Lẽ thế gian

Thứ Tư, 04/01/2017, 10:16
Người nghèo tiêu gì? Người giàu tiêu gì? Đã tưởng đây là câu hỏi không nhất thiết phải đặt ra, hiểu theo nghĩa thông thường, song thực sự nó lại vẫn cứ là một câu hỏi có tính cập nhật và then chốt trong đời sống con người ở thế gian này.

Đã trải hàng ngàn năm, kể từ khi con người được tập hợp lại thành cộng đồng/xã hội, khi các hình thái nhà nước và thị trường trao đổi, mua/bán hàng hóa được thiết lập thì đồng tiền, ngân phiếu... trở nên một đơn vị/đơn giá để định giá hàng hóa cho thị trường. Đồng tiền - vì vậy đã trở thành sợi huyết mạch lưu thông cho cơ thể quốc gia - quốc tế được phát triển và tồn tại như một thực thể quyền lực tối cao, nhân danh con người.

Mà nói tới con người - nhân loại trong quan hệ đồng tiền, trong sự phân hạng/phân cấp thành ra hai loại cơ bản: người giàu - người nghèo. Giàu, có hạng giàu trung lưu, lại có hạng siêu giàu, nơi ở là cung điện, lâu đài. Nghèo, có hạng nghèo thường dân, lại có hạng bần hàn không chốn nương thân, phải đi ăn xin, ngụ nơi túp lều mưa chan nắng gội.

Người giàu và siêu giàu thì họ "tiêu gì"?

Người nghèo, họ lấy gì để... tiêu?

Câu trả lời là: Người giàu dĩ nhiên họ có tiền nên đã dụng tiền, trước là để cá nhân hưởng thụ, cộng đồng hơn là xây cất nên các công trình/lăng tẩm có tính văn hóa, văn minh, hoặc nữa để làm từ thiện. Nói chung cũng là để định giá, lưu danh cho cách tiêu tiền của mình. 

Người nghèo, không có tiền song trước đòi hỏi của cuộc đời là tìm ý nghĩa sống, tìm ra một cách thức “tiêu” đời sống của mình và cách thức họ tìm ra, đành phải dụng lấy cái mà họ sẵn có, đó là cái tình. Họ “tiêu tình”.

Đồng tiền, bản chất của nó vốn tư hữu, ích kỷ. Tình người, hiển nhiên là chia sẻ, cao cả, thiêng liêng. Và hai giá trị này đã trở thành hai mặt của một bàn tay xã hội - con người. Một sấp một ngửa, một âm một dương, một đen một trắng, một sướng một khổ, một lam lũ một hưởng thụ... Và bởi vậy, cả hai đã và đang là cặp đôi song hành, mang tiếng nói vô cùng quan thiết cho sự tồn tại xã hội - con người.

Con người có hai gương mặt, hai tính chất, là ác và thiện, gian manh và chân thật, chính và tà... Và chiểu theo nghĩa vật chất, người giàu - có tiền mà đồng tiền dĩ nhiên thuộc loại quyền lực, tư hữu, nó có thể đem lại lợi ích lớn, song cũng dễ gây ra cái ác lớn. Người nghèo - không có tiền, dĩ nhiên thuộc loại thường dân, thương khó, và có câu, "túng làm liều", nó cũng dễ phạm tội ác, song chỉ gây được cái ác nhỏ. 

Cách nhìn này, không là một thiên kiến, tự kỷ, mà thuộc về năng lực và bản tính tự nhiên. Người giàu bao giờ cũng ít, thuộc thiểu số nhưng lại là thiểu số có quyền lực, như vua quan, các ông chủ tư bản, họ điều hành cuộc sống xã hội. Người nghèo là đại đa số nhân dân lao động, bị người giàu - các thể chế chính trị, nhà nước điều hành, cai trị. 

