Nhân chuyến chiêm ngưỡng một bài thơ đường

Thứ Hai, 19/12/2016, 15:41
Người ta đến chùa ấy vì đi theo bài thơ Đường. Chùa ấy được biết đến bởi vì bài thơ kiệm chữ từ hơn 1.300 năm trước...

Không phải đợi đến lúc Trung Quốc đem con quái vật HD981 vào làm dậy sóng Biển Đông, không phải khi họ đốt tiền Việt rồi làm bao điều càn quấy khi đến du lịch nước ta, mà từ hơn chục năm trước, khi tôi xuất ngoại lần đầu tiên, nỗi ám ảnh kiểu như trên đã rất tai ác rồi.

Có lẽ, rất tự tin vì hơn 1,3 tỷ dân là đông quá, chia trung bình ra thì bất cứ bàn tiệc hay mâm cơm nào trên thế gian này cũng (có thể) có ít nhất 1 người Trung Quốc đang ngồi dự, thế nên, người nước này đi đâu cũng ồn ào. Thành phản xạ tự nhiên, dù ở Âu, Mỹ hay Úc, cứ nghe ồn ào thứ tiếng ấy và các gương mặt đó, là tôi xin đổi bàn hoặc ra khỏi quán.

Kỹ nghệ kinh doanh huyền thoại

Nhiều khi, ở các quốc gia toàn người da đen, họ cứ nhìn lờ mờ gã da vàng loắt choắt đầu cua như tôi mà rằng "nỉ hảo sư phù" (xin chào sư phụ), làm tôi cáu mù. Túm lấy hắn, trút cơn giận vô cớ từ những người khác lên đầu hắn: "Ông có thể nhầm tôi với người của bất cứ quốc gia nào, xin chớ nhầm là "sư phụ" ở cái nước ông vừa nói nhé!". 

Có lần, truyền thông thế giới đồng loạt đưa tin, Bộ Ngoại giao Trung Quốc có văn bản nhắc nhở công dân của mình củng cố quan hệ ứng xử nơi công cộng kẻo mang tiếng ơi là mang tiếng, nghe mà chí lý quá.

Tuy nhiên, dù thế nào thì vẫn phải nói rằng, văn hóa cổ với các công trình kỳ vĩ, các lớp lang sặc sỡ và hứa hẹn, cũng như các thắng cảnh thiên nhiên của Trung Hoa là rất đáng để thăm ngắm và cảm nhận. 

Đôi lúc, tôi muốn viết một cái gì đó, sau mỗi chuyến đi của mình bên đó, song ngẫm lại, cách làm du lịch nhiều mánh khóe và hơi thớ lợ của họ chẳng đáng yêu tí nào. Không viết, nhưng xúc cảm thì vẫn ủ lại, vẫn còn đó như than dưới tro ấm. Chợt nghĩ, ta cũng nên rành mạch chuyện nào đi chuyện nấy. Vả lại, hơn 1,3 tỷ người, có mà vô khối người tử tế, cớ gì vơ đũa cả nắm.

Ví như chuyến đi thăm ngôi chùa với bài thơ Đường ở phía nam Trung Quốc chẳng hạn. Làm gì có xôi thịt nào vào được ngôi chùa cổ bên dòng sông thơ mộng có con thuyền chở đầy trăng và sương đêm mềm lòng ấy, làm gì có thứ thơ nào trên thế giới ám ảnh người Việt từ nhiều năm và còn kéo dài nhiều năm nữa được như thơ Đường? 

Vậy mà, tất tật người ta đến chùa ấy vì đi theo bài thơ ấy. Chùa ấy được biết đến bởi vì bài thơ kiệm chữ từ hơn 1.300 năm trước. Cái ông nhà thơ kia đã đầu thai tới vài chục lần rồi, chùa kia cháy, hỏng, đổ nát và dựng lại bao nhiêu lần rồi, nhưng mấy dòng chữ bé xíu và ít "cá thể" hơn một vốc lạc trong lòng bàn tay người đó vẫn sống mãi.

Lạc Sơn Đại Phật - bức tượng Phật ngồi cao nhất thế giới (Thành Đô).

Chuyện kể rằng, trong một lần đi thi trượt, ngang qua thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô của Trung Quốc bây giờ, ông Trương Kế có tức cảnh sinh tình làm một bài thơ. 

Thi sỹ Kế sinh khoảng năm 755, đời Đường Túc Tông, phiên âm Hán - Việt  của bài thơ Phong Kiều dạ bạc được in trong sách giáo khoa mà thế hệ chúng tôi phải bới từng ý từng từ, chẻ từng câu ra để thi đại học ấy, như sau:

"Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên/ Giang phong ngư hỏa đối sầu miên/ Cô Tô thành ngoại Hàn San tự/ Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền".

Bài thơ này được ông Tản Đà dịch rất tình tứ, sách giáo khoa thời tôi đi học viết vậy, còn bây giờ có nhiều thuyết nói bản này của cụ Nguyễn Hàm Ninh:

"Trăng tà chiếc quạ kêu sương/ Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ/ Thuyền ai đậu bến Cô Tô/ Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San".

