Ngẫm nghĩ lúc chợ chiều…

Thứ Năm, 25/06/2020, 09:31
Thế nào là chợ chiều? Tự hỏi và bỗng dưng nhớ đến trung niên thi sĩ Bùi Giáng. Bài thơ nọ của ông, có đoạn: “Chợ chiều nhiều khế ế chanh/ Nhiều cô gái lạ bước nhanh hàng hàng/ Mắt xanh hình thể điêu tàn/ Chào cô gái lạ cô càng lạ thêm”.

Đọc kỹ lại, mới thấy rằng, Bùi Giáng đã vận dụng, học tập từ câu ca dao Nam Trung Bộ: “Chợ chiều nhiều khế, ế chanh/ Nhiều con gái tốt nên anh chàng ràng/ Chàng ràng như ếch hai hang/ Như chim hai ổ, như nàng hai nơi...”. Ổ là tổ. Chàng ràng là quanh quẩn một nơi, vướng víu bên cạnh, không rời nửa bước, cản trở công việc người khác, mới vừa víu đầu này liền lộn lại vướng đằng kia, làm rộn cả lên, chỉ thêm ngứa mắt.

Mà, chàng ràng còn có thể hiểu là dềnh dàng, dây dưa, vờ vịt nhằm “câu giờ”, kéo dài thời gian, vì thế mới có câu: “Chàng ràng làm hỏng cả hai/ Cái trong cũng hỏng, cái ngoài cũng hư”. Thế thì, “Nhiều con gái tốt nên anh chàng ràng”, cuối cùng anh chàng mê gái kia chẳng nên cơm cháo gì. Xôi hỏng bỏng không.

Ảnh: LG.

Vừa học được câu này: “Chàng ràng như hoa viền gỗ”. Đại từ điển tiếng Việt (1999) giải thích: “Hoa viền gỗ là đồng tiền giả làm bằng gỗ giống tiền bạc xưa”- ngụ ý nhằm chỉ ai đó chỉ được cái lòe loẹt bên ngoài, hình thức trông ngon cơm ngọt canh, bảnh tỏn nhưng thực chất rỗng tuếch, chẳng có gì. Lại học thêm câu này: “Phiên chợ đông, con cá hồng anh chê nhạt/ Phiên chợ tàn, con cá bạc anh lại khen ngon”.

Oái ăm thiệt. Chẳng khác gì, vào phút cuối khi thấy hết nạc bèn vạc đến xương chứ gì? Học có nhiều cách học. Đi đến chợ, không chỉ mua lấy cái gì đó mà cũng là lúc người ta đang học. Học cách buôn cách bán, phép xử thế nơi chốn đông người mà đó cũng là nơi người ta thường lui tới, nhất là nữ, đàn bà con gái. Ngẫm lại, thấy câu này trúng phóc: “Nóc nhà xa cửa hơn chợ”, còn có vế sau nữa nhưng không nhắc lại.

Có lẽ Anh Thơ là nữ nhà thơ có thơ lấy cảm hứng về chợ nhiều hơn cả, so với các nữ sĩ thời Thơ mới. Mấy câu này mới ngộ nghĩnh làm sao: “Đây mấy mụ chổng mông bên khảo gạo/ Kìa một cô chúm miệng húp canh riêu/ Bác thợ cạo đè vội đầu khách cạo/ Thầy bói ngồi gieo quẻ xuýt xoa kêu”.

Thợ cạo này là thợ cắt tóc ngày trước, ngày đó còn gọi là thợ gì? Gần đây, trên trang facebook cá nhân, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân poste manchette chuyên mục của tờ báo Loa in năm 1936: Mép thợ ngòi. Đó là tấm hình người đang ngồi được người đứng cạnh ngoáy tai. Tuy nhiên, GS Nguyễn Huệ Chi lại cho rằng, chính là “thợ ngõi” chứ không phải “thợ ngòi” tức “thợ làm nghề soi lỗ tai để lấy ráy tai”, chứ không phải thợ cắt tóc. Và ông đưa ra dẫn chứng từ tập sách Gặp lại một người bạn nhỏ (Bản in lần thứ 5, NXB Trẻ - 2015) của thân sinh là cụ Nguyễn Đổng Chi.

