Phỏng vấn một khán giả

Chủ Nhật, 23/05/2021, 13:47
PV: Thưa anh, tại sao người ta gọi anh là khán giả?
Khán giả: Bởi vì một lẽ đơn giản tôi hay xem, vậy thôi. Xem kịch, xem phim, xem ca nhạc, thứ gì tôi cũng xem hết.


PV: Và những người như anh rất đáng quý, họ khiến cho nghệ thuật nước nhà, khiến cho các nghệ sĩ có niềm tin phát triển và lao động.

Minh họa: Lê Tâm

Khán giả: Cảm ơn. Nhưng thành thực mà nói, tôi công nhận càng đông khán giả càng tốt cho văn hóa. Không có gì buồn bằng một quốc gia đầy người trong tiệm ăn, đầy người trong quán bia nhưng lại vắng người trong rạp hát.

PV: Vậy với khán giả, những dịp nào quan trọng nhất?

Khán giả: Những dịp nghỉ Lễ, dĩ nhiên. Đấy là thời điểm mà rất đông người muốn thưởng thức nghệ thuật.

PV: Vậy trong những ngày lễ 30/4 vừa qua, anh thấy gì khi tới các rạp chiếu phim?

Khán giả: Không phải 30/4. Đã từ lâu lắm rồi, trong mỗi thời điểm lễ hội, tôi cực kỳ buồn và cực kỳ thắc mắc.

PV: Tại sao?

Khán giả: Tại nhà báo cứ nhìn kỹ đi. Mấy ngày vừa qua, trong ngày lễ chiến thắng, phim nào được đông người coi nhất?

PV: À, một bộ phim kinh dị.

Khán giả: Đúng. Một bộ phim kinh dị. Có đâm chém, có ma. Tôi hoàn toàn không có ý định chê bai phim đó. Những nghệ sĩ làm phim đã hoàn thành rất tốt việc của mình.

PV: Điều anh buồn là gì?

Khán giả: Theo lẽ thông thường, một tác phẩm nghệ thuật phải ra đời tốt nhất vào đúng thời điểm. Xin nhắc lại, 30/4 là ngày chiến thắng. Dù có ai nói đi nói lại thế nào, đấy cũng là ngày chiến tranh kết thúc.

PV: Đúng.

Khán giả: Thế mà lâu lắm rồi, nếu không nói là tới mức tuyệt chủng. Điện ảnh Việt Nam không có một bộ phim chiến tranh khiến khán giả nô nức tới xem và xúc động vào những ngày này.

PV: Ừ nhỉ.

Khán giả: Điều kỳ quái là những hãng phim nhà nước vẫn còn tồn tại và ngân sách cho chúng hàng năm vẫn có hàng chục tỷ đồng cấp để làm phim.

PV: Họ có làm không?

Khán giả: Có chứ, có đều đều. Nhưng các phim ấy dở tới mức, nhạt nhẽo tới mức chưa bao giờ nó ra nổi tới rạp được vài ngày.

PV: Anh ơi, hay là do thị hiếu, do lớp trẻ hôm nay chả muốn nhìn về chiến tranh?

Khán giả: Nói như thế là cực kỳ vô trách nhiệm. Chẳng lẽ toàn bộ thanh niên Việt Nam rất nhiều người sinh ra trong các gia đình có cha, có ông đã cầm súng, lại chỉ muốn coi ma hay quỷ hiện hình ư?

PV: Công nhận.

Khán giả: Hãy nhìn sang Hàn Quốc đó. Đất nước của họ chiến tranh đã kết thúc trước chúng ta hàng chục năm nhưng rất nhiều bộ phim Hàn Quốc về đề tài chiến tranh đứng đầu doanh thu phòng vé cho tới tận bây giờ.

PV: Vậy sao.

Khán giả: Chính xác. Cho nên đừng bao giờ đổ lỗi cho nhân dân. Đấy là cách suy nghĩ thiển cận và vô trách nhiệm.

PV: Mà hãy đổ lỗi cho những nhà làm phim?

Khán giả: Các bộ phim chiến tranh của ta cho tới tận bây giờ vẫn được Nhà nước cấp kinh phí, đều được giao cho những người có vẻ như chỉ làm “cho xong chỉ tiêu”.

PV: Họ đã làm ra các món ăn nguội ngắt và chán ngắt.

Khán giả: Rõ ràng như thế. Và điều kinh khủng hơn cả, là hình như những nhà quản lý cũng đã chấp nhận như thế. Họ ngầm hiểu, ngầm thỏa thuận rằng các phim kiểu này chắc chắn sẽ thua, cứ làm cho có cũng chả ai tội vạ gì.

PV: Đáng buồn.

Khán giả: Đáng buồn, đáng xót xa, đáng phẫn nộ.

Lê Thị Liên Hoan
.
.