Vì sao tôi dịch lại thơ Đường?

Thứ Năm, 05/11/2009, 14:54

Được nghe, được đọc, rồi yêu thơ Đường và làm thơ, con đường tôi đi hình như là, hay chính là, con đường mà bao nhà Nho xưa kia đã đi, dù rõ ràng, tôi là người "Tây học".

Từ ba năm trước, tôi bỏ việc Nhà nước, cặm cụi liền trong một năm thì được khoảng 200 bài (gần 80 bài của Lý Bạch, gần 50 bài của Đỗ Phủ và cũng ngần ấy bài của Bạch Cư Dị), xếp thành 3 cuốn. Lại cặm cụi một năm nữa, bổ sung các bản dịch nghĩa, chú thích, sửa sang lại rồi cùng các con đánh máy, thiết kế sách và tìm nơi in. Sau đó, tôi đang chọn dịch các tác giả Đường thi còn lại, làm thành một quyển lớn mà tôi định gọi là Bách gia Đường thi.

Đọc các bản dịch của tôi, nhiều người khen, lại có người mắng! Thấy thích thì khen, thấy bực thì mắng, âu đó cũng là chuyện thường tình ở đời. Được cái, việc khen hay mắng của người khác, đối với tôi, xưa nay cũng chỉ có rất ít sự ảnh hưởng. Tôi tin vào con đường mình đi. "Thắng không kiêu, bại không nản", cha ông ta xưa nay vẫn vậy.

Trước hết, tôi vô cùng biết ơn các dịch giả tiền bối. Họ đã bỏ biết bao tài năng và tâm huyết, cả tài lực nữa, vào việc phiên âm, dịch nghĩa, chú thích, dịch thơ và in ấn Đường thi ra tiếng ta. Họ đã để lại rất nhiều bản dịch hay, có những bản là bất hủ, ví như bản dịch Tỳ bà hành của Phan Huy Vịnh; Thu hứng của Nguyễn Công Trứ; Phong Kiều dạ bạc, Hoàng Hạc lâu của Tản Đà v.v... Chính họ đã khuyến khích, giúp đỡ tôi nhiều nhất. Không có các bậc tiền bối ấy, làm sao tôi có thể biết, có thể yêu, có thể dựa vào đó mà dịch lại, mà soạn sách?

Về việc dịch thơ Đường, cụ Nam Trân - người đứng chủ biên và cũng là dịch giả chính, hai tập Thơ Đường do Viện Văn học và Nhà xuất bản Văn hoá xuất bản năm 1962 - đã nói: "Không phải tất cả các bản dịch trước đây đều tốt, và ngay cả những dịch giả nổi tiếng cũng có bài chưa đạt". Xem thế thì đủ biết, chúng ta, lớp hậu sinh, càng không nên lười nhác, coi mọi bản dịch đã có đều là mực thước, mà quên rằng mình cũng phải góp phần làm cho các bản dịch "chưa đạt" ấy, dần dần trở nên "đạt" vậy.

Nhưng tại sao lại cứ phải sống chết vì Đường thi như thế?

Trước hết, Đường thi là báu vật Trung Hoa, báu vật phương Đông, báu vật thế giới.

Sau nữa, trong hơn 1.000 năm Bắc thuộc, cha ông ta học chữ Nho, viết bằng chữ Nho, trước tác bằng chữ Nho, bang giao với Trung Hoa bằng chữ Nho và trong dằng dặc nghìn năm ấy, về mặt lịch sử - hành chính, dù muốn hay không, ta cũng đã thuộc Trung Hoa! Sau này, khi chí độc lập đã thành, khi chữ nghĩa (vẫn là chữ Nho) đã rất thạo, khi tư thế văn hóa đã rất đĩnh đạc, chúng ta mới cải tiến chữ Hán thành chữ Nôm. Rồi mãi đến tận đầu thế kỷ XX, thời cụ Tản Đà, cụ Tú Xương, thì "cuộc chiến" giữa bút sắt (Tây học) và bút lông (Hán học) mới kết thúc. Tức là, ngoài cái giá trị khách quan "to", mang tầm cỡ thế giới, bất chấp các dân tộc khác có lệ thuộc vào Trung Hoa hay không, thì riêng với nước ta, Đường thi còn có một giá trị khách quan "bé", để hơn ở đâu hết, trở thành báu vật Việt (do ta bị lệ thuộc và chịu ảnh hưởng lâu dài, trực tiếp, toàn diện, căn cốt, văn hoá Trung Hoa).