Từ đó đã sinh ra hai cách “tiêu” cuộc đời khác nhau của hai loại người này. Song đòi hỏi tối hậu, căn cốt, là họ phải tìm ra cách “tiêu” cuộc đời mình trong lẽ thế gian, giá trị thế gian ở thứ tài sản thuộc quyền mình sở hữu.

Tất nhiên thất bại vốn nhiều, thành công thường ít. Và ý nghĩa tối thượng về giá trị ở thế gian của hai hạng người giàu/nghèo đạt được cũng nhiều khác biệt.

Người giàu có nhất trong thiên hạ, xưa nay thường là bậc đế vương. Bậc đế vương khi biết tiêu tiền cho sự phồn vinh, hùng cường và hạnh phúc của đất nước, nhân dân thì khi đó sự giàu có sẽ hóa nên các công trình văn hóa, văn minh, đồng tiền sẽ trở thành cái tình lớn lao vô kể. "Yêu dân dân lập miếu thờ", vị đế vương khi đó được tôn vinh là bậc minh chủ, được nhân dân tôn kính, thờ phụng.

Người nghèo “tiêu tình”, và khi cái tình được “tiêu” trong lòng người một cách thấm thía thành ra sự tri ân/tri ngộ và nó sẽ trở nên một nguồn năng vật chất, tình yêu thương và tâm linh vô hình vô lượng, thành sự chia sẻ, xoa dịu nỗi vất vả cơ hàn, thành nguồn cưu nâng cho đời sống tinh thần, tình cảm con người và nâng đỡ con người lớn dậy. Đó là cái tình đầy quyền năng ngự nơi lương tâm, tâm thức con người, lớn lao mang tính toàn nhân loại như chúa Jesus, phật Thích Ca, các vị phánh, bồ tát v.v... 

Những người này họ không giàu có, không mang tiền làm từ thiện hoặc xây cất các công trình, lăng tẩm nhưng các lăng tẩm, đền đài mọc lên theo mỗi dấu tình yêu thương phát ra từ tâm họ dành dâng tặng con người trên khắp chốn hoàn cầu này.

Loại người “tiêu tình” khiêm nhường hơn, dân dã, cộng đồng hơn, như lời tổ tiên người Việt Nam từng lưu: "Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng", hay: "Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Dẫu rằng khác giống nhưng chung một giàn" và: "Lá lành đùm lá rách", "Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ" v.v... 

Với tấm tình cao đẹp truyền dạy qua ca dao, thành ngữ đó đã cho dân tộc Việt Nam và hẳn ở mọi quốc gia, dân tộc, tự hằng đời nguồn sức mạnh có sức tập hợp các tầng lớp nhân dân thành một lực lượng tinh thần, tâm linh trong sức chung chịu thương khó, đồng cam cộng khổ bên nhau. 

Và, cách “tiêu tình” trong lẽ thế gian đó, ngay trong tầng lớp thường dân đã không ít người được cộng đồng tôn vinh, thờ phụng như những vị thần hộ quốc an dân.

Vậy, có thể tạm đưa ra kết luận:

1). Khi người tiêu tiền mà đạt tới giá trị công ích lớn lao, khi đó đồng tiền sẽ trở thành những biểu tượng, công trình văn hóa, văn minh và mang lại sự phồn vinh no ấm cho đời sống con người, thì sự chia sẻ đó hóa nên cái tình lớn, sẽ nhận được sự tôn vinh của cộng đồng - quốc gia - dân tộc.

2). Khi người “tiêu tình” đạt tới sự chia sẻ cho tâm tình, tâm linh của con người, và chỉ duy nhất nó: Tình yêu thương mới đủ sức mang thiên năng vỗ về và cứu vớt nỗi đớn đau cùng khổ của con người, có sức nâng bước con người đi lên trong cõi thế, và nâng vị thế của tình yêu thương, của tâm linh trong mỗi con người lớn dậy thành một vị thế tối thượng, kỳ vĩ, vị thế làm người, khi đó cái tình đó sẽ nhận được sự tôn vinh của con người - nhân loại.

1/11/2016

Đỗ Trọng Khơi
.
.