Nghĩ ngợi lặt vặt

Thứ Sáu, 27/05/2016, 10:28
Trời thương vừa cho vài cơn mưa, phố phường tàm tạm phóng khoáng, lòng tàm tạm vui vui. Nghĩ một vài thứ vụn vặt như con cua vê bùn, như con nhái bén đong đưa lá sen, như hồi tay đón tay đưa.

Nghĩ cho cùng thì trong cõi đời này, còn được sống, còn được viết ấy đã là vui rồi. Còn vui như ông Nguyễn Bắc Sơn trong “Cãi Phật”: “Phật bảo đời người như bể khổ/ Ta cười sướng khổ bổ sung nhau/ Còn sống còn vui còn múa hát/ Khổ đau như nước chảy qua cầu” thì lẽ đâu ta được vui đến vậy.

1. Chuyện bắt đầu từ hôm ngồi chung với mấy anh Lê Minh Quốc, Trần Nhã Thụy và Trần Hoàng Nhân. Tôi nhiều việc, rất ít có thời gian để gặp anh em. Lại càng ít có cơ hội để tán chuyện chữ nghĩa. Đến giờ, tính chào mọi người để về trước thì bất ngờ anh Trần Nhã Thụy nói: “Em trả lời được câu hỏi này rồi muốn về thì anh đồng ý để em về”. Không đợi tôi hồi đáp, anh nói luôn: “Sống trong đời sống, phải luôn tâm niệm về chữ gì?”.

Nhà Phật có chữ Duyên. Mọi chuyện thoạt kỳ thủy đều khởi lên từ chữ này. Có duyên thì gặp mặt, có duyên thì thành tri kỷ, có duyên được phước vào chùa, có duyên thì hạnh ngộ.

Bậc làm con, phải đề cao chữ Hiếu, “Hiếu hạnh vi tiên”. Hiếu, luôn đứng đầu trong 100 điều phước hạnh. Làm cha mẹ, chỉ mong con hiếu hạnh. Phận làm con, cũng chỉ cố giữ được hiếu hạnh. Hiếu hạnh xuất phát từ tâm, hiếu hạnh không phải là trang sức để đeo bên ngoài như nhiều người lầm tưởng.

Trai gái lớn lên, trở thành đôi lứa, trọng một chữ Tình. Tình chứ không phải là yêu. Tình như sợi dây bền chặt níu kéo những lỗi lầm, những toan tính thiệt hơn, những lúc nóng giận. Làm sao có thể yêu thương nhau lâu dài, nếu thiếu chữ tình.

Bạn bè chơi với nhau cần một chữ Nghĩa. Phải có nghĩa thì mới thành tri âm. Phải có nghĩa thì bạn bè mới cần nhau như hơi thở, phải giữ được chữ nghĩa thì bạn bè với nhau chỉ cần mang một khuôn mặt, không cần phải thay đổi khuôn mặt liên tiếp. Thậm chí, trong lúc vui buồn, sang hèn, sướng khổ khác nhau.

Trên tất cả những chữ ấy, Thụy nói, đó là chữ Thương. Tất nhiên, hôm đó tôi chỉ nghĩ thôi, chứ không trả lời câu hỏi của anh.

Chúng ta sẽ ra sao, nếu chúng ta không thương nhau. Con cái có thương cha mẹ mới hiểu hết cái tình của cha mẹ. Anh em có thương nhau thì mới sống trọn vẹn huyết thống. Vợ chồng có thương nhau thì mới toàn nghĩa phu thê. Bạn bè có thương nhau thì mới thành bằng hữu.

Có chữ thương, mọi người đến với nhau bằng tình cảm chân thật. Có chữ thương, mọi mối quan hệ không trở nên vụ lợi.

Sống với nhau nhiều năm, cạn hết chữ tình, tàn hết chữ yêu, còn sót lại mỗi chữ thương. Có thương nhau thì mới thương luôn cả nếp nhăn năm tháng, thương tóc bạc da mồi, thương tính nết như trời trở gió, thương tiếng càm ràm, thương lần cáu gắt… Đàn ông thất bại, đàn ông sai đường, đàn ông mải chơi… vin vào chữ thương mà dám tìm về gia đình. Phụ nữ vịn vào chữ thương, mà xuê xoa tất cả.

