Tiến ra biển lớn, đường dài vạn dặm

Thứ Sáu, 29/05/2015, 16:42
Vẫn tiếp chuyện Đông Kinh Nghĩa Thục, chương trình học lúc này không còn là tứ thư ngũ kinh xưa cũ, mà là những môn cần thiết, cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Toán pháp, Vệ sinh, Cách trí… thì dựa vào tài liệu của nhà trường công lập Pháp Việt. Sử, Địa, Luân lý học thì tự biên soạn, với tinh thần tự hào dân tộc rất cao.
>> Phần 1: Tiến ra biển lớn đường dài vạn dặm

1. Nhiều năm nay chúng ta coi Sử là môn phụ, dẫn đến tình trạng “dân ta” mà chẳng biết “sử ta” thì Đông Kinh Nghĩa Thục đã rất coi trọng môn này. Hàng loạt cuốn sách giáo khoa đã được soạn và in ấn khẩn trương: Nam quốc lịch sử, Nam quốc vĩ nhân, Nam quốc giai sự, Bài ca địa dư và lịch sử nước nhà v.v… Hãy cùng đọc lại mấy câu mở đầu sách lịch sử:

Nước ta vốn văn minh đã trải
Dân ta nào có phải hèn đâu
Văn phong ngang sánh nước Tàu
Võ công đánh dẹp bấy lâu lẫy lừng…

Và gói lại đoạn “Phát đoan” (mở đầu), người soạn sách nhắc nhở:

Ví không tin ở lời ta
Hãy xem Nam sử để mà thử coi

Nội dung học thiết thực, hấp dẫn như thế, ai mà thờ ơ được trước vận nước? Phương pháp dạy học của các cụ cũng lạ. Hiện nay, chính lãnh đạo Bộ Giáo dục - Đào tạo nước ta vẫn đang bức xúc vì lối học cổ lỗ lạc hậu “Không cân đối giữa lý thuyết và thực hành, một số môn học còn dạy chay học chay, phương pháp giảng dạy chậm đổi mới nên chất lượng đào tạo còn hạn chế” (Báo cáo tổng kết giáo dục đại học năm học 2006­2007 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2007­2008, Tr.9, Bộ Giáo dục - Đào tạo xuất bản, tháng 8 - 2007). Phát hiện đúng bệnh, nhưng chưa thấy lãnh đạo Bộ ra tay trị bệnh. Các cụ Đông Kinh Nghĩa Thục trước chúng ta 108 năm, dù sách giáo khoa đã khá tốt, nhưng vẫn tạo điều kiện để học sinh có tài liệu tham khảo từ nhiều nguồn khác nhau: tự biên soạn hoặc xúc tiến dịch thuật tân thư của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, J.J Rousseau, D.Diderot cũng như của các chí sĩ cách mạng đang bôn ba hải ngoại v.v…

Trong những buổi lên lớp, giáo viên không làm theo kiểu “thầy đọc, trò chép” như cách làm phổ biến ở trung học hiện nay, mà khuyến khích tinh thần tự do thảo luận của học sinh. Mặt khác, các hoạt động ngoại khóa, phụ khóa như diễn thuyết, đối thoại đã được coi trọng. Diễn giả là những giáo viên của trường, những trí thức cựu học và tân học tiên tiến. Cụ Phan Châu Trinh cũng đã có vài ba lần đăng đàn. Hình thức này đặc biệt cuốn hút không chỉ học sinh trong trường mà còn cả những ai có lòng với tổ quốc và ham hiểu biết, đến mức:

Buổi diễn thuyết người đông như hội
Kỳ bình văn khách tới như mưa.

Tóm lại, chưa nói đến việc nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm của các nền giáo dục tiên tiến hiện nay như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore,… chỉ riêng việc xem xét lại một cách nghiêm túc, với tinh thần “hư tâm cầu học” chứ không phải với thái độ “kiêu ngạo cộng sản chủ nghĩa” (chữ dùng của V.I Lênin) nội dung và phương pháp dạy học của Đông Kinh Nghĩa Thục, dù tất cả không phải đã hoàn thiện, nhưng chắc chắn ngành giáo dục nước ta hôm nay sẽ thu hoạch được không ít bài học bổ ích.

Tranh sơn dầu của Lê Huy Miến.

2. Hơn một thế kỉ qua đi, tình hình đổi thay, hoàn cảnh lịch sử ­ xã hội đã khác trước rất nhiều, nhưng bài học về khát vọng, quyết tâm duy tân của tiền nhân vẫn còn nguyên giá trị cách thức hành động, bước đi cụ thể của các cụ vẫn gợi ý tích cực cho ta. Tính đến nay, Bắc Nam thống nhất đã 40 năm, nền độc lập ngày càng được bồi đắp, nhưng vì nhiều nguyên nhân ­ khách quan có, chủ quan có và nặng hơn - nước ta vẫn chưa đạt đích “sánh vai với các cường quốc năm châu” như tâm nguyện của Bác Hồ.

