Mở lòng mình bồng bềnh cõi Phật

Thứ Sáu, 04/03/2016, 22:02
Từ Ngọa Vân lại trở về đền Trình lại ngược lên núi Yên Tử. Từ trạm cáp treo đầu tiên ta đến được chùa Hoa Yên, nếu đến Hoa Yên vào buổi tối ta sẽ như lạc vào thế giới của thần tiên, nửa hư nửa thực, nửa tỉnh, nửa mê.


Núi ngọn, mây ngàn bốn mùa giăng mắc, nằm ở phía Đông Bắc Việt Nam, giáp danh giữa hai tỉnh Bắc Giang và Quảng Ninh, núi rừng Yên Tử trùng điệp hùng vĩ, thơ mộng như dải lụa đào uốn vắt trên trang họa của thi nhân Nguyễn Trãi: “Trên non Yên Tử chòm cao nhất/ Trời mới canh năm đã sáng tinh/ Vũ trụ mắt đưa ngoài biển cả/ Nói cười người ở giữa mây xanh/ Muôn hàng ngọc giáo tre gài cửa/ Bao dải tua chân đá rủ mành/ Dấu cũ Nhân Tông vẫn còn đấy/ Mặt rồng thấy giữa ánh quang minh”.

Tiếng trống xuân khai hội bắt đầu từ mồng 10 Âm lịch kéo dài đến hết tháng 3 Âm lịch. Yên Tử không chỉ mang cho mình vẻ đẹp còn nguyên sơ kì bí để du khách thỏa thuê ngắm rừng xanh bạt ngàn trùng điệp, những ngọn núi nhấp nhô bao bọc bởi tứ bề mây phủ, mà còn dẫn dụ con người về nơi phát tích của cõi Phật, về với nguồn cội, nơi Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, đạo Phật Việt Nam. Hàng chục ngôi chùa trầm hương nghi ngút trên những ngọn núi cheo leo ngút ngàn đã ăn sâu vào tiềm thức tự bao đời người dân Việt.

Hơn 4 giờ sáng, ngày mồng 9 âm lịch tháng Giêng màn đêm đen huyền tĩnh mịch được thắp sáng bởi những ánh đèn đường lấp lóa, xe ôtô khởi hành từ ngôi chùa nổi tiếng ở Hà Nội, chùa Phúc Khánh bon bon trên đường để khi ánh mặt trời sáng rạng, âm thanh đường phố đua chen và cả những cơn gió lạnh thi nhau gầm rít thì đoàn người cũng đã về tới Đông Triều, Quảng Ninh, tới Ngọa Vân, về đền Trình, rồi hầu như bất kì ai đặt chân đến đất này cũng như có dòng từ trường thôi thúc, giục giã để muốn đến bằng được danh lam Yên Tử, hay còn có tên gọi Bạch Vân Sơn.

Chùa Ngọa Vân thuộc xã Bình Khê là một ngôi chùa chính trong quần thể di tích đặc biệt của nhà Trần tại Đông Triều. Trải qua dâu bể thời gian, 700 năm, chùa chỉ còn lại những tàn tích; nhưng sau nhiều lần trùng tu tôn tạo, đến nay chùa lại dần dần khôi phục và trở nên sáng rỡ trên núi ngàn mây phủ. Am chùa cũ trên đỉnh Bảo Đài sơn hiện vẫn đang còn tồn tại là do công trình đời sau gây dựng tôn tạo lại.

Chùa Ngọa Vân đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự án do Ban Trị Sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh và UBND thị xã Đông Triều  làm chủ đầu tư với nguồn vốn 90 tỷ đồng, hoàn toàn từ nguồn xã hội hóa, đến nay cơ bản đã hoàn thiện. 6 pho tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông đã được đưa vào thờ tại ngôi Tam Bảo. Đến Ngọa Vân ngày nay người ta đi cáp treo từ Trại Lốc đến chùa Ngọa Vân dài 2,1km.

