Phỏng vấn một ống kính

Thứ Ba, 23/12/2014, 15:34
Cái nhìn của mỗi con người quyết định tính tư tưởng của tấm ảnh. Đó là chân lý không khi nào thay đổi.

Phóng viên (PV): Thưa anh, với  kỹ thuật ngày nay, ống kính máy ảnh đã có những phát triển vượt bậc, đúng không ạ?

Ống kính: Đúng. Công nghệ quang học đã có những tiến bộ nhảy vọt, làm ra các ống kính máy ảnh có những đặc tính nổi trội đáng kinh ngạc.

PV: Và cả máy chụp hình nữa chứ. Chưa khi nào chúng lại phong phú và tối tân như bây giờ.

Ống kính: Chính xác. Chỉ cần bỏ ra một số tiền không lớn lắm, đã có thể sở hữu những máy ảnh tối tân. Do đó, không còn ai ngạc nhiên khi ngày nay ra đường là gặp “nhiếp ảnh gia”.

PV: Và các cuộc thi ảnh xuất hiện ngày một nhiều với đủ loại đề tài, phải không thưa anh?

Ống kính: Phải. Và tôi chả còn mong gì hơn thế!

PV: Để làm nên một tấm ảnh, ống kính là quan trọng nhất, đúng không ạ?

Ống kính: Không đúng. Quan trọng nhất là thứ đứng sau ống kính, chính là con người. Cái nhìn của mỗi con người quyết định tính tư tưởng của tấm ảnh. Đó là chân lý không khi nào thay đổi.

Minh Họa: Lê Tâm.

PV: Vậy anh có nhận xét gì về cái nhìn của các nhiếp ảnh gia hôm nay?

Ống kính: Thú thực là sau khi xem mỗi tác phẩm của nhiều cuộc thi ảnh, tôi hơi buồn.

PV: Buồn vì đâu, thưa anh?

Ống kính: Vì không hiểu tại sao, cái nhìn của những người chụp rất giống nhau.

PV: Giống nhau?

Ống kính: Vâng. Hễ chụp phong cảnh thì đa số là thiên nhiên tươi đẹp. Hễ chụp con người thì đa số là người vùng nông thôn hẻo lánh.

PV: Những đối tượng đó rất đẹp mà?

Ống kính: Rất đẹp. Tôi không hề phản đối và không hề phủ nhận. Nhưng xin hỏi nhà báo: Việt Nam suốt đời chỉ có thiên nhiên đẹp và thôn nữ đẹp thôi à? Thành phố hiện đại đâu? Nhà khoa học, nhà nghiên cứu đẹp đâu?

PV: À!

Ống kính: Nếu chúng ta cứ nổi tiếng mãi, tự hào mãi về những nét đẹp hoang sơ thì bao giờ quốc gia mới tiến lên được.

PV: Ừ nhỉ.

Ống kính: Tôi cực kỳ mong mỏi nhìn thấy những tấm ảnh về thành phố hiện đại, những tấm chân dung người trí thức và người làm khoa học nổi danh. Nhưng những tác phẩm như thế luôn chiếm thiểu số trong các cuộc thi.

PV: Do đâu như thế? Do đâu mà các nhiếp ảnh gia của chúng ta cứ ngày này qua tháng khác rủ nhau về nông thôn, đi về các nơi càng hoang vu càng tốt để sáng tác?

Ống kính: Đầu tiên, tôi nghĩ do một tư duy cũ chả ai muốn thoát ra của từng nghệ sĩ, sau đó là cách chọn và chấm giải của ban giám khảo. Hãy thử thống kê mà xem, tôi tin chắc chúng ta vô địch về ba loại đề tài này: Ruộng bậc thang, đồi cát và ông già, bà già thiểu số có khuôn mặt nhăn nheo. Đã có cả ngàn những tấm ảnh kiểu đó gửi đi thi và chắc chắn sẽ còn nhiều nữa, khi mà sự đánh giá về cái đẹp không chịu khác đi.

PV: Ý anh là sao?

Ống kính: Ý tôi là một trong những tiêu chuẩn của cái đẹp tức nó phải là cái mới. Đặc biệt khi nhiếp ảnh có đặc tính hiện đại rất cao. Ống kính có tối tân đến đâu, mà cái nhìn của người chụp vẫn cũ thì nghệ thuật vẫn không phát triển.

Do đó, mỗi lần thấy các đoàn nhiếp ảnh gia lũ lượt về quê sáng tác, tôi lại buồn cười. Không lẽ ở thành phố nơi họ đang sống hàng ngày, cái đẹp biến mất hay sao? Khó tìm ra đến vậy hay sao

Lê Thị Liên Hoan
.
.