Đi tìm cánh bướm…

Thứ Sáu, 25/09/2020, 15:29
Bạn chú ý tới một con bướm từ khi nào vậy? Khi còn là một đứa bé lang thang chơi trong công viên, và thấy một cánh bướm màu sặc sỡ đậu xuống một bông hoa? Khi ấy, đứa - bé - bạn lao tới, vồ hụt con bướm trong tiếc nuối!


Hay khi đã trưởng thành, đang ngồi trong nhà, bỗng dưng thấy một con bướm đen đậu xuống vai, khiến mình tự hỏi: Có phải hương hồn ai đó đang về đây báo mộng? Cánh bướm thực mà ảo, gần mà xa, dễ thấy mà khó nắm bắt. Nó có thể gây tò mò cho một đứa trẻ, tạo cảm giác rùng mình cho người trưởng thành. Nó có thể là nơi ký thác tư tưởng của một triết gia, tạo nhiều cảm hứng cho bậc tao nhân mặc khách.

Xem nào, cánh bướm gần gũi với nhiều người Việt Nam chúng ta có lẽ là cánh bướm trong thơ Nguyễn Bính:

Tôi chiêm bao rất nhẹ nhàng...

Có con bướm trắng thường sang bên này.

Bướm ơi, bướm hãy vào đây!

Cho tôi hỏi nhỏ câu này chút thôi...

Chàng trai tương tư cô hàng xóm, muốn gần cô hàng xóm nhưng ngại ngần. Thế là chỉ còn cách nói chuyện với con bướm trắng, mà thực ra là độc thoại với chính mình. Con bướm trong trường hợp này chỉ là một cái cớ, một thứ đối tượng biểu trưng cho tâm trạng của kẻ đang yêu. Chỉ vậy thôi, không hơn không kém. Nhưng không may cô hàng xóm qua đời, con bướm lúc này có một tác dụng hoàn toàn khác:

Hồn trinh còn ở trần gian?

Nhập vào bướm trắng mà sang bên này!

Con bướm hoá ra có thể giúp gã trai si tình đối thoại với người ở bên kia cõi sống. Sự thực, có một cuộc đối thoại nào như vậy không? Con bướm có thể thực hiện được một chức năng kỳ diệu, siêu tâm linh như mong đợi của chàng không? Rốt cuộc, chỉ có bướm biết và chàng trai trong bài thơ biết. Mọi suy luận, bình tán của người đọc thơ đều chỉ là… ăn ốc nói mò.

Nhưng có một điều chắc: hình tượng con bướm chạy dọc bài thơ thể hiện một cách trọn vẹn cái mĩ cảm mong manh của những nhà lãng mạn chủ nghĩa. Trong mắt của những nhà lãng mạn, cái đẹp chẳng phải là cái chập chờn, mong manh như cánh bướm đó sao!?

Cũng mong manh như thế, nhưng ảo diệu khôn cùng hơn thế là cánh bướm trong giấc mơ nổi tiếng của triết gia Trang Tử. Giai thoại xưa kể rằng một hôm Trang Tử nằm mơ thấy mình biến thành con bướm, nhởn nhơ bay đi bay lại giữa những đóa hoa. Sự hoá thân khiến triết gia say mê đến mức cứ tưởng mình đích thị là bướm, mà quên luôn thực ra mình là Trang Tử. Tỉnh dậy, thấy kỳ lạ quá, Triết gia tự hỏi mình: Trang sinh mộng thấy bướm, hay bướm mộng thấy Trang sinh? Chỉ một câu hỏi - một cánh bướm ấy thôi mà cả một tư tưởng lớn được chuyển tải.

Trang sinh mộng thấy bướm nghĩa đi từ thực vào ảo. Bướm mộng thấy Trang sinh nghĩa là đi từ ảo vào thực. Vậy thì rốt cuộc ai là thực? Ai là ảo? Hay thực - ảo nhất thể, không phân biệt nữa? Cánh bướm và câu chuyện thực - ảo nhất thể diễn tả rất trúng tư tưởng "Vô sở bất tại" trong triết học Trang Tử.

"Vô sở bất tại" có nghĩa là không nơi nào không có mặt. Không nơi nào không có mặt có nghĩa là: có mặt khắp nơi. Có mặt trong thực, có mặt trong ảo, có mặt nơi thế tục, có mặt nơi gió cuốn mây trôi. Bởi theo Trang Tử suy cho cùng tất cả đều sinh ra từ Đạo, và rồi sẽ trở về với Đạo. Tất cả những phân tách như thực - ảo, sáng - tối, vui - buồn, sống - chết… suy cho cùng đều từ cái tâm thị phi của con người phân tách mà thôi. "Trang sinh thấy bướm hay bướm mộng thấy Trang sinh?" - chỉ một câu hỏi, một cánh bướm, kẻ hậu thế có thể cảm nhận chính xác thế giới quan và nhân sinh quan trong triết học Lão Trang. 

