Chia phần “miếng bánh” Bắc Cực: Lạnh nhưng nóng

Chủ Nhật, 02/04/2017, 10:30
Năm 1920, Liên Xô cũ (nay là Nga), Na Uy, Đan Mạch, Mỹ và Canada đã thỏa thuận toàn bộ đất đai, hải đảo Bắc Cực và vùng Bắc Băng Dương đều thuộc chủ quyền lãnh thổ của năm nước trên.

Tuy nhiên, trong vài thập niên qua, biến đổi khí hậu đã khiến trái đất ngày càng nóng lên, làm băng tan dần tại Bắc Cực, tạo ra những cơ hội thuận tiện cho cuộc tìm kiếm và khai thác dầu khí.

Vì vậy, nhiều quốc gia bắt đầu thay đổi quan điểm cũ, tuyên bố rằng họ có các lợi ích an ninh quốc gia cơ bản và rộng lớn tại khu vực Bắc Cực, sẵn sàng thực thi các biện pháp để bảo vệ các lợi ích chính sách này một cách độc lập. Ở vào thời điểm hiện tại, cuộc chiến tại Bắc Cực ngày càng "nóng" với sự xuất hiện của nhiều nhân tố mới.

Kho báu lộ diện

Đã có đề nghị cho rằng Bắc Cực nên là một vùng không thuộc chủ quyền quốc gia nào mà được quản lý dưới hình thức đa phương, tương tự như Công ước Washington ký năm 1959 đưa ra các quy chế với Nam Cực. Bất cứ quốc gia nào có lợi ích tại Bắc Cực đều muốn hiện diện tại đây, khu vực vốn được đánh giá có trữ lượng tài nguyên thiên nhiên lớn nhất thế giới.

Các nhà khoa học tin rằng, Bắc Cực đang nắm giữ khoảng 90 tỷ thùng dầu và 1.670 nghìn tỷ m³ khí đốt, tương đương 25% trữ lượng dầu khí chưa khai thác trên Trái Đất cùng vô vàn khoáng sản quý hiếm và nguồn hải sản phong phú.

Với quá trình tan băng nhanh ở vùng cực như hiện tại (khoảng 3% một năm), thời gian khai thác các tài nguyên này đang đến gần hơn bao giờ hết, đồng thời mở ra cơ hội phát triển giao thông hàng hải trong tương lai gần.

Theo dự đoán, một tuyến đường biển lý tưởng về kinh tế sẽ hình thành, bởi nếu đi theo hướng Tây Bắc thì khoảng cách từ London tới Tokyo giảm xuống còn 16.000km (so với 21.000km khi phải đi ngang kênh đào Suez của Ai Cập hoặc 23.000km khi đi qua kênh đào Panama ở Trung Mỹ). Vì vậy, băng tan khiến cho Bắc Cực có thể trở thành những tuyến đường biển chiến lược, rút ngắn ngoạn mục khoảng cách giữa những châu lục vốn xa xôi cách trở.

Về mặt pháp lý, các vùng biển của Bắc Cực hiện nay thuộc quyền của năm quốc gia gồm Nga, Mỹ, Na Uy, Đan Mạch và Canada.

Nhiều ý kiến cho rằng, Bắc Cực phải trở thành khu vực hợp tác quốc tế hiệu quả chứ không phải đối đầu. Khu vực này hiện tại không được xem là một phần lãnh thổ của quốc gia đơn lẻ nào và thay vào đó, nó được kiểm soát bởi một loạt hiệp định quốc tế phức tạp.

Về mặt pháp lý, các vùng biển của Bắc Cực hiện nay thuộc quyền của năm quốc gia gồm Nga, Mỹ, Na Uy, Đan Mạch và Canada. Họ chỉ có quyền khai thác về mặt kinh tế trong khu vực 200 hải lý ngoài khơi nước mình. 

Không nước nào được quyền tuyên bố sở hữu Bắc Cực, và năm nước trên có thời hạn 10 năm để chứng minh phần diện tích Bắc Cực nằm ngoài phạm vi 200 hải lý là của mình. Tuy nhiên, mọi thứ nhanh chóng thay đổi khi "kho báu" lộ diện.