Từ trên cao du khách tha hồ được mãn nhãn với bạt ngàn cây xanh trùng điệp, lác đác lá đỏ muôn chiều, giữa rặng mây trời đầy nắng là cánh chim rừng vi vút bay. Từ chùa Ngọa Vân mới được phục dựng người ta đi men theo đường núi để đến với cổng trời cũng không còn quá xa. Cổng trời mở ra là không gian bao la và tĩnh lặng, ở đây con người thấy mình chỉ như một hạt cát bé nhỏ giữa không gian mênh mông bao la vô tận.

Nếu như cổng trời Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An nằm chơi vơi trên đỉnh núi sát với biên giới Việt - Lào, cổng trời Quản Bạ, Hà Giang được xem như là nơi chiêm ngưỡng những điểm du lịch nổi tiếng nhất của Hà Giang như Quản Bạ, Quyết Tiến, Thái An, Đông Hà, Cán Tỷ và Bát Đại Sơn, còn ở cổng trời Sapa, len lỏi giữa dãy Hoàng Liên Sơn đứng ở đỉnh cao nhất này để chiêm ngưỡng đỉnh Fansipan - nóc nhà của Đông Dương, thì cổng trời Ngọa Vân có đôi chút khác biệt, đó là không gian thắm đượm chất tâm linh huyền bí, mỗi giọt sương đêm, mỗi làn mây phủ, mỗi tia nắng chiếu rọi, mỗi chiếc lá rơi đều mang tinh thần đạo pháp, nhắc nhở đây chính là nơi phát tích đất Phật tự bao đời.

Từ Ngọa Vân lại trở về đền Trình lại ngược lên núi Yên Tử. Từ trạm cáp treo đầu tiên ta đến được chùa Hoa Yên, nếu đến Hoa Yên vào buổi tối ta sẽ như lạc vào thế giới của thần tiên, nửa hư nửa thực, nửa tỉnh, nửa mê. Từ dưới ta ngước nhìn lên những bậc tam cấp đèn điện sáng rõ, đài sen nở rộ. Nếu đi bằng đường cáp treo trước khi vào chùa Hoa Yên, ta sẽ qua vườn tháp Huệ Quang với 97 ngọn tháp bằng gạch hoặc đắp đất kề nhau tạo thành một quần thể.

Chính giữa quần thể là tháp Huệ Quang, Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông trong tư thế tọa thiền, an nhiên tĩnh tại giữa làn hương thơm ngào ngạt của đóa hoa ly, của cúc vàng đại đóa của khách hành hương đến cúng dường Đức Phật. Bên cạnh hai bên của am là những xá lị của các nhà sư đắc đạo tu hành chính quả có từ bao đời. Những cây đại già hàng trăm năm tuổi chứng tích của thời gian trong đêm tối thân xù xì vươn cành như những ngọn nến trắng bạc lung linh. Từ đây ta nghe được văng vẳng tiếng gõ mõ cầu kinh từ chùa Hoa Yên đưa tới.

Chùa Hoa Yên tọa lạc ở độ cao 535m so với mặt nước biển. Là một ngôi chùa lớn của Yên Tử. Ở trước sân chùa là hai lá cờ, lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc Việt Nam và lá cờ Phật pháp tung bay phấp phới giữa gió trời lồng lộng. Chùa Hoa Yên hiện ra với những câu chuyện nhuốm màu huyền thoại, sử thi đến nay vẫn còn được lưu truyền trong dân gian. Chùa được khởi dựng từ thời Lý lấy tên là Phù Vân.

Ảnh: Trang Dũng.

Trên 700 năm trước chùa chỉ là một am nhỏ. Vua Trần Nhân Tông sau hai lần đánh thắng quân Nguyên Mông ra khỏi bờ cõi nước ta, chiến thắng vó ngựa hùng mạnh và lừng danh trên bản đồ thế giới, nhà vua thiết triều ổn định và phát triển đất nước Đại Việt. Năm 1293, nhà vua nhường ngôi cho Anh Tông Hoàng đế, ông lui về làm Thái Thượng hoàng, chuyên tâm vào nghiên cứu Phật giáo.

