Cuộc chạy đua tranh giành “miếng bánh Bắc Cực”

Cuộc chạy đua tranh giành “miếng bánh Bắc Cực”: Ai được ai không?

Thứ Hai, 20/10/2014, 09:00

Theo một báo cáo của tổ chức Hội đồng Đối ngoại (CFR) ở New York (Mỹ), Bắc Cực có vai trò chiến lược quan trọng đối với năm quốc gia nằm sát khu vực này - bao gồm Mỹ, Canada, Nga, Na Uy và Đan Mạch. Trong bối cảnh nhiệt độ Trái Đất tăng dần, nhiều nguồn tài nguyên giá trị và tuyến hàng hải mà nhiều nước mơ ước được dự báo sẽ “lộ ra” do băng tan tại Bắc Cực. Do vậy, một cuộc chạy đua tới khu vực này đang diễn ra quyết liệt, làm dấy lên những lo ngại về khả năng xung đột vũ trang hay thậm chí là một kiểu “chiến tranh lạnh” theo đúng nghĩa đen.

Chiếc bánh ngọt nhiều vị

Từng được coi là vùng nước gần như vô giá trị, Bắc Cực đang nổi lên như là một trong những vùng lãnh thổ quan trọng nhất thế giới do băng ở khu vực này sẽ tan chảy trong vài thập kỷ tới. Không giống như các vùng biển khác, Bắc Cực - được mệnh danh là “cái lỗ của chiếc bánh rán” Bắc Băng Dương - không chịu sự quản lý của bất cứ một thỏa thuận pháp lý nào. Thay vào đó Hội đồng Bắc Cực (bao gồm Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Nga, Thụy Điển và Mỹ) cùng nhau “cai quản” và đề ra chính sách cho khu vực này. Tuy nhiên, Hội đồng Bắc Cực không có quyền điều hành thực tế, chỉ hoạt động với tư cách là nơi để các quốc gia trao đổi với nhau về chính sách và các hoạt động nghiên cứu. Mỗi quốc gia được tự do thực thi các chính sách riêng trong khu vực mà họ tuyên bố chủ quyền ở Bắc Cực.

Bắc Cực có trữ lượng dầu không hề thua kém bất kỳ nơi nào. Khu vực này chiếm 25% nguồn tài nguyên đang còn “ngủ yên” trên toàn cầu: khoảng 13% trữ lượng dầu mỏ, 30% khí đốt tự nhiên và 20% khí đốt hóa lỏng chưa được khai thác của thế giới. Với trình độ công nghệ hiện nay, tổng lượng dầu có khả năng khai thác tại Bắc Cực có thể lên tới 90 tỷ thùng, đáp ứng nhu cầu dầu của thế giới vào khoảng 86,4 triệu thùng/ngày trong vòng 3 năm liên tục.

Không những vậy, các hoạt động hàng hải qua Bắc Cực cũng đang trở nên quan trọng chưa từng có do băng tuyết tan. Tuyến hàng hải Biển Bắc được dự báo sẽ trở thành đối thủ của kênh đào Suez nối châu Âu và châu Á. Khi được khai thác, tuyến Biển Bắc dự kiến sẽ giúp rút ngắn thời gian tàu đi từ châu Âu sang châu Á xuống chỉ còn 35 ngày, so với 48 ngày nếu đi qua kênh đào Suez. Các chuyên gia phân tích hàng hải còn đánh giá, sẽ có tới 77 triệu tấn hàng được vận chuyển qua đây vào năm 2020.

Bắc Cực cũng là một nơi rất giàu tiềm năng khoáng sản, với những mỏ quặng sắt, kẽm, niken, vàng, và nhiều loại khoáng sản khác với trữ lượng thuộc loại lớn nhất thế giới. Cá cũng là một nguồn tài nguyên dồi dào ở Bắc Cực, và trữ lượng khai thác có thể sẽ ngày càng lớn hơn khi nhiều diện tích mặt nước được giải phóng, qua đó thu hút nhiều loại cá di cư từ phía Bắc xuống.

Từ lâu, sự phát triển và bành trướng của các công ty năng lượng luôn bị các quốc gia giàu tài nguyên dầu lửa như Ả rập, Venezuela hay Mexico kìm hãm. Chính vì vậy, các công ty này nhìn nguồn năng lượng tiềm ẩn ở Bắc Cực như là một nguồn sống bảo đảm cho tương lai của mình. Shell là một trong những hãng đi đầu khi tiến hành nhiều hoạt động thăm dò tại Alaska và có nhiều bước đi nhằm tiếp cận tới khu vực đảo băng Greenland. Công ty dầu khí Na Uy (STO) cũng đang dần tiến sát vùng biển phía bắc địa cầu và cạnh tranh với Chevron, tập đoàn dầu khí khổng lồ của Mỹ.