Trong đó có đoạn: “Anh Lai chen vào: Ngày xưa, vào cái hồi cầu Long Biên mới bắc, tôi có ông chú làm nghề lấy ráy tai mà người ta quen gọi là thợ ngõi. Hồi ấy người ta để búi tó, làm gì đã có nghề cắt tóc, chỉ có nghề lấy ráy tai là thịnh hành”.

Không những ngoi, ngõi mà còn từ khác nữa, chẳng hạn trong tập Câu đố Việt Nam (NXB TP HCM - 1999) của Nguyễn Văn Trung có đưa ra câu đố: “Dao sắc ghim trong túi áo nâu/ Lang thang chẳng biết phải đi đâu/ Tiếng là bẻm mép, không hay nói/ Thỉnh thoảng dài hơi cất tiếng “đầu”. Và đáp án là thợ ngợi (cạo đầu). Qua câu đố từ dân gian, ta thấy rõ ràng một điều rằng thợ ngòi/ thợ ngõi/ thợ ngợi không chỉ lấy ráy tai mà còn cả cạo tóc nữa, thuở ấy gọi là nghề thợ cạo.

Nghề này, ta còn thấy trong thơ cổ: “Giang san một trắp: gương, lược, dao/ Chơi ngon gọt gáy khách anh hào/ Dẫu thánh tướng, ai ta cũng mặc/ Vít cổ vua, xoay chẳng sợ nào”.

Vậy, dám quả quyết rằng, nghề cạo đầu, lấy ráy tai ngày xưa có tên gọi chính xác là “thợ ngôi”. Ta hiểu ngôi ra làm sao? Ngôi là từ Việt cổ, ít ra từ năm 1651 đã được Từ điển Việt-Bồ-La giải thích: “Ngôi: vòng tròn cạo trên chóp đầu; cũng nói về vòng tròn chúng ta cạo trên đỉnh đầu. Gọt ngôi: Cạo vòng tròn”. Mãi đến năm 1931, Việt Nam từ điển vẫn còn ghi nhận: “Ngôi: Đám tóc ở giữa đầu. Rẽ đường ngôi. Thợ ngôi: Thợ cạo”.

Thế thì tên chuyên mục của báo Loa, chính là “Mép thợ ngôi”. Chứ không thể đọc ra thành “ngòi” hoặc suy luận thành “ngõi”, “ngợi”. Cách đặt tên này chính là rút gọn từ câu tục ngữ Xoen xoét như mép thợ ngôi.

Kho tàng tục ngữ người Việt (NXB Văn hóa Thông tin - 2002) do Nguyễn Xuân Kính chủ biên, cho biết còn có câu Mép thợ ngôi, môi thợ cạo và giải thích: “Thợ ngôi, thợ cạo là thợ cắt tóc vì chỉ phải làm việc nhẹ nhàng bằng tay, còn miệng thì rảnh nên thích nói nhiều. Thêm nữa, hàng ngày do tiếp xúc với đủ hạng người nên họ biết đủ chuyện buồn, vui, xa, gần” (Tập 2, tr.1762).

Tóm lại Mép thợ ngôi là câu cửa miệng nhằm chỉ những ai Mồm mép tép nhảy, bẻm mép, miệng lưỡi, lưỡi trơn như thoa mỡ. Khi nghề hớt tóc bằng tông đơ (tondeuse) của thợ “cốp-phơ” (coiffeur) ra đời, trở nên thông dụng phổ biến tại nước Nam, đương nhiên nghề thợ ngôi lùi vào dĩ vãng vì không thể cạnh tranh.

Từ đó, từ “ngôi” nhằm chỉ nghề thợ cạo cũng mất đi vì không còn ai sử dụng trong lời ăn tiếng nói nữa, điều này đã cho thấy quy luật đào thải trong ngôn ngữ. Có một điều thú vị, về sau cũng nhằm chỉ những ai cũng Xoen xoét như mép thợ ngôi, người Việt thay bằng một nghề mới du nhập đầu thế kỷ XX để từ đó, có thành ngữ Mép thầy kiện.

