Nghĩ về cái chết

Thứ Ba, 06/12/2016, 16:37
Một nhà hiền triết phương Tây nào đó đã nói, đại ý: Cuộc đời có rất nhiều bất công nhưng có hai thứ mà Thượng đế chia đều cho tất cả mọi người. Đó là thời gian trong một ngày và cái chết trong một đời.

Người phương Đông thì quan niệm rằng, việc sinh tử của mỗi người đều do số mệnh sắp đặt. Trong đời, có cái chết nhẹ tựa lông hồng, lại cũng có cái chết nặng tựa Thái Sơn. Và cái chết đương nhiên cũng trở thành một chủ đề bất tận của thi ca nhân loại. Và bất tận chính là khi ta còn sống mà nghĩ về lúc chết…

1. Về mặt sinh học, cái chết đến như một tất yếu của chu trình sinh - lão - bệnh - tử. Ý niệm về cái chết chỉ đến khi con người đạt tới một độ trưởng thành nhất định, có kinh nghiệm và vốn sống nhất định. Trong đời thực, những chứng kiến về cái chết có thể khiến không ít người sợ hãi. 

Nhưng trong văn chương, nỗi sợ hãi về cái chết khả dĩ được vơi đi rất nhiều. Nhân vật Việt trong truyện ngắn Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi khi bị thương nặng đã không khỏi nghĩ tới cái chết và lo sợ. Nhưng nỗi sợ của Việt thật trong sáng, ngây thơ, đó là sợ không được đi đánh giặc nữa, sợ không được gặp lại mọi người nữa...

Hình như khi người ta còn trẻ, người ta nghĩ về cái chết và nói về cái chết cũng thật khác giai đoạn trung niên hay lão niên. Ta hãy xem chàng trai trong thơ Tế Hanh nghĩ về cái chết khi anh đang yêu thế nào: “Anh không uống, anh không ăn, anh không ngủ/ Anh khóc than, than khóc đến bao giờ/ Nước mắt anh lầy lội cả nấm mồ/ Nhỏ từng giọt xuống thân em lạnh lẽo/ Rồi anh chết, anh chết sầu chết héo/ Linh hồn anh thất thểu dõi hồn em/ Và ở đâu kia, ở cõi đời đêm/ Chắc em chẳng nghi ngờ tình anh nữa...”. (Ao ước) 

Trong mối si tình vô vọng, chàng trai đã cầu cho người mình yêu từ giã cõi đời và bản thân mình cũng chết theo nàng luôn để chứng tỏ mối thâm tình. Hình như thời trẻ tuổi ai cũng từng có những lúc cuồng si như thế. 

Người nam đắm say đến quên mình vì tình thì ta đã rõ, còn người nữ khi yêu đắm say cũng không hề thua kém, sẵn sàng nghĩ về cái chết, mang cái chết ra để khẳng định sự bền lâu trong tình cảm của mình: “Em trở về đúng nghĩa trái tim em/ Là máu thịt đời thường ai chẳng có/ Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa/ Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi” (Tự hát - Xuân Quỳnh). 

Khi người ta còn trẻ, người ta còn có thể nghĩ về cái chết, nói về cái chết theo nhiều cách khác nữa. Thi sĩ Hàn Mặc Tử thân mang trọng bệnh, đã không ít lần nhắc đến cái chết như một ám ảnh, một dự cảm về ngày không xa. Có lúc Hàn nói đến ngày chia lìa một cách kín đáo nhưng cũng có những lúc dùng từ "chết" một cách chính danh. 

Lúc thì ở dạng một câu hỏi tu từ: "Trời hỡi bao giờ tôi chết đi/ Bao giờ tôi hết được yêu vì/ Bao giờ mặt nhật tan thành máu/ Và khối lòng tôi cứng tựa si" (Những giọt lệ). Lúc thì Hàn tưởng tượng về ngày mình nằm xuống: "Một mai kia ở bên khe nước ngọc/ Với sao sương anh nằm chết như trăng/ Không tìm thấy nàng tiên mô đến khóc/ Đến hôn anh và rửa vết thương tâm...".

2. Khi người ta đến một độ tuổi nào đó trong đời, việc nghĩ về cái chết và nói về cái chết cũng sẽ có nhiều đổi thay. Thường thì việc nói đến cái chết sẽ tỏ rõ sự bình tĩnh, bình thản hơn rất nhiều. Người ta có thể nhìn lại, tổng kết lại những năm tháng đã qua trong đời, nghĩ đến những người thân yêu như gia đình, bè bạn hay người tình... 

