Câu hỏi cuối năm

Chủ Nhật, 27/12/2020, 13:29
Đây là một bài viết bị trễ hạn (deadline), và sau những dằn vặt về việc lại trì hoãn và gửi bài muộn (kèm theo việc thú nhận trung thực với chủ bút rằng tôi không có cách nào chống lại sự bất lực này), tôi đã thử đi tìm một giải pháp để chống lại cảm giác cay đắng của sự thiếu ý chí này, cũng là để hầu chuyện luôn cùng bạn đọc.

Bí mật của sự trì hoãn

Điều thú vị nhất về các cam kết không phải là việc chúng ta tạo ra chúng, mà là cách chúng ta tìm kiếm để phá vỡ chúng. Nếu bạn giống tôi và đa số mọi người, bạn hẳn cũng đã từng phá vỡ những lời tự hứa đầy hy vọng với chính mình vào ngày đầu năm mới và sau đó cố gắng quên đi. Đấy là nghịch lý kỳ lạ của việc cam kết với chính mình. Tôi không bao giờ là chính tôi vào đêm giao thừa, người đã hứa hẹn sẽ chạy bộ bất kể nắng mưa, bỏ thuốc lá và giảm bia rượu. Các triết gia đã đặt tên cho tình huống này là “akrasia”, một từ tiếng Hy Lạp, có thể hiểu là sự trì hoãn hoặc thiếu tự chủ, thiếu ý chí.

Akrasia thường được mô tả như một loại “mất kiểm soát bản thân” và trong một số trường hợp, điều này là đúng. Việc phá vỡ một cam kết với chính mình có thể đến đột ngột, khi một người bất chợt đánh mất lý trí. Nhưng, trong đa số trường hợp, chúng ta thường đo lường và tự ý thức được sự yếu đuối của bản thân. Ta có thể nhìn thấy sự vi phạm ý chí của mình như một quá trình “gặm nhấm”: ta hoàn toàn có khả năng tiên đoán được sự xuất hiện của akrasia và thậm chí là hình dung được chi tiết cách ta phản ứng khi nó đã ở ngưỡng cửa.

Trong trường hợp này, thật khó để nói rằng ta đánh mất kiểm soát. Ngược lại là khác: ta biết chính xác những gì mình đang làm, hay nói đúng hơn là ta có thể dự đoán với xác suất cao những gì ta sẽ làm vào những thời điểm đặc biệt quyết định trong tương lai.

Triết gia người Anh J L Austin đã mô tả sự đầu hàng từ từ và thậm chí đầy màu sắc toan tính của một người trong cuốn “Một lời bào chữa cho tội lỗi” (1956) như thế này:

“Tôi rất thích ăn kem và trước mặt là một khay được phục vụ chia nhỏ ra nhiều khúc để dành cho mỗi người trên bàn ăn: Tôi thường cố lấy cho mình 2 khúc và bằng hành động ấy, khuất phục trước cám dỗ và thậm chí có thể hình dung được (nhưng tại sao nhất thiết phải thế nhỉ?) rằng nó đi ngược lại các nguyên tắc của tôi. Nhưng, tôi có mất kiểm soát bản thân không? Tôi có vồ lấy ngấu nghiến, vét những mảnh kem trên đĩa và cào chúng vào đĩa mà không thèm đếm xỉa đến sự kinh ngạc của những người xung quanh? Không hề tí nào. Chúng ta thường khuất phục trước cám dỗ bằng sự điềm đạm và thậm chí là cả khéo léo”.

Các cam kết thường bị ném vào sọt rác theo cách này và thậm chí cam kết càng chính trực, bạn càng có xu hướng biết rõ về cách thức và thời điểm chúng ta sẽ từ bỏ chúng. Ta sẽ có bao nhiêu lần vi phạm trước khi chính thức phá vỡ cam kết với chính mình? Thường thì ta sẽ tự nhủ với lòng: “Thực ra là chỉ có một”. Nhưng, sau quá nhiều lần tự phá bỏ cam kết của chính mình, tôi biết rằng điều này không hoàn toàn đúng.

