Đảo ngược cái chết?

Thứ Sáu, 15/07/2016, 14:09
Cải lão hoàn đồng và trường sinh bất tử là hai ước vọng tối cao của loài người trong suốt lịch sử phát triển. Nhưng dù cố gắng đến đâu, loài người mới chỉ kéo dài được sự sống, chứ chưa khi nào làm được câu chuyện trái với quy luật của tạo hóa. 


Tuy vậy, có vẻ như ước vọng đầu tiên đang dần trở thành hiện thực, khi mới đây các nhà khoa học đang chuẩn bị công bố một loại thuốc có khả năng đảo ngược quá trình lão hóa ở con người. 

Chính xác hơn, loại thuốc này sẽ đảo ngược những tổn hại của chứng bệnh mất trí nhớ và một số căn bệnh liên quan đến sự lão hóa. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của một dự án "tái tạo sự sống", hướng đến công nghệ hồi sinh người chết bằng cách đảo ngược sự chết não, khiến giấc mơ bất tử ngày càng trở nên hiện thực hơn. Nếu thành công, quy luật tự nhiên trong tương lai có thể hoàn toàn được con người nắm giữ với những nghiên cứu mới này.

Thuốc "cải lão hoàn đồng"

Trong nghiên cứu gần nhất của Đại học McMaster (Canada), những cá thể chuột bị tổn thương tế bào não giống căn bệnh Alzheimer ở người đã hồi phục đáng kể khi sử dụng một loại thuốc "đặc biệt" chỉ bao gồm các loại vitamin hết sức bình dị hằng ngày.

Không chỉ vậy, cả ngoại hình của chuột, tầm nhìn, khả năng vận động và giữ thăng bằng cũng thay đổi rất nhiều. Thậm chí, khứu giác và thính giác - những giác quan bị tổn thương khi tuổi già đến - cũng được cải thiện. Chủ nhiệm nghiên cứu Jennifer Lemon tin rằng loại thuốc này có thể chữa được những chứng bệnh thần kinh nghiêm trọng như Alzheimer hoặc Parkinson, và thay đổi cuộc sống của loài người.

Bioquark đang thực hiện dự án ReAnima nhắm đến công nghệ hồi sinh người chết bằng cách đảo ngược sự chết não.

Theo bà, loài chuột có cơ chế thoái hóa thần kinh qua thời gian giống như loài người. Khi chuột sống được 22 tháng, hệ thần kinh của chúng bị thoái hóa giống như con người ở độ tuổi 70-80. Loại thuốc khiến ti thể trong não bộ sản sinh ra ít gốc tự do - thứ được cho là nguyên nhân gây nên quá trình lão hóa. 

Sau khi sử dụng loại thuốc này, các tế bào não bộ của chuột được hồi phục đáng kể. Bước tiếp theo, các chuyên gia sẽ thí nghiệm trên con người, nhằm xác định xem loại thuốc này có tác dụng phụ nào không. Nếu thuận lợi, dự tính con người sẽ được uống loại thuốc "cải lão hoàn đồng" này trong vòng hai năm tới.

Song song với nghiên cứu tại Đại học McMaster, các nhà khoa học Mỹ cũng đã gây ấn tượng mạnh khi chứng tỏ có thể đảo ngược quá trình lão hóa ở động vật thí nghiệm. Các chuyên gia của Đại học Harvard (Mỹ) đã sử dụng một hóa chất để trẻ hóa cơ ở chuột thí nghiệm. Kết quả cho thấy quá trình này tương đương với việc chuyển đổi bó cơ ở đối tượng 60 tuổi trở về với trạng thái 20 tuổi. 

Để làm được điều này, các chuyên gia đã khám phá một cơ chế hoàn toàn mới của quá trình lão hóa và cứ thế đảo ngược lại toàn bộ tiến trình này. Cụ thể, họ tập trung vào một hóa chất gọi là NAD. Kết quả quan sát cho thấy, hàm lượng của chất này sụt giảm một cách tự nhiên trong toàn bộ các tế bào khi đối tượng già đi theo thời gian.

Cùng với sự biến mất dần của NAD, chức năng của ti thể, cỗ máy năng lượng nội tại của tế bào, cũng đình trệ hoạt động, dẫn đến giảm năng suất và tế bào bị lão hóa. Các kết quả thí nghiệm cho thấy nỗ lực nâng cao hàm lượng NAD trong các tế bào, bằng cách bổ sung hóa chất giúp chuyển hóa thành NAD một cách tự nhiên, có thể đảo ngược quá trình hủy hoại tế bào theo thời gian. 

Theo đó, một tuần bổ sung "thuốc trẻ hóa" cho chuột 2 tuổi có thể giúp cơ bắp của chúng quay về tình trạng hoạt động như lúc 6 tháng tuổi về mặt chức năng ti thể, loại bỏ chất thải độc hại trong cơ, ngăn chặn viêm nhiễm và kháng insulin. Hiện nhóm chuyên gia vẫn tiếp tục cuộc nghiên cứu, với giai đoạn thử nghiệm lâm sàng dự kiến vào cuối năm 2016.

Dự án "tái tạo sự sống"

Cái chết được định nghĩa là sự chấm dứt tất cả các chức năng sinh học duy trì một cơ thể sống. Trước tiên, cần biết rằng một người được xác định là "đã chết" khi toàn bộ chức năng của não đã hoàn toàn ngừng hoạt động, hay còn gọi là chết não. Chết não được định nghĩa là mất, không thể phục hồi tất cả các chức năng của não, bao gồm cả thân não. 

