Cống hiến đến cùng

Thứ Tư, 11/12/2019, 06:28
Rỉ rả mà ngày qua ngày, tuần qua tuần, tháng qua tháng... Học đòi theo các trí thức thực thụ, Ngô tôi cũng chép miệng rồi trầm ngâm, “Ngày vui qua mau”.

Ngày vui với kẻ bần hàn như Ngô thì đơn giản thôi, thấy người thân an lành, thấy bạn bè thành đạt, thấy mình còn được khỏe mạnh và làm việc. Vui hơn nữa là đến kỳ con đóng tiền học không phải đi vay, điện nước đến tháng chưa lần xin khất, thậm chí tiệc tùng hiếu hỉ phong bì phong bao không khiến căng thẳng suy xét nên tiết chế lại khoản gì.         

Ngày vui của bần hàn, hẳn nhiên khác ngày vui của quan nhân.

1. Ngày vui của quan nhân thường được đo bằng quãng thời gian đang nắm giữ vị trí công tác, Ngô quan sát nhiều cảm thấy không quan chức nào không lâm vào mô-tuýp, đương chức thét ra lửa mà về hưu thì thều thào như thiếu nữ khuê phòng. Nhưng quan chức vậy vẫn hay hơn quan chức đương nhiệm thì nhất định không chịu có ý kiến, đúng sai hiện thực xã hội đều im lặng. Ấy vậy mà về hưu một phút bỗng thành bậc đại trí giả, nói một câu có thể khiến càn khôn xoay vần, nói hai câu có thể khiến nhật nguyệt hoán đổi, thập phần lỗi lạc, vạn phần minh triết. Có cảm giác đương nhiệm như trấu ủ để đợi đến ngày về hưu rực cháy huy hoàng.

Tất nhiên, bàn tay ngón dài ngón ngắn, dép cao su bao giờ cũng rẻ hơn dép Gucci, người yêu cũ chắc chắn không hay bằng hiền thê hiện tại. Có nhiều quan nhân mà Ngô biết khi đương chức hay lúc về hưu vẫn chân thành dân chơi, thấy đúng thì làm thấy sai thì đấu tranh; của người khác nhất định không cầm còn công bằng của mình bắt buộc đòi lại.

Ông anh của Ngô là một dân chơi. Đương chức trong tay có mấy nghìn quân, gọi là quân nhưng độc giả chịu khó hiểu đó là nhân viên. Ông anh không còn là quan nhân nữa, ông anh về hưu.

Ông anh về hưu ban đầu có lẽ cũng chông chênh, tụ tập rượu suốt. Có lần Ngô rụt rè thưa, “Không lẽ, rượu hoài ha anh. Mà không lẽ, anh buồn hoài ha anh”. Ông anh cười to, “Anh chơi vài hôm nữa thôi rồi sẽ làm việc”. Dân chơi nói một là một, hai là hai.

Dân chơi bắt đầu làm nông nghiệp hiện đại, công nghệ của Nhật mà chuyên gia cũng của Nhật, mọi thứ đều êm đềm và văn minh. Có lần, lãnh đạo chính quyền địa phương nơi dân chơi đang đầu tư có khúc mắc gì đó, dân chơi gọi điện thoại cho Ngô tâm sự. Ngô hỏi dân chơi, “Anh giải quyết được ha anh? Có cần các em phụ gì không?”. Dân chơi gắt, “Anh kể nghe thôi, chứ người ta không hiểu mình giải thích cho người ta hiểu, không lẽ mình làm đúng mà người ta bắt chẹt mình chi”.

Tuần trước dân chơi gọi tâm tình chuyện này thì tuần sau dân chơi đã phản hồi, mọi chuyện ổn thỏa cả rồi. Anh lên gặp người ta giải thích rõ ràng, giải thích đến đâu người ta vỡ òa đến đó, lúc nào các em rảnh xuống hết đây chơi với anh. Đây là dân chơi Ngô biết lại thấy hay, nên kể hầu chuyện bạn đọc.

Trên báo cũng có rất nhiều dân chơi, ai chịu khó đọc báo thay vì chỉ đọc facebook sẽ thấy rõ ràng điều này.

