Bốn mùa nhìn qua ống kính vạn hoa

Thứ Sáu, 22/04/2016, 19:50
Hồi ấy, đi ra biển, tôi đeo theo một ống kính vạn hoa. Nhìn vào đó, cảnh vật hiện ra nhiều kích cỡ, màu sắc thay đổi. Nay, thứ đồ chơi ấy không còn nữa. Nhưng tôi vẫn nhìn bốn mùa qua ống kính vạn hoa, qua sắc thái của tâm hồn mình. Tôi thấy lại một mùa hè. 

Ngày xưa, tôi len lỏi đi hái hoa dẻ ở cái “bái” (khu rừng nhỏ - dân làng Quần Tín, Thanh Hóa gọi như vậy), và tôi hái những hạt mà họ gọi là hạt “chi chi” to bằng hạt đỗ đen nhưng vỏ có hai màu đỏ đen quấn vào nhau. Rồi có lần tôi đi Pháp, ngồi dưới gốc cây xơri chi chít quả, dưới gốc là những con cánh cam, cánh quít và một loại mình tròn, nhỏ giống hệt hạt chi chi. Vỏ nó cũng có những chấm đỏ đen. Nếu chạm ngón tay vào lớp vỏ cứng, chúng xòe đôi cánh mỏng bé tí, bay vù đi rồi đỗ lại ngay.

Vậy là 50 năm sau, tôi mới thấy lại những hạt chi chi biết bay. Vì thế, Cún (Alias Trà My) lúc ấy 7 tuổi, gửi cho tôi những dòng thư sau: “… có phải bà nói nhà bà ở Paris cửa sổ to bằng cửa ra vào không ạ? Ở đó có những bông hoa rất đệp (sic) hả bà, khi về bà hái cho cháu những bông hoa đệp (dấu mũ này bị xóa đi – C.T của Đ.A.Đ) bà nhá. Bà bắt mấy con vật đẹp như là bướm, chuồn chuồn, cánh cam nha bà. Bà nhớ viết thư trả lời nha. Cháu tặng bà một cái tranh”

Còn anh nó, thằng Cu cũng viết: “Bà có khẻo (sic) không hả bà, bà nói cửa sổ to bằng cửa ra vào vậi (sic) thì cửa ra vào to lắm phải không ạ. Ở đó chắc bà buồn lắm phải không (…)? Ông lúc nào cũng vui vẻ vì được đi thăm chiến trường cũ”. 

Kèm theo thư của Trà My là bức vẽ nó tưởng tượng về ngôi nhà tôi đang ở: trên trời có mặt trời vàng và nhiều đám mây, có cây xanh quả đỏ rơi cả xuống đất, vườn đầy cỏ và nhiều hoa: Trà My cũng nhìn thấy ngôi nhà qua ống kính vạn hoa của nó. 

Trước đó, vào năm 1981, lần đầu tiên đi Pháp, tôi được cảm nhận cảnh vật của ba mùa: thu, đông, xuân. Bấy giờ, tôi đã biết nước Pháp qua tiểu thuyết, thơ và nhạc của thế kỷ XIX, song khi máy bay hạ cánh, tôi ngỡ ngàng trước cảnh vật, vừa quen vừa lạ. Còn sót lại một ít mùa thu vàng trên cây cối. Rồi tôi thấy mình cứ như bị đặt trên cái băng chuyền hành lí. Người Pháp vội vàng gì mà đi nhanh thế? 

Dưới métro, tiếng giày bước rầm rập. Tụt xuống dưới cái miệng metro, thoáng cái, đã nhô lên ở phố khác. Sinh viên và nghiên cứu sinh tứ xứ ở Cité Universitaire rất thích bắt chuyện, rủ đi chơi. Lúc ấy, tôi đã gần năm mươi tuổi, mà mấy đứa sinh viên cứ tưởng tôi cùng trang lứa, rủ tôi trốn giờ một tay giáo sư chán ngắt. Tôi chưa bao giờ được thấy tuyết. 

Năm ấy Paris chỉ có ba ngày tuyết rơi. Nghe dự báo, sáng hôm đầu, nhóm bạn người Căm bốt, Việt Nam, Do Thái trước 8 giờ sáng đã gọi điện thoại từ nhà nọ sang nhà kia, cùng chạy xuống để xem tuyết rơi, nửa tiếng là hết. Từ tháng 4 đến tháng 5, hoa hồng nở khắp nơi. Nhìn lên ban công các ngôi nhà và cầu vắt ngang đường, hoa hồng leo phủ kín lan can. 

