Tiếng Việt ngày một méo mó?
Chuyện này, hồi nhập ngũ năm 1977, cánh lính tân binh của bọn y đã nghe đại đội trưởng kể lại rằng, ngày đó, tháng đó năm đó được về phép, gia đình hối thúc ông phải cưới vợ. Chàng và nàng được tạo điều kiện gặp gỡ nhau. Đêm ấy, trăng sáng.
Hai người đi mãi trên con đường làng, chả ai nói với ai lời nào cả. Không lẽ cứ im lặng mãi, cô gái buột miệng nhỏ nhẹ: “Đêm nay trăng sáng quá, phải không anh?”. Chàng gật gù: “Trăng sáng như thế này, chỉ sợ cho mấy thằng lính trinh sát khó mà bám được mục tiêu!”. Tưởng sau đó, có thể bắt qua những câu tình tứ, nào ngờ, chàng tiếp tục thao thao với nàng về chiến thuật, chiến lược... Chàng nói liên tu bất tận một hồi thì nghe nàng... ngáp! Khi ngáp, nàng lại dựa vào vai chàng. “Thế rồi, sướng bắt chết”, đại đội trưởng của y tủm tỉm cười. Lạ cho tiếng Việt, sướng là khoan khoái, tận hưởng cảm giác đê mê chứ sao lại bắt chết?
Với hai từ “bắt chết” này, tương tự, có lần ngồi trong quán cà phê, gần cầu Trường Tiền, ở Huế, do bàn kê sát bàn nên y đã nghe lóm được đôi tình nhân nọ đối đáp. Rằng, nàng thẹn thùng: “Anh thương em không?”. Chàng quả quyết: “Thương bắt chết”. Ơ kìa, đã thương thì phải sống/ sống chung những mong ăn đời ở kiếp, chứ sao lại chết? Thật ra “bắt chết” ở đây là nhiều lắm, quá chừng, cực kỳ, quá sức, quá mức.
Ảnh: L.G |
Khi nghe chàng nói “Thương bắt chết”, nàng cười cười: “Thương cái xương không còn”. Câu tục ngữ này, nhà ngôn ngữ học Nguyễn Đức Dương giải thích: “Miệng vẫn luôn mồm nói thương, nhưng lại ưa bòn rút kẻ ấy tới độ chỉ còn da bọc xương”. Đúng là thế, nhưng trong ngữ cảnh này chỉ là cách nói bông lơn của đôi trai gái đang bén duyên nồng nàn “thả thính”, chứ cô nàng không nghĩ đến tình huống đó.
Mà này, có phải khi đang tỏ tình, người ta thường “nói ngọt” chăng? Tất nhiên. Nói ngọt lọt tới xương, vậy tội gì không nói? Thí dụ, dù nói thế hoặc hơn cả thế nhưng nàng vẫn chẳng xi-nhê, không mảy may ép-phê, biết đâu chàng trai bèn đổi giọng chăng? Đổi giọng là như thế nào? Âm thanh giọng nói vẫn vậy, nhưng đã khác nội dung đã nói trước đó. Tuy nhiên đổi giọng còn được hiểu là cũng nói nội dung đó nhưng thể hiện bằng sắc thái tình cảm khác. Sự thay đổi này, trong chừng mực nào đó, ta có thể liên tưởng đến trở mặt, làm mặt lạ…
Ừ, cứ cho là chàng vẫn tiếp tục rót mật vào tai nàng, nhưng lần này, có thể chàng nói vống lên một chút nhằm làm sang, “đánh bóng” cho mình đặng dễ dàng chinh phục. Tính cách này không lạ, từ năm 1920, khi biên soạn bộ sách “Việt Nam sử lược”, nhà sử học Trần Trọng Kim nhận xét người Việt có tính: “hay khoe khoang”. Khoe khoang quá lố, quá mức vốn có thì hợm hĩnh, đáng ghét lắm.