Không có chữ Nho và thi ca Trung Hoa, đặc biệt là Đường thi, thì không có thơ Việt bằng chữ Nho như ta đã có. Không có thơ Việt bằng chữ Nho như ta đã có và không có Chủ nghĩa lãng mạn Pháp, thì không có Thơ Mới. Tiếp sau đó là văn hoá-văn học-thi ca Nga-Đông Âu, Pháp-Tây Âu-Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ La tinh, Phi châu..., làm cho ta ngày càng hay, càng phong phú, càng "hội nhập".

Vì thế, không cần mặc cảm, chúng ta, ngược lại, phải thành thật thừa nhận những sự thực lịch sử vừa nói và phải "tự lấy làm may mắn" (các cụ vẫn bảo: "Trong rủi có may") vì đã được thoát thai hoặc chịu ảnh hưởng sâu sắc từ những nền văn hóa-văn học-thi ca vĩ đại ấy ở các mặt tư tưởng, thẩm mỹ, tính chuyên nghiệp và tính nhân văn của chúng. Thoát thai và chịu ảnh hưởng sâu sắc mà sau đó vẫn "ra ở riêng" một cách tốt đẹp, không bị đồng hóa, đó chính là con đường duy nhất đúng của các nước nhược tiểu. Chúng ta đã  đi rất giỏi trên con đường đó.

Nếu những người "hiện đại" cởi mở, yêu Tây học hoặc thực sự là dân Tây học, luôn tôn thờ V. Huygô, Apôline, Pôn Veclen, A. Puxkin, L. Tônxtôi, A. Sêkhốp, O. Uýtman, R. Ta-go, G. Mackét v.v..., thì từ trong sâu thẳm cội nguồn văn hóa, người Việt càng phải kính cẩn nghiêng mình trước Kinh Thi, Kinh Dịch, Khổng Tử, Lão Tử và "Bách gia chư tử" Trung Hoa; trước thi ca Trung Hoa nói chung và Đường thi nói riêng.

Hẹp lại, từ những lý do trên, có thể nói rằng, nắm được và yêu Đường thi, ta sẽ hiểu và yêu thi ca cổ điển Việt Nam, hiểu và yêu cội nguồn tư tưởng, nghệ thuật và thẩm mỹ của dân tộc ta. Chính từ cái cội nguồn ấy, rồi cùng với tinh thần dân tộc mãnh liệt, cùng với sự chọn lọc và tiếp biến thông minh của cha ông ta suốt lịch sử, mà ta mới có Nguyễn Trãi, Nguyễn Gia Thiều, Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tản Đà, nhóm Thơ Mới, và sau này, mới có Hồ Chí Minh-nhà thơ-danh nhân văn hóa thế giới, cùng những tác giả khác. Đó mới là niềm tự hào chính đáng của chúng ta. Chứ ta không nên khăng khăng giữ lấy một lòng tự tôn vô lối bằng cách nghĩ rằng, cứ cắt xén bớt lịch sử, cứ quên đi 1.000 năm Bắc thuộc-lệ thuộc, là ta trở thành "Đại Việt". Cũng không nên ôm mãi lấy một lòng tự ti thấp kém, để bảo rằng, nền văn hoá-văn học-thi ca ta là do các cường quốc kể trên "cưỡng hiếp" mà thành. Cả hai thái độ đó đều thiếu một tư duy lịch sử lành mạnh.

Nói thế để thấy, Đường thi có ý nghĩa như thế nào đối với thi ca Việt, thẩm mỹ Việt, điệu tâm hồn Việt. Cũng là để chúng ta cùng nhận thức rằng, chính vì thế mà chúng ta chưa thể hài lòng với cách truyền bá, giảng dạy, dịch thuật Đường thi xưa nay. Và, khi đã "đứt mạch" với Hán học lâu như vậy, thì việc dịch thơ Đường sang tiếng ta lại càng cần thiết. Không thể cứ mãi để cái cảnh chỉ có "mấy ông già" thích thơ Đường, còn đám trẻ thì phì cười và bỏ đi xem tranh truyện Nhật Bản như thế được!

Chỉ khi có thật nhiều bản dịch thơ Đường, thơ chữ Nho của cha ông ta thật hay, thật gần với thời nay, để đám trẻ của chúng ta cùng với "mấy ông già" đều yêu thích, thì ta mới có thể tiếp nối được truyền thống thi ca và thẩm mỹ dân tộc, thì ta mới không đánh mất bản sắc Việt, không mất gốc phương Đông. Đậm đà bản sắc dân tộc làm sao được, khi mà cha ông viết gì, con cháu không hiểu được?

Với lòng yêu kính Đường thi như vậy, với mục đích sâu xa như vậy, tôi quyết tâm đem cái tài mọn của mình ra, dịch lại thơ Đường.