Theo như Austin diễn giải, chúng ta sẽ tự ru ngủ một cách khéo léo akrasia của bản thân, đại loại như là: “Tôi sẽ chỉ uống một nửa cốc bia thôi mà”. Và sau đó: “Chỉ thêm một nửa cốc nữa thôi”. Hoặc, một trường hợp nghiêm trọng hơn là ngoại tình: “Tôi sẽ chỉ lừa vợ/chồng mình một lần thôi. Nó sẽ không xảy ra nữa và vì vậy, đây không phải ngoại tình thực sự đâu”.

Nhiều cam kết được đưa ra, bị phá vỡ, rồi lặp lại cam kết và bị phá vỡ một lần nữa, cứ thế. Cuối cùng, chúng lâm vào tình trạng hỗn loạn tới mức không thể được gọi là cam kết nữa, chỉ là những nguyên tắc sáo rỗng hoặc những kỷ niệm đẹp. Một vài lời hứa đáng ra phải được trân trọng bậc nhất trên thế giới đã chết đi từ hàng nghìn lần cứa vào đúng một vết thương hở.

Mảnh giấy quỳ “khứ hồi vĩnh cửu”

Các triết gia phương Tây lập luận rằng để một người thật sự được coi là trưởng thành và có trách nhiệm là trở thành kiểu người có thể đưa ra những lời hứa, với người khác và với cả bản thân anh ta. Điều này, nhìn rộng ra, thật sự quan trọng. Xã hội dân sự về cơ bản hoạt động dựa trên các khế ước tinh thần và sự chính trực của các thành viên. Đi sâu hơn, triết gia Christine Korsgaard của Đại học Havard lập luận, tính chính trực - khả năng chống lại những cám dỗ và ham muốn trong cuộc sống - là điều kiện tiên quyết của tính tự tôn về mặt đạo đức.

Theo đó, trở thành một con người thực sự không chỉ là tập hợp của những nỗ lực khác nhau mà còn để gắn kết quá khứ và tương lai của một cá nhân một cách nhất quán bằng những lời hứa và cam kết với chính mình. Trong cuốn “Về Lai lịch của đạo đức” (1887), Friedrich Nietzsche cũng viết: “Nuôi dưỡng một loài động vật với quyền đưa ra những lời hứa hẹn - đấy chẳng phải là thiên chức đầy nghịch lý mà tự nhiên đã đặt ra với trường hợp của loài người hay sao?”.

Khi nhìn vào cách tôi và nhiều người trì hoãn deadline, buông xuôi trước cám dỗ và phá vỡ các cam kết đầu năm mới, tôi nghi ngờ rằng tự nhiên chưa hoàn tất được nhiệm vụ này. Chúng ta hãy thử xem xét mấu chốt của những cam kết thất bại. Vấn đề thực sự không phải đơn giản là duy trì hay phá vỡ một lời hứa mà là những cảm xúc cụ thể xung quanh quyết tâm mong manh của chúng ta.

Chúng ta thường cảm thấy nó thật đắng cay và chua chát. Nếu tôi giữ vững một cam kết hão huyền, tôi có xu hướng tức giận và bất bình với bản thân. Nếu tôi vi phạm nó, tôi cảm thấy lo lắng, tội lỗi, thậm chí chán ghét chính mình. Như bạn đọc đã biết, đây là một bài viết trễ hạn và ngay từ khi chưa viết xong, tôi đã tự dằn vặt mình.

Có cách nào để đánh bại cảm giác cay đắng chua chát này không? Thực tế là có. Vào cuối những năm 1860, Nietzsche đặc biệt ưa thích tác giả người Mỹ Ralph Waldo Emerson, một nhà viết tiểu luận kiêm triết gia, người đã châm biếm trong cuốn “Tự lực cánh sinh” (1841) thế này: “Tính kiên định ngu ngốc là quỷ sứ của những bộ óc nhỏ bé, được ưa chuộng bởi các chính khách và các triết gia lẫn lũ thần học thấp kém”. Tức là nhất quán cũng cần thêm sự khôn ngoan và không phải cam kết nào bị phá vỡ cũng làm cho chúng ta trở thành kẻ thất bại.

