Ngày mai, góc bánh ấy sẽ đi đâu?

Thứ Tư, 14/10/2020, 12:56
Sáng chủ nhật, vẫn thói quen dậy sớm bởi báo thức hàng ngày, ngồi một mình bên bàn nước uống ly cafe sớm. Bọn trẻ con vẫn còn say ngủ. Phần vì nhà xa, sáng nào chúng nó cũng phải dậy từ 5g30 để chuẩn bị đi học.

Phần vì đêm qua đi chơi "rước đèn muộn" với bạn bè cùng chung cư. Trung thu năm nay, chúng được "rước đèn" đến 3 lần. Ở trường một buổi, ở nhà chính rằm và hôm mười sáu với mấy bạn cùng chung cư. Bởi thế nên chúng ngủ li bì cho đã mắt.

Cạn ly cafe, tôi nhìn bâng quơ sang bên đảo bếp giữa nhà. Thấy chỏng chơ trên cái đĩa nhỏ là một góc tư bánh nướng. Tự dưng thấy muốn ăn thử miếng bánh xem nó ra sao. Thú thực, phải hơn 20 năm nay chưa đụng vào miếng bánh trung thu nào. Tôi không ưa ăn ngọt, rất hạn chế dùng đường. Tôi lại không có thói quen ăn vặt. Đàn ông, đã ham nhậu rồi lại còn ăn vặt nữa thì có mà nát nhà.

Thế là bèn nói vợ: "Em pha cho anh ấm trà. Để anh thử miếng bánh trung thu xem nào". Vợ cũng ngạc nhiên, hỏi sảng "ủa, anh cũng ăn bánh trung thu hả?". Cái hỏi sảng ấy cũng đúng thôi. Ở với nhau chưa được 20 năm mà, tức là vợ chưa bao giờ thấy mình xơi miếng bánh trung thu nào.

Ảnh: LG.

Tôi nhấm nháp miếng bánh nướng nhân thập cẩm, khẽ siết trong miệng một chút vì nước miếng ứa ra nhiều quá bởi vị ngọt quá mức của nó, cái sự quá mức lại càng trở nên quá mức hơn với một kẻ gần như chẳng ăn ngọt bao giờ. Dịch vị tiết ra đến "mỏi" cả hàm. Thế là đành vồi vội nhấp ngụm trà còn nóng hổi để dung hòa lại nó. Rồi bỏ lại miếng bánh xuống đĩa. Và nghĩ…

Ngày mai, góc bánh ấy sẽ đi đâu?

Trẻ con nhà tôi cũng mê bánh trung thu, nhưng không phải mê đến quá mức. Giỏi lắm, mỗi mùa, mỗi đứa ăn được 2 cái bánh là tối đa rồi. Nhà bốn đứa, vị chi là 8 cái bánh. Vợ tôi thì… tôi chịu. Nhưng chắc cũng chẳng hơn gì lũ trẻ con. Với đám trẻ, bánh trung thu hấp dẫn chúng nhất chỉ vì cái hộp. Cái hộp ấy là thứ đồ chơi mà chúng có thể tưởng tượng ra thành bất kỳ thứ gì. Bởi vậy, nhiều khi bánh thì không giành nhau, nhưng hộp thì tranh đáo để.

Vậy thì, ngày mai, góc bánh ấy sẽ đi đâu?

Ảnh: LG.

Nếu tôi không ăn cố, nếu vợ cũng không ăn cố, chắc chắn nó tiếp tục cái chỏng chơ kia thêm một hôm, và chắc chắn nó sẽ thành đồ dư thừa quá đát. Địa chỉ cuối cùng của nó, chắc chắn, sẽ lại là cái thùng rác. Nghe thì rất phũ phàng, vì chúng ta không có thói quen xấu là bỏ đồ ăn thừa vào thùng rác, một thói quen đã thành văn hoá. Nhưng khi món đồ ăn ấy trở nên có thể có hại cho người ăn, thùng rác là nơi nó phải thuộc về.

Và nhà tôi, bao nhiêu năm nay rồi, chưa bao giờ đi mua một cái bánh trung thu nào cả. Tất cả đều là của biếu hết. Của biếu, cái thứ mà chúng ta cũng từng thuộc nằm lòng trong câu chuyện Mai An Tiêm từ tấm bé là "của biếu là của lo, của cho là của nợ".

Ảnh: LG.

Tôi không phải lo cái nỗi lo nhận của biếu mà thông thường ta vẫn nghĩ, tức là người ta biếu đấy thì mình phải đáp đền đấy, bằng một việc cụ thể nào khác. Bởi tôi không có quyền hành, chức vị gì. Nhưng tôi lo cái nhẽ khác. Lo mà giải quyết cho hết cái "kho" bánh biếu tồn đọng mỗi mùa Trung thu.

"Nhà còn nhiều bánh không em?", tôi hỏi vợ. "Cũng còn hai ba hộp gì đó. À, thêm cái hộp bánh cơ quan anh phát hôm rồi nữa, là bốn". "Sao em không chia bớt lại cho ai đó đi, để nhà làm gì nhiều, mình có ăn đâu?", tôi cật vấn. "Em cho hết rồi đấy. Chú bảo vệ dưới chung cư hay ăn chay nên em biếu ổng hộp bánh chay. Bác Luận xe ôm em cũng biếu rồi. Mấy người mình biết là em đều biếu hết thì mới còn 4 hộp đấy anh".

