Phỏng vấn một chàng trai trẻ
Trai trẻ: À, tôi cũng có một số ưu điểm tạm được. Nhưng có lẽ nổi bật nhất của tôi là đẹp trai.
PV: Ồ, vậy hay quá. Vậy với tư cách một chàng đẹp trai thì anh có quan tâm tới điều nào nhất?
Trai trẻ: Tất nhiên trai đẹp thì quan tâm tới gái đẹp rồi, theo nhà báo là tự nhiên chứ?
Minh họa: Lê Tâm |
PV: Cả tự nhiên và cả hồn nhiên. Vậy thì anh thường nhìn gái đẹp ở đâu?
Trai trẻ: Còn ở đâu được nữa, ngoài các cuộc thi hoa hậu.
PV: Đúng quá. Và nhân tiện báo cho anh một tin mừng là các cuộc thi hoa hậu nhiều lắm. Có cuộc vừa mới diễn ra.
Trai trẻ: Tôi biết. Tôi có đi dự mà. Tôi nhìn không chớp mắt.
PV: Quá hay.
Trai trẻ: Vâng. Phần nhìn quá hay. Nhưng phần nghe thì khiến tôi và các chàng trai khác sợ quá.
PV: Anh ơi, âm nhạc mỗi cá nhân mỗi phong cách mà.
Trai trẻ: Đâu phải nói về nhạc, về phần thi ứng xử kia.
PV: À, thi ứng xử!
Trai trẻ: Sao nhà báo lại thở dài?
PV: Bởi gần như ai cũng thở dài khi chứng kiến màn thi ứng xử của các hoa hậu ở nước ta.
Trai trẻ: Tôi cũng vậy. Và sau cuộc thi vừa rồi, tôi tuyệt vọng.
PV: Tuyệt vọng ở chỗ nào?
Trai trẻ: Khoan đã, nhà báo có biết mơ ước thầm kín của các chàng trai trẻ là gì không?
PV: Biết chứ. Cả thầm kín cả công khai họ đều thầm mong yêu được cô gái vừa đẹp vừa thông minh.
Trai trẻ: Hoàn toàn chính xác. Vậy xin hỏi tiếp nhà báo, ước mơ đó có chính đáng không?
PV: Chính đáng vô cùng, chính đáng tuyệt đối, chính đáng suốt đời.
Trai trẻ: Vậy mà giấc mơ cháy bỏng đó đã bị các cuộc thi hoa hậu đập tan. Lần vừa qua cũng thế.
PV: Tại sao?
Trai trẻ: Tại các cô gái đẹp trả lời chán không chịu nổi. Nếu căn cứ vào đấy, có thể kết luận họ chẳng thông minh nhiều lắm đâu.
PV: Thôi chàng ơi, đẹp là được rồi.
Trai trẻ: Đầu tiên tôi cũng đành nghĩ thế. Nhưng đêm về, cuộc thi khiến tôi thao thức mãi.
PV: Cậu ạ, cuộc sống của chúng ta có quá nhiều điều thao thức kia mà.
Trai trẻ: Tôi hiểu. Nhưng tôi vẫn trằn trọc. Đến gần sáng, tôi mới phát hiện ra các cô gái đẹp không ngốc, nhưng có lẽ họ không được phép thông minh.
PV: Lạ nhỉ.
Trai trẻ: Có gì lạ đâu. Sự thông minh rất nhiều khi không thể cô đơn, nó phải từ một thứ gì cộng hưởng.
PV: Chính xác.
Trai trẻ: Do đó, muốn các cô gái trả lời hay thì câu hỏi cũng phải hay. Đó là chân lý.
PV: Chân lý ấy đời đời không thay đổi.
Trai trẻ: Tuyệt vời. Nhưng đa số các câu hỏi ứng xử vừa qua rất tầm thường, nếu không nói chán phèo và có phần sáo rỗng.
PV: Tại sao sáo rỗng?
Trai trẻ: Tại vì có thể trả lời chung chung, trả lời công thức và trả lời cho đẹp. Những câu hỏi ấy không hề khơi gợi tính chân thành. Không hề có đất để các cô gái đối đáp cho cá tính.
PV: Chắc chắn thế ư?
Trai trẻ: Chắc chắn. Nhà báo có hay xem phim chứ?
PV: Tất nhiên là có.
Trai trẻ: Tại sao cùng một diễn viên đóng phim này lại rất dở và đóng phim kia lại rất hay.
PV: Có rất nhiều lý do. Nhưng lý do quan trọng nhất là tại kịch bản.
Trai trẻ: Đúng. Và âm nhạc nữa. Tại sao có ca sĩ hát bài này hay và bài kia dở.
PV: Tại các bản nhạc khác nhau.
Trai trẻ: Rất đúng. Một câu hỏi trên sân khấu thi hoa hậu cũng vậy thôi. Khi nó dở thì các cô gái chỉ có cách dở theo hay là chết.
PV: Đành phải đồng ý.
Trai trẻ: Và tôi cứ bực dọc mãi. Các cuộc thi hoa hậu đầu tư rất nhiều tiền và có thời gian chuẩn bị rất lâu, tại sao phần ứng xử cứ dở mãi như thế. Đất nước mình không ai nghĩ ra được các câu hỏi hay ư?
PV: Có chứ. Nhưng họ không nằm trong ban tổ chức.
Trai trẻ: Vậy muốn vào ban tổ chức đó phải thế nào?
PV: Phải có tiền thì chắc chắn rồi. Nhưng phải có gì hơn nữa thú thực không ai biết.
Trai trẻ: Khi những câu hỏi dở được vang lên, khán giả không chỉ đánh giá các thí sinh, mà còn ngay lập tức đánh giá người ra đề. Nhà báo hiểu chứ?
PV: Hiểu. Nhưng bao nhiêu năm nay có biết tác giả các câu hỏi đấy là ai đâu?
Trai trẻ: Thế mới buồn cười. Vậy tôi xin mạnh dạn đề nghị thế này: Ở các cuộc thi sau, khi đọc câu hỏi ứng xử, MC hãy đọc luôn tên người nghĩ ra nó.
PV: Để làm gì?
Trai trẻ: Để xã hội chấm điểm cho người đặt ra nó.