Mãi đến ngày sắp về, có anh bạn nhận dẫn đi, tôi mới làm một mạch tới miền Nam nước Pháp: Marseille, Nice, Monaco. Đi tàu hỏa để ngắm cảnh. Monaco với biển xanh, thuyền neo bên những biệt thự. Đi xem kỵ binh Thụy Sĩ, phiên đổi gác vào đúng 12 giờ trưa trước cửa lâu đài quốc vương… Trời, biển, hoa miền ôn đới và nhiệt đới. Không cần kính vạn hoa, vẫn có những hình ảnh bốn mùa lấp lánh. 

Ở Pháp, sự phân mùa rất rõ. Khi tôi về, mùa xuân nhú lên ở các búp lá non trên các cành cây trơ trụi. Giữa các thảm cỏ, lấm tấm xuất hiện những bông hoa cỏ màu trắng bé xíu, rất đẹp. Hồi nhỏ, tôi vẫn nghe cô Janine Tạ Quang Cát hát vậy: “Tôi có hai mối tình/ Quê hương tôi và Paris”… 

Những bài thơ, ca khúc hay nhất viết về mùa thu, tôi dám khẳng định là mùa thu Hà Nội. Có những bài mạnh mẽ: “Một mùa thu non sông chiến khu về/ Đường vang tiếng hát cuốn dòng người…” – và cũng vẫn Nguyễn Đình Thi: “Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội / Những phố dài xao xác heo may (…)/ Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”. Và vẫn là hình ảnh mùa thu buồn của một nhạc sĩ khác “Sao mùa thu còn vương trong mắt em/ Để tôi nhớ một mùa xa đến thế…”.

Tác giả (phải) cùng bạn với những nắm tuyết hiếm hoi (ảnh chụp năm 1981 tại Khu đón  tiếp các thực tập sinh và khách mời các trường đại học nước ngoài ở Paris).

Làm nghề dạy học, tôi rất nhạy cảm với bốn mùa. Hồi mới tốt nghiệp, tôi dạy ở Trường phổ thông 3A Lý Thường Kiệt. Trường chiếm diện tích kéo dài từ đoạn giáp đường Bà Triệu tới góc phố Quang Trung. Dọc vỉa hè, có hàng cây sấu, mùa xuân, hoa lấm tấm trắng rơi. Mùa thu, dãy “phố dài xao xác heo may”… Cứ cuối buổi tan trường, học sinh tấp nập dừng xe đạp ngoài cửa, ríu rít chuyện trò. Tôi nhớ nhất một lần tan trường, có em học sinh nghỉ học đã lâu vì bệnh tâm thần cứ đứng chắn ở cánh cửa hẹp dành riêng cho người đi xe đạp. Ai cũng biết tên cậu. 

Cậu ta cất tiếng hát khá hay một bài hot thời đó, rồi ngửa đầu gào lên với ngọn cây sấu cổ thụ: “Cây cao không có sợ gió cả/ Trùng Dương đâu có sợ Quý Dương”. (Quý Dương là một giọng ténor nổi tiếng thời ấy)

Trước đây, trường này là một trường dòng, nên trong sân trường vẫn có một nhà thờ nhỏ. Nhà kho biến thành xưởng chế biến thuốc trừ sâu cho học sinh nghèo đến làm việc kiếm thêm tiền. Lớp tôi chủ nhiệm niên khóa 1960 -1963 có hai em làm ở đó. 

Hùng mất sớm vì ung thư phổi, còn  Ân bây giờ tóc đã bạc trắng nhưng da mặt, lông mày vẫn đen, đôi mắt đen vẫn to và sáng ngời như xưa. Và Chi Mai, hoa khôi của lớp, năm nay cùng bạn bè đến thăm tôi, da trắng, môi đỏ, dẫu đã sáu mươi tuổi, vẫn còn phảng phất nét Diễm xưa: “Hương thời gian không phai…”.

…Tiếp đến là những ngày chiến tranh. “Anh cùng em sang bên kia cầu/ Nơi có những miền quê yên ả/ Nơi có những ngọn đèn trong kẽ lá…” (Phạm Tiến Duật). Gửi tạm con ở Hà Nội, thỉnh thoảng tôi mới về thăm nhà. Mưa xuân tầm tã không hề thơ mộng, mặt đường đê dọc sông đất đỏ gồ ghề trơn như mỡ, có những con trạch lằn xuống.

