Gần như biển, xa như biển

Thứ Hai, 16/11/2020, 06:16
Rảnh việc, mó cái điện thoại, mày mò facebook, đập ngay vào mắt là status của một ông em nhạc sỹ: "Nướng con khô mực lên cho thơm để cho vô nồi hủ tíu xương huyền thoại, mà nó thơm quá nên lỡ dứt mất nửa con hahaaaa".

Bèn bấm like một cái để rồi lại phải like một cái nữa cho bình luận của một ông em nhạc sỹ khác "nếu như là anh thì 100% anh sẽ chọn con mực nướng, không hy sinh vô ích như vậy". Cả hai ông em đều dân thích nhậu cả, đều thuộc diện thỉnh thoảng nhắn cái tin cho nhau hai chữ "Chơi, chơi?" là hiểu ý cáp kèo, chọn quán, kéo quân đi.

Tự dưng, chỉ vì cái dòng trạng thái và cái bình luận kia mà một cơn thèm khô mực nướng kéo lên dữ dội. Bao lâu rồi không ăn một miếng mực nướng ngọt, thơm, với tương ớt cay xè lưỡi? Thế là vội vàng chạy xuống nhà, lục tủ lạnh, mở ngay cái bịch khô mực Nha Trang được biếu bỏ không lâu nay, rút một con, châm cồn, nướng. Rồi hì hụi pha tương ớt. Tự thưởng thêm cho mình mấy lon bia lạnh ngồi lai rai đợi bữa cơm chiều.

Cái món mực nướng chấm tương ớt phải thừa nhận nó là mồi nhậu đỉnh cao nhất của đỉnh cao. Nó gọn gàng. Nó nồng nàn. Nó ăn khớp với cả bia lẫn rượu. Và nếu nói về tương ớt chấm mực khô nướng thì phải là thứ tương ớt Bắc chứ không phải loại tương công nghiệp bán đầy ngoài siêu thị. 

Kỹ tính thì lấy tương ớt ấy, cho thêm ít tỏi đập dập, bỏ thêm 1 chút xíu đường. Chỉ cần chút xíu đường ấy thôi, cái cay nó "đội giá" lên gấp mấy lần. Và thú thực, kiểu pha tương ớt này chỉ là mang máng nhớ lại ký ức của ngày thơ ấu chứ vẫn chưa đạt được độ đỉnh cao của loại tương ớt chấm mực nướng vỉa hè thời thập niên 80 được bán mỗi chiều mùa Hè ở ngay trước cổng bể bơi Tăng Bạt Hồ - Hà Nội.

Ảnh: L.G.

Ngày ấy, lũ chúng tôi mới hơn chục tuổi, cứ tuần độ một hai lần lại được cha mẹ cho hai đồng để mua vé bơi. Cái bể bơi mỗi tuần thay nước đúng một ngày thứ Hai, màu nước xanh toàn tảo với rêu, lại còn tanh tanh nữa. Thế mà hấp dẫn lạ thường. Bơi xong, đứa nào còn tiền thì rủ cả đám sà vào mẹt mực nướng của mấy bà già. Con khô mực lúc ấy bé bằng nửa bàn tay học trò. Xé ra chia nhau mỗi đứa vài sợi, vừa ăn vừa xuýt xoa. Ăn xong, có đứa còn cầm cả cái bát nước tương ớt nhỏ xíu xíu húp cho đã. Ngày ấy, con mực khô là cái gì quý giá lắm.

Những năm đó, thi thoảng có người thân từ quê ngoại (Quảng Nam) ra Hà Nội ghé thăm, biếu hai ba con khô mực to ơi là to. Những khi ấy, trong lòng tôi là cả một sự háo hức đợi chờ. Tôi mong ông già có bạn đến chơi. Kiểu gì mẹ cũng sẽ lôi một con ra, bật cái bếp điện lò xo lên nướng mực để ông già uống rượu với bạn. Tất nhiên, bộ râu sẽ là phần tôi. Nhấm nháp bộ râu mực ấy là cả một sướng khoái tột độ, cái sướng khoái mà chỉ có thời bao cấp ở những đô thị không có biển mới có thể được hưởng thụ ngậm ngùi.