Nietzsche đã cung cấp cho độc giả của mình một suy nghiệm được biết đến với cái tên “khứ hồi vĩnh cửu” (the eternal return), được xem là mảnh giấy quỳ để thử thách những cam kết sẽ thực hiện và những gì nên được lưu giữ. Ông viết trong cuốn “The gay sience” (tạm dịch: Khoa học hoan lạc, xuất bản năm 1882):

“Điều gì xảy ra, nếu một ngày hay đêm nào đó có một con quỷ truy đuổi bạn vào nơi tận cùng cô đơn của bạn và nói: Cuộc sống này như ngươi đã và đang sống, ngươi sẽ phải sống thêm một và vô số lần nữa; và sẽ chẳng có gì mới trong đó, ngoại trừ mọi nỗi đau và mọi niềm vui, mọi nghĩ suy và nỗi thở dài và tất thảy những điều dù nhỏ bé hay lớn lao trong cuộc sống của người đều sẽ quay trở lại với ngươi, liên tu bất tận và cứ thế nối tiếp - kể cả con nhện này và ánh trăng này giữa những tán cây, thậm chí khoảnh khắc này và cả chính ta nữa. Chiếc đồng hồ cát vĩnh cửu của sự tồn tại cứ thế lộn đi lộn lại và ngươi sẽ đi cùng nó, hạt bụi nhỏ bé!”.

“Akrasia” - một từ tiếng Hy Lạp, có thể hiểu là sự trì hoãn hoặc thiếu tự chủ, thiếu ý chí.

Cuộc sống của chúng ta có ý nghĩa nhờ các cam kết nhưng nếu ta thường xuyên cảm thấy cay đắng vì điều này, thì liệu như câu thơ của nhà thơ người Ireland William Butler Yeats, ta có bằng lòng để sống lại tất cả những điều này? Ta có thể không phải chỉ chấp nhận mà còn hoan nghênh vòng lặp vĩnh cửu này hay không?

Nietzsche cũng giải thích sâu hơn sức hấp dẫn tuyệt đối của vòng lặp vĩnh cửu này: “Câu hỏi của mỗi và mọi vật là: “Liệu bạn có muốn chúng diễn ra một hoặc thậm chí vô số lần nữa hay không?”.

Đây có thể là loại tự chất vấn để ta khám phá xem điều gì là thật sự quan trọng với bản thân. Có những loại cam kết mà ta sẵn lòng thực hiện lại, chỉ để sống lại nó thêm một lần nữa. Nhưng cũng có những cam kết mà ta sẽ vui lòng phá vỡ nó một và nhiều lần nữa. Thật vậy, trong vô số những cam kết của chúng ta trong cuộc đời, một số có thể là những lời hứa mà ta sẵn sàng phá vỡ bất kỳ lúc nào trong một tương lai vô định. Sự vi phạm những cam kết này đứng về phe “khứ hồi vĩnh cửu”: chúng có thể khiến người khác thất vọng nhưng Nietzsche gợi ý rằng đó không phải là vấn đề. Điều quan trọng là tự hỏi: những điều này có thật sự là ta hay không và ta có thể thừa nhận chúng vĩnh viễn hay không?

Đến đây thì tôi quyết định thừa nhận rằng mình sẽ không thể hoàn thành bài viết chuyên mục kỳ này đúng hạn và nói điều này một cách thành thật với chủ bút. Tôi không thể giữ toàn vẹn tất cả các cam kết nhưng có thể giữ được những gì có giá trị nhất với bản thân bằng việc sẵn sàng tuyên bố những gì có thể và không thể giữ vững.

Các cam kết thường hướng đến việc trở thành một người tốt hơn nhưng đây không phải một đường thẳng, mà nó vô cùng gập ghềnh, thậm chí bất trắc và bất khả tiên định. Trở thành con người sẽ là chính bạn thường không bao giờ trùng khớp với con người mà bạn hằng mong muốn. Nó liên quan đến việc tham gia vào những khát vọng lớn lao nhưng cũng là chấp nhận sự thật về hoàn cảnh làm người của bạn, rằng bạn muốn trở nên tốt hơn nhưng thiếu các nguồn lực cần thiết, rằng bạn có thể sai lầm nhiều hơn thành công. Rằng những thiếu sót này là một phần không thể thiếu của cuộc sống. Và nó cũng đẹp như là sự vẹn toàn. Như một năm sẽ trở lại với vô vàn điều cũ, cay đắng lẫn ngọt ngào và ta đều có thể vui lòng với cả hai.

Ban Cầm
.
.