Tại sao cần mở rộng khái niệm “độc lập dân tộc”?

Chủ Nhật, 12/05/2019, 09:44
"Độc lập dân tộc" trong cách nhìn truyền thống của người Việt Nam luôn gắn liền với độc lập, tự chủ về lãnh thổ. Đấy là một nhận thức tất yếu ở một dân tộc mà thời gian dành cho những cuộc chiến tranh vệ quốc nhiều hơn hẳn thời gian hòa bình, dựng xây đất nước.

Hai Bà Trưng - hai người đầu tiên nổi dậy trong giai đoạn ngàn năm Bắc thuộc có lẽ cũng là hai người đầu tiên khiến dân tộc buộc phải suy nghĩ một cách sâu sắc về vấn đề độc lập lãnh thổ. 

Chúng ta sẽ không nhắc đến giai đoạn trước đó như Kinh Dương Vương (gắn liền với nhà nước Xích Quỷ), Hùng Vương (nhà nước Văn Lang) hay An Dương Vương (nhà nước Âu Lạc) vì cả 3 nhà nước này đều mang màu sắc huyền thoại, với những gia vị huyền thoại đậm đặc khác nhau. 

Chúng ta cũng không nhắc tới một số cuộc nổi dậy lẻ tẻ thời trước Hai Bà Trưng vì nó không thật sự để lại những dấu ấn đậm nét trong dòng lịch sử.

Chúng ta nhắc đến Hai Bà Trưng và quãng thời gian hơn 2 năm làm chủ lãnh thổ của Hai Bà vì với cuộc nổi dậy chính thức, quy mô đầu tiên này, dân tộc Việt có quyền tin rằng, mình đủ khả năng giành độc lập lãnh thổ. Chỉ một niềm tin ấy thôi - xác lập một niềm tin ấy thôi, ông cha chúng ta đã phải đi một quãng đường rất xa.

Nhưng rồi sự độc lập lãnh thổ mà hai vị vua bà giành được chỉ là một sự độc lập chóng vánh. Những sự độc lập chóng vánh như thế tiếp tục diễn ra sau này, gắn liền với những cái tên như Lý Nam Đế, Triệu Việt Vương, Mai Hắc Đế, Phùng Hưng, Khúc Thừa Dụ... 

Nếu cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng xây viên gạch đầu tiên vào ngôi nhà niềm tin thì nền độc lập chóng vánh của chính Hai Bà Trưng và hàng loạt người anh hùng sau đó hoàn toàn có thể tạo ra một nếp nghĩ: Độc lập chóng vánh thì có thể nhưng độc lập lâu dài thì không thể(?). Ở thời điểm đó, nếu quả nhiên tiền nhân mang suy nghĩ đó thì cũng có thể hiểu được.

Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đã mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử dân tộc.

Tuy nhiên, chiến thắng Bạch Đằng năm 938 chứng minh: suy nghĩ đó (nếu có) là một suy nghĩ sai lầm. Sau trận Bạch Đằng, Ngô Quyền xưng vương là một giai đoạn độc lập kéo dài ổn định. Câu hỏi lớn với hậu thế: điều kiện tiên quyết nào biến độc lập chóng vánh thành độc lập lâu dài?

Có lẽ chính Ngô Quyền cũng không trả lời được câu hỏi này. Bởi Ngô Quyền chỉ vừa nằm xuống là đất nước lại tao loạn và giai đoạn tao loạn nội bộ (mà lịch sử vẫn gọi là "loạn 12 sứ quân), nguy cơ nền độc lập non trẻ bị xóa sổ là nguy cơ có thật. 

Rất may thời điểm ấy kẻ thù mạnh nhất của chúng ta là nhà Tống (Trung Quốc) cũng đang phải đối diện với rất nhiều vấn đề của chính họ nên chưa thể động binh. Nhưng những giai đoạn sau này, ở thời nhà Đinh, nhà Lý, nhà Trần, khi kẻ thù của chúng ta mạnh thật sự và muốn "nuốt" nền độc lập non trẻ của chúng ta thì chúng cũng không thể nào "nuốt" nổi. Vì sao vậy?

Người thích hợp nhất để trả lời câu hỏi này không phải là Lý Thường Kiệt, cho dù Lý Thường Kiệt là vị tướng Việt Nam duy nhất cất quân sang đánh ngược phương Bắc; cũng không phải là Trần Hưng Đạo, cho dù Trần Hưng Đạo đã oanh liệt lãnh đạo quân dân đánh bại cuộc xâm lược của đế quốc Nguyên Mông. 