Đường đến cái đích nức lòng người ấy, như trên đã nói, là con đường dài vạn dặm. Thế nhưng dài mấy cũng phải đi, khó mấy cũng phải vượt. Tất cả không chỉ riêng ai, phải cắn răng lại mà vươn tới. Lực lượng nòng cốt cho quá trình chuyển động quyết liệt ấy, không ai khác chính là thế hệ trẻ ­ những người hôm nay còn ngồi trên ghế nhà trường, nhưng sẽ là chủ nhân đất nước trong tương lai gần. Đương nhiên đó phải là một thế hệ trẻ có lòng yêu nước sục sôi, có hoài bão cống hiến hết mình và không vị kỉ.

Chắc chắn không thể nghi ngờ về lòng yêu nước của lớp người trẻ tuổi hôm nay. Hơn 70 ngày đêm (từ ngày 3/5/2014 đến ngày 25/7/ 2014) tuổi trẻ Việt Nam đã vững vàng trên biển Đông, quyết tâm ngăn cản và thực tế đã chặn được bước đầu dã tâm của thế lực bành trướng bá quyền Đại Hán. Hoặc như những ngày cả nước đau buồn trước sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thanh thiếu niên Hà Nội đã tạo nên một diện mạo Hà Nội khác: không có hiện tượng đua xe, nhậu nhẹt, nói tục, gây gổ. Anh chị em đã tự nguyện dọn vệ sinh đường Hoàng Diệu, quanh nhà riêng của Đại tướng, sắp xếp hàng lối cho cá nhân và các nhóm người đến viếng Đại tướng, hướng dẫn giúp đỡ các cụ cao tuổi được vào viếng trước.

Thật đặc biệt, khi linh xa chở thi hài Đại tướng đi qua, không ai bảo ai, hàng ngàn thanh thiếu niên đã quỳ một chân xuống đường, tay phải đặt lên ngực trái và thành kính cúi đầu tiễn biệt người anh hùng dân tộc về cõi vĩnh hằng.

Những hình ảnh kể trên đáng để cho chúng ta vững tin vào phẩm chất tốt đẹp lúc nào cũng tiềm ẩn trong tâm khảm thế hệ trẻ. Vấn đề là những người có trách nhiệm, bằng những biện pháp thích hợp và bằng sự nêu gương, củng cố bồi đắp cho họ một điều tối quan trọng: Lòng tin chiến lược như chữ Thủ tướng đã dùng ở Hội nghị Sangri La (Singapore) cách đây hai năm. Một lòng tin vững chắc, có cơ sở thực tế về lý tưởng đang theo, về mục tiêu đang hướng tới đồng thời để thế hệ trẻ thấy họ không cô đơn trên đường đời, mà luôn luôn có thế hệ cha anh, có Nhà nước đang chân thành đồng hành cùng họ, tiếp thêm sức mạnh cho họ.

Dân tộc ta có truyền thống hiếu học, đó là một thực tế lịch sử hiển nhiên, không cần bàn cãi. Còn nhớ, chính Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, một người bạn rất tốt của Việt Nam, nổi tiếng thẳng tính, xa lạ với cách nói xã giao ­ trong cuộc gặp Chủ tịch nước ta Nguyễn Minh Triết hồi tháng 1/2007 đã khen ngợi sinh viên Việt Nam “chăm chỉ, chịu khó”, “luôn là những sinh viên hàng đầu tại các trường đại học Singapore”.

Truyền thống hiếu học ấy vẫn luôn tiềm ẩn trong cuộc sống hôm qua cũng như hôm nay. Lật giở các trang báo hàng ngày ta gặp những gương vượt khó đầy xúc động. Từ cuộc sống nghèo cực của những vùng khó khăn nhất nước, hàng ngàn em đã đạt kết quả tốt trong 2 kỳ thi quan trọng nhất của đời đi học: tốt nghiệp trung học phổ thông và thi tuyển đại học. Khát vọng tự khẳng định của không ít em thật đáng trân trọng. Chẳng hạn em Nguyễn Thanh Trí (Hậu Giang) kiên quyết “học để làm thầy chứ không làm mướn” (Tuổi trẻ, 10/10/2014). Một em khác - Phạm Ngân Giang hướng vào ngành y không phải để làm giàu mà để có điều kiện chăm sóc những người nghèo bị bệnh (Đại đoàn kết, 25/10/2014).