Tôi tự dưng bật cười. Chẳng hiểu sao lại cười được trong hoàn cảnh này. Và tôi nghĩ, đấy là mình còn chưa là "ông bà nào" trong xã hội này, bánh biếu đã đến mức ấy. Còn những người mà "ai cũng cần phải thể hiện sự quan tâm với họ" thì không biết bánh dư thừa sẽ đến mức nào. Sau mỗi cái trung thu, bao nhiêu bánh dư thừa sẽ bị bỏ vào trong những thùng rác, một cách kín đáo chỉ vì gia chủ dù đã chia hết lượt người quen rồi nhưng vẫn không thể nào xả kho toàn bộ.

Ảnh: LG.

Cái sự lãng phí ấy nó cứ thành vòng lặp, mỗi năm một đôi lần: Trung thu, Tết. Trung thu thì bánh nướng, bánh dẻo. Tết thì bánh chưng. Giá như bánh ấy sau khi quá đát rồi, nó cứng lại như gạch thì hay biết mấy. Mang ra, gom lại với nhau, có khi xây được tới mấy toà nhà.

Cái sự biếu xén kiểu này, thật sự là khó nói quá. Họ có thương, có quý thì họ mới biếu mình. Ở đây, tôi muốn gạch bỏ chuyện biếu xén để cầu cạnh lợi ích theo kiểu mỗi hộp bánh được nhồi ở trong cả xấp tiền. Chỉ đơn thuần tình cảm thôi. Gửi nhau hộp bánh là để nhớ đến nhau. Trân trọng quá đi chứ. Thế nên, cái hộp bánh đầu tiên được biếu của mùa Trung thu bao giờ cũng là hộp quý nhất, vì nó đến khi người nhận quà chưa nếm miếng bánh nào trong mùa. Thế nên, cái hộp bánh ấy chắc chắn sẽ hết sạch sành sanh ngay sau khi được khui ra. Thế nên, các hộp bánh biếu xếp hàng sau nó bắt đầu bị mờ nhạt dần, và bắt đầu thân phận được đem chia lại, chia lại mãi, hoặc tàn nhẫn hơn là quá đát và bị ném vào thùng rác.

Nếu không có cái văn hoá biếu bánh này, chắc chắn ngành công nghiệp sản xuất bánh trung thu sẽ không thể sống mạnh mẽ. Mua một hộp bánh, nó không chỉ là một cuộc mua bán đơn thuần, nó còn là một hành động góp phần giúp dòng tiền lưu thông được mạnh mẽ hơn, khiến nền kinh tế cũng nhờ đó sôi động thêm. Nhưng khổ nỗi, cái thứ có thời hạn sử dụng nó đòi hỏi rất khắt khe về số lượng sử dụng trên đầu người. Không ai có thể ăn bánh trung thu trừ cơm suốt ngày này qua ngày khác cho đỡ lãng phí cả. Và tình trạng thừa mứa cũng bắt đầu nảy sinh, để biến hình thành một sự lãng phí tập thể. Cái lãng phí ấy còn trở nên lãng phí hơn nữa khi những nguyên liệu để làm bánh nướng, bánh dẻo hoàn toàn có thể được sử dụng để làm các sản phẩm thực phẩm khác mà vô số người cần đến, thậm chí là ước muốn có được mỗi ngày.

Ảnh: LG.

Nhưng có cách nào để giải quyết cái lãng phí ấy hay không? Rất khó, thậm chí là bất khả. Người đi biếu bánh không lẽ phải gọi điện hỏi trước "nhà anh chị có bánh trung thu chưa?" để quyết định chuyện biếu quà hay sao? Nói vậy thì ai mà dám nhận lời. Thôi thì cứ đành lẳng lặng mà đi mua để biếu mà thể hiện lòng thành. Và cuộc du hành của hộp bánh được mua ấy đã bắt đầu. Điểm kết thúc, may mắn thì là cái dạ dày, không may thì…

Ngày mai, góc bánh kia sẽ đi đâu?

Tôi quay lại với câu hỏi của mình. Và rồi quyết định đứng dậy, lấy một cái ly thật lớn, cho thật nhiều đá lạnh vào đó, rót cạn bình trà để chế thành một ly trà đá. Chỉ có ly trà đá ấy mới có thể giúp tôi "chữa lửa" cái vị ngọt vô cùng (đối với tôi) của miếng bánh nướng còn sót lại này. Tôi quyết phải giải quyết nó, không thể để nó trở thành miếng bánh không may.

Ảnh: LG.

Và vừa cố gắng giải quyết hậu quả của một mùa trung thu, tôi vừa nhớ đến một cái phim tài liệu rất hay mà tôi mới xem. Cuốn phim có tên "Kiss the Ground", tạm dịch là "Hãy hôn lên đất". Nó nói về cách làm nông nghiệp mới làm sao để giữ được dinh dưỡng cho đất, tái tạo đất. Và ở trong đó có một đoạn riêng về cách xử lý chất thải lương thực, thực phẩm dư thừa. Đó mới là thứ phân hữu cơ đầy hữu ích để cải tạo đất, thứ phân hữu cơ nên được dùng thay vì các loại phân hoá học đang làm hại đất, làm hại tự nhiên vẫn được dùng tràn lan như hôm nay.

Chắc chắn sẽ có những món quà biếu bánh trái dư thừa chỉ vì sự nhiệt thành của người biếu trong các "mùa biếu xén". Đường đi của nó, phũ phàng lắm, nhưng vẫn phải thừa nhận, là rất có thể đi vào thùng rác. Nhưng để rác ấy còn có giá trị, có lẽ chúng ta cũng nên xem "Kiss the Ground" một lần.

Ngày mai, có những miếng bánh Trung thu sẽ đi về đâu?

Hà Quang Minh
.
.