"Ông ôn con"

Chủ Nhật, 24/05/2020, 16:17
Bên bàn điểm tâm sáng, bên ly cafe sớm, nơi quán hàng ăn xế buổi chiều hay kể cả là giữa một quán ăn khuya, chúng ta có thể quan sát cuộc sống ở một góc nhìn mới và khác.

Từ góc nhìn của tôi, những câu chuyện quà vặt đã bắt đầu. Và các bạn, chính các bạn cũng có những câu chuyện quà vặt của riêng mình, ở chỗ các bạn đang ngồi.

Cuối tuần, bà xã đi vắng, tôi đành đóng vai người nội trợ, xuống siêu thị dưới sảnh chung cư mua thực phẩm, rau dưa về nấu cơm. Vốn dĩ cũng là người biết nấu, và cũng ưa nấu, việc chợ búa của tôi thường nhanh bởi trước khi đi mua sắm, tôi đã hình dung tiềm tiệm ra mình có thể sẽ nấu món gì và chuyện lựa chọn trong siêu thị do đó hoàn toàn được toan tính trước. 

Tôi luôn cho rằng sự sắp xếp sẵn ấy càng khoa học bao nhiêu, càng tiết kiệm thời gian cho mình bấy nhiêu. Mà thời gian một ngày thì trôi nhanh lắm. Tiết kiệm được chút thời gian nào đáng giá chút đó. Không hẳn là mình sẽ làm được nhiều việc hơn mà nhiều khi, chỉ cần nhỏ nhoi thôi, được nằm dài thảnh thơi một chút với cuốn sách hay một bộ phim nào đó.

Tính tiền ở quầy, liếc thấy đống tiền lẻ sẽ được người thu ngân trả lại, áng chừng nó mua đủ dăm cây kẹo mút, tôi vớ lấy cho đủ số. Chẳng là thằng con út của tôi, bốn tuổi rưỡi, rất thích kẹo mút. Nó lại có thói quen cứ mỗi lần thấy cha mẹ đi đâu về là lại hỏi "có mua cái gì cho con không?". Không có cũng chẳng sao, nó cũng không buồn, không kì kèo. Nhưng có thì y rằng nó mừng rơn, đi khoe khắp nhà. Và tôi đinh ninh, lát nữa kiểu gì ông tướng chẳng khoan khoái vì có hẳn 5 cây kẹo mút.

Đúng là nó vui thật. Nó cũng cầm đi khoe cả nhà thật. Nhưng lạ kỳ là sau khi cơm trưa xong, tôi thấy vẫn còn nguyên 5 cây kẹo mút ấy trong tủ lạnh. "Cu Nich, con không ăn kẹo mút ba mua à?", tôi hỏi nó về miếng quà vặt từ buổi chợ thời hiện đại. Và rồi tôi sững người khi nhận được câu trả lời của nó: "Con không ăn đâu. Cái này không phải mùi của con".

Và rồi, tôi bắt đầu một công cuộc tìm hiểu về thế giới kẹo mút của nó. Hóa ra, nó chỉ thích một mùi duy nhất: mùi dâu. Trong khi đó, 5 cây kẹo tôi mang về thì 2 cái mùi cam, 3 cái mùi chanh. Hèn gì cu cậu không đụng tới. 

Khác hẳn với mọi bữa khi có kẹo mút nó có thể quất 3 cây chỉ trong chớp mắt. Chị gái nó, 7 tuổi, đế vào "Thằng Nich nó chỉ thích mùi dâu thôi. Con cũng vậy nhưng mùi khác con cũng ăn được". À, hoá ra là tôi đã phải đặt lịch hẹn đến chín tháng mười ngày mới được gặp "ông ôn con" thế mà suốt 4 năm rưỡi sống sát bên "ông ôn con" ấy, tôi chẳng hề quan tâm rằng với nó, kẹo mút phải là mùi dâu.

"Hay là ba xuống ba đổi cho con nhé", tôi hỏi nó với suy nghĩ rằng nếu chẳng cho đổi thì mua thêm cho nó mấy cây mùi dâu. Có hai ngàn đồng bạc một cây kẹo mút, có gì mà phải "xoắn". Ấy vậy mà "ông ôn con" lại đưa tôi vào một bất ngờ khác. "Thôi, con uống sữa rồi. Con cho anh Hai, anh Ba với chị Mi. Con chia sẻ cho anh chị". Tôi hoàn toàn không bất ngờ vì sự thơm thảo của nó, bởi nó vẫn thường như thế. 

Cái làm tôi bất ngờ là tại sao "ông ôn con" lại dùng một cái từ "trịnh trọng" là chia sẻ trong trường hợp này. Nó học được từ ai? Mẹ nó? Hay anh chị nó? Hay là trong mấy cái hoạt hình mà nó vẫn xem? Làm sao nó lại dùng một cái từ "kiểu cách" đến thế khi mới chỉ mấy bữa trước tôi đã phải "chỉnh huấn" nó khi nó rủ tôi ngồi chơi lego bằng một câu xanh rờn: "Ba cầm lấy cái này. Của con cái này. Hai ba con mỗi đứa một cái". Vâng, cái đứa ấy của nó hôm nay đây đang đần mặt ra không hiểu "ông ôn con" kia có được cái hành vi và câu từ kỳ dị thế.