Người thích hợp nhất trả lời câu hỏi này là Đinh Bộ Lĩnh. Bởi Đinh Bộ Lĩnh sau khi lên ngôi đã tạo nên một nhà nước trung ương tập quyền đầu tiên. 

Chính mô hình nhà nước trung ương tập quyền (chứ không phải mô hình hào trưởng phân tán như giai đoạn trước) đã giúp Việt Nam phát huy tối đa sức mạnh dân tộc, trong cuộc đương đầu với một dân tộc mạnh hơn mình. Khi nào nhà nước tập quyền suy yếu, nền độc lập lại đứng trên bờ vực mong manh, mà 20 năm Minh thuộc là bài học điển hình.

Như thế, chìa khóa tạo nên những giai đoạn độc lập ổn định chính là mô hình nhà nước tập quyền. Từ việc tin và dám tin vào khả năng xây dựng một lãnh thổ độc lập, đến việc tạo dựng những giai đoạn độc lập chóng vánh và đỉnh cao là chính thức kiến thiết những giai đoạn độc lập ổn định kéo dài, cha ông chúng ta đã đi qua cả ngàn năm lịch sử và nhuộm đỏ dòng sông lịch sử bằng máu của chính mình.

Độc lập dân tộc - độc lập lãnh thổ do vậy trở thành một cái nhìn xuyên suốt và tất yếu. Độc lập dân tộc - độc lập lãnh thổ, nó là một HẰNG SỐ MÁU!

Nhưng ngẫm kỹ ra, ở trên đời, có cái gì là hằng số thật không? Có những thứ ở giai đoạn này là hằng số nhưng đến giai đoạn khác lại là biến số. Và phải thấy, trong rất nhiều trường hợp, biến số không phủ nhận sạch trơn mọi giá trị của hằng số mà chỉ mở rộng thêm các giá trị mới, dung nạp thêm những dữ liệu mới để hy vọng đạt tới một hằng số mới, phù hợp nhất với những hệ quy chiếu mới. 

Với một cách nghĩ như thế, có lẽ đã đến lúc phải mở rộng thêm nội hàm khái niệm "độc lập dân tộc". Đúng là "độc lập dân tộc" trước hết và đầu tiên phải là "độc lập lãnh thổ" nhưng nếu chỉ có mỗi hằng số "độc lập lãnh thổ" thì e rằng "độc lập dân tộc" chưa phải là một khái niệm tối ưu. Hãy thử nhìn lại xem, điều gì đang xảy ra ở dân tộc chúng ta hôm nay?

Những mối đe dọa về độc lập lãnh thổ còn không? Còn, cho dù tính chất của nó đã khác xa thời phong kiến ngày xưa. Nhưng bên cạnh nỗi đe dọa này, còn có một nỗi đe dọa đáng sợ không kém, đó là sự độc lập mang tính quá khích, tả khuynh ở rất nhiều bộ phận người. 

Sự độc lập quá khích như thế đã tạo ra hàng loạt những tranh cãi, cả trên không gian ảo lẫn ngoài đời thực. Sự độc lập tả khuynh như thế có thể tạo ra những rạn nứt từ bên trong đội ngũ trí thức quốc gia.

Bây giờ cứ mở Facebook ra coi, bạn sẽ không bất ngờ khi thấy nhóm trí thức này "tấn công", "hạ bệ" nhóm trí thức kia. Bạn cũng sẽ không bất ngờ nếu thấy nhóm trí thức này khăng khăng cách nghĩ của mình là đúng và bất cứ nhóm trí thức nào khác dám nghĩ khác mình đều là nghĩ sai. 

Trong rất nhiều trường hợp, sau khi đã xác quyết là "nhóm kia" nghĩ sai thì "nhóm này" không ngừng kêu gọi, hô hào những người có chung quan điểm với mình lao vào... thi hành án.

Rất nhiều lần tôi nghĩ, đấy chỉ là một chiến trường trên Facebook, nơi mà người ta không phải mặt đối mặt với nhau, nên sẵn sàng "chiến" nhau bằng tất cả những ngôn từ kinh khủng nhất. 

Nhưng rồi tôi lại nghĩ, chính nhờ không nhìn thấy mặt nhau nên họ đã "hành xử thật" với nhau và chính nhờ thế,  người quan sát lại nhìn thấy những góc rất thật mà dẫu có tiếp xúc với họ hằng ngày, mình cũng không có cơ may nhận thấy.

Và khi đã nhận thấy cái góc rất thật ấy, một nỗi sợ tức thì xuất hiện: sợ rằng, "sức mạnh ảo" đến một giải đoạn nào đó sẽ dẫn đến "sức mạnh thật" - "tranh đấu thật" - "hậu quả thật". 

