Tâm thức Việt Nam từ tình yêu cha đẻ

Thứ Ba, 17/05/2016, 04:27
Một chiều giáp tết Bính Thân, tôi nhận được điện thoại của chị Michèle Nguyễn đến ăn cơm với bạn bè chị. Thật bất ngờ, ở đó toàn con lai thế hệ đầu tiên sinh ra và lớn lên trên đất Pháp.

Họ đã kết hôn với người Pháp, nhưng họ luôn nói: "Trong chúng tôi có 1/2 dòng máu Việt, các con chúng tôi cũng có 1/4 máu Việt". Tục ngữ Việt Nam có câu "Một giọt máu đào hơn ao nước lã". Giọt máu Việt ấy liên kết họ với nhau. Họ thành lập Hội Hậu duệ những người lao động Đông Dương để trở về cội nguồn. "Quê cha đất tổ", họ đã về nguồn, cùng nhau đi tìm gốc tích. Họ đã khóc khi biết sự thực nỗi đau của dân tộc cha mình, quê nội khi bị mất nước.

Cha họ nằm trong số 20.000 nông dân Việt bị bắt ép lên tàu biển sang Pháp làm lao động (1939-1940, và tiếp tục được đưa sang cho đến 1953) khi tình hình kinh tế Pháp đang suy thoái trong Chiến tranh thế giới thứ II. Nhiều nông dân Việt bị đưa đến trồng lúa ở Camargue để cứu đói cho nước Pháp. Khái niệm tết tưởng như xa dần với thế hệ Việt sinh ra, lớn lên nơi xa quê hương vạn dặm, vì tết đến, người Việt ở Pháp và các nước vẫn phải đi làm.

Tác giả và Michèle Béti Nguyễn trong vườn nhà Béti.

Những gia đình thuần Việt, mỗi dịp tết Nguyên đán, có hương vị quê hương qua mâm cỗ cúng, trang hoàng nhà cửa hoặc được cha mẹ nhắc đến là chuyện bình thường. Còn với thế hệ lai sinh sau, lại lấy chồng Tây, tôi cứ tưởng tập tục ăn tết đã hòa tan trong xã hội Pháp, hình ảnh tết Việt Nam sẽ mất hết. Lúc còn nhỏ, họ chỉ biết Việt Nam qua lời kể của cha.

Lớn lên, họ hiểu cha họ rất thèm bữa cơm dù chỉ vài giọt nước mắm, hay bát canh cà dầm tương, canh rau muống, mồng tơi. Nỗi nhớ của cha họ đã không được bù đắp, khi chiến tranh vẫn tiếp diễn ở Việt Nam.

Trước kia, việc thông thương khó khăn, hai nước không quan hệ ngoại giao (ký quan hệ năm 1973). Việc chuẩn bị tết là cả một vấn đề, nên nhiều gia đình chỉ làm bữa cơm nửa Tây nửa ta lẫn lộn. Cha họ truyền nỗi nhớ vào cách đặt tên con, vào cách sống kiểu Việt Nam. Chị Michèle trong giấy khai sinh còn có tên Việt là "Bé tí" (Béti - Tiếng Pháp đọc là "Bê-ti", và vẫn đọc được theo tiếng Việt).

Thời chị sinh ra, chính quyền Pháp còn đang chiến tranh ở Đông Dương, nên không cho phép đặt tên Việt, cha chị đã nghĩ ra viết liền hai chữ Béti để đặt tên cho chị. Họ kể cho tôi những nỗi nhớ quê hương của cha họ qua cuộc sống hằng ngày.

Một thế hệ lai lại biết ăn nước mắm, mắm tôm và biết nấu món ăn Việt. Chị Michèle, bà Joelle (vợ danh họa Lê Bá Đảng) có lý khi họ nói chồng và cha họ đã thả nỗi nhớ vào tranh. Tranh vẽ của họ thay lời muốn nói cho người Việt Nam xa xứ.

Họa sĩ nổi tiếng Lê Bá Đảng (1921-2015), sang Pháp khi thực dân đưa ông vào đoàn người Việt Nam đi làm lính thợ năm 1939. Lê Bá Đảng nhập vào đoàn quân chống phát-xít, bị Đức bắt làm tù binh. Ông nằm trong số rất ít người thoát được hoàn cảnh, học hành và có sự nghiệp thành danh trên đất Pháp. Ông dùng cây cọ tả nỗi nhớ quê hương của chính mình và đồng hương nơi xa xứ.

Tách sứ giống như gốc tre già.

