Phỏng vấn một khách đi bộ

Thứ Bảy, 24/12/2016, 16:38
Phóng viên (PV): Thưa anh, lý do gì khiến anh thích đi bộ trên các con phố?

Khách: Nhiều lắm. Nhưng chắc chắn một điều: chả phải tôi thích đi bộ vì tôi không có xe.

PV: Vâng. Hiểu rồi. Mọi người đi bộ vì họ thích cảm giác di chuyển chậm.

Khách: Mà chậm thì sao? Thì được xem kỹ từng căn nhà, từng bức tường, từng viên đá lát vỉa hè và đặc biệt từng người qua lại.

PV: Do đâu đặc biệt?

Khách: Do rất nhiều người đến phố đi bộ không phải người thường. Họ là các nghệ sĩ đường phố. Biểu diễn đủ thể loại với các cảm xúc rất tự nhiên. Thích thú vô cùng và đáng yêu vô cùng.

PV: Tuyệt nhỉ?

Khách: Vâng. Rất tuyệt. Chả phải riêng Hà Nội hay Sài Gòn, tất cả các phố đi bộ trên thế giới đều cuốn hút mọi người vì những tiết mục phong phú như thế. Nhưng than ôi!

Minh họa: Lê Tâm.

PV: Sao lại than ôi?

Khách: Tôi buồn quá. Chả biết Hà Nội ra sao, chứ ở Sài Gòn, các nhóm nghệ thuật đột nhiên không đến phố đi bộ Nguyễn Huệ nữa.

PV: Vậy họ đi đâu?

Khách: Chả đi đâu hết. Họ nằm nhà.

PV: Vì sao thế, thưa anh?

Khách: Vì một lý do đơn giản: Họ không được cấp phép.

PV: Trời ơi, phép gì?

Khách: Theo các ông quản lý là giấy phép biểu diễn.

PV: Vô lý, bản chất cao quý nhất của văn nghệ đường phố là tự phát và tự giác.

Khách: Đúng. Và ngẫu hứng nữa. Thế mà các ông quản lý nói muốn có giấy phép phải nộp danh sách tiết mục, danh sách người biểu diễn, danh sách phục trang… và phải nộp trước mấy ngày.

PV: Thế thì ai làm được?

Khách: Mặc kệ. Không làm được thì thôi. Chuyện ấy khiến tôi cáu quá và buồn quá. Tôi xin hỏi nhà báo mấy câu thế này nhé: Văn hóa quần chúng có trước hay cơ quan quản lý có trước?

PV: Tất nhiên là văn hóa.

Khách: Vậy giấy phép có trước hay các tiết mục có trước?

PV: Rõ ràng là các tiết mục.

Khách: Tại sao không cho người ta cái quyền đương nhiên được biểu diễn, còn sau đó các nhà quản lý giám sát tự giám định. Nhóm nào gây phản cảm thì cấm đoán sau. Lý do gì cứ đặt sự kiểm soát lên đầu tiên?

PV: Chắc các vị quản lý thấy… oai và tiện cho mình.

Khách: Tôi xin nhắc lại, trên thế giới này ai cũng tới phố đi bộ không phải để đi mà để xem, mà đấy là những khán giả và các nghệ sĩ luôn khao khát.

PV: Vâng.

Khách: Hầu như các tiết mục ở đó đều miễn phí, không hề có một sự bắt buộc nào. Khoảng cách giữa người biểu diễn và khán giả cũng coi như không có. Đấy là điều hết sức hay ho. Thay vì thấy đó là một sân chơi văn hóa cần phát huy, người ta lại muốn hạn chế là sao ấy nhỉ?

PV: Ý anh là phải bỏ kiểm duyệt à?

Khách: Ít nhất là với văn  hóa đường phố không được kiểm duyệt theo lối cũ, là ngồi đó bắt nghệ sĩ trình, mà phải tự mình hàng đêm đi xem xét, và phải cho quyền biểu diễn đi đầu.

PV: Anh nói đúng.

Khách: Tôi xin kể chuyện này. Ngày xưa ở các ga tàu điện ngầm trên thế giới người ta chế tạo những cánh cửa tự động khiến ai có vé mới được bước qua. Nhưng sau đó, người ta thay đổi thiết kế, chỉ những ai không có vé mới bị chặn lại. Nghe có vẻ tương tự, nhưng thực ra đấy là một bước tiến vĩ đại của loài người cho tính nhân văn trong cuộc sống.

PV: Tuyệt diệu.

Khách: Do đó, việc khai trương các phố đi bộ, các nhóm thanh niên nam nữ rất háo hức coi đây là sân khấu vĩ đại cho mình, và là điều vô cùng đáng khích lệ. Để họ cảm thấy thất vọng rời khỏi chỗ đó với bất cứ lý do gì đều là sai lầm không thể tha thứ được.

Lê Thị Liên Hoan
.
.