Biết sợ để tin nhau

Thứ Sáu, 25/01/2019, 15:19
Áng giờ này năm ngoái cũng trên chuyên mục này, Ngô có viết bài “Tặng nhau một tấm gương soi”, đại ý mong quan nhân nhìn vào những tấm gương liêm khiết hoặc soi vào những quan hệ nhân quả phải trả giá mà tự sửa mình.

Thời khắc cuối năm luôn đặc biệt, những ký tự cho số báo Xuân cũng luôn đặc biệt, nên nhân cái Tết Kỷ Hợi này, Ngô muốn chúc không chỉ là quan nhân mà cả thường nhân như Ngô, chúc nhau biết sợ.

Sợ khác với hèn, sợ cũng khác với nhút nhát, biết sợ chỉ để tránh không làm điều xấu, biết sợ để dừng lại trước điều sai mà thôi. Nếu mỗi chúng ta đều biết sợ theo cách đó thì niềm tin chúng ta đặt vào nhau rồi sẽ tăng lên.

1. Ban nãy, Ngô có đọc được bài báo tóm tắt lại những quan nhân nào bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương vạch mặt chỉ tên sai phạm, bị Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật. Đọc xong cảm giác không vui không buồn, cũng chẳng nghĩ ngợi gì nhiều. 

Ngô tự xưa đến nay, vẫn một lòng một dạ ủng hộ công cuộc chống tham nhũng, loại bỏ cán bộ thoái hóa biến chất do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khởi xướng và giữ vững ngọn cờ đấu tranh cho đến giờ. 

Bởi có diệt được hết giặc nội xâm, hay chí ít là trấn áp được giặc nội xâm, thì nguyên khí của quốc gia mới không bị bào mòn. Nguyên khí của quốc gia không bị bào mòn, thì quốc gia mới có cơ hội chuyển mình để phát triển mạnh mẽ.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng có phát biểu một câu rất hay, rất Á Đông: “Nếu làm chỉ để tiêu, chỉ để có cái nọ, cái kia thì tôi phải dừng lâu rồi. Lỡ làm người rồi, không thể sống một cuộc đời phí hoài được”. Đặc biệt là mấy chữ, “Lỡ làm người rồi, không thể sống một cuộc đời phí hoài được”.

Năm xưa và cho đến tận giờ, Ngô vẫn nghĩ may mắn được làm người thì chú trọng trong mấy chữ, “Cố gắng lo lắng cho người thân, cố gắng giữ sự khoái hoạt cho mình”. 

Ngô là thường nhân, Ngô cho rằng “may mắn được làm người”. Dân chơi là tỷ phú, dân chơi tâm niệm “Lỡ làm người rồi”. Khác nhau mỗi hai chữ “may mắn” và “lỡ” mà trập trùng tương phản.

Lỡ làm người, nên sống phải đĩnh đạc đường hoàng, phải lập thân lập danh, hệt khua tay xuống vực tạo sóng, với tay lên