Thầy kiện, thầy cãi hồi dó nói một cách văn vẻ là trạng sư, nay ta gọi luật sư. Câu thơ của Anh Thơ cho thấy thợ ngôi cũng hành nghề, kiếm ăn ở trong chợ. Và cũng lấy cảm hứng từ chợ mới có câu ví von: “Gái thương chồng đương đông buổi chợ/ Trai thương vợ nắng quái chiều hôm”.

Câu ca dao này, tưởng rằng dễ hiểu nhưng mỗi người hiểu mỗi cách, từ đó, mới dẫn đến sự tranh luận nhì nhằng. Thì đây, nói có sách mách có chứng, kẻo không thiên hạ bảo “ăn theo nói leo”. Rằng, Kể chuyện thành ngữ, tục ngữ của Viện Ngôn ngữ học do Hoàng Văn Hành chủ biên (NXB Khoa học Xã hội - 1999) cho rằng, “ít nhất có 3 cách hiểu khác nhau”. Đó là:

“a. Phản ánh sự chênh lệch, bất bình đẳng trong quan hệ yêu thương vợ chồng. Tình cảm người phụ nữ bao giờ cũng đậm đà, đầy đặn, mặn mà như buổi chợ đương đông, bởi ngoài lí do giới tính ra, người phụ nữ còn chịu sự ràng buộc của “tam tòng tứ đức”. Ngược lại, tình thương yêu của người con trai đối với vợ thường nhạt nhẽo, thoáng qua, ví như nắng quái chiều hôm le lói một lát rồi tắt ngấm khi mặt trời lặn;

b. Phản ánh mức độ khác nhau trong tình yêu vợ chồng. Người con gái luôn luôn thương yêu chồng bằng tình yêu đậm đà, mặn mà, đầy đặn khác nào “đương đông buổi chợ”. Còn tình cảm của người con trai chỉ đôi lúc nhưng mãnh liệt như cái “nắng quái chiều hôm” vậy.

Nắng quái chiều hôm tuy ngắn ngủi nhưng sức nóng, sức cháy bỏng của ánh nắng xiên khoai này thật là ghê gớm. Vậy thì tình thương vợ của người con trai đâu phải tính bằng thời gian, mà phải tính, phải ghi nhận bằng sự nồng cháy mạnh mẽ của nó;

c. Nói về tính chất biểu hiện tình thương vợ chồng. Khi đã thương yêu chồng, tình cảm của người con gái được thể hiện ra bằng sự hoạt bát, vui nhộn như “đương đông buổi chợ”. Và người chồng chẳng khó khăn gì trong việc tìm hiểu “tình cảm” của vợ đối với mình. Ngược lại chàng trai, thâm trầm trong tình yêu.

Thậm chí, có khi tình yêu thương của chàng được thể hiện cả bằng sự cáu gắt, khắt khe, nghiệt ngã như “nắng quái chiều hôm”. Như vậy, nhận diện đúng tình cảm của chồng đối với mình như thế nào, đòi hỏi các chị em phải thật tinh tường” (tr. 153-154).

Nhà ngôn ngữ học Nguyễn Đức Dương lại nghĩ khác: “Đã thương chồng thì người vợ hãy hết lòng cùng chồng ngay cả khi buổi chợ còn đang đông đúc (tức còn đang có cơ buôn may bán đắt); đã thương vợ thì người chồng hãy hết lòng cùng vợ ngay cả khi đang phải khốn khổ với cái nắng quái ác lúc xế chiều”.

Những cách giải thích này, liệu chừng có hợp lý? Điều này cho thấy có những câu cửa miệng của người xưa, đến thời chúng ta, muốn hiểu rõ nghĩa của nó, rõ ràng không dễ. Tuy nhiên, có những câu sở dĩ trở nên khó hiểu, dẫn đến tranh luận, chẳng qua người ta nghĩ một cách… sâu xa quá, suy diễn nhiều quá để dẫn đến sự rối rắm như vừa nêu trên. Cứ nghĩ đơn giản ắt sẽ lý giải rành mạch. 

