Đạo đức trả lời cho câu hỏi: Ta là ai?

Thứ Ba, 08/09/2020, 21:21
Hãy bắt đầu bài viết bằng một tình huống giật gân kiểu thế này: một cô gái bàng hoàng tỉnh dậy lúc sáng sớm, nhìn thấy chồng mình nằm cạnh. Anh ta giống hệt chồng cô, nhưng cô cảm thấy đó chắc chắn… không phải chồng mình.


Cảm thấy hoảng sợ, cô cầm theo túi xách và đi đến văn phòng bác sĩ tâm lý trị liệu của mình. Trên xe bus, có một người đàn ông mà dường như cô đã giáp mặt với tần suất ngày càng dày trong vài tuần qua. Gã này thông minh, và là một gián điệp. Hắn ta dường như xuất hiện với một nhân dạng mới mỗi ngày: lúc thì hắn là một cô gái nhỏ mặc váy, lần khác là một tay chuyển phát nhanh đi xe đạp.

Cô nhanh chóng trình bày những diễn biến kỳ lạ này với bác sĩ tâm lý, người đã nhanh chóng trở thành một trong những tiếng nói cuối cùng trên thế giới này cô có thể tin tưởng. Nhưng lần này khi nghe ông nói, bụng cô quặn lại với một sự ngờ vực đáng sợ: người này cũng là một kẻ mạo danh.

Năng lực đạo đức chính là thông tin quan trọng nhất mà chúng ta có thể có về một người khác. Nguồn ảnh: Getty.

Cơ chế vô hình

Cô là một người mắc đồng thời hai hội chứng: 1) Capgras, với niềm tin không thể lay chuyển rằng ai đó - thường là người thân, thậm chí đôi khi là chính mình - đã bị thay thế bằng một bản sao nào đó; 2) Fregoli, ảo tưởng rằng một người nào đó đang đảm nhận nhiều nhân dạng khác nhau, như một diễn viên hóa trang. Ví dụ này dùng để nhấn mạnh một cơ chế nhận thức tinh vi đến mức chúng ta hầu như không bao giờ nhận ra nó. Cơ chế này quy định cho mỗi người một danh tính riêng, sau đó theo dõi và cập nhật nó một cách tỉ mỉ, để chúng ta và người xung quanh luôn nhớ ra mình là ai. Không có nó, chúng ta thật vô nghĩa.

Một suy nghiệm triết học cổ điển cũng đặt ra nghịch lý sau đây: hãy tưởng tượng ra một con tàu đang 'già' đi, và các tấm ván cũ làm nên nó cũng được thay thế dần dần. Cuối cùng, mọi bộ phận ban đầu đều được thay đổi hết, dẫn đến việc con tàu đã đánh mất nhận dạng ban đầu của nó. Trực giác mách bảo chúng ta rằng đây không còn là con tàu lúc đầu nữa. Danh tính của nó gắn liền với đặc điểm thể lý của nó.

Danh tính cá nhân không hoạt động theo cách này. Khi một con người già đi, hầu như các tế bào cũ trong cơ thể đều đã được thay thế, thậm chí nhiều lần trong đời. Tuy nhiên, chúng ta không gặp khó khăn để nhận ra nhau, ngay cả khi sau nhiều năm mới gặp lại. Thậm chí những biến đổi cơ thể triệt để - như là dậy thì, phẫu thuật, bệnh tật - cũng sẽ không xóa sổ một người quen cũ ta đã biết. Cỗ máy rà soát danh tính cá nhân không hề quan tâm đến tính liên tục của thể chất, mà là sự liên tục của tâm trí.

