Phỏng vấn con mọt
Mọt: Tất nhiên. Vì mọt rất bé. Bé hơn con kiến nhưng lại không nhanh nhẹn và màu sắc như con kiến. Phần lớn, mọt chỉ có tiếng kêu.
PV: Vậy tại sao anh nổi tiếng?
Mọt: Nổi tiếng ư? Tôi không hề biết như thế đấy.
Minh họa: Lê Tâm |
PV: Ai cũng biết anh, thế mới lạ kỳ. Anh không phải ca sĩ, không phải diễn viên, càng không phải hoa hậu, anh cũng chẳng tấu hài, hay làm MC cho các chương trình danh giá. Nhưng ai cũng nhớ về anh. Tại sao?
Mọt: À, hỏi thật nhé. Tại tôi gần như chỉ ăn một thứ suốt đời: gỗ.
PV: Gỗ thì có gì phi thường nhỉ? Gỗ ở nhan nhản khắp nơi và rất nhiều gỗ dùng làm củi.
Mọt: Gỗ không phi thường. Nhưng có một thứ từ gỗ rất quan trọng trong xã hội chúng ta: Đó là giấy.
PV: Giấy thì sao?
Mọt: Giấy là để in sách. Tất cả các con mọt, muốn loài người biết tới, phải là con mọt sách.
PV: Ôi, rất hay.
Mọt: Mọt sách là một danh từ vô cùng vinh dự, mặc dù chả biết nó xuất phát từ đâu và vào lúc nào. Có thể hàng trăm năm từ khắp các quốc gia.
PV: Vậy với tư cách mọt sách, anh nhận xét gì về sách hôm nay?
Mọt: Ôi chà, câu hỏi này lớn quá tôi không trả lời được đâu.
PV: Vì sao anh khiêm tốn thế?
Mọt: Vì mỗi con mọt chỉ mang một khẩu vị riêng, một thứ để gặm nhấm và suy ngẫm riêng.
PV: Vậy khẩu vị riêng của anh là gì?
Mọt: Tôi toàn nghiền ngẫm sách giáo khoa.
PV: A, sách giáo khoa. Đó là vấn đề đang gay cấn. Đặc biệt là trong cấp 1. Anh biết chứ?
Mọt: Biết. Tất nhiên rồi.
PV: Và thái độ của anh ở chuyện này thế nào?
Mọt: Bình thường. Theo cá nhân tôi, sách giáo khoa là kiến thức. Và kiến thức trong thế kỷ 21 này thay đổi từng phút từng giây. Cho nên sách đó gay cấn là rất bình thường. Nó êm ả mới tai hại.
PV: Suy nghĩ của anh kỳ lạ nhỉ?
Mọt: Sách giáo khoa tốt là phải đột phá. Mà làm gì có thứ đột phá êm ả. Phải gây tranh cãi, gây chấn động mới tốt.
PV: Quả là một ý nghĩ khác thường. Nếu là anh, anh sẽ chọn loại sách giáo khoa gì?
Mọt: Còn tùy mục đích. Nếu để ăn tôi sẽ chọn thứ sách nào có lợi cho tôi. Còn nếu để học, tôi sẽ học nhiều loại sách khác nhau.
PV: Nhiều loại sách khác nhau? Xin anh nói rõ ý này.
Mọt: Đúng. Đã từ lâu chúng ta có một quan niệm được coi là bất di bất dịch: Sách giáo khoa phải duy nhất. Nhưng thật ra, các vùng miền ở Việt Nam khác nhau và trẻ em đi học cũng khác nhau, chả đứa nào giống đứa nào.
PV: Ừ nhỉ.
Mọt: Tại sao không có sách giáo khoa của từng thành phố, tại sao không có sách giáo khoa của nhiều tác giả? Sự đa dạng này chắc gì đã là sai.
PV: Ơ. Sách giáo khoa phải thống nhất chứ?
Mọt: Rất nhiều quốc gia trên thế giới hôm nay không hề dùng sách giáo khoa thống nhất. Tùy quan điểm, tùy nhận thức và tùy trách nhiệm của Ban giám hiệu mỗi trường, thậm chí tùy sở thích của từng học sinh mà họ chọn loại sách nào.
PV: Chắc không.
Mọt: Chắc chắn. Ví dụ 50 bang của Hoa Kỳ thì có 50 loại sách giáo khoa khác nhau. Nhưng nước Mỹ vẫn đứng đầu thế giới về khoa học đó thôi.
PV: Thế còn văn hóa thì sao?
Mọt: Văn hóa là một đại dương vô tận. Ngay cả những văn hóa cơ bản cũng là vô tận. Cho nên thật vô ích, thật phi lý khi chọn tác phẩm này rồi loại bỏ tác phẩm kia trong sách giáo khoa. Điều ấy phụ thuộc vào chủ quan của một nhóm người. Và nhóm đấy không bao giờ đại diện cho chân lý tuyệt đối.
PV: Vâng.
Mọt: Cái suy nghĩ cho một loại sách giáo khoa là kinh điển, tối cao, kim chỉ nam theo tôi rất buồn cười. Sẽ không có kiến thức nào như thế. Cho nên đừng đả phá nhau như thế nữa, mất thì giờ.
PV: Dạ.
Mọt: Và xin lưu ý là sách giáo khoa dành cho cấp 1, trẻ con cấp 1 trên toàn thế giới cho tới Việt Nam đều có một phẩm chất tuyệt diệu là không suy diễn, không nói láy, không có những ý đồ đen tối khi đọc từ ngữ. Cho nên đừng mang những u ám trong đầu mình gán cho chúng nó.
PV: Vâng.
Mọt: Hãy nhớ sách giáo khoa vĩ đại nhất đối với con người là khi họ sống trong một xã hội lương thiện và lành mạnh. Không có thứ đó, mọi chữ nghĩa đều mất đi sức mạnh.