Ngồi ngất ngưởng trên cái xe đạp nam của Trung Quốc, đèo con, chở được nhiều hàng với cái rổ lưới đầu xe, sau chỗ ngồi lại có yên xe, đồ đạc buộc chằng chịt bằng dây chun to bản có móc thép - tôi là một nữ kỵ sĩ thiện nghệ. Khi bước xuống đò lại càng trơn, không nơi bấu víu, nếu tuột xuống thì… 

Lên đò, tay bấu vào nấc cao hơn, không vững tay, lại ngã ngửa ra đằng sau. Song đứng trên đò, có những ngày nước lũ đưa phù du trôi dạt về, bồng bềnh một lát rồi tan biến, thật đẹp… Sang sông, rẽ vào xóm, tôi đạp xe giữa con đường cát mịn, hai bên có hàng cây sầu đông thanh thoát, hoa màu tím. 

Khi nghe thấy còi hoặc trống báo động, tôi và ông hiệu trưởng phải đi kiểm tra xem bọn học trò có chịu đội mũ rơm và chạy xuống hầm không. Nhưng chúng có đường dây ngầm. Bọn ở đầu hầm chữ chi truyền tín hiệu cho đứa bên cạnh khi nghe tiếng chân ông đi trên đường: “Máy bay địch đang tới gần”. Cả lũ im thin thít. Rồi khi ông quay ngược đường để về: “Máy bay địch đã bay xa”. 

Cứ như cái loa của xóm báo cho dân làng vậy. Có lần, tôi ở nhà một lão nông. Ngay trước nhà, là một vườn su hào xanh mướt. Khi su hào còn non, ông đào lên nấu cháo. Thỉnh thoảng, ông cho tôi một bát tô để ăn sáng. Tôi đã từng bước nếm nhiều sơn hào hải vị thời Pháp thuộc, nhưng có lẽ cả đời, tôi chưa bao giờ quên được bát cháo nóng sốt, ngon ngọt của vị gạo quê với những miếng su hào xanh như ngọc bích. Bà có cái mũi hin, ăn nói tuếch toác, khác hẳn ông chồng, ít nói, kỹ tính. Bà bảo tôi bà chỉ là vợ hai. Bà bảo bà cả chưa chết: một lần bà cả, vốn rất đẹp, lên dốc núi rồi không thấy trở về. 

Có lẽ Chúa Đại ngàn đã bắt bà làm vợ. Tôi nhìn về phía núi xanh sẫm phía dưới, ngọn núi xa xa mờ ảo thoáng mây bay. Có lẽ là núi Thiên Thai? Ở đó, không mùa… Liệu người ta có nhớ được đường về?

Ảnh: Nguyễn Hoàng Lâm.

Những ngày hòa bình yên ả, càng ngày các mùa càng chạy vùn vụt qua đi. Chỉ còn những dòng nhật kí rời rạc. “Hà Nội năm nay có mùa thu, một mùa thu thật sự kéo dài từ cuối hạ đến đầu xuân” Lại nhớ bài Trương Chi, Văn Cao cũng nói về mùa thu để rồi cất lên một lời bay bổng: “Ngồi đây ta vỗ ván thuyền, ta ca trái đất còn riêng ta”… 

Tôi hay sang Pháp vì công việc. Chồng tôi đã phải trả giá đắt khi phải nhờ đứa cháu trai, đã 16 tuổi, viết hộ thư vì nó biết gõ máy tính. Nó tranh thủ thêm lời bình của nó trong ngoặc đơn – trừ những đoạn (…) trong thư là do tôi lược bớt: Hôm nay 8/9 Cu mới in các thư gửi về nhà. Bà viết nhiều chuyện mà nó cứ im đi. Nói lại chỉ có mỗi một câu “bà nhớ nhà” (thực ra là cháu nói rất nhiều nhưng ông không thèm nhớ). 

Xem thư anh mừng lắm (…) Hà Nội không mưa (thực ra là có mưa, rất nhiều là đằng khác) hôm nào anh cũng đi bộ bốn cây số (chỉ có một cây số mà ông cứ bảo là 4 cây số mọi người nói thì ông chẳng thèm nghe ai cả). (…) Hôn em. Hồng Sơn. (Trời ơi một cuộc tình xuyên thế kỉ, xem ra ông bà không ly niêu được rồi). Bà ơi bà biết gì chưa ông bắt đầu đi xe máy lại rồi chẳng ai cản được ông cả (…) bà nhớ mua yoyo cho cháu nhé…

“Rồi từng mùa, từng mùa “bỏ tôi đi như những dòng sông nhỏ” (Trịnh Công Sơn). Đoàn Phú Tứ viết: “Màu thời gian không xanh/ Màu thời gian tím ngát”. Màu của nỗi hoài niệm quá khứ?… Chưa có ai nói với tôi về sắc màu của hiện tại.

Việt Dũng
.
.