Vua Trần Nhân Tông chọn núi rừng Yên Tử làm nơi để tu tập. Cả ba vị sư tổ của nhà Trần, sau vị Tổ sư thứ nhất đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông là vị sư tổ thứ hai, Pháp Loa Đồng Kiên Cương. Người đời truyền tụng, 19 năm tu hành vị sư tổ thứ hai cho xây dựng 800 ngôi chùa, am tháp lớn nhỏ và đúc hàng nghìn pho tượng. Vị sư tổ thứ ba là Pháp Loa Huyền Quang.

Nhà thơ Huyền Quang, sau nhiều năm chốn quan trường, sống trong một xã hội phong kiến với giáo lý nho học, ông đến với Phật giáo để tìm điều an lành, tĩnh ngộ nơi cõi Phật: Trước cảnh chùa Hoa Yên, sư tổ Huyền Quang đã làm vần thơ: “Buông niềm trần tục/ Náu tới Hoa Yên/ Chim thụy dõi tiếng ca chim thụy/ Gió tiên đưa đòi bước thần tiên/ Bầu đủng đỉnh giang hòa thế giới/ Giày thong thả dạo khắp sơn xuyên…/ Niết được tính ta nên Bụt thật/ Ngại chi non nước cảnh đường xa”.

Trong đêm tối của ngôi chùa vì ta nghe thấy tiếng gõ mõ, tiếng cầu kinh, tiếng lầm rầm khấn nguyện, tiếng gọi nhau í ới của du khách thập phương, mùi hương khói bảng lảng vấn vương, trên kia là trời cao lộng gió, bốn bên mây phủ sương giăng, dưới chân là hàng cây xanh xào xạc trong đêm tối ta lại nhớ đến người xưa, vị chân tu đắc đạo Huyền Quang. Dưới nhãn tuệ của một vị sư, ông đã viết những câu thơ hôm nay nghe lại khiến nao nao lòng người: “Hơi đêm phả lạnh bức rèm lan/ Xào xạc cây sân thu đã sang/ Quên đến trúc đường hương lựu tắt/ Cành thông ngời khắp dưới trăng đan”.

Những vị sư tổ của trường phái Trúc Lâm Yên Tử biểu trưng cho đạo pháp với tư tưởng: “Hòa quang đồng trần, hương trần lạc đạo”. Ngày nay tư tưởng đó vẫn còn nguyên giá trị và trở thành Đạo pháp dân tộc chủ nghĩa xã hội. Và trong tâm khảm của chúng dân, Yên Tử là kinh đô của Phật giáo Việt Nam, là đất Tổ linh thiêng của mỗi người con Phật.

Mùa xuân, mùa khởi đầu cho một năm mới an lành, mùa của sự sinh sôi nảy nở của vạn vật cỏ cây, lòng người phơi phới cùng nhau đi hội, kẻ đi xa người đi gần, hành hương về vùng đất sương khói bảng lảng, tâm linh huyền bí, hoan hỷ trước cảnh thiên nhiên đất trời giao hòa vạn vật, tận hưởng bầu không khí trong lành, quên hết những âu lo phiền muộn của cuộc sống đời thường, quên luôn cuộc sống trần tục được mất của dương gian nhân thế, để thả lòng phiêu diêu bồng bềnh nơi cõi Phật, tự mình tĩnh tại tu tâm dưỡng tính thấy trong lòng nhẹ nhõm, thanh thản.

Hạnh ngộ ra câu nói của Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông dẫn dắt chúng sinh: “Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì/ Họa đường thiềm ảnh mộ vân phi/ Khách lai bất vấn nhân gian sự/ Cộng ỷ lan can khán thúy vi/”. Dịch nghĩa: “Trong khóm hoa dương liễu rậm, chim hót chậm rãi/ Dưới bóng thềm ngôi nhà chạm vẽ, mây chiều lướt bay/ Khách đến chơi không hỏi việc đời/ Cùng đứng tựa lan can ngắm màu xanh nơi chân trời”.

Trần Mỹ Hiền
.
.