Sau này, kinh tế không còn khó khăn nữa, việc thông thương giữa các địa phương đã dễ dàng rồi, cái thú gặm nhấm từng mảnh khô mực nướng con con không còn trở nên "thiêng liêng" nữa. Sự dư thừa, sự tiện nghi đã giết chết cái cảm giác thèm thuồng thơ dại ấy rồi. Nhưng con khô mực bên bàn bia thì vẫn là một thức nhắm thường xuyên của cánh mày râu. Hồi đó, tôi cũng hay ghé quán bia hơi ở Tăng Bạt Hổ vì gần nhà. Còn nhớ, một anh bạn người Mỹ làm thường trú cho hãng tin AP ở Hà Nội ngày ấy vẫn hay rủ rê tôi ghé Tăng Bạt Hổ mỗi tuần. Và anh ấy tự đặt tên cho quán bia ấy là "BBC", một cái tên rất… báo chí. Đơn giản, theo anh, BBC là viết tắt của "Bia Buổi Chiều". Tôi cho rằng cái tên ấy thực sự đắt giá, và thú vị.

Bây giờ, ngồi nhẩn nha con khô mực một mình trong căn nhà lộng gió chiều, tự dưng nghĩ vơ nghĩ vẩn đến chuyện cũ. Rồi nhớ đến việc mấy hôm trước, cũng một chiều như thế này, nhưng trời lại rả rích mưa, có bắt grab bike để đi BBC với bạn ở gần khu sân bay Tân Sơn Nhất, được nghe câu chuyện của cậu bé chạy grab, một người dân miền biển đúng nghĩa. Chính từ câu chuyện ấy mà tôi đã hiểu ra nghề đi biển đánh bắt nó khác xa với hình dung của mình rất nhiều. Nói thẳng ra, bữa đi xe đó đúng là bữa "lãi" vì được học những thứ kiến thức của người ngư dân thực thụ mà chẳng mất xu nào.

Cậu trai ấy quê Bình Thuận, mảnh đất ngoài nghề đi biển, nghề làm dịch vụ du lịch thì còn có 2 nghề chính là nuôi tôm và trồng thanh long. Và điều khá kỳ lạ là thường khi nào người trồng thanh long thắng vụ thì mấy người nuôi tôm lại thất thu. Ngược lại, năm nào ông nuôi tôm trúng to thì ông thanh long cũng dễ mất mùa lắm. Hiếm có năm nào cả hai nghề đó cùng vượng cả. Bạn thân tôi, từng nhiều năm bỏ Hà Nội vào Bình Thuận nuôi tôm có kể "Có năm được mùa tôm, sang nhà kế bên trồng thanh long khệnh khạng hỏi mua đất trồng người ta để mở rộng trại tôm. Có năm tôm bệnh, lỗi chổng vó, mấy ông thanh long được mùa lại sang bên mình gạ mình bán đầm để ổng trồng thanh long". Chuyện nghe cứ như đùa. Nhưng mà nó thật, thật như cái bấp bênh của đời người làm nông.

Cậu trai ấy tên Trí. Xưa, nhà cậu là một trong mấy nhà chủ tàu lớn trong xã. "Giờ ba em bỏ đi tàu rồi. Phần vì nhà em bốn anh em, ba người ở trên vô thành phố, học đại học xong việc làm ổn định rồi. Còn mỗi em, vẫn đang đi học. Vừa học vừa chạy grab kiếm thêm. Phần vì đi biển bây giờ khó lắm. Không ăn nữa anh ạ", Trí rỉ rả kể tôi nghe khi xe vừa qua cầu Kinh Tẻ. "Một xã chỉ có dăm ba nhà có tàu thôi hả em?", tôi hỏi. "Vâng anh, phần còn lại là đi làm thuê cho chủ tàu. Xã em xưa cũng được chục nhà có đội tàu. Giờ còn có 3 nhà thôi. Cùng bỏ hết rồi. Biển bây giờ không còn nhiều cá như xưa nữa".