Các cuộc tranh chấp chủ quyền hay chạy đua về tài nguyên sẽ đẩy Bắc Cực vào một cuộc chiến tranh lạnh mới.

Mới đây, công ty khai thác năng lượng hàng đầu thế giới của Hà Lan là Royal Duch Shell vừa leo lên vị trí số một thế giới về doanh thu (theo xếp hạng của tạp chí Fobres), và đang lên kế hoạch khoan 5 giếng dầu tại bang Alaska của Mỹ vào tháng tới. Đây sẽ là những mũi khoan đầu tiên từ phía Mỹ ở khu vực Bắc Cực trong hàng chục năm qua. Đó cũng sẽ trở thành dấu mốc mới nhất cho cuộc chạy đua âm thầm nhằm tranh giành các nguồn tài nguyên của khu vực lạnh giá này.

Từ 3 năm qua, các tập đoàn năng lượng lớn như Shell, Maersk Oil, Statoil hay Cairn Energy đã tiến hành nhiều hoạt động thăm dò dầu khí tại vùng vịnh Baffin thuộc Greenland và đã có 30 tập đoàn của Trung Quốc, Anh, Canada, Úc và Greenland thăm dò khoáng sản trên đảo. Các tập đoàn Trung Quốc cũng đã thăm dò mỏ kẽm tại vịnh Citronfjord, gần Bắc Cực, đầu tư 70 triệu USD vào mỏ đồng tại Ittoqqortoomit thuộc vùng duyên hải đông nam Greenland, xúc tiến các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, đường sắt, sân bay tại Nuuk và đang đẩy mạnh kế hoạch khai thác đất hiếm.

Vùng băng giá không yên tĩnh

Giáo sư Khoa học chính trị Rob Huebert của Đại học Calgary (Canada) từng nhận định: “Một vùng đại dương từng tách biệt với phần còn lại của thế giới đang trở thành một vùng mà con người có thể tiếp cận. Hàng loạt yếu tố đang xuất hiện và củng cố lẫn nhau. Thực tế ấy khiến sự hiện diện quân sự tại Bắc Cực tăng dần và mức độ hiện diện sẽ tăng theo thời gian”.

Người Nga là những người nhanh chân hơn cả. Năm 2001, Nga đã đệ trình lên Ủy ban Phân định ranh giới thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc yêu cầu công nhận 1,2 triệu km2 dưới lòng biển từ đỉnh hai núi ngầm Lomonosov và Mendeleev đến Bắc Cực. Với tư cách là hạm đội mạnh nhất của Hải quân Nga, các căn cứ triển khai của Hạm đội Biển Bắc đều bao quanh Bắc Cực, tổng cộng có hơn 30 tàu ngầm chiến lược, chiến thuật và đặc chủng, cộng với tàu ngầm hạt nhân. Mới đây nhất, Nga đã công bố kế hoạch chi 40 tỷ USD để phát triển Kế hoạch Bắc Cực đến năm 2020, thành lập 6 doanh trại quân đội tại Bắc Cực.

Theo Chiến lược về Bắc Cực của Mỹ, nước này sẽ thúc đẩy an ninh hải quân, tăng cường kinh nghiệm hoạt động tại môi trường Bắc Cực, đồng thời củng cố năng lực và khả năng sẵn sàng tác chiến của lực lượng hải quân Mỹ ở khu vực này. Hải quân Mỹ cũng có kế hoạch thúc đẩy các hoạt động của lực lượng này sau khi tự nhận thấy “chưa chuẩn bị đầy đủ để tiến hành các hoạt động hàng hải bền vững ở Bắc Cực”.

Trong khi đó, Canada lại đưa ra những “yêu cầu lãnh thổ” tại Bắc Cực với Liên Hiệp Quốc. Phương tiện truyền thông của Canada tiết lộ, chỉ tính riêng một số khu vực nhánh biển bao quanh Bắc Cực có thể khai thác được 580 tỷ thùng dầu thô, gấp 2 lần trữ lượng dầu thô của Ả rập. Từ giữa tháng 8/2014, quân đội Canada đã khánh thành Trung tâm huấn luyện quân sự để làm nơi điều phối mọi cuộc tập trận của nước này tại Bắc Cực.