Nếu ngày trước một khi nói quá sự thật, dối trá, ba xạo, khoe mẽ, thậm xưng về những cái mình không có thì bị gán khoác lác, là nói trạng, chẳng hạn: “Nhà tôi có một con mèo/ Khi nào hết chuột lên đèo bắt nai/ Nhà tôi có một cái chai/ Đựng bảy thùng mắm với hai thùng dầu/ Cha tôi có một bộ râu/ Ngứt ra một sợi để câu cá chình/ Nói ra các bạn đừng khinh/ Thiên hạ láo cả, phải mình chi tôi”. Hiểu rằng, cách nói khoác lác, bốc phét, nói trạng ấy là nói láo nhưng người nghe vẫn không chấp nhận bởi nó chỉ ngụ ý hài hước, bông đùa. Người nói cũng ý thức như thế và thừa biết tỏng chẳng ai tin nhưng vẫn cứ nói, vì mục đích của nó vẫn chỉ là gây cười cho vui. Rõ ràng, không phải khoe khoang.
Với khoe khoang, ta còn có thể thay thế bằng từ khác là “nổ”. Khác ở chỗ tâm thức người nói một khi đưa ra một thông tin vượt ngưỡng của sự thật lại muốn người nghe tin là thật. Tại sao sử dụng từ “nổ”? Có lẽ xuất phát từ câu cửa miệng đã có từ xa xưa: “Nói như pháo nổ”, “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895) giải thích: “Nói lớn lối, nói phách, nói gõ mõ”.
Trong xu thế lúc giao tiếp, từ cấp độ Nói như pháo nổ/ Nổ như bắp rang/ Nói như gõ mõ cần ngắn gọn mà người nghe vẫn hiểu nghĩa, dần dà chỉ còn lại mỗi từ… nổ. Nay, tùy theo mức độ mà nổ được “nâng cấp” với nhiều sắc thái như nổ banh chành, nổ trời gầm, nổ như bom, nổ như tạc đạn, nổ banh-ta-lon, nổ ve kêu… Những từ ấy, hầm hố quá, nghe rổn rảng âm thanh đinh tai điếc óc. Mà nào đã hết đâu, gần đây xuất hiện một từ khác cũng hàm ý đó lại không bộc lộ rõ ý chê bai như nổ.
Vậy, đó là từ gì?
Ta hãy quay lại quán cà phê gần cầu Tràng Tiền. Sau khi nghe chàng “Nói ngọt lọt đến xương” nhưng nàng vẫn ứ chịu, trơ như đá vững như đồng. Bực quá, chàng bèn đổi giọng nổ tơi bời hoa lá cành, khoe khang một tấc tơi trời nhằm quyết tâm hạ gục tình cảm người đẹp. Hỡi ôi, lần này nàng lại tủm tỉm: “Có phải anh vừa “quăng bom” đó không?”. Nghe đến từ “bom”, lập tức, ta lại hình dung ra tiếng nổ long trời lở đất, chứ gì nữa? Nếu không, còn có thể sử dụng câu: “Ủa, anh ném lựu đạn à?”.
Thiệt hết biết cho ăn với nói, chữ với nghĩa. Cách nói này, cực kỳ quen thuộc với cánh tài xế xe ôm đón đưa khách theo công nghệ mới. Rằng, có anh nọ khoe cùng đồng nghiệp: “Hôm nọ hên bá cháy, điện thoại của tớ nổ liên tục”, ta hiểu là tín hiệu báo có khách. Đơn giản như đang giỡn.
Chưa hết đâu. Lạnh người nhất, ít ra đối người yếu bóng vía, Miệng hùm gan sứa như y đây, mới đây đi du lịch ở thành phố nọ nằm dọc theo biển thơ mộng, trữ tình, lúc bước vào quán hải sản thấy rành rành tấm bảng thông báo: “Quý khách yên tâm, quán nhà cam đoan không chặt chém”. Thế nào là chặt chém? Không vội. Xin nói luôn cho nó vuông rằng ở miền Nam trước đây khi sử dụng từ chém, còn có thêm từ chém vè.