Mà không yêu kính làm sao được, khi từ 1.300 năm trước, Lý Bạch đã viết đến cùng về kiếp người: Sống, như là khách qua đường ấy/ Thác xuống, là ta mới được về/ Đất trời như quán trọ kia/ Ta như hòn cuội lăn đi giữa đời, hoặc: Dây dài khôn buộc mặt trời/ Xưa nay ngồi ngẫm sự đời mà cay/ Chất vàng cao chín tầng mây/ Cũng không mua được một ngày xuân xanh, hoặc: Đất trời sẽ chẳng còn nguyên/ Tháng ngày rồi cũng cạn trên vai người/ Tùng xanh, ve đến lả lơi/ Nào hay tùng cỗi lâu rồi còn đâu/ Tìm chi tiên dược thêm sầu/ Bàn chi những lẽ nông sâu với người/ Hỏi ai nghìn tuổi trên đời/ Hay là chen chúc một thời rồi đi, hoặc: Anh không thấy tóc tơ ngày nọ/ Sớm đương xanh, chiều đã tuyết sương/ Nhà cao, ai đứng trong gương/ Trông lên tóc bạc mà thương phận người v.v...

Không yêu kính sao được, khi 1.300 năm trước, Bạch Cư Dị đã viết trong Tỳ bà hành: Vặn đàn mấy tiếng dạo qua/ Khúc tuy chưa trọn, tình đà thoảng bay… Ngón buông bắt khoan khoan dìu dặt/ Trước Nghê Thường sau thoắt Lục Yêu/ Dây to dường đổ mưa rào/ Nỉ non dây nhỏ như vào chuyện riêng/ Tiếng cao thấp lựa chen lần gảy/ Mâm ngọc đâu bỗng nảy hạt châu/ Trong hoa oanh ríu rít nhau/ Suối tuôn róc rách chảy mau xuống ghềnh… Bình bạc vỡ tuôn đầy dòng nước/ Ngựa sắt giong, xô xát tiếng đao/ Cung đàn lựa khúc thanh tao/ Tiếng buông xé lụa lựa vào bốn dây. Đó quả thực là những câu tả thanh âm đẹp nhất thế giới, tự cổ chí kim. Để sau này, tiếp biến chúng, Nguyễn Du vô cùng thành công khi bốn lần tả tiếng đàn của nàng Kiều: Kiều gặp Kim Trọng, Kiều hầu đàn vợ chồng Thúc Sinh - Hoạn Thư, Kiều gảy đàn trong doanh Hồ Tôn Hiến, Kiều tái hợp Kim Trọng; để Thế Lữ, nhà thơ duy mỹ nhất Việt Nam thời hiện đại, viết Tiếng sáo Thiên Thai; để khi Chu Mạnh Trinh viết tựa Truyện Kiều, còn nhắc tới "giọt lệ Tầm Dương"; để Xuân Diệu, trong Lòng kỹ nữ, viết: Mắt run mờ kỹ nữ thấy sông trôi/ Du khách đi, du khách đã đi rồi, hoặc cụ thể hơn: Long lanh tiếng sỏi vang vang hận/ Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người; để Vũ Hoàng Chương viết: Tình nhân thế chua cay người lịch duyệt/ Niềm giang hồ tan tác lệ Giang Châu; để Ngân Giang viết: Bến Tầm Dương, trăng nước một con thuyền, ngán tình ca nữ; để Nguyễn Bính viết: Một lứa bên trời chung lận đận/ Thương nhau cha soạn khúc tỳ bà/ Áo xanh mà ướt vì đêm ấy/ Tội nghiệp đời con, xấu hổ cha…

Thế là chỉ cần một bài thơ, ở Việt  Nam, Bạch Cư Dị đã "sống lâu" đến vậy.

 Lại còn có chuyện, rất nhiều người Việt coi bài thơ Đường sau đây của Lý Thân (có sách viết là Lý Đường) là ca dao Việt Nam: Cày đồng đang buổi ban trưa/ Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày/ Ai ơi bưng bát cơm đầy/ Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần(?!).

Ấy là do khuôn khổ bài viết có hạn, đành phải bỏ qua rất nhiều ví dụ trong thơ của hàng ngàn nhà thơ khác ở đời Đường; đành chưa nói về sự tương hợp các thanh trong tiếng Việt với luật bằng, trắc của Đường thi, về cách tạo tứ, tạo khổ v.v… trong thơ Việt.

Đấy, tôi dịch lại thơ Đường là vì thế

Đỗ Trung Lai
.
.