Phỏng vấn gốc cây

Thứ Năm, 23/07/2020, 13:39
Phóng viên (PV): Thưa anh, chỗ của anh bao nhiêu năm nay thường ở đâu ạ?
Gốc cây: Ở tất cả các nơi, nhưng trong thành phố, đặc biệt tôi hay đứng bên đường.

PV: A, đúng rồi. Cây ven đường. Và xin hỏi khi đứng như thế anh hay thấy điều gì?

Gốc cây: Đủ thứ. Nhưng tôi thường chứng kiến các cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ.

PV: A, Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ ở lề đường là rất tự nhiên. Tất cả các quốc gia trên thế giới đều thế.

Gốc cây: Vâng. Nhưng tôi tin chắc, nhà báo ạ, có một thứ mà có lẽ chỉ đặc biệt hay nhìn thấy ở Việt Nam.

PV: Thứ gì?

Gốc cây: Đó là khi vài anh cảnh sát giao thông chặn một chiếc xe phạm luật. Hai bên đang giải quyết các thủ tục liên quan.

PV: Điều đó rất tự nhiên.

Gốc cây: Vâng. Rất tự nhiên. Nhưng luôn có một hình ảnh lạ lùng: đó là người vi phạm đang gọi điện thoại di động.

Minh họa: Lê Tâm

PV: Gọi cho ai?

Gốc cây: Tất nhiên lúc đó chẳng ai gọi cho người yêu, gọi cho cha mẹ hoặc cho một nghệ sĩ để nói chuyện tâm tình. Phần lớn là gọi cầu cứu.

PV: Cầu cứu bệnh viện ư?

Gốc cây: Sao lại bệnh viện. Cầu cứu một ông, một bà, một vị quan chức, một sĩ quan, hoặc một sếp to nào đó.

PV: Để làm gì?

Gốc cây: Để nhờ can thiệp. Để nhờ nói giúp. Thậm chí để dọa.

PV: Dọa ai?

Gốc cây: Dọa anh cảnh sát là mình quen lớn. Dọa người đi qua đi lại, dọa đời.

PV: Buồn cười nhỉ.

Gốc cây: Đúng. Thật là buồn cười. Tôi tin chắc là rất ít các quốc gia trên thế giới có cảnh như thế.

PV: Tôi cũng tin.

Gốc cây: Khi phạm luật giao thông bị cảnh sát chặn lại thì ai cũng có quyền tranh luận. Nhưng làm gì có quyền cầu cứu hay nhờ can thiệp cơ chứ.

PV: Cầu cứu không bao giờ là giải pháp có trong luật xử phạt của bất cứ quốc gia nào.

Gốc cây:  Thế mà những năm tháng đứng ở lề đường, tôi đã chứng kiến không biết bao nhiêu vụ, hễ cứ xe bị chặn lại là tài xế nhảy xuống rút điện thoại ra. Có khi còn nhanh hơn rút giấy tờ.

PV: Hài thật.

Gốc cây: Vừa hài, vừa bực, vừa quái đản. Đã thế, tôi còn thấy nhiều người bị phạt, đề nghị cảnh sát phải nghe điện thoại của họ.

PV: Và có lúc nhiều cảnh sát vẫn nghe.

Gốc cây: Thế mới ngạc nhiên. Đáng lý ra họ chả có trách nhiệm gì phải nghe cả. Họ cứ đúng luật mà làm.

PV: Nguyên nhân của hiện tượng này từ đâu vậy hả anh?

Gốc cây: Rõ ràng từ chỗ nhiều vị có trách nhiệm đã có thói quen can thiệp vào việc của cảnh sát dẫn tới một tâm lý nhờ vả, năn nỉ hoặc cậy thế cậy quyền.

PV: Rất không tốt cho sự lành mạnh xã hội.

Gốc cây: Rõ ràng là rất không tốt. Nó làm cho luật pháp không thông suốt và trật tự không nghiêm.

PV: Vậy theo anh phải thế nào?

Gốc cây: Phải chỉ thị cho cảnh sát giao thông khi đang làm nhiệm vụ không nghe điện thoại của đối tượng và trong nội bộ ngành công an cũng cần ra luật không có cấp trên nào được can thiệp hoặc có ý kiến khi việc xử phạt đang diễn ra.

PV: Chính xác. Nếu chúng ta muốn xây dựng một nền luật pháp cứng rắn và một ý thức nghiêm túc cho việc thi hành luật lệ giao thông hoặc các luật lệ khác.

Gốc cây: Thậm chí, nếu cần có thể ra quy định phạt gấp đôi những người muốn “chạy án” tại chỗ bằng điện thoại.

PV: Rất hay. Đặc biệt là khi anh dùng từ “chạy án”, anh có xem phim đó à?

Gốc cây: Có xem. Quá trình chạy án trên phim rất phức tạp, còn quá trình này trên vỉa hè đôi lúc quá đơn sơ.

PV: Ngày xưa có từ “quân pháp vô thân”. Ngày nay với thời đại 5G, có lẽ chúng ta nên thay bằng khái niệm: “quân pháp vô điện thoại”.

Gốc cây: Đó là điều mọi gốc cây, mọi cột đèn mơ ước từ lâu.

PV: Mọi con người cũng thế.

Lê Thị Liên Hoan
.
.