Hồi đầu sang Trung Quốc, thấy tấm bia đá to đùng, do ông Khang Hữu Vi đời Thanh cho khắc bài thơ trên với nét chữ tượng hình rồng bay phượng múa ở ngay sân chùa Hàn San, tôi đã nhờ một cậu người bản xứ đọc bằng nguyên bản tiếng Trung xem sao. 

Cá nhân tôi, vì quen với cái khúc chiết, nhấn nhá, lịch lãm, cổ kính của tuyệt tác Đường thi học trên ghế nhà trường kia rồi, nên thấy phiên âm Hán - Việt nghe sướng tai hơn (thật ra là thuận tai hơn vì tôi thuộc lòng "nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên" rồi).

Cô Tô là địa danh của vùng Giang Nam danh tiếng, miền đất của các mỹ nhân và tơ lụa tuyệt vời, nhắc đến Cô Tô, người ta hay nhắc đến người đẹp Tây Thi. Sư cụ chùa Hàn San các đời đều là những thi nhân chữ nghĩa đầy mình, huyền thoại lung linh. 

Thành thử, ngôi cổ tự danh tiếng của Trung Hoa cứ chờn vờn hư ảo trong truyền thuyết, lại thêm bài thơ viết trong cơn mơ ngủ của một anh khóa hỏng thi Trương Kế, không gian, thời gian cùng các quy luật cuộc sống bị đảo lộn, đó là cơ sở để những người làm du lịch "bán tua". 

Chuyện gì cũng lúc liểng chữ nghĩa và sum sê sự tích. Riêng chuyện này còn được chép trong cuốn sách Thơ Đường của tác giả Việt Nam là ông Trần Trọng San, rằng: Sư cụ đang làm dở bài thơ "Mùng ba mùng bốn trăng mờ/ Nửa dường móc bạc nửa như cung trời". 

Đang lúc bí câu bí vần, thì chú tiểu nhảy vào, buột miệng đọc hai câu nữa: "Một bình ngọc trắng chia hai/ Nửa chìm đáy nước, nửa cài từng không". Đúng lúc ngẫu hứng, quá nửa đêm (dạ bán) rồi, sư cảm khái bảo tiểu lên đánh chuông chùa trong sương đậm với tiếng quạ thao thiết. 

Lúc đó thì ông Trương Kế thi trượt cũng đang buồn bã viết đến đoạn "nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên", chợt thấy chuông chùa đổ trong khuya khoắt lạ kỳ, và câu thơ rơi vào tay ông như một thứ thần phật ban tặng: "Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền". 

Chùa Hàn San ở "thành ngoại", giữa rừng mai bát ngát, bên dòng sông Cổ Vận thơ mộng hoang vắng như cổ tích trôi giữa hai dãy núi sừng sững vươn mình ủ vào mây trắng, trừ núi và mây ra, nay, cơ bản đều không còn vẻ quê mùa nữa, bởi đã 13 thế kỷ trôi qua, nhưng người làm du lịch thì mặc kệ bê tông cốt thép. Họ sưu tầm thơ tự cổ chí kim nói về bến Cô Tô, về Hàn San tự, về nàng Tây Thi xé lụa. Thơ khắc trên đá, thơ viết trên quạt giấy, quạt nan, cái gì cũng bán và cũng có người mua. Thu bộn tiền.

Có đến hàng trăm thuyết, hàng chục cách lý giải về "nguyệt lạc" (trăng rơi rụng) rồi tiếng chuông như một vị khách thần bí (đáo khách thuyền). Dòng sông lững lờ, cây cầu đá kiên cố vút cong, hướng dẫn viên say sưa kể từng vị trí thuyền chài, ngọn lửa leo lét, rồi tiếng quạ kêu sương, rồi nơi ông Trương Kế sầu vương giấc hồ. Cái chỗ chú tiểu lên đánh chuông có cây cổ thụ chứng kiến. Cây ấy giờ rất già, họ đánh cả cây to mới toe về trồng, để cây khỏi bị thoát hơi nước, họ đã quấn rơm, quấn vải quanh cây.

Họ cứ kể như là không có thời gian tàn nhẫn của những 1.300 năm đã trôi qua ấy. Sử chép rõ, được xây từ thế kỷ thứ 6, nhưng đến hồi loạn Thái Bình Thiên Quốc, chùa Hàn San bị đốt phá hầu như toàn bộ. Đến năm 1904 mới được xây dựng lại và bảo tồn kỹ càng cho đến ngày nay.

Nghệ thuật moi tiền du khách

Phong Kiều là cây cầu có những cây phong cổ bên cạnh, có phải đó là cây có "lá phong đỏ như mối tình đượm lửa, hoa cúc vàng như nỗi nhớ dây dưa" trong thơ ông Tế Hanh viết trong Bài thơ tình ở Hàng Châu, miền Nam Trung Quốc này không? Chưa hết, cuốn sách bằng đá, bài thơ dựng trên đá, rồi cả một không gian cầu, sông nước, chùa chiền, các hàng quán và đủ thứ dịch vụ đi kèm, người đi "xem thơ" thỏa sức tiêu tiền. Tàng Kinh Các đây, các bức họa nổi tiếng và thủ bút của tao nhân mặc khách các thời kỳ từng phóng tác và lưu lại nơi đây. Cái nào cũng hay cả. Mất tiền mà vẫn hí hửng. Mỗi năm có hàng triệu khách du lịch đến thăm ngôi chùa nổi tiếng bậc nhất Trung Hoa này.