Minh họa: Lê Phương.

Gái trai yêu nhau, không may duyên tình lận đận. Có chữ thương để không biến yêu đương xưa thành thù hận. Có chữ thương để thật lòng chúc nhau: “Em (anh) hạnh phúc với lựa chọn của mình, nhé”. Có chữ thương thì gặp lại người cũ, vẫn nở được với nhau một nụ cười, mới hân hoan khi nghe câu chuyện gia đình đầy viên mãn từ một thời đã có nhau.

Bạn bè chơi với nhau, mâu thuẫn mà từ mặt. Có chữ thương thì sa cơ mới chìa tay ra với nhau. Hoạn nạn, có chữ thương thì mới giúp nhau lấy lại thăng bằng.

Người già khóc nhau: “Tui thương bà (ông) lắm”, chữ thương thời điểm này, không phải là đã bao hàm toàn bộ nghĩa tình duyên số hay sao(?!).

Chúng ta học cách thương mình, bằng việc thương tất cả. Thương tóc mẹ ngày càng bạc hơn, thương giọng nói của ba ngày càng ít sinh khí. Thương anh còn lận đận, thương chị tất tả chồng con. Thương cô em gái như những hôm xa ngồi sau yên xe đạp lúc tan trường có mình đón đưa…

Thương cô hàng xóm hôm nào chia cho trái ổi sẻ, nay lỡ làng nợ duyên, ôm con thơ hát những câu não nề số kiếp. Thương thầy giáo cũ, quần lấm lem bụi đỏ, nụ cười như nắng chiều quê. Thương ngọn cỏ đau dưới vết giày, thương con đường đổ lá vừa đi qua, thương một hoàn cảnh khốn khó.

Thương thằng bạn thời đại học, hai tay vặn vào nhau, mắt đỏ hoe ngồi mừng đám cưới bạn gái cũ. Thương cô bạn thân thời phổ thông, chịu hết điều tiếng bạc tình, lấy một người dưng để có cơ hội giúp gia đình. Thương những con đường trưa đổ ấu thơ, thương lá dâm bụt xanh ngắt sau hè, thương cây tầm vông ríu rít chim áo già làm tổ, thương con cá tràu quẫy đuôi lao xao nước mặt hồ, thương tiếng gà gáy sáng, thương gió thổi lá khuya…

Còn bao nhiêu nỗi thương nữa, để giúp tôi và bạn đỡ loay hoay trong đời sống này(?!). Còn nhiều, nhiều vô kể. Vấn đề là, chúng ta có thật sự chịu mở lòng để thương hay không. Giả như một ngày nào đó, nếu bạn và tôi giật mình tỉnh dậy sau giấc ngủ đêm, cảm giác rằng chúng ta không còn biết thương nữa. Chúng ta sẽ như thế nào. Không rõ nữa, nhưng chắc chắn rằng sẽ vô cùng bi kịch.

2. Tôi vẫn cho rằng, mỗi cá nhân có một quan điểm riêng, quan điểm riêng dựa trên tư duy riêng biệt. Tôn giáo và quan điểm riêng, là hai phạm trù không nên mang ra tranh luận.

Giả như, bạn thấy cô kia đẹp, người khác lại thấy cô kia không đẹp. Hai bạn cãi nhau đến bao giờ mới có thể thống nhất. Không ai lại vướng vào câu chuyện tranh luận: quả trứng có trước hay con gà có trước. Trẻ con mới thừa thời gian chơi trò đó, chúng ta đã lớn, chúng ta nên tập thói quen tôn trọng người khác và tôn trọng chính mình.

Tất nhiên, trong bất cứ cộng đồng hay xã hội nào, cá nhân cũng đều phải tôn trọng những quan điểm chung, quan điểm về văn hóa, lễ nghĩa… Không thể nhân danh quan điểm cá nhân để biện hộ cho hành vi không đúng đắn, chuẩn mực.

Nhà Phật dạy, chúng sinh trầm luân trong bể khổ luân hồi. Tiếp đến, nhà Phật chia ra làm bốn hạng chúng sinh tạo nên bể khổ luân hồi ấy. Hạng thứ nhất là hạng người lo làm khổ mình, chuyên làm khổ mình. Hạng thứ hai là chuyên làm khổ người. Hạng thứ ba là chuyên làm khổ mình và làm khổ người. Hạng thứ tư là không làm khổ mình và không làm khổ người.