Nghĩ rằng, “đương đông buổi chợ”, “nắng quái chiều hôm” là cách nói nhằm chỉ về thời gian. Thời gian nào? Cụ thể đó là khoảng thời gian hai người mới kết đôi trở thành vợ chồng ăn đời ở kiếp. Với cô gái đó, đó là khoảng thời gian lúc còn trẻ, với chàng trai là thời gian đã xế bóng về chiều. Không những chỉ về thời gian, các cụm từ đó còn là khái niệm, hình ảnh để ám chỉ về tính cách biểu hiện tình cảm mà hai người dành cho nhau.

Với người vợ, lúc còn trẻ, còn khỏe, còn nhan sắc vì thương chồng, lo toan cho chồng nên xông xáo làm ăn, gánh vác nuôi chồng, điều này thể hiện qua cách nói ẩn dụ mà cụ thể “đương đông buổi chợ”. Hình ảnh của bà Tú Xương là một thí dụ: “Quanh năm buôn bán ở mom sông/ Nuôi đủ năm con với một chồng”; Hình ảnh trong câu ca dao này là một thí dụ: “Vì chồng nên phải gắng công/ Nào ai xương sắt da đồng chi đây”.

Lúc “đương đông buổi chợ” là còn trẻ, còn xuân sắc, còn khối kẻ mê tít thò lò, còn có thể “mắt liếc tình đưa” nhưng họ không màng tới, chỉ nghĩ về chồng vì thương chồng, khó có một tình cảm nào có thể xen ngang. Tính cách thủy chung của người phụ nữ chính là chỗ đó, sự biểu dương, ca ngợi đức tính tốt đẹp này ẩn đằng sau câu nói: “Gái thương chồng đương đông buổi chợ” là vậy.

Vậy, khi đã không còn “đông buổi chợ” cũng hàm ý không trẻ nữa thì họ hết thương chồng? Không đâu, lúc đó sự yêu thương vô bờ bến ấy lại dành cho con dù họ vẫn thương chồng nhưng không bằng như trước nữa. Với người phụ nữ, một khi đã có con thì (nói thật) người chồng đã được xếp vào… hàng thứ nhì, sau đứa con.

Còn người chồng thì sao? Sự yêu thương dành cho vợ là ngược lại về thời gian lẫn tuổi tác. Khi đã không còn trẻ, lúc đã “nắng quái chiều hôm”, đã không còn sức tung bay chạy nhảy như trước nữa, điểm tựa còn lại của họ chính là tình cảm của người vợ. Không phải trước đó, họ không thương vợ nhưng lúc đó họ đang có những mối quan tâm khác, có thể còn phải lo toan công danh sự nghiệp; hoặc léng phéng nọ kia, mèo mỡ lăng nhăng; hoặc gì gì đó tùy theo sở thích.

Do đó, phải đến lúc “nắng quái chiều hôm”, họ mới càng thấm thía tình chồng nghĩa vợ. Dù cả hai cùng có con, con vẫn thương họ, lo cho họ nhưng rồi “Con chăm cha không bằng bà chăm ông”. Lúc ấy, họ càng nghĩ, càng thấy thương vợ. Đây là một kinh nghiệm mà ông bà ta đã rút ra.

Gái thương chồng đương đông buổi chợ

Trai thương vợ nắng quái chiều hôm

Cách nói trái ngược nhau để làm nổi bật một vấn đề vốn là một trong thủ pháp quen thuộc của người Việt, nếu ta khảo sát từ ca dao, thành ngữ, tục ngữ xưa nay sẽ thấy rất rõ. Sở dĩ câu ca dao này, có nhiều ý kiến lý giải khác nhau, còn do người phân tích đã bỏ qua yếu tố căn bản vừa nêu trên là cách đặt hai vế trái ngược nhau “đương đông buổi chợ”/ “nắng quái chiều hôm” để cùng nói về tình cảm vợ chồng.

Cả hai cùng thương lẫn nhau nhưng lại khác về thời gian và tuổi tác mà thôi. Tóm lại đây là kinh nghiệm của các bậc làm cha làm mẹ dặn dò cho con cái mới kết hôn, thể hiện qua từ “gái/ trai” rằng sự việc nó vốn như thế, ắt diễn ra như thế, bản chất sự việc là thế, biết thế để chung sống gìn giữ hạnh phúc, chứ đừng phán xét qua hiện tượng nhất thời.

Lê Minh Quốc
.
.