Đối thủ sừng sỏ

Cuộc so kè dữ dội nhất ở Bắc Cực là giữa hai đối thủ sừng sỏ nhất xưa nay: Nga và Mỹ. Một trong những động thái nóng nhất gần đây trong cuộc chạy đua ở Bắc Cực là việc Nga tuyên bố khôi phục lại 6 căn cứ quân sự từ thời Liên Xô (cũ), cùng lúc xây mới hàng loạt căn cứ khác ở khu vực lạnh lẽo này. Nga chưa bao giờ che giấu tham vọng làm bá chủ những vùng đất rộng lớn ở "xứ sở gấu trắng".

Một trong những biểu tượng chứng minh sức mạnh phô trương của Nga là những chiếc tàu phá băng dũng mãnh. Hàng loạt cuộc tập trận của Nga ở Bắc Cực đã làm rúng động những khối băng yên ngủ ngàn năm, khiến bất kỳ "tay chơi" nào muốn "xí phần" ở Bắc Cực cũng phải bồn chồn.

Riêng Mỹ thì không có chuyện đứng đó khoanh tay. Có điều chiến thuật của Mỹ ở Bắc Cực hoàn toàn khác Nga, không ồn ã, không rầm rộ nhưng cực kỳ đáng gờm.

Trong khi Nga phô trương sức mạnh bằng những con tàu biểu diễn "trò trượt băng" ngoạn mục, cuộc chơi của Mỹ phát huy tối đa sâu bên dưới những lớp băng dày, âm thầm hơn nhưng cực kỳ đáng gờm bằng những chiếc tàu ngầm, có khả năng xé băng mà tiến về phía trước. Hải quân Mỹ liên tục đưa tàu ngầm tấn công tới Bắc Cực, vừa để luyện tập, vừa nghiên cứu khoa học.

Trong những năm gần đây, những chiếc tàu ngầm lớp Seawolf từ bang Washington cũng thường được đưa tới bang Alaska, chui xuống eo biển Bering mà âm thầm lên Bắc Cực. Chúng có đầy đủ "đồ chơi" để trong trường hợp khẩn cấp có thể cắt băng mà trồi lên nhanh chóng.

Nga tuyên bố đỉnh núi Lomonosov kết hợp giữa Bắc Cực và Siberia là sự trải dài của lục địa Âu - Á, vì vậy Bắc Cực là một phần của thềm lục địa của Nga theo như Luật Quốc tế quy định. Trong khi đó, Mỹ lấy lý do công dân của mình là người đầu tiên đặt chân đến Bắc Cực, vì vậy họ là người sở hữu lục địa băng giá này.

Mỹ không thể dửng dưng ngồi nhìn các nước khác chia chác Bắc Cực, và Quốc hội Mỹ năm qua đã phê chuẩn ngay một gói ngân sách trị giá 8 tỷ USD nhằm đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động thám hiểm Bắc Cực. Tuy nhiên, "biên giới phân định" quyền lợi ở Bắc Cực vẫn chưa được xác định rõ ràng, dẫn tới tranh chấp kéo dài giữa các quốc gia.

Năm 2015, Nga đã nộp đơn lên Liên Hợp Quốc để mở rộng vùng lãnh thổ ở Bắc Cực lên thêm 1,2 triệu km2. Vùng mở rộng này đều nằm chống lấn lên trên các khu vực Canada và Đan Mạch tuyên bố chủ quyền. Nga liên tục có nhiều động thái tăng cường "kiểm soát" Bắc Cực khi cho tàu ngầm cắm quốc kỳ xuống đáy biển Bắc Cực để khẳng định chủ quyền.

Động thái này đã khiến Canada tức giận, nhảy vào cuộc để chứng minh chủ quyền lãnh thổ của Canada ở Bắc Cực đã có từ lâu và được xây dựng bởi cội nguồn lịch sử, đồng thời tuyên bố sẽ có hành động đáp trả tương xứng. Canada ngay lập tức đã chi 95 triệu USD nhằm xây dựng một hải cảng nước sâu tại Nanisivik gần lối vào phía đông của tuyến đường biển Tây Bắc. Đây sẽ là nơi tiếp nhiên liệu cho các tàu tuần tra quân sự của nước này.