Nguyên phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, đảm nhiệm cương vị quan trọng của quốc gia xong là vui thú điền viên. Lại bờ ao con cá vườn rau, lại tiếp khách bằng bánh xèo với những và đồ uống là những thứ sẵn trong vườn nhà.

Cái khí chất này Ngô cực yêu cực thích, vì nó phảng phất phong vị của người quân tử xưa kia, nó phảng phất cái kiêu hãnh của các bậc quân nhân thời thịnh trị xưa kia. Trả xong món nợ sơn hà, đóng góp cho vận mệnh quốc gia, đến tuổi lại thong dong ta làm chính ta.

Khi Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy mất, Ngô có viết trên facebook cá nhân.

“Đạp quân thù xuống đất đen,

Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”

(Việt Nam quê hương ta - Nguyễn Đình Thi).

Anh hùng của vùng trời nước ta, Đại tá Nguyễn Văn Bảy vừa qua đời. Người phi công năm xưa từng bắn rơi bảy máy bay của địch hôn mê khi đang làm vườn rồi mất.

Sinh ra ở Lai Vung - tàn binh đao về Lai Vung - khuất ở Lai Vung.

Những người con trời Nam trả món nợ sơn hà bao giờ lại không thản nhiên như không, núi sông nguy biến thì cầm súng lên đường, bình an lại về với mảnh vườn bờ ao con cá. Đã có rất nhiều chiến binh như Anh hùng Nguyễn Văn Bảy, đã có rất nhiều người con của dân tộc như Anh hùng Nguyễn Văn Bảy trên dải đất hình chữ S rất đỗi yêu thương và cũng lắm thở dài này.

Tôi sẽ không nói về những điều đã cũ, những biệt phủ biệt thự, nhưng xin tiếp tục ở lại để giữ ghế hay ấn con em cánh hẩu của mình vào ghế êm để tiện bề sai khiến, những nhìn đất dân thành đất cá nhân, nhìn công sản hoá ra tư sản... Những cá nhân luôn tìm mọi phương kế để lấy quốc gia làm món ăn, cốt mong no béo thân mình.

Tôi tin rằng, may mắn được làm người - ngay từ lúc mẹ mang nặng đẻ đau, đã bắt đầu một cuộc hành trình. Ấy là hành trình trở về, bởi con đường đời bao giờ không là chuyến phượt duy chỉ một chiều.

Chọn con đường mình đi, chọn cách mình trở về với nụ cười và sự tin thương hay bằng nỗi thoả mãn của nhân dân hoàn toàn là quyền của cá nhân. Tuy nhiên tôi luôn nghĩ, ngày qua ngày tháng qua tháng, trời cao vốn dĩ công bằng, nhân quả vốn luôn minh bạch.

Và nhìn vào những gì Anh hùng Nguyễn Văn Bảy có được khi còn sống cả khi nằm xuống, đủ để thấy rằng đạo trời lẫn đạo người đều vốn không quá xa vời.

Thành kính tiễn đưa ông!”.

Ngô thường xúc động trước những cá nhân như vậy, rất nhiều.

Minh họa: Hùng Dingo.

2. Trong kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung lần đầu tiên nói thẳng, “Hầu hết các Bộ, ngay Bộ tôi, có đến 90% thứ trưởng trước khi về hưu đều đề nghị cho thành lập hội và đều xung phong nhận nhiệm vụ chủ tịch một hội”.

Đồng thời, vị tư lệnh ngành này cũng cho biết, “Khi xin họ đều nói tự nguyện, tự quản, tự cung tự cấp. Nhưng thưa thật với các anh chị, không có hội nào tự quản, tự chủ hết. Hội nào cũng bám vào trụ sở, có hội trụ sở chính, có hội trụ sở phụ. Có hội khi chúng tôi đề nghị trả lại trụ sở thì tìm mọi cách để tác động lấy diện tích còn rộng hơn. Rồi xe pháo, phương tiện đủ các loại”. Đồng thời đưa ra giải pháp, “Nếu chưa có luật hội thì xem xét rà soát lại, chuyển bớt hội đặc thù sang hội tự chủ tự quản. Không nên để tình trạng như trên, gây khó khăn cả cho Trung ương và địa phương”.