Chúng ta làm khổ mình bởi những ý nghĩ tiêu cực, chúng ta làm khổ người cũng chính ý nghĩ tiêu cực đó. Điều nghịch lý, chúng ta không muốn làm khổ chính mình lẫn làm khổ người khác. Tôi vẫn giữ nguyên quan điểm, trong tận cùng mỗi cá nhân là cái thiện. Đúng như đức Khổng Tử luận: “Nhân chi sơ tính bổn thiện”, chúng ta “tính bổn thiện” là bởi chúng ta được hoài thai từ huyết nhục của mẹ, từ sinh khí của cha.

Nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Nhã khi trò chuyện với tôi đã lấy hình tượng “Bắn đi một mũi tên yêu thương”. Đơn giản thôi, khi có ai đó đặt điều thị phi khiến bạn bực mình, ít hay nhiều bạn cũng sẽ muốn “ba mặt một lời”, muốn vạch trần sự dối trá, muốn làm cho người đặt điều bẽ mặt, muốn minh chứng cho đám đông thấy đó là một người chẳng ra gì.

Điều đó có đáng không, chắc là với người này thì có với người kia thì không. Tôi thì cho rằng, chúng ta không thể thôi làm khổ mình, thôi làm khổ người với suy nghĩ tiêu cực như vậy. Hãy “bắn đi một mũi tên yêu thương”, hãy biết xót xa cho thân phận của một người nói dối, hãy nghĩ về bi kịch của đời họ. Nói như tôi từng tếu táo, nếu thị phi của chính mình làm cho người khác cảm thấy vui, hãy xem như đó là một lần ban ơn của bạn.

Tất nhiên, chúng ta không phải là những cá nhân minh triết để thấu thị và minh định được chữ Ngộ theo cách của nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Nhã, chúng ta là những cá nhân bình thường, rất bình thường. Vì vậy, chúng ta sẽ nói với nhau về cách nghĩ giúp chúng ta không làm khổ mình. Tôi tạm gọi, đó là phép thắng lợi tinh thần cá nhân, theo kiểu A.Q của Lỗ Tấn, hay làng Vũ Đại “nó chừa mình ra” của Nam Cao.

Bạn mệt mỏi với công việc, bạn cảm thấy bạn bí bách, bạn tù túng bởi nhịp điệu chậm chạp, chán ngắt… sáng đến cơ quan, chiều về nhà trọ. Bạn hãy nghĩ đến những người đang thất nghiệp. Họ nhìn sự bí bách của bạn bằng nỗi thèm khát vô cùng.

Bạn cau có trong cái nắng như thiêu như đốt trên đoạn đường từ cơ quan đến quán ăn, hay ngược lại… Bạn hãy nghĩ đến những người đang mưu sinh bằng cách bán mặt trên phố trong điều kiện thời tiết như vậy.

Bạn mất một cái điện thoại, cái ví, hay chiếc xe máy… bạn thấy cả thế giới này toàn phường trộm cắp, đểu giả. May mắn làm sao, bạn đánh mất chứ không phải là bị cướp, bị trấn lột, bị lừa đảo.

Bạn chia tay người tình, bạn muốn buông xuôi tất cả. Thậm chí, bạn đã muốn người tình của bạn lâm vào cảnh “người còn tình còn, người mất tình mất”. Sao bạn không nghĩ đơn giản thôi, bạn đã từng mong muốn người ấy hạnh phúc bên cạnh bạn, giờ người ấy hạnh phúc bên một người khác, bạn hãy biết cách chúc mừng. Bởi, có phải bạn luôn muốn người đó hạnh phúc hay không(?!).

Nói gì thì nói, không thương người hết mực khác cũng được, thi thoảng cũng nên thương lấy mình một chút, tập thương lấy người khác một chút ắt cũng không có gì quá đáng đâu. Nghĩ thoáng đãng hơn một chút, nhìn xuống để cảm thấy còn may mắn hơn một chút, cũng là cách thương.

Xin trời thêm trận mưa rào để tắm mát lòng nhau vậy.

Ngô Kinh Luân
.
.