Định đề "nếu tôi chết" trở đi trở lại trong hơn một bài thơ của Hoàng Nhuận Cầm: "Nếu tôi chết - hãy tìm tôi nhé/ Trời xanh như tất cả còn xanh/ Xin đa tạ rất nhiều em gái/ Cho mấy lần tôi được làm anh (...) Nếu tôi chết - hãy tìm tôi nhé/ Ái ân gì dưới đất phong phanh (...) Nếu tôi chết - hãy tìm tôi nhé/ Nghĩa trang mang tên xóm bụi đời/ Giấu mẹ nhé không thì mẹ mắng/ Nếu còn tiền mua rượu cho tôi" (Tốt hơn, đừng chết).

Ở một bài khác, giả định về cái chết trở nên mênh mang hơn. Điều quan trọng nhất đối với người thi sĩ khi nằm xuống, là mình vẫn ở trong trái tim mọi người: "Nếu tôi chết - trời xanh bình lặng/ Thêm một vì sao nữa rụng rơi/ Bạn ngồi uống cà phê có nhớ/ Uống cả vì sao ấy hộ tôi" (Thêm một vì sao). 

Trong một bài thơ nữa, điệp ngữ "một mai chết" trở đi trở lại khắc khoải trong thơ Hoàng Nhuận Cầm, nỗi buồn bã về ngày tạ từ thế gian là điều không thể giấu giếm, không thể lảng tránh, nhưng giọng điệu thơ càng về cuối càng nhẹ nhàng, cơ hồ như hành trình của một chiếc lá vàng từ lúc lìa cành tới lúc chạm đất, dần rơi vào cõi lặng thinh: "Một mai chết thật âm thầm/ Mấy cành cỏ dại khẽ trầm ngâm ru/ Một mai chết hết hận thù/ Mắt chầm chậm khép tay từ từ xuôi/ Một mai chết thật buồn cười/ Tóc tôi buông xuống như người ngủ mơ/ Một mai chết thật tình cờ/ Thuốc trên tay khói vẫn dờ dật bay/ Một mai chết thật hao gầy/ Xanh xao quần áo tháng ngày thủy tinh/ Một mai chết hết tội tình/ Một mình mình hát một mình mình nghe (...) Một mai chết hết ăn năn/ Tôi nằm xuống đất không cần thở than" (Một mai...). 

Những lần nói về cái chết trong ca khúc của Trịnh Công Sơn cũng thật nhẹ nhàng, thản nhiên, giống như người ta bước vào một cuộc dạo chơi vậy: "Đường nào dìu tôi đi đến cơn say/ Một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời/ Dù thật lệ rơi lòng không buồn mấy/ Giật mình tỉnh ra ồ nắng lên rồi" (Bên đời hiu quạnh); "Mệt quá thân ta này, tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi/ Mệt quá thân ta này, nằm xuống với đất muôn đời" (Ngẫu nhiên). 

Nhạc sĩ Hoài An khi mới ngoài 30 tuổi đã viết ca khúc Nếu chỉ còn một ngày để sống làm xúc động trái tim bao người nghe, lời bài hát tâm tình thủ thỉ nhẹ nhàng như thể một người đã bình thản đi qua hết kiếp nhân sinh: "Nếu chỉ còn một ngày để sống/ Người đưa tôi về đến quê nhà/ Để tôi thăm làng xưa nguồn cội/ Cho tôi mơ mơ tiếng mẹ cha/ Nếu chỉ còn một ngày để sống/ Người cho tôi một khúc kinh cầu/ Người tôi thương êm ấm môi cười/ Cho con tôi bước đời yên vui...".

Có khi, người thi sĩ nghĩ đến cái chết bởi có một tình cảm thiêng liêng lớn lao nào đó đang khắc khoải tha thiết trong lòng, tình cảm ấy khiến con người ta nhất thời có thể đứng cao hơn cái chết, không còn chút sợ hãi nào về cái chết nữa. Đó có thể là cái tình với quê hương của một người con lưu lạc như trong thơ Du Tử Lê: "Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển/ Nước ngược dòng sẽ đẩy xác trôi đi/ Bên kia biển là quê hương tôi đó/ Rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì" (Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển). 

Đó có thể là nỗi nhớ mẹ cồn cào như trong thơ Hồng Thanh Quang: "Giờ tỉnh ngộ như thể còn mê lú/ Con âm thầm nhớ mẹ giữa phù hoa/ Con xót lắm nơi đồng không buốt giá/ Bao giờ con với mẹ được chung nhà" (Nhớ mẹ). Đó có thể là cái chết vì nghĩa lớn như tinh thần của Garcia Lorca được nhạc sĩ Thanh Tùng và Hình Phước Liên lĩnh hội để viết nên ca khúc nổi tiếng: Nếu tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn ghi-ta. 