Theo nhà nghiên cứu Huỳnh Công Tín, chém vè có ba nghĩa: “1. Trốn trong bụi rậm hoặc trầm mình dưới nước; 2. Lẩn trốn không muốn xuất hiện trước ai; 3. Trốn tránh sự truy bắt, giấu mình ở một nơi kín đáo để khỏi lộ tông tích” (tr. 315). Nhưng tại sao chém ở đây lại cặp kè theo vè, nguyên cớ do đâu? Hỏi mãi, chẳng ai trả lời ngọn ngành, bèn tra từ điển vậy, ông Bùi Thanh Kiên cho rằng: “Cua đinh trốn bằng cách ấn mạnh vè của nó vào bùn mềm của hông bờ ao hoặc vùi xuống sâu vũng tát để không bị bắt” (tr. 364). Từ quan sát này, ta có từ chém vè, dần dà nó trở thành tiếng lóng với các nghĩa vừa nêu.
Với quán ăn trên, khi đọc dòng chữ “cam đoan không chặt chém”, có ai thắc mắc gì không? Có đấy. Y đây nè. Tự nhủ, ăn uống cần thanh lịch, hòa nhã, vui vẻ, vui lòng khách đến vừa lòng khách đi, chứ sao lại có chuyện dao búa thế nào? Chặt chém từ nghĩa phổ thông là dùng gươm, dao, đao, mác chém cho lìa, cho đứt vật gì đó, nay “lái” qua hàm nghĩa không bán giá quá cao. Nếu lúc cầm đơn tính tiền, thấy tính giá “trên trời”, giá trời ơi đất hỡi, có thực khách đùng đùng nộ khí xung thiên, đỏ mặt tía tai: “Bộ muốn cắt cổ người ta à?”.
Nghe rợn tóc gáy.
Có lúc chỉ rôm rả cùng nhau, có thể nói chuyện phiếm “tào lao bí đao”, tào lao xịt bộp, “Nói chuyện Sơn Tây chết cây Hà Nội”, vô thưởng vô phạt, chỉ “tám” cho vui. Nhưng rồi, nếu ai đó nói vống lên, “nổ” quá sức hoành tráng thì lại bị phê “chém gió”. Gió là luồng không khí chuyển động, tạo ra không khí mát lạnh, chỉ có thể cảm nhận, không nhìn thấy thì chém thế nào được mà chém? Dù ngụ ý cười cợt, không nặng nề chỉ trích như các từ bạo lực cỡ chém/ chặt chém, cắt cổ thì chém gió cũng là cách nói không nên xuất hiện chình ình trong một chương trình đông đảo người nghe, người xem.
Nói thế, vì y từng chứng kiến một ngữ cảnh, chẳng hạn, cô X tham gia thi một game show truyền hình, MC hỏi: “Bạn có quen với giám khảo Y không?”. Cô X gật đầu cái rụp, lập tức giám khảo Y nói ngay: “Ừ, quen thì quen nhưng thí sinh nào thì tôi cũng chém ngang nhau”. Có thể hiểu, “chém” ở đây là vẫn truy, vẫn hỏi tới cùng nhằm dồn thí sinh vào thế bí để bộc lộ hết khả năng.
Nghe ra bạo liệt lắm.
Mà đã chém ắt phải chặt. Nghe thử xem sao: “Cuộc họp vừa rồi thế nào?”. “Dạ, những tay thân tín với X, bọn em đã chặt ráo trọi, không còn một mống, sếp yên tâm đi”. Chặt ở đây hàm nghĩa loại bỏ, loại trừ bằng ý kiến phê phán hoặc bỏ phiếu những ai không cùng phe cánh.
Ngay cả những từ bình thường nhưng trong ngữ cảnh nào đó, do cách sử dụng cực quái nên cũng gây ra ngộ nhận, chẳng hạn, tờ báo kia in cái tít to đùng đoàng: “Trong chương trình Y, ca sĩ X đã cháy hết mình”. Trời, vì một sự cố đáng tiếc nào đó, ca sĩ X đã trở thành ngọn đuốc sống? Tình cảnh này, thiệt đáng thương tâm. Khoan, chớ vội sụt sùi, ấy là câu khen đấy chứ, đại khái ca sĩ X đã nhiệt tình, biểu diễn hết mình phục vụ khán giả đó thôi.