Tình yêu quê hương được thể hiện rõ qua tên tranh: Làng hoa Bích La, Hạt gạo Trường Sơn, Đêm Trường Sơn, Ngựa Thánh Gióng, Thiền, Cọc chông Bạch Đằng, Mẹ Âu Cơ, Vườn mộ Loa thành, Dấu chân Giao Chỉ... Ông có Hậu quả chiến tranh (1965), Phong cảnh bất khuất (1973 - tranh về Trường Sơn và đường mòn Hồ Chí Minh), hiện đang trưng bày tại Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng, một biệt thự đẹp hàng đầu Huế, tại 15 Lê Lợi.

Ở ngôi nhà nhỏ của họa sĩ, nơi quê làng Bích La, treo bức ảnh cực kỳ quý hiếm. Ảnh chụp họa sĩ đang tháp tùng Hồ Chủ tịch khi Người sang Pháp dự Hội nghị Fontainebleau năm 1946. Vượt lên thân phận lính thợ, bằng tài năng của mình, Lê Bá Đảng đã cống hiến cho quê hương, dốc lòng cho đất nước, nhận nhiều giải thưởng và sự ghi nhận của thế giới.

Ngày 5/10/2014, tại thị trấn Salin-de-Giraud ở cửa khẩu sông Rhône (Pháp), khánh thành tượng đài tưởng niệm lính thợ Đông Dương - một bức tượng bằng thép cao 2m, đặt trên bục đá cao 80cm có bia khắc chữ tiếng Pháp và tiếng Việt của họa sĩ Lê Bá Đảng rất hiện đại, sống động.

Ông đã trở về làng Bích La Đông, huyện Triệu Phong, Quảng Trị, làm triển lãm cá nhân năm 1992 và một số lần khác (Mặc áo cho cây ở khuôn viên chợ đình Bích La năm 2003 là lần chót làm triển lãm tại làng). Ông đã về Huế sống, vẽ và mang nhiều tranh về trưng bày ở đây như món quà gửi lại quê Việt. 

Thời gian cuối đời, ông sống tại Pháp bên người thân và qua đời tại Paris tháng 3/2015. Tác phẩm Cõi người ta là cả tâm tư ông trao gửi, nên khi tặng bảo tàng, ông yêu cầu tỉnh Thừa Thiên - Huế giữ gìn cẩn thận cho thế hệ sau.

Trong tranh, bóng người ngồi thiền. Bóng lồng trong bóng. Người ngồi thiền, trong sâu thẳm, vẫn là hình ảnh gia đình. Thiền không che lấp nổi nỗi nhớ quê hương. Quê hương là gia đình. Quê hương, hạnh phúc gia đình lúc ẩn lúc hiện là tâm trạng của người xa xứ. Tổ quốc, gia đình, cha mẹ, tổ tiên mờ khuất, nhưng là điểm sáng để ta hướng về đó, phấn đấu và vươn lên, là mục đích sống và tồn tại.

Họa sĩ Nguyễn Hoài Nam cũng là một người lao động Đông Dương thời đó. Tuy không nổi tiếng như Lê Bá Đảng, song ông cũng được nhiều người biết đến và yêu thích sự mộc mạc không mang tính bác học hiện đại như tranh Lê Bá Đảng. Ông truyền nỗi nhớ vào tranh vẽ cảnh đồng quê Việt Nam thanh bình. Một người lính thợ khác đã theo học điện ảnh và trở thành đạo diễn là ông Phạm Văn Nhân, đang tuổi 95, các con ông sống ở Pháp và Mỹ. Ông đã quay phim tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Pháp năm 1946. Nhưng sau Phạm Văn Nhân cũng bỏ nghề.

Những hậu duệ con lai đã hòa nhập vào xã hội Pháp, vẫn mang đậm hồn Việt, vì họ đã kế thừa được nỗi nhớ và tình yêu quê hương của cha họ.

Kế thừa và tiếp nối nỗi nhớ Việt Nam của cha (Nguyễn Hoài Nam), chị Michèle Nguyễn đã tìm hiểu văn hóa Việt Nam qua sách và những chuyến đi từ thiện ở quê cha. Chị hiểu nỗi nhớ day dứt của cha và các bạn đồng hương của ông cùng đi thời đó về một làng quê nghèo với lũy tre xanh.

Lọ cắm hoa.

Như chị Michèle, Phạm Joel, Quách Dominique, Võ Danielle, Ngô Dominique, Nguyễn Christian, Marie Lorre, Nicole... đều kế thừa tình yêu Việt Nam của cha. Phạm Joel là con trai lính thợ, hiện là thủ quỹ của Hội Hậu duệ những người lao động Đông Dương. Ông này đấu tranh tích cực cho Hội.