Xem chương trình “Lục lạc vàng” của Đài Truyền hình Việt Nam VTV1 các tối chủ nhật, tôi tin nhiều vị khán giả không khỏi ứa nước mắt vì thương xót và cảm phục những em nhỏ đang học tiểu học hoặc trung học cơ sở, tuy nhà nghèo khó nhưng vẫn bày tỏ quyết tâm được đến trường học tập.

Quyết tâm nâng cao dân trí không chỉ là cố gắng của những cá nhân như đã kể trên. Không ít làng xã làm rất tốt công tác “khuyến học, khuyến tài”, thậm chí cộng đồng dân cư cấp huyện như huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) quyết tâm thực hiện sự đổi đời của toàn huyện qua việc chăm lo việc học tập cho con em mình. Sau nhiều năm phấn đấu, tính trung bình 10 nghìn dân trong huyện đã có 600 sinh viên đang học các trường đại học trong và ngoài nước. Tỉ lệ bình quân số sinh viên đạt 6% dân số, cao hơn hẳn tỉ lệ bình quân cả nước (1.8 %). Một tỉ lệ lẽ ra chỉ có thể thấy trong mơ. Ấp nghèo của huyện (ấp F1, xã Thạnh An) có 4 tiến sĩ, 105 cử nhân. Những con số ấy thật nức lòng người. (Sài Gòn giải phóng, ngày 23/10/2014).

Với truyền thống lá lành đùm lá rách, nhiều cá nhân và tổ chức xã hội đã có những sáng kiến thật cảm động: cuộc vận động “Cơm có thịt” cho học sinh vùng cao do ông Trần Đăng Tuấn (nguyên Phó Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam) chủ trì đã tiến hành một cách lặng lẽ nhưng thiết thực trong hơn 5 năm nay. Học bổng “Nữ sinh hiếu học vượt khó” do báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh phát động liên tục trong 24 năm qua, đã hỗ trợ cho 5.300 em cả tiền mặt và áo dài (Phụ nữ, ngày 25/8/2014).

Cũng có số năm kiên trì như thế, báo Tuổi trẻ đã phát động phong trào quyên góp để cấp học bổng “Tiếp sức đến trường” cho học sinh, sinh viên cả nước. Chỉ riêng năm 2014 và chỉ nói hẹp trong phạm vi 9 tỉnh miền Trung từ Quảng Trị đến Ninh Thuận, 543 tân sinh viên đã được cấp học bổng với tổng số tiền lên đến 1.8 tỷ đồng (Tuổi trẻ, ngày 26/10/2014).

Càng ngẫm càng thấy ý tưởng mà Thủ tướng Lý Quang Diệu khẳng định với Chủ tịch Nguyễn Minh Triết cũng trong cuộc gặp gỡ nói trên (tháng 1/2007) là chí lý: “Nếu thắng trong cuộc đua giáo dục, sẽ thắng trong phát triển kinh tế”. Trên thực tế suốt nửa thế kỷ qua đảo quốc Singapore đã kiên trì và quyết liệt phát triển giáo dục. Chính bí quyết này đã biến những làng chài xơ xác thành một quốc gia hùng mạnh ­ niềm tự hào của châu Á và của các dân tộc kém phát triển trên toàn thế giới.

Chắc chắn con đường vạn dặm này chúng ta sẽ vượt qua, tương lai tốt đẹp hiển hiện ngày càng rõ trước mắt, những khó khăn không đáng có trên chặng đường dài ấy sẽ giảm thiểu nếu Nhà nước đẩy mạnh việc cải cách thể chế, thực hiện có hiệu quả hoạt động phòng chống tham nhũng cũng như toàn thể cán bộ các cấp kiên quyết chống lãng phí và thực hành tiết kiệm.

Riêng về chủ trương đổi mới toàn diện, sâu sắc ngành giáo dục mà Đảng đã có quyết sách từ ba năm nay, chỉ mong những cơ quan, những người có trách nhiệm nhanh chóng vượt qua tình trạng lúng túng, trì trệ hiện nay, để có được một kế hoạch tổng thể khoa học, với những “cú hích” hợp lý và xây dựng được một đội ngũ chỉ đạo giáo dục các cấp có năng lực, có trách nhiệm.

Một khi hội đủ được những điều kiện cần và đủ như thế, chúng ta có thể vững tin vào kết quả tốt đẹp cuối cùng và những người thực sự tâm huyết với đất nước như ông Vũ Ngọc Hoàng không phải thốt lên lời cảm thán: “Nghe thật xót lòng!”.

Trần Hữu Tá
.
.