Quá trình chết não vốn được xem là vô phương cứu chữa, là quá trình một chiều và không thể đảo ngược. Nhưng công ty y tế Bioquark của Mỹ (một công ty trong ngành khoa học sự sống chuyên phát triển các giải pháp sinh học nhằm tái sinh, sửa chữa, và hồi sức các bộ phận/chức năng của cơ thể người) lại đang thực hiện dự án ReAnima nhắm đến công nghệ hồi sinh người chết, bằng cách đảo ngược sự chết não.

Có vẻ như ước vọng "cải lão hoàn đồng" đang dần trở thành hiện thực với sự xuất hiện của một loại thuốc có khả năng đảo ngược quá trình lão hóa.

Theo Ira Pastor, giám đốc của Bioquark, con người hiện nay chưa có khả năng hồi phục lại những khu vực quan trọng trong hệ thần kinh trung ương. Tuy nhiên, giới khoa học đang nghiên cứu một số loài vật để tìm hiểu khả năng phục hồi hoặc thay thế những phần quan trọng của não, ngay cả khi đã bị thương rất nặng. 

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Ira Pastor cho biết: "Với động vật lưỡng cư, có thể lấy bỏ hoàn toàn não của chúng, và não sẽ mọc trở lại. Chúng tôi đang tập trung phát triển các protein và phân tử sinh học khác để tìm lại sức mạnh này ở con người".

Dự án ReAnima sẽ nghiên cứu về các giai đoạn của chết não, trong đó tập trung nghiên cứu những bệnh nhân đang sống thực vật - không còn ý thức nhưng cơ thể vẫn hoạt động nhờ máy móc. Mục tiêu lớn nhất của dự án là xác định khả năng hồi phục và tái thiết lập chức năng của hệ thần kinh trung ương. Thậm chí nếu khả năng này thành hiện thực, con người còn có thể "tái khởi động" lại tế bào, giống như tái sinh vậy.

Cơ thể con người có khả năng chữa lành và tái tạo đáng kinh ngạc. Các tế bào liên tục được thay thế, bổ sung thêm niêm mạc dạ dày, tạo da, tế bào máu mới, và chữa lành vết thương. Nhưng hệ thần kinh trung ương, bao gồm não, thân não và tủy sống, không có khả năng này. 

Đây là lý do tại sao người bị liệt do chấn thương tủy sống sẽ bị liệt suốt đời. Nếu tủy sống bị tổn thương không hoàn toàn, một số (hoặc toàn bộ) cử động có thể được phục hồi. Nhưng khi toàn bộ não chết do chấn thương hoặc thiếu tuần hoàn máu, thì "cuộc chơi" kết thúc. Tế bào não chết không có khả năng chữa lành hoặc tái sinh. Nhưng đây chính là điều mà Bioquark tin rằng họ có thể đảo ngược trong dự án ReAnima.

Vào đầu tháng 7, Bioquark đã nhận được sự phê chuẩn đạo đức để thử nghiệm hàng loạt cách điều trị trên bệnh nhân chết não, đầu tiên ở Ấn Độ, sau đó tại Mỹ. 

Giới khoa học đang tập trung nghiên cứu một số loài lưỡng cư để tìm ra cơ chế tái sinh của bộ não.

Theo số liệu thử nghiệm lâm sàng, công ty đang có kế hoạch ghi danh những bệnh nhân đã được tuyên bố là chết não do thương tích. Họ sẽ tiêm một hỗn hợp các protein và tế bào gốc vào túi bao quanh tủy sống, tiếp theo là liệu pháp laser xuyên sọ và kích thích thần kinh. Giai đoạn một sẽ cố gắng tái sinh chỉ thân não, là nơi có trung khu hô hấp, để xem đối tượng có thể tự thở được không.

Nếu thành công, các giai đoạn tiếp theo sẽ cố gắng đảo ngược sự chết não. Giai đoạn đầu tiên của nghiên cứu sẽ có kết quả trong một vài tháng nữa, nhằm đưa ra những lập luận chứng minh được tính khả thi của nghiên cứu. 

Các nhà nghiên cứu tin rằng, khả năng cao những kết quả tích cực của nghiên cứu sẽ đến vào năm 2017. Và với 50.000 - 150.000 người chết mỗi ngày do chết não, nghiên cứu này rõ ràng sẽ đem lại ảnh hưởng vô cùng lớn.

Tuy nhiên, mỗi tiến bộ khoa học mới đều đi kèm với cái giá phải trả, và với mỗi tiến bộ mới lại có những giới hạn phải được đặt ra. Nếu bằng cách nào đó giai đoạn một thành công và công nghệ được xác nhận, Bioquark nên tập trung không phải vào việc đảo ngược cái chết, mà là vào việc giúp đỡ các nạn nhân bị đột quỵ và chấn thương não, khi mà người được phục hồi vẫn sẽ là chính người đó. 

Ira Pastor từng chia sẻ rằng, dự án ReAnima là thử nghiệm đầu tiên trong nỗ lực đẩy lùi cái chết.

Thế nhưng, "tử" là một phần tự nhiên của cuộc sống. Con người sinh ra, được sống và làm việc để đóng góp vào sự tiến bộ của xã hội, và rồi tan biến. Dự án ReAnima, chỉ cần một sai sót nhỏ nhất, cũng sẽ sớm trở thành "bóng ma của sự cận bất tử"…

Hồng Hạnh
.
.