Trong một nghiên cứu năm 2012 của tác giả Bruce Hood và các đồng nghiệp tại Đại học Bristol, thử cho trẻ em từ 5-6 tuổi xem một cỗ máy phức tạp và bảo với các em rằng đây là "thiết bị nhân bản" có thể tạo ra bản sao hoàn hảo của bất cứ thứ gì đặt vào bên trong. Khi được yêu cầu sự đoán xem điều gì sẽ xảy ra với một con hamster nhân bản, những đứa trẻ bảo rằng bản sao sẽ giống bản gốc ở các đặc điểm thể lý, trừ não bộ. Nói cách khác, trẻ con định vị bản chất độc đáo của từng con hamster dựa vào tâm trí của nó (con hamster).

Triết gia lỗi lạc sống ở thế kỷ XVII John Locke cho rằng ký ức là chìa khóa để xác định danh tính: nó cung cấp một câu chuyện liên tục về bản thân chúng ta, và đóng vai trò một bản ghi mang phong cách riêng của mỗi người. Nhưng những người bị lú lẫn vì chứng mất trí nhớ cũng cho biết rằng dù cảm giác trống rỗng xâm chiếm họ trong phần lớn thời gian, thì nhận thức về bản thân của họ vẫn nguyên vẹn. Những người chăm sóc cho các bệnh nhân mất trí nhớ cũng có nhận xét tương tự: họ không có cảm giác 'khác đi' khi tiếp xúc với một người quen mất trí nhớ. Nếu phải xác định một cái neo cho danh tính cá nhân, ký ức có lẽ không phải ứng cử viên hứa hẹn nhất.

Năng lực đạo đức là nền tảng của danh tính

Hãy xem xét một khái niệm trừu tượng hơn dường như chạm đến sâu vào bản chất danh tính cá nhân hơn: linh hồn. Đặc điểm của nó là không thể phá hủy, tồn tại từ khi sinh ra và có thể là sau khi chúng ta chết đi. Mỗi linh hồn một kiểu và không thể cắt nghĩa, nhưng ban cho chúng ta bản sắc riêng. Một khái niệm giữ chỗ cho bản thân trước cuộc đời.

Nhưng linh hồn trong triết học cụ thể hơn một chút: nó mô tả khả năng cảm thụ đạo đức của một người. Theo Aristotle, một linh hồn cao quý thuộc về một người có thói quen hành động nhân đức. Những kẻ giết người hàng loạt hay diệt chủng điên cuồng trong lịch sử đều được coi là không có linh hồn.

Trong truyện ngắn “Runaround”  (1942) của nhà văn chuyên viết truyện khoa học viễn tưởng người Mỹ Isaac Asimov, ông đã đề ra ba luật dành cho robot để chỉ rõ các nguyên tắc hành động cho một người máy ngoan cố. Ý tưởng này có lẽ xuất phát từ quan điểm cho rằng những thứ không có linh hồn thì không thể có hành động đạo đức.

Các nghiên cứu gần đây của Giáo sư triết học Shaun Nichols tại Đại học Arizona cho thấy rằng phần quan trọng tạo nên bản sắc của một người là năng lực đạo đức của anh ta. Một trong những khảo sát để đi đến kết luận này là tiến hành phỏng vấn các đối tượng xem liệu một người sẽ giữ lại được điều gì nhiều nhất nếu linh hồn của anh ta chuyển sang một cơ thể khác.

Các đặc điểm liên quan đến đạo đức được coi là có nhiều khả năng tồn tại hơn sau vụ hoán đổi cơ thể so với bất kỳ đặc điểm tinh thần hay thể chất nào. Một số loại ký ức nhất định, liên quan đến con người, được coi là có khả năng vẫn tồn tại, nhưng đa số những ký ức dạng lập trình (như là hành trình đi làm hoặc khả năng nhớ đường) bị cho là không thể được lưu giữ. Tức là mọi người hầu như không quan tâm nhiều quá đến việc chúng ta sẽ nhớ những gì, và năng lực trí nhớ không hề liên quan đến hành động xã hội.