Nói chuyện con bướm trong thi ca cứ thấy mơ hồ; nói chuyện con bướm trong triết học cứ thấy trừu tượng làm sao. Giờ nói chuyện con bướm trong khoa học vậy. Giữa thế kỷ 20, nhà toán học cũng đồng thời là nhà khí tượng học Edward Norton Lorenz đã nhập các chỉ số thời tiết vào máy tính theo kiểu làm tròn con số. Ví dụ chỉ số 0,56123 được ông nhập tròn lại thành 0,56 với suy nghĩ những con số còn lại là những phần trăm li ti bé nhỏ, không đáng kể gì.

Ấy vậy mà một tập hợp những dữ liệu được làm tròn sau đó đã cho ra một kết quả dự báo hoàn toàn khác so với dữ liệu gốc, dù giá trị làm tròn của mỗi dữ liệu là không đáng kể. Từ đây, Lorenz kết luận: việc cố gắng dự báo thời tiết nhiều hơn một tuần là vô tác dụng, bởi những diễn biến cụ thể của thời tiết với hệ thống dữ liệu ban đầu có độ nhạy cảm rất cao.

Sau đó, Lorenz phá biểu điều này bằng câu nói nổi tiếng: "Chỉ cần một con bướm đập cánh ở Brazil có thể gây ra một cơn lốc xoáy ở Texas". Ai cũng hiểu Brazil và Texas (Mỹ) cách xa nhau, nhưng một cánh bướm ở Brazil có thể tác động tới những khu vực xa xôi, tưởng chừng không liên quan gì tới mình như vậy đấy!

Có thể cảm nhận "hiệu ứng cánh bướm" qua ví dụ đơn giản được cho là của Franklin:

Vì cái đinh tuột, nên móng ngựa bị tuột

Vì móng ngựa tuột nên con ngựa sẩy chân

Vì con ngựa sẩy chân nên chiến binh sa cơ

Vì chiến binh sa cơ nên đoàn quân thua trận

Vì đoàn quân thua trận nên mất tự do!

Hiệu ứng cánh bướm gợi ra 2 suy nghĩ. Một, tất cả các yếu tố trong vũ trụ này, dù ở rất xa nhau nhưng luôn có những tương tác trực tiếp hoặc gián tiếp đến nhau. Chính sự tương tác đó tạo nên vũ trụ. Ở chỗ này thì có vẻ như "hiệu ứng cánh bướm" rất gần với vũ trụ quan phật giáo: Cái này có vì cái kia có; cái này mất vì cái kia mất. Vũ trụ được hình thành và tan biến dựa trên sự tương tác giữa các yếu tố với nhau, không có nguyên nhân đầu tiên, không có kết quả cuối cùng.

Hai, chính vì tính chất tương tác nên đừng bao giờ chủ quan với những "xuất phát điểm" tưởng là nhỏ nhặt. Nếu không để ý tới một cánh bướm ở Brazil thì bạn sẽ phải chứng kiến một cơn lốc xoáy ở Texas. Trong lịch sử, trong đời sống, trong nghệ thuật, có nhiều người vì không chịu để ý đến "hiệu ứng cánh bướm" nên đã phải trả giá đắt. Ví dụ như câu chuyện liên quan đến nhà Thục Hán được La Quán Trung mô tả trong tác phẩm kinh điển: “Tam Quốc Diễn Nghĩa”.

Thoạt đầu, vì coi thường Đông Ngô nên Quan Vũ vừa để mất Kinh Châu, vừa mất mạng. Quan Vũ mất mạng, Trương Phi muốn báo thù nên cũng mất mạng. Quan Vũ, Trương Phi mất mạng, Lưu Bị đem hết quân đi đánh Đông Ngô, bất chấp lời khuyên của Khổng Minh nên sau đó thua to. Mà thua to trận này, khả năng phục hồi Hán thất giảm đi đáng kể.

Đọc tới đây, bạn sẽ đặt câu hỏi: Vậy thì hiệu ứng cánh bướm khác gì hiệu ứng Domino? Có khác! Hiệu ứng Domino chủ yếu mang màu sắc tiêu cực: một quân Domino đổ xuống, cả đại cuộc dần dần tiêu tan. Nhưng với "hiệu ứng cánh bướm", bên cạnh khía cạnh tiêu cực còn gợi ra những khía cạnh tích cực: hãy tin rằng, nếu chúng ta làm một điều tử tế thì sự tử tế dù bé nhỏ đến mấy cũng được nhân lên, từ đó tạo ra những tương tác tử tế, những chân trời tử tế. Tại sao không tin rằng: một con bướm vỗ cánh bay bổng ở Brazil có thể tạo ra cả một bầu trời đầy hoa ở Texas? Tin như thế, chúng ta sẽ sống lành mạnh và có ý nghĩa hơn.

Bây giờ, hãy bỏ đi mọi tri thức, lập luận dễ khiến bạn đau đầu. Bỏ hết đi, buông lỏng vào tự hỏi: Trong cuộc sống bề bộn hôm này, lần gần nhất bạn nhắm mắt, mơ về một cánh bướm là khi nào vậy?

Phan Mỹ Chí
.
.