Ngô đánh giá cao phát biểu này của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, vì tự thẳm sâu trong mỗi con người Việt chính là “uống nước nhớ nguồn”, đại khái dịch sát nghĩa là, hậu bối không bàn tiền bối. Nhất là những tiền bối lại vừa rời vị trí mà chính mình vừa đảm nhiệm hay đơn giản hơn tiền bối vẫn là tiền bối, tiền bối bao nhiêu năm mình gặp chủ động chào, xa chủ động nhớ, gần chủ động kết thân thì làm sao mà từ chối. Không nói đâu xa, cứ nhìn những dân chơi đòi có vé vào sân xem những trận bóng đá của đội tuyển Quốc gia Việt Nam trong thời điểm này là đủ hiểu. Thực tế ai cũng thấy, nhưng dám nói dám đề xuất là việc không hẳn ai cũng đủ dũng khí để chạm vào.

Có rất nhiều hội ở khắp nước mình, gần như mỗi hội đều có một tờ báo, trên mỗi tờ báo đều có cái tên quen thuộc vốn được xuất hiện trên báo nhiều lần với các chức danh đầy đủ, chỉ đạo những vấn đề cụ thể, ít nhiều có những phát ngôn ấn tượng. Đau lòng, đến tuổi quy định vẫn phải về hưu, mặc dù nếu có quy định đảm nhiệm vị trí cho đến lúc hưởng thọ thì chắc chắn cũng không có ai xung phong nghỉ. Mà nếu có, rất hiếm.

Các thủ trưởng của Ngô về hưu, mỗi lần gặp mặt vẫn thường vui vẻ đọc bài thơ tếu táo này, Ngô nghe mãi thành thuộc, mạn phép ghi lại mua vui cho quý bạn đọc, “Về hưu như chết lâm sàng/ Ngỡ ngàng đời thật ngỡ ngàng đời không/ Đương chức như phượng như rồng/ Hưu rồi mới thấy chẳng không là gì/ Khi đương chức lắm người dạ bẩm/ Về hưu rồi lẩm nhẩm kêu ca/ Bấy lâu chú chẳng qua nhà/ Bấy lâu chú chẳng tặng quà là sao/ Ngày hai bữa ra vào lãnh cảm/ Con ở riêng cháu quẳng cho mình/ Vợ già cau có linh tinh/ Thêm con bồ nhí bỏ mình theo trai/ Khi buồn nhớ ghé cơ quan/ Để xem các chú, các em thế nào/ Chỉ chú bảo vệ ra chào/ Nơi đây công sở bác vào tìm ai”.

Tất nhiên, các thủ trưởng của Ngô đều là người cầm bút có danh, mà nghề viết thì có bao giờ về hưu.

3. Ngô không cực đoan đến độ cười cợt nhiệt huyết của các thứ trưởng xin thành lập hội, mình có phải người ta đâu mà biết người ta muốn cống hiến cho cái chung hay phụng sự cái riêng khi đã đến tuổi về hưu.

Tuy nhiên, một cá nhân khi về hưu muốn đóng góp phải đóng góp bằng khả năng lẫn trí tuệ của mình. Mà một cá nhân đủ khả năng và trí tuệ là một cá nhân xoay đủ vạn sự để có thể tự chủ về tài chính, tự chủ về nhân lực, tự chủ cả về văn phòng và phương tiện đi lại.

Còn giả như vì muốn cống hiến nhưng để cống hiến cần có các điều kiện vật chất đi cùng, trong lúc vật chất lại được trích ra từ ngân sách thì Ngô biết bàn làm sao. Đành như Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung mà hy vọng vào cái ngày Luật hóa minh bạch, rõ ràng cho việc thành lập Hội.

Đến làm quan nhân khó vậy còn thực hiện xong thì cái việc dễ dàng là thành lập hội cần gì phải nhìn vào ngân sách.

Ngô còn trẻ người non dạ, luận bàn chỉ để góp vui, hoàn toàn không có ý bất kính, mong các lão gia đọc được bỏ quá cho.

Ngô Nguyệt Hữu
.
.