Trong một khảo sát khác, các đối tượng được đọc về một bệnh nhân trải qua lần lượt các chứng bệnh suy giảm trí nhớ, mất khả năng nhận biết đồ vật, mất ham muốn và cuối cùng là mất đi khả năng hành động có đạo đức. Đa số mọi người trả lời rằng bệnh nhân ít giống chính mình nhất sau khi mất năng lực đạo đức.

Điều này phù hợp với một số nghiên cứu điển hình trong biên niên sử tâm thần học. Phineas Gage, một công nhân đường sắt Hoa Kỳ sống vào thế kỷ 19, đã suýt chết sau vụ nổ khiến một thanh sắt đâm xuyên qua hộp sọ anh. Dù vẫn sống sót nhưng sự tồn tại của anh ta trở thành bi kịch: từ một thanh niên hiền lành, ít nói, siêng năng, Gage trở thành một kẻ thô lỗ, thất thường và cố chấp. Bạn bè anh ta rất kinh hoàng trước sự thay đổi này, và họ thốt lên rằng "đó không còn là Gage nữa".

Tại sao cơ chế nhận dạng danh tính của chúng ta lại chú trọng nhiều đến năng lực đạo đức? Đây không phải những đặc điểm nổi bật nhất: dường như khuôn mặt, dấu vân tay, những câu chuyện kỳ quặc cá nhân... bất kỳ điều nào trong số này cũng là cách đáng tin cậy để xác định chúng ta là ai. Nhưng hãy theo dõi cách chúng ta nhận biết các cá nhân ngay từ đầu: chúng ta sống trong các xã hội, nên mọi người phải hợp tác để tồn tại.

Các nhà sinh học tiến hóa đã chỉ ra rằng khả năng giám sát hành vi của các cá nhân là cần thiết trong cộng đồng để hình thành lòng vị tha hoặc sự trừng phạt, theo nguyên tắc có đi có lại: nếu ai đó vi phạm các quy tắc chung, bạn cần phải nhớ để đáp trả, hoặc ghi nhận những người đã luôn theo đúng nguyên tắc để phối hợp. Nếu không có khả năng phân biệt các thành viên theo cơ chế này, một cá nhân sẽ không thể nhận ra ai đã hợp tác và ai đã đào tẩu, cũng như ai đã sẻ chia và kẻ nào đã keo kiệt.

Bởi thế, năng lực cảm thụ đạo đức là khía cạnh chính mà chúng ta sẽ đánh giá để lựa chọn đối tác xã hội. Đối với cả đàn ông và phụ nữ, đặc điểm bền vững nhất mà chúng ta tìm kiếm được ở bạn đời chính là sự tử tế, hơn cả vẻ đẹp, sự giàu có, sức khỏe, sở thích chung.

Và trong khi chúng ta thường coi bạn bè là những người phù hợp với tính cách của mình, thì tư cách đạo đức là điều quyết định xem bạn có thích chơi với ai đó hơn bình thường hay không, như câu nói "chọn bạn mà chơi". Đức hạnh cũng được nhắc đến với tần suất dày đặc trong các cáo phó hơn là thành tích hay tài năng: ấn tượng nó để lại và khẳng định danh tính của mỗi chúng ta vẫn đủ mạnh mẽ, ngay cả khi ta chết đi.

Cơ chế xác định danh tính của các cá nhân được thiết kế để thu thập các đặc tính mô tả năng lực đạo đức vì đây là loại thông tin quan trọng nhất mà chúng ta có thể có về một người khác. Danh tính cá nhân không phải chỉ tập trung vào đạo đức, nhưng đạo đức là thiết yếu với ý niệm bản sắc cá nhân, thổi hồn vào nó và cho nó lý do để hiện hữu.

Bên dưới những tầng sâu của ký ức và những khát vọng thầm kín tạo thành bản ngã, chính là trung tâm chỉ huy: năng lực đạo đức. Đây là điều chúng ta nên trau dồi và phát huy, nếu ta muốn mọi người biết ta thực sự là ai, và có thể đóng góp gì cho cuộc đời này.

Ban Cầm
.
.