Nhìn lại lịch sử từ cuối thời phong kiến đến nay, dù muốn hay không cũng phải thừa nhận rằng người Việt đã trải qua nhiều cơ tầng chia rẽ. Sau thời "Trịnh - Nguyễn phân tranh" là thời "Tây Sơn - Nguyễn Ánh" trả thù nhau. Sau thời "Tây Sơn - Nguyễn Ánh" trả thù nhau là thời người Pháp chia đất nước này thành 3 miền. 

Và sau thời người Pháp chia đất nước thành 3 miền lại đến thời chúng ta bị chia đôi, lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến. Phải đến năm 1975, sau rất nhiều nỗ lực, đất nước mới thống nhất, giang sơn mới được thu về. 

Nhưng dù muốn hay không cũng phải thấy, những sự chia rẽ về lãnh thổ, về chế độ, về quan điểm kéo dài hàng trăm năm đã tạo nên những chia rẽ âm ỉ trong tâm hồn người Việt. Và công việc khó khăn nhất của những nhà lãnh đạo dân tộc luôn là: phải làm gì để thực sự hàn gắn lại mọi chia rẽ? 

Thực tế là suốt nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã có rất nhiều chính sách hàn gắn những chia rẽ này, với bằng chứng là người Việt ở hải ngoại đã trở về đầu tư, làm ăn trong nước ngày một nhiều hơn, từ đó đóng góp nhiều hơn vào giá trị nói chung của nền kinh tế. 

Chắc chắn là chỉ có hàn gắn mọi chia rẽ mới tạo nên sức mạnh đích thực. Và chỉ có sức mạnh đích thực mới có thể phát huy tối đa nội lực của một dân tộc vốn rất nhỏ về địa lý và cũng không thật lớn về các giá trị văn minh.

Nhưng hàn gắn sự chia rẽ không chỉ là nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước. Trong rất nhiều trường hợp, đặc biệt là trong thời kỳ bùng nổ quan điểm trên mạng xã hội hiện nay, nó còn là công việc quan trọng của đội ngũ trí thức. Vậy thì đội ngũ trí thức đã ý thức và thực hiện công việc này hiệu quả chưa?

Lâu nay, người Việt vẫn tự hào với mệnh đề: Cứ khi nào có chiến tranh là mọi người đoàn kết lại! Cần phải nói cho rõ, chiến tranh ở mệnh đề này là chiến tranh "cứng" - chiến tranh quân sự - xâm phạm lãnh thổ. 

Nhưng trong thời điểm này chiến tranh "cứng" không đáng sợ bằng chiến tranh "mềm", chiến tranh quân sự không đáng sợ bằng chiến tranh chính sách. Thành thử, nếu chỉ đợi chiến tranh cứng - chiến tranh quân sự mới đoàn kết thì rất có thể chúng ta sẽ tự mình đánh mất rất nhiều thứ giá trị của mình.

Năm 40 sau Công nguyên, với việc đứng dậy phất cờ khởi nghĩa, Hai Bà Trưng cho dân tộc niềm tin vào việc có thể xác lập một sự độc lập lãnh thổ trước một kẻ thù mạnh hơn mình, còn bây giờ một đội ngũ trí thức nào đó có thể cho dân tộc niềm tin là chúng ta đủ sức hàn gắn mọi chia rẽ, đoàn kết với nhau, không chỉ trong những hoàn cảnh chiến tranh?

Năm 968, với việc chính thức lên ngôi, xây dựng nhà nước trung ương tập quyền đầu tiên, Đinh Bộ Lĩnh chỉ ra một công thức quan trọng trong việc bảo vệ và xác lập một nền độc lập kéo dài, còn bây giờ, đội ngũ trí thức nào đủ trí tuệ và sự dấn thân để chỉ ra một công thức hữu hiệu hàn gắn mọi chia rẽ, ít nhất là những chia rẽ trong chính đội ngũ trí thức với nhau?

Độc lập dân tộc trước hết và trên hết, phải gắn liền với độc lập, chủ quyền lãnh thổ. Nhưng trong từng giai đoạn, khái niệm này phải được mở rộng, hoàn chỉnh và trong giai đoạn hiện nay, độc lập dân tộc nhất thiết phải gắn liền với việc hàn gắn chia rẽ, quy tụ lòng người.

Không ngừng đau đáu, trăn trở với vấn đề này mà chỉ dồn năng lượng vào chuyện tranh cãi, hạ bệ nhau trên mạng ảo, giới trí thức hôm nay sẽ không hoàn thành những nhiệm vụ mà lịch sử giao phó và những thành quả mà tiền nhân để lại cho mình.

Phan Mỹ Chí
.
.