Không chỉ có Mỹ, Nga, Canada mà ngay cả Trung Quốc, một quốc gia “xa xôi” cũng đang rất quan tâm đến “miếng bánh” Bắc Cực. Năm 2012, Bắc Kinh đã đề nghị được trở thành quan sát viên thường trực của Hội đồng Bắc Cực. Đến tháng 5/2013, Trung Quốc đã được kết nạp làm quan sát viên. Năm 2012, Bắc Kinh từng gây chú ý khi gửi tàu phá băng Tuyết Long đến khu vực này. Ở Bắc Cực, tàu phá băng được xem là có tầm quan trọng chiến lược không kém tàu sân bay ở những vùng biển “bình thường”.

Shell là một trong những hãng đi đầu khi tiến hành nhiều hoạt động thăm dò tại Alaska và có nhiều bước đi nhằm tiếp cận tới khu vực đảo băng Greenland.

Miếng ngon… khó nuốt

Tuy nhiên, trên thực tế việc khai thác dầu mỏ ở quy mô lớn tại Bắc Cực được dự đoán sẽ vẫn là một quá trình rất dài và khó khăn. Nguyên nhân chính là do khu vực này vẫn thiếu một cơ sở hạ tầng cần thiết để xây dựng giếng dầu, hút dầu thô lên khỏi lớp băng dày như hệ thống đường ống, cảng nước sâu, đường băng cho máy bay và nhà ở.

Một trong những thách thức lớn nhất đối với việc tiếp cận nguồn năng lượng tại Bắc Cực là xử lý những tảng băng trôi. Áp lực do những tảng băng khổng lồ gây nên có thể làm thiết bị khai thác thông thường gãy vỡ. Có khi lớp dưới bề mặt của các đường ống dẫn và miệng giếng dầu bị các tảng băng trôi ngầm bịt lại. Do vậy, cần có những công nghệ vượt trội mới có thể khai thác được dầu ở Bắc Cực. Mặt khác, việc khai thác dầu khí chắc chắn sẽ gây ra những thiệt hại đáng kể cho môi trường tự nhiên và nguồn kiếm sống của cư dân sống quanh vùng Bắc Cực.

Chính vì những lý do đó, tiến trình khai thác dầu tại Bắc Cực đang được triển khai song với tốc độ rất chậm chạp, và thời điểm tốt nhất để khoan các giếng dầu chỉ là vài tháng trong mùa hè. Ngay cả khi Shell triển khai kế hoạch khai thác dầu đầu tiên tại Bắc Cực, có thể tập đoàn này sẽ phải đợi hàng năm mới có thể lấy được những thùng dầu đầu tiên. Và chắc sẽ phải đợi tới 10 năm hoặc hơn nữa để hút được lượng lớn dầu khỏi đáy biển Bắc Cực.

Chưa hết, việc phân định quốc gia nào sở hữu phần tài nguyên khổng lồ ở Bắc Cực vẫn còn đang là vấn đề tranh cãi. Mặc dù các nước giáp Bắc Cực đang cố gắng giành sự kiểm soát, nhưng thực tế là vùng biển ở trong và xung quanh Bắc Cực được điều chỉnh bởi luật pháp quốc tế hiện đang được áp dụng cho tất cả các đại dương khác. Khi băng bắt đầu tan chảy, các vùng nước mới mở ra ở đáy biển sẽ vẫn thuộc về vùng biển quốc tế, chiểu theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Cho đến nay, vẫn chưa có một quy định nào về vấn đề quyền khai thác tại Bắc Cực đối với bất kỳ quốc gia nào. Mặc dù 5 nước liên quan trực tiếp là Nga, Mỹ, Canada, Đan Mạch và Na Uy đã ký một văn kiện liên quan đến Bắc Cực, song văn kiện này không có tính chắc chắn lâu dài và không thể ngăn cản “cuộc chiến” phân chia Bắc Cực giữa các nước. Các chuyên gia cảnh báo, nếu tình trạng này kéo dài thì hoàn toàn có khả năng xảy ra xung đột quân sự khi các lợi ích chiến lược của Bắc Cực ngày một lộ rõ và các bên liên quan chưa thể thống nhất về một giải pháp phân chia quyền lợi chung. Và lúc ấy, các cuộc tranh chấp chủ quyền hay chạy đua về tài nguyên sẽ đẩy Bắc Cực vào một cuộc chiến tranh lạnh mới…

Quân Trần - Hồng Hạnh - Doãn Anh
.
.