Toronto còn dự định chi khoảng 3 tỷ USD nữa để mua ít nhất 6 tầu tuần tra cho vùng Bắc Băng Dương và thêm 4 triệu USD khác nhằm hiện đại hoá một căn cứ ở vịnh Resolute để huấn luyện các lực lượng quân sự tại Bắc Cực.

Vấn đề toàn cầu

Cho tới nay, ngoài Nga và Mỹ, những quốc gia có biên giới giáp vòng Bắc Cực khác (bao gồm Canada, Đan Mạch và Na Uy) cũng đã tìm mọi cách chứng tỏ chủ quyền ở các phần đất tưởng đâu chỉ là "đặc khu" của loài gấu trắng. 

Ngoài ra, những quốc gia nằm gần kề khác là Iceland, Thụy Điển và Phần Lan cũng không muốn đứng ngoài cuộc tranh phần tại vùng đất trắng xóa. Cuộc chiến tại Bắc Cực càng trở nên "nóng" khi nhiều nước tưởng như chẳng có liên quan gì đến Bắc Cực cũng… nhảy vào.

Với nguồn tài nguyên khổng lồ của Bắc Cực và các vấn đề tranh chấp lãnh thổ chưa được giải quyết thì việc xung đột vũ trang nổ ra ở khu vực này là điều hoàn toàn có thể.

Sau khi Nga cắm lá cờ khẳng định chủ quyền, Pháp đã thành lập một bộ phận đảm trách "vấn đề Bắc Cực"; trong khi đó, NATO tuyên bố Bắc Cực là khu vực mang lợi ích chiến lược lâu dài đối với NATO cũng như nằm trong kế hoạch an ninh của các nước trong liên minh. Bắc Cực giờ đây trở thành yêu sách đòi tự do hóa lưu thông của cả Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU).

Nhiệt độ không chỉ tăng cao ở những nơi dính dáng tới Bắc Cực về mặt địa lý. Lầu Năm Góc tuyên bố lần đầu tiên trong lịch sử đã phát hiện năm tàu chiến Trung Quốc lảng vảng ở vùng biển giữa Alaska (Mỹ) và Nga.

Dẫu đó là khu vực biển quốc tế, nhưng sự xuất hiện của Trung Quốc là một tín hiệu đầy hăm dọa cho bất kỳ nước nào đang muốn "xí phần" ở vùng lãnh thổ "lạnh run mà nóng hầm hập" này. Nhất là khi trong tương lai các tuyến đường biển ở vùng cực phía bắc xuất hiện kết nối trực tiếp châu Á tới châu Âu, và dĩ nhiên các nước lớn ở châu Á như Trung Quốc hay Nhật Bản sẽ dành sự quan tâm đặc biệt tới tuyến đường này.

Theo truyền thống các vấn đề của Bắc Cực đều do các thành viên của Hội đồng Bắc Cực gồm Nga, Đan Mạch, Na Uy, Iceland, Canada, Mỹ, Thụy Điển và Phần Lan thảo luận. Tuy nhiên, hội đồng này lại được mở rộng vào năm 2013 với sự tham gia của 12 nước quan sát viên trong đó có cả Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Điều này phản ánh một phần nào đó sự quan tâm của các quốc gia không thuộc khu vực này nhưng lại có lợi ích tại đây. Nhiều chuyên gia nhận định, với nguồn tài nguyên khổng lồ của Bắc Cực và các vấn đề tranh chấp lãnh thổ chưa được giải quyết thì việc xung đột vũ trang nổ ra ở khu vực này là điều hoàn toàn có thể. Việc quốc tế hóa các lợi ích ở Bắc Cực là điều không thể tránh khỏi và sẽ sớm trở thành vấn đề chung của thế giới.

Để duy trì hòa bình ở Bắc Cực, các bên liên quan chắc chắn phải cần tới một cơ chế quản lý chung cho các hoạt động kinh tế lẫn quân sự sẽ diễn ra tại đây, và cần phải có những nỗ lực nghiêm túc hơn để bảo vệ hòa bình ở vùng cực này…

Nguyễn Tuyết
.
.