Lại nữa, một khi ai đó, vì lý do gì đó bị bàn dân thiên hạ ùa vào nhau chỉ trích, phê phán thì nay xuất hiện cụm từ cũng đằng đằng sát khí không kém: “ném đá”. Ném, có nhiều cách ném nhưng đáng ghét, đáng khinh, xấu tính nhất xưa nay vẫn là “Ném đá giấu tay”, tức lén lút làm việc mờ ám có hại cho người khác nhưng không ra mặt, bề ngoài vẫn tỏ ra vô can, cứ như thể không nghe, không thấy, không biết. Ấy mới là kinh.
Nhưng xin đừng quên ông bà ta dặn dò, cái sự ném cho đã nư ấy cũng nên chừng mực, không nhất thiết phải “tận cùng bằng số”, cho bằng chết mới thôi: “Yêu nhau thì ném bã trầu/ Đừng ném đất đá vỡ đầu nhau ra”. Nay, “ném đá” được hiểu là nhiều người cùng chĩa mũi dùi phê phán, đả kích một ai đó. “Ba đánh một không chột cũng què” chứ huống gì người người lớp lớp cùng đồng loạt lên tiếng chỉ trích thì chịu trời sao thấu?
Với cách nói chặt chém, quăng nom, ném lựu đạn, ném đá… ấy xảy ra, e rằng có lúc đổ máu chăng? Với từ máu/ máu me một khi nghe đến đã thoáng nổi da gà, bởi đa phần chẳng báo hiệu điềm lành gì cả, này: “Dây máu ăn phần”, “Máu chảy ruột mềm”, “Máu chảy ruồi bâu”, “Máu ai thâm thịt nấy”…
Ngày trước ở miền Nam có câu thành ngữ phản ánh được kỷ cương của một thời: “Chảy máu sáu quan, chảy mủ sáu chục”, “Đại Nam quấc âm tự vị” giải thích rành rọt: “Tiếng nói theo thói cũ: Hễ đánh ai chảy máu thì phải chịu phạt sáu quan, bằng đánh nặng hơn, làm ra thương tích nặng thì phải vạ một chục quan chẵn”.
Máu, như ta đã hiểu rành rành ra đó, kỳ cục thay, nay, lại nhảy qua một hướng khác rất ư trật cù chìa. Hãy nghe đứa “trẻ trâu” ưỡn ngực hùng hùng hổ hổ như thể “Xem trời bằng vung” rằng, thì, là: “Cháu đã máu thì đừng hỏi bố cháu là ai”. Kiêu ngạo chửa? Thì, “máu” ở đây lại chỉ một sự quyết tâm cao độ, quyết “ăn thua đủ”, hành động tới bến, sự “sát ván” ấy dám thể hiện một cách liều lĩnh.
Chưa hết đâu. Vừa tan sở, mấy nhân viên trẻ í ới gọi nhau: “Chiều cuối tuần rồi, anh em mình ra Thanh Đa làm tí máu nhé”. Tưởng gì, họ rủ nhau đi ăn tiết canh vịt đấy thôi. Nghe mà ghê. Thử hỏi, món ăn khoái khẩu ấy có còn ngon?
Qua một vài dẫn chứng trên, ta có thể thấy rằng, dù nhằm diễn ra những sự việc bình thường trong sinh hoạt, nhưng cách sử dụng từ hiện nay lại nhuốm sắc màu bạo lực, u ám, dữ tợn. Nếu lời ăn tiếng nói phản ánh tâm lý, tính cách của người sử dụng thì sự thể hiện trên có đáng lo hay không? Lại mạo muội “quan trọng hóa vấn đề” rằng, cách nói chợ búa đó cũng góp phần làm méo mó đi sự trong sáng của tiếng Việt?