Và rồi, tôi ngồi một mình bên ly cafe mới pha, cứ nhìn "ông ôn con" đang mải chơi mà suy nghĩ. Hình như tôi đã không dành đủ thời gian cho nó? Thời gian ở đây là thời gian thực sự chứ không chỉ mỗi chuyện ở nhà với con, trông con là dành thời gian cho con. Tôi vẫn ở nhà đấy thôi nhưng máy tính, điện thoại, sách vở, phim ảnh đã cản bước tôi chơi với nó thì phải. Tất nhiên, tôi sẽ chả dại gì chia sẻ với bà xã mình chuyện này bởi chắc chắn sẽ nhận được cái nguýt kèm câu mỉa "đúng quá chứ còn gì" của "cụ thân sinh ông ôn con". 

Nhưng cái khiến tôi nghĩ nhiều hơn nữa chính là hình như tôi, và cả chúng ta, không mấy khi có một ý thức là chúng ta có thể học được từ con trẻ. Chúng ta chỉ nghĩ tạo mọi điều kiện cho chúng, yêu thương ôm ấp chúng, chiều chuộng chúng, sẵn sàng đáp ứng những sở thích của chúng… là đủ. Nhưng chúng ta đã đủ tinh tế với chúng chưa? Với tôi chắc chắn là chưa rồi. 

Bốn năm rưỡi sống bên "ông ôn con" mà để hẹn gặp phải mất chín tháng mười ngày kia, tôi mới biết là ông ôn con thích mùi dâu. Mà đó mới chỉ là kẹo mút thôi đấy. Thế giới quà vặt của nó còn đầy rẫy thứ ra. Kem thì nó sẽ thích mùi gì nhỉ? Nếu mua kem dâu có chắc nó sẽ đón lấy nồng nhiệt như kẹo mút mùi dâu không? 

Dường như, chỉ có đúng một thứ nó thích mà tôi biết tường tận thì phải. Đó là các loại nước cola. Và sở dĩ tôi biết là bởi tôi chúa ghét những thứ nước ấy, và luôn cấm trẻ con nhà tôi sử dụng chúng vì sợ tác hại. Chính vì thế, mỗi lần chúng xin xỏ, và bị từ chối thẳng thừng, đã tạo thành dấu ấn trong trí nhớ của tôi. Còn lại, tôi là một học trò hư, một học trò thất bại thực sự của người thầy là "ông ôn con" nhà mình.

Còn bạn, có bao giờ bạn nghĩ rằng mình nên học gì từ chính những đứa con của mình không? Hình như chúng ta có thói quen quan sát trẻ con, đặc biệt là con cháu mình, để tìm sự thích thú cho mình thôi. Thấy những gì thú vị mà chúng thể hiện, chúng ta có thể ghi nhớ, thậm chí lưu lại bằng ảnh chụp, bằng video, để có dịp nào đó khoe với chúng bạn một cách tự hào. Nhưng thực sự trẻ em muốn gì, cần gì, thích gì, chúng ta có biết hay không? Không thể vội nghĩ rằng chúng sẽ luôn nói ra điều chúng cần, chúng muốn, chúng thích. Có những điều chúng không cần nói ra mà lại cần chúng ta phải học từ chúng, dần dần, từng chút một. 

Tại sao lúc nào chúng ta cũng ao ước được quay lại với tuổi thơ, hay chí ít là trở lại với sự hồn nhiên, trong vắt của tuổi thơ mà chúng ta quên bẵng đi mất rằng học hỏi từ con mình chính là cơ hội trở lại tuyệt vời nhất? Thay vào đó, chúng ta lại bắt đầu cái việc mỗi ngày xây dựng một chút, một chút thôi, cái khung định hình để mong mỏi đứa trẻ của mình sẽ trở thành ai đó như chúng ta hình dung.

Tôi vẫn luôn mang một nỗi bực khi nghĩ về những uốn nắn quá mức khắt khe của cha mình thuở tôi còn ấu thơ. Tôi biết ơn ông vì ông đã dạy dỗ tôi trở thành người không hư hỏng nhưng tôi cũng cảm thấy bất mãn vì có quá nhiều sở thích của tôi đã không được ông tạo điều kiện nuôi dưỡng từ tấm bé. Bởi thế nên tôi thoát ly gia đình rất sớm, ngay khi mới tốt nghiệp đại học. 

Và tôi đã "sửa" những lỗi nhỏ của ông trong bản thân mình mà điển hình là không bao giờ tôi dùng đòn roi với con mình cả. Nhưng tôi vẫn chưa phải là một người cha mà chính bản thân tôi mong muốn nếu như tôi còn thơ bé. Tôi chẳng học được gì từ con mình cả. Thế nghĩa là tôi chưa biết cách yêu thương con mình đúng nghĩa rồi.

Nhưng dù sao thì muộn còn hơn không. Con tôi may mắn là vẫn còn nhỏ, đủ để tôi sửa sai lần nữa. Và phải nói thật lòng là tôi biết ơn cây kẹo mút lạc mùi kia biết bao nhiêu. Dăm ngàn đồng thôi, nhưng nó đã cho tôi tấm vé bắt đầu vào lớp vỡ lòng làm cha của mình. Còn bây giờ, thì để xem "ông ôn con" kia sẽ chia sẻ với anh Hai, anh Ba và chị Tư nó như thế nào cái đã. Xem, và nghe ngóng, để tôi bắt đầu bài "đánh vần" đầu tiên của ông thầy tinh quái nhà mình. 

Hà Quang Minh
.
.