Hậu duệ lính thợ, dù là con nông dân Việt - mẹ Pháp cũng nông dân, một số cũng thành đạt, là diễn viên, bác sĩ, trợ lý thị trưởng, giáo sư, nhà văn... Họ đã hòa nhập vào nước Pháp, song nhiều người nặng lòng Việt Nam. Đa số con lai chủ yếu là công nhân lành nghề, làm tại các xưởng, nhà máy chế tạo ở Pháp.

Cùng hoàn cảnh, sự thông cảm và tình yêu quê cha đất tổ đã xích họ lại gần nhau. Họ thành lập Hội Hậu duệ những người lao động Đông Dương và cùng nhà báo Pièrre Daume đã đưa ra ánh sáng sự thật của cái gọi là "truyền bá văn minh" của chế độ thực dân. Đó chỉ là sự bóc lột, khinh miệt, phân biệt chủng tộc đối với dân bản xứ; sự lừa dối khi đem chiêu bài "phục vụ mẫu quốc" mà thực tế là bắt ép đi phu, tuyển lính.

Thời Mỹ ném bom ở Bắc Việt Nam, nhiều người như Ngô Thị Huệ, Marie Lorre... cùng cha tham gia biểu tình chống chiến tranh Việt Nam. Họ đã khoác tay nhau, vừa đi vừa hô vang trên đường phố Pháp: "Chỉ có một Việt Nam/ Hòa bình, Hòa bình!".

Họ rủ nhau những ngày tết làm nem, làm nhẫn, vòng, kết hoa đem đi bán lấy tiền ủng hộ Việt Nam. Họ tích cực tham gia trong các lễ hội "Nhân đạo" của Đảng Cộng sản Pháp tổ chức để giới thiệu văn hóa Việt Nam. 

Chị Huệ kể: "Cha tôi dặn: Đừng đứa nào ăn vụng nem nóng giòn đầy hấp dẫn, để bán lấy tiền mua sách bút, vở cho trẻ em Việt Nam thiếu thốn trong chiến tranh chống Mỹ". Hòa bình sớm thiết lập ở Việt Nam một phần nhờ sự đóng góp của những người Việt yêu nước.

Nhớ thương di truyền đã tạo nên một sức mạnh tiềm ẩn. Giờ đây một số người trong họ, con cháu họ đã và đang đang trở về đóng góp xây dựng Việt Nam. Mỗi dịp tết Nguyên đán, giỗ Tổ, Quốc khánh Việt Nam, nỗi nhớ quê nội lại xôn xao trong tim thế hệ con lai Việt. 

Họ thường hẹn gặp nhau vào cuối tuần, có thể trùng hoặc trước, sau, kề ngày nghỉ lễ Việt Nam để hội tụ, để thế hệ con cháu họ, dù không thạo tiếng Việt vẫn không quên cội nguồn.

Michèle Nguyễn hiểu những người nông dân Đông Dương đều sinh ra từ nông thôn Việt Nam gắn liền hình ảnh lũy tre xanh, cầu tre bắc bên bờ ao, mẹ về quang gánh trên vai. Cây tre gắn liền với đời sống hằng ngày của người Việt. Tre là vật dụng chủ yếu trong đời sống. 

Quang gánh, thúng, lạt, chõng, liếp che cửa bằng tre, quạt nan, rổ rá, đũa, thuyền thúng, ghế, bàn, gối đều làm bằng tre. Tre - hình ảnh tượng trưng cho con người Việt cần cù, chịu khó, chịu đựng nắng mưa gió bão giỏi. Cây tre thành cảm hứng để chị tạo hình các vật dụng bằng gốm.

Vườn nhà chị giống một số gia đình Việt, thường trồng khóm tre xanh. Tôi đã đến đây, thật bất ngờ vì khu vườn đẹp, rộng gần 2.000m², ở Saint Fargeau Ponthiery, cách Paris 40km, tre trúc xanh tươi như đang ở làng quê Việt. Michèle truyền nỗi nhớ của cha và của chính chị, cùng khát vọng về quê hương qua các đồ gốm, tranh vẽ toàn về tre. Chị đã tự làm vật dụng bằng gốm hình dáng cây tre.

Những tách trà, lọ hoa trông xa tưởng khúc tre cắt ra, sơn quang dầu hay véc-ni rất khéo. Trong vườn, trong nhà chị đều thấp thoáng hình ảnh tre. Ngắm lọ hoa dáng cây tre nghiêng nghiêng, cong cong mềm mại yêu kiều, như tre đu đưa trước gió, vừa hiện đại, vừa rất mộc mạc quê hương. Tôi thật sự khâm phục và cảm động về tình yêu Việt Nam của họ.

Trần Thu Dung
.
.