Một bức tượng chứa nhiều huyền thoại và người Trung Quốc rất giỏi kinh doanh huyền thoại.

Đặc biệt, vào chùa phải mua vé, mua vé thăm thú xong, đến đoạn hứng khởi về tiếng chuông huyền thoại làm ra tuyệt tác Phong Kiều dạ bạc, thì người ta lại moi tiền khách bằng cách hỏi: "Có muốn thỉnh chính quả chuông chùa Hàn San từng vang lên rồi đủng đỉnh ngân nga đi vào thơ cụ Trương Kế không?". 

Mỗi năm, vào dịp giao thừa, quả chuông chi chít chữ và rậm rạp huyền thoại qua hàng nghìn năm lịch sử này lại được thỉnh lên đúng 108 tiếng, để 108 loại khổ đau, sầu não của nhân gian được tiêu tán hết. Chuông xua đuổi tà ma, đem lại phúc lành. 

Nghe nói vậy thì làm gì có ai không muốn "đánh", thế là lại mua vé, leo lên, mỗi người được nện không quá 3 chày vào chuông. Ở đó, lại có chuyên gia ngồi kể, "nguyệt lạc ô đề" rồi thì tức là trời gần sáng, gần sáng làm gì có sư nào tiểu nào lên lầu này thỉnh chuông. Nguyệt Lạc và Ô Đề là tên hai ngọn núi kia, tên hai ngôi làng dưới chân núi thì sao? 

Một nhà báo người Nhật từng điều tra chuyện này và đặt câu hỏi về việc người sở tại có ý "phong thánh" thêm cho các làng xóm gần chùa để làm du lịch, chứ chuyện kia không có thật. Nhiều người lại trích lời Hán tự của danh sỹ Âu Dương Tu, nói rằng, ông Trương Kế ép vận, muốn làm cho thơ hay hơn nên cái lý hơi đuối. 

Mặc kệ, người Nhật coi tiếng chuông thần diệu kia đã là cái gì đó rất linh thiêng, nên trong chiến tranh, họ đã cướp, khiênh chuông chùa Hàn San về nước họ. Sau này người Trung Quốc đòi rát quá, họ đem trả... Có thể, đây cũng chỉ là cách huyền hoặc hóa các câu chuyện để làm du lịch thôi. Nhưng tài bán "tích truyện" của họ thế là giỏi.

Nhân chuyện "đi xem một bài thơ" khiến người ta "ong thủ" với bao nhiêu lớp lang chữ nghĩa, lại thấy thương những người chỉ coi đi du lịch là mua sắm, đánh phỏm hay tiệc tùng phóng túng. Vùng Giang Nam sông nước nổi tiếng là đất hiểm và đẹp với nhiều danh tướng, mỹ nhân. Cây cối xanh tốt mà người vùng này cũng chịu khó chăm sóc với các con phố tăm tắp hàng nghìn cái cây cùng một loại, cùng một dáng, gần như cùng một kích cỡ. 

Có phố thì các hàng cây khum vào như cái cổng chào uốn lượn, màu xanh um mát mắt. Có phố thì cây cối đồng loạt ưỡn ngửa ra hai bên, vẻ lãng mạn cũng không vơi bớt tẹo nào. 

Các vườn cảnh trở thành Di sản văn hóa thế giới như Sư Tử Lâm, không gian đóng phim Hồng Lâu Mộng cũng là một kiệt tác, có thể làm thay đổi cách nghĩ của người ta về giá trị tinh tế và hàm súc của "hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng/ Dải nước đen giả suối chẳng thông dòng". 

100% đá ở Sư Tử Lâm là đá tự nhiên, được lấy từ đáy sông hồ lên. Nó không giống hình con sư tử như kiểu người ta đẽo con giống (các linh vật) để bán như đồ mỹ kí. Mà nó là sự tinh luyện của trời đất, sự phong hóa mài mòn qua hàng nghìn năm, người ta đã kỳ công tìm kiếm quy tụ chúng về. Chúng nhấp nhổm đứng đó trong một không gian lầu son gác tía, rồi thỉnh thoảng, bất giác, ai đó đi qua, sững người trước một góc nhìn bất chợt. 

Ôi, cục đá kia giống con sư tử dựng bờm đang nhìn ta quá. Nó giống con sư tử, nó gợi cái thần thái dũng mãnh của sư tử hơn cả... con sư tử thật. Chớp mắt một cái, rừng đá với bầy sư tử lại biến mất, rồi ẩn hiện ở lùm cây lô xô đá và hồ nước lan man phía sau. Thú chơi này, tinh tế và lịch lãm như thơ Đường vậy.

(Còn nữa)

Đỗ Doãn Hoàng
.
.