Phỏng vấn thượng đế

Thứ Bảy, 14/03/2020, 23:55
Thượng Đế: Tất cả những ai có chút lương tri đều biết rõ mục đích của người làm văn hoá không chỉ là bán được sản phẩm. Họ còn phải có nhiệm vụ thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội.


Phóng viên (PV): Thưa Ngài, có phải ngài sinh ra loài người không ạ?

Thượng Đế: Thật ra thì không. Nhưng nếu thiên hạ cứ đồn mãi như thế ta cũng nhận, vì điều ấy vinh dự cho ta.

PV: Thưa Ngài, bà con nói "Trời sinh voi, trời sinh cỏ", vậy Ngài sinh ra loài người thì cỏ là gì?

Thượng Đế: Là đủ thứ. Là hàng ngàn hàng vạn cái loại li ti từ vật chất đến tinh thần.

Minh họa: Lê Tâm

PV: Hay thật.

Thượng Đế: Nhưng người là một sinh vật rất sáng tạo. Cho nên sau bao nhiêu năm, ngoài những thứ ta trao tặng, họ còn phát minh ra nhiều khái niệm khác. Trong đó, có những cái rất tốt và những cái cực kỳ sai.

PV: Ví dụ như cái nào sai thưa Ngài?

Thượng Đế: Chẳng hạn ta rất ghét câu này "Khách hàng là Thượng Đế".

PV: Ôi, chân lý ấy không đúng à?

Thượng Đế: Chắc chắn không đúng vì thứ nhất ta chẳng bao giờ mua cái gì. Thứ hai, ai nói với nhà báo đó là chân lý?

PV: Chả ai nói hết. Nhưng bao nhiêu năm nay, rất nhiều người, kể cả những người trí thức chắc mẩm như thế.

Thượng Đế: Này, trí thức thì phải có cái gì?

PV: Nhiều thứ lắm. Nhưng đầu tiên phải có văn hoá.

Thượng Đế: Thế nhưng chính trong văn hoá mà hành động theo kiểu "Khách hàng là Thượng Đế" sẽ gây ra thảm họa.

PV: Vì sao ạ?

Thượng Đế: Vì không có gì phải nghi ngờ, nước ta là một nước chưa phát triển. Chưa phát triển sẽ kèm theo dân trí thấp, đúng không nào?

PV: Dạ đúng.

Thượng Đế: Dân trí thấp thì thẩm mỹ thấp. Đó là một suy luận biện chứng không thể nào bắt bẻ được.

PV: Vâng ạ.

Thượng Đế: Những người làm văn hoá nói cách khác là sản xuất ra những mặt hàng đáp ứng dân trí này, nếu lăm lăm coi khách hàng là Thượng Đế sẽ khiến xã hội xảy ra điều gì?

PV: Sẽ làm cho cuộc sống tràn ngập những sản phẩm tầm thường.

Thượng Đế: Chính xác. Không những tầm thường mà còn có thể rất tầm thường đến mức độc hại. Đó là những món ăn vừa miệng, vừa khẩu vị và vừa túi tiền của đa số khán giả.

PV: Vâng.

Thượng Đế: Tất cả những ai có chút lương tri đều biết rõ mục đích của người làm văn hoá không chỉ là bán được sản phẩm. Họ còn phải có nhiệm vụ thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội.

PV: Nhưng thưa Ngài, có thể nhiệm vụ này không bắt buộc.

Thượng Đế: Thật ra bắt buộc nhiều với tất cả những ai còn chút lương tâm.

PV: Nhưng than ôi, thưa Ngài, lương tâm không phải bằng lái xe, không cần xuất trình khi lưu thông trong xã hội, do đó thiên hạ có thể mang hay không mang theo người cũng được.

Thượng Đế: Đúng. Chính vì vậy mà trong cuộc sống hôm nay tràn ngập các sản phẩm văn hoá tồi tệ, phục vụ cho thẩm mỹ thấp kém, và người ta mang Thượng Đế ra, người ta hét lên với nhau và an ủi nhau "khách hàng là Thượng Đế" để sản xuất những thứ ấy.

PV: Ngài nói phải, nhưng Ngài ơi, toàn thế giới đều vậy mà.

Thượng Đế: Chưa chắc, hãy ví dụ như điện ảnh Mỹ. Nó có vẻ là quốc gia mà tính thực dụng cao nhất toàn cầu. Nhưng giải Oscar hầu như không bao giờ trao cho phim ăn khách nhất. Người ta hiểu bán nhiều vé nhất không chắc chắn có giá trị nhất.

PV: Ừ nhỉ.

Thượng Đế: Nếu trong kinh doanh ai cũng có thể mở quán cơm thì trong văn hoá không phải ai cũng bước lên sân khấu hoặc lên màn ảnh. Nếu quán cơm chỉ cần đông người ăn thì một bộ phim không chỉ cần đông người xem. Điều đó quá rõ ràng. Khi bán cơm, chúng ta chỉ khai thác cái đói, nhưng khi bán văn hoá, chúng ta có thể khai thác sự thấp kém, sau đó mang Thượng Đế ra bào chữa. Cái tên Thượng Đế không nên đánh đồng với sự ngu si.

Lê Thị Liên Hoan
.
.