Tình bạn tri âm tri kỷ, cảm động lòng người cũng có thể khiến cho người ta nghĩ đến cái chết như một sự đoàn tụ: "Biển lớn băng qua ấy biển đời/ Biển vào vũ trụ ánh sao mời/ Diệu dò thế giới bên kia trước/ Khỏi lạc đường khi Cận tới nơi" (Diệu ơi Diệu đã về yên tịnh - Huy Cận).

Người ta có thể nghĩ đến cái chết như một quy luật tất yếu mà ai cũng phải trải qua. Dĩ nhiên trong những trạng thái tình cảm khác nhau thì việc nhắc tới cái chết cũng khác nhau. 

Nỗi buồn bã hoặc bi quan vào tương lai có thể dẫn tới những câu thơ có phần yếm thế hay vô vọng: "Đời còn có gì tươi đẹp nữa/ Buồn thì đến khóc chết thì chôn" (Nàng thành thiếu phụ - Nguyễn Bính); "Ấy thực quê hương con người ta/ Nhắn bảo trên đường những khách qua/ Có tiếng khóc oe thời có thế/ Trăm năm ai lại biết ai mà" (Thăm mả cũ bên đường - Tản Đà). 

Nhưng người ta cũng có thể nhìn nhận quy luật ấy bằng một cách thật nhẹ nhàng: "Rồi mai đây tôi sẽ chết, trên đường về nơi cõi Niết/ Tôi sẽ không đem theo với tôi những gì đâu/ Rồi mai đây tôi hóa kiếp, trong lòng mừng không hối tiếc/ Tôi sẽ không đem theo với tôi những gì đâu" (Những gì sẽ đem theo vào cõi chết - nhạc và lời: Phạm Duy).

3. Cuối cùng, việc nhắc đến cái chết trong nhiều trường hợp là cách để bộc lộ một thái độ sống. Nguyễn Khuyến trong bài thơ Di chúc đã tỏ rõ được cái tiết tháo của một nhà Nho liêm khiết, thanh cao, giữ được tấm lòng trung dù không phải không có những bất lực trước thời cuộc và những biến động lịch sử: "Cờ biển của vua ban ngày trước/ Khi đưa thày còn rước đầu tiên/ Lại thuê một lũ phường kèn/ Vừa đi vừa thổi mỗi bên dăm thằng/ Việc tống táng nhung nhăng qua quýt/ Cúng cho thày một ít rượu hoa/ Đề vào mấy chữ trong bia/ Rằng: "Quan nhà Nguyễn cáo về đã lâu". 

Nguyễn Du trong bài Đối tửu lại thể hiện một góc nhìn khác, như là một sự tận hưởng cuộc sống, như là sự đối mặt với từng ngày một đã, đang và sẽ đi qua trong cuộc đời: "Sinh tiền bất tận tôn trung tửu/ Tử hậu thùy nhân mộ thượng bôi" (Sống không uống cạn ai ơi/ Chết rồi dưới mộ đâu người tưới cho). 

Bùi Giáng trong suốt cuộc đời đã bộc lộ rõ một tinh thần "vui vĩ đại", coi đời sống là một cuộc chơi "phóng túng hình hài, ngang tàng định mệnh" nên việc nhắc đến cái chết với ông cũng trong một tinh thần tiếu ngạo ấy: "Ngày mai ông sẽ lìa đời/ Các con ở lại buồn vui thế nào/ Ông về chín suối chiêm bao/ Thần tiên mộng mị mừng chào các con". 

Cũng chính Bùi Giáng đã tiên đoán chính xác về thời điểm cái chết của mình: "Mậu Dần mật thể thênh thang/ Ông về chín suối đá vàng chào con" (Bùi Giáng mất năm Mậu Dần, 1998).

Mỗi cá nhân khi đối diện với sinh tử chính là đối diện với những sự lựa chọn. Và trong rất nhiều trường hợp, cái chết đã trở nên không còn quan trọng, bởi có những điều lớn lao cần phải đặt lên hàng đầu. Và một trong những điều hệ trọng ấy là tình yêu đất nước: "Ôi Tổ quốc ta yêu tha thiết/ Như mẹ cha ta, như vợ, như chồng/ Ôi Tổ quốc nếu cần, ta chết/ Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông (Chế Lan Viên)...

Nói về cái chết, thực ra, cũng chính là để yêu thương cuộc sống này nhiều hơn mà thôi... 

Trầm Ngư
.
.