay trách gì. Chỉ thấy thương. Ấy thế mà nó lại kể chuyện một công ty nó thường hợp tác bấy lâu nay. Nó bảo đại ý, công ty ấy tốt, lương trả cao, chả nợ lương bao giờ, mỗi tội làm việc đúng kiểu "lô cồ" (local), xoay quanh ông chủ có một đám như quan thị bu quanh phủ Chúa. Thế mà đùng một cái, công ty đó nhận cái giải "nơi làm việc tốt nhất  của năm". 

Ông chủ gặp nó, khoe cái giải thưởng. Ai dè, nó đốp luôn "Em tưởng anh thế nào. Ai lại đi quan tâm cái giải tầm phào mà ngoài anh ra có đến gần bảy chục ông doanh nghiệp Việt Nam khác cũng hồ hởi nhận. Em hỏi thật, anh mua bao nhiêu?" làm ông kia cứ ngớ cả người ra. Nó thủ thỉ với tôi: "Vẽ chuyện chị ạ. Tiền mua cái ấy, làm bao thứ khác liên quan đến sản phẩm, đến dịch vụ thì không làm. Chứ nơi làm việc tốt nhất gì mà hai năm thay bảy ông giám đốc nhân sự. Người biết chuyện người ta cười cho". Chuyện của nó kể tự dưng làm tôi nghĩ, "Ừ mà có khi người ta cũng ghét vẽ chuyện lắm. Nhưng nhiều khi người ta lại dùng chính cái vẽ chuyện ấy để mà loè thiên hạ".

Nhưng nói gì thì nói, "vẽ chuyện", thường đi với chuyện nhỏ. Như đường sắt Cát Linh - Hà Đông, chẳng ai dám bảo là vẽ chuyện. Mà có nhiều chuyện lớn lớn, bình thường chẳng mấy ai để ý đến. Thế nhưng đùng một cái, tự dưng có ai "vẽ chuyện" một cái, thế là đâm ra "vỡ chuyện". Khi đã vỡ chuyện ra rồi, chẳng hiểu cái người "vẽ chuyện" kia thực tâm thế nào, cố ý hay vô ý vẽ chuyện ra đây? Đến đây tự dưng thấy hãi. Có lúc người ta vẽ chuyện là có mục đích, chứ không phải kiểu xưa các cụ bảo "thừa giấy vẽ voi". Quan trọng là ai mới là kẻ cố tình vẽ chuyện.

Một tý tẹo vẽ chuyện, lâu lâu rồi sẽ tạo ra thói quen hưởng thụ những thứ chẳng liên quan. Hôm rồi, nghe nói dân Thủ Đô được hỏi ý kiến về việc tặng Huân chương chống COVID-19 cho ông Chủ tịch UBND Thành phố. Tôi là dân mà chưa được hỏi, nếu được, câu đầu tiên bật lên ắt là "Vẽ chuyện". 

Ông Chủ tịch UBND Hà Nội đúng là làm rất tốt, ai cũng khen. Ghi nhận quan trọng nhất là trong lòng dân, chắc ai cũng biết rồi. Trách nhiệm cũng như sự tận tụy của ông là đương nhiên. Thêm Huân chương COVID, khác gì xôi xéo rắc thêm ít chà bông heo, chẳng biết ngon hơn không nhưng mất vị. Mà thú thực, có chắc là ông Chủ tịch UBND Thành phố muốn cái sự "vẽ chuyện" ấy hay không?

Hà Phạm
.
.