Biển không còn nhiều cá như xưa nữa. Đó là một thực tế mà một ngư dân đã trải qua kể lại chứ không phải là một mối lo sợ nào mà mấy ông yêu môi trường thổi vống lên cả. "Một chuyến đi, tốn nhất tiền dầu. Nên tính đi tính lại, cả lương cho thợ nữa, đi biển bây giờ cực lắm, không có như xưa", Trí kể tiếp. Tôi hỏi cậu về cái cực khác nữa, cái cực của việc đi khơi gặp thiên tai nhưng cậu lại gạt đi ngay. "À, bão hả? Thường là có dự báo nên biết có bão không ai đi hết cả anh ơi. Chỉ có khi nào bão vô bất ngờ, mà mình còn ngoài khơi thì mới sợ. Những lúc đó thì kinh nghiệm của người thuyền trưởng quan trọng lắm. Quyết định của ổng là quyết định sống còn của bao nhiêu con người. Nhưng cái đáng sợ của bão không phải mình đối diện nó ngoài khơi mà là mình phải nghỉ đi biển nằm nhà. Nghỉ đi biển thì vẫn phải có tiền đưa cho thợ chứ không họ lấy đâu tiền đóng tiền học cho con họ, tiền chợ nuôi gia đình", Trí kể tiếp. Và cậu nói về những người thợ đi biển. Nhận tiền ứng của chủ tàu mà mãi sau này không trả nổi, họ lại đành đi qua làm cho chủ tàu khác. Đến khi tiếp tục nợ chủ tàu khác, đủ vòng rồi họ quay về với mình. Mà chủ tàu thì cũng không nỡ đòi vì đòi họ, họ giận, lấy đâu thợ đi khơi.

Cái đời sống biển mà Trí kể khiến tôi càng ngày càng thêm tò mò. Hoá ra, một đợt đi khơi không phải là họ đi biền biệt mấy tuần mới về mà có khi tàu đầy cá là về bến xả ngay rồi lập tức quay ra tiếp, khi nào ướm thấy gần hết dầu rồi thì về. Nhưng cũng có cả những tàu thương lái cập tận mạn để thu mua. Nói chung, tính toán làm sao để cân đối số lần ra vào một chuyến đi khơi, lúc nào thì gọi thương lái, lúc nào thì mang vào bến xả hàng, tất cả đều là bài toán của người chủ tàu hết. Rồi cách chấm công thợ, hoa tiêu thì bao nhiêu công, cầm lái bao nhiêu công vân vân và vân vân, đều phải chi tiết hết, để khi về, trừ tiền dầu, trừ các chi phí khác nữa, doanh thu chuyến đi khơi mới được chia ra theo số công chứ không phải kiểu trả lương cứng. Hoá ra, đó là một dạng cộng tác với nhau mà sống, mà làm của những người cùng làng, cùng xã, cùng xóm, cùng thôn… Họ dựa vào nhau mà sống, nương vào biển mà sống. Ngay cả thương lái thu mua cũng vậy. Trí kể, lái ra thu mua bao giờ cũng mang tặng nước ngọt, mấy thùng bia, ít thịt heo, rau củ, ít rượu… Còn muốn có thêm thì họ cũng sẵn hàng mà bán. Những điều ấy khiến tôi hình dung ra cả một hệ thống chợ, một chuỗi cung ứng ngay trên mặt đại dương, đủ đầy hết để người dân có thể bám lấy biển mà sống.

"Bây giờ thì ít người đi khơi rồi. Vừa cực mà tiền không nhiều như xưa nữa. Họ đi làm công việc khác. Nhiều người cũng vào thành phố kiếm sống như em", Trí nói. Tôi không dám hỏi cậu có nhớ biển không vì câu hỏi ấy là thừa. Người sinh ra bên tiếng sóng, lớn lên trong sóng, trưởng thành cưỡi sóng, làm sao xa biển mà không nhớ biển bao giờ.

Rồi mông lung nghĩ về đợt bão triền miên này, bỗng thấy quặn lên một câu hỏi xoay quanh chuyện ầm ĩ quanh quanh mấy chuyện chia tiền, chia quà cứu trợ. Mùa thiên tai nào những chuyện đó cũng xảy ra mà tại sao không một ai nghĩ về hướng giải quyết đẹp lòng tất cả nhất. So sánh nó với chuyện những ngày bão ở quê Trí ngày xưa, chủ tàu nghỉ thì chủ tàu cũng đâu có đồng vào. Vậy mà vẫn phải có đồng ra cho thợ đi tàu để họ duy trì đời sống, dù biết đồng ra ấy tiếng là cho vay, là ứng trước nhưng chẳng bao giờ đòi lại được. Cái đó thật ra nó là san sẻ thôi. Nhà có điều kiện hơn thì san sẻ những nhà gian nan chật vật. Và suy cho cùng, khi ở vào thế gian nan, người dân ngửa tay nhận lấy những món quà, những khoản tiền hỗ trợ là vì họ cần chúng thực sự. Khi họ không nhận được mà nhà khác lại có, họ thắc mắc hẳn có hai ý. Thứ nhất là họ cũng đang vật vã qua ngày nên với họ vật chất kia dù nhỏ nhoi nhưng rất qúy. Nhưng thứ hai mới là sâu xa hơn, họ muốn nhận được sự quan tâm, nhất là trong bối cảnh xung quanh mình nhiều người được nhận sự quan tâm ấy quá.

Suy cho cùng, dù cái sự mong mỏi nhận được sự quan tâm kia nó nằm rất sâu trong tiềm thức mà ngay cả người dân kia cũng không ý thức rằng mình đang thể hiện nó đi nữa, thì nó cũng rất đáng được tôn trọng. Lúc không có hoạn nạn nào, chẳng mấy khi một người nông dân, ngư dân bình thường cảm thấy họ được quan tâm thực sự cả. Chỉ khi có thiên tai xảy ra, họ mới thấy mình bỗng dưng trở thành trọng tâm của cộng đồng. Phận con sâu, cái kiến, mấy khi được ai nhắc tên. Chẳng lẽ cuộc đời này có những người được sinh ra và mãi mãi cứ vô danh như thế.

Mấy hôm nay trời thành phố đẹp. Mà mùa này, trời thành phố đẹp thường báo hiệu miền Trung bão lại về. Tôi tự nhiên thấy con khô mực mình đang nhấm nháp đây nó không chỉ ngọt ngào như ký ức mà bắt đầu nhân nhẩn cái vị đắng, vị chát và cả cái cay cay không phải của vị giác theo nghĩa đen. Ở kỳ dịch COVID-19 đỉnh điểm, chúng ta từng tự hào rằng "không ai bị bỏ lại phía sau cả" nhưng có bao giờ chúng ta nghĩ rằng, ở những ngày bình thường nhất, khi chúng ta có thể tận hưởng cuộc sống vui vẻ, dễ chịu của mình, có biết bao nhiêu con người thật ra đang bị bỏ lại phía sau, vô danh. Để rồi đến khi họ trở thành trọng tâm được quan tâm vì một biến cố nào đó, tiếc thay, vẫn có những người bị bỏ lại bởi những tiêu chuẩn rất khô cứng nào đó, hoặc chỉ vì những hình ảnh sao đi chép lại trên mạng mà không hề kể hết được câu chuyện thật của một đời người.

Thế nên, khi đọc được rằng có ai đó tị hiềm "tại sao tôi không được nhận quà?", hoặc có ai đó bị tố cáo là "trưởng thôn nhà to lắm mà vẫn  có quà", chúng ta chậm đánh giá họ lại được không? Và thử hỏi, bao lâu rồi, họ vô danh trong một cái làng vô danh như thế…

Lòng người, hoá ra cũng như biển. Gần như biển mà cũng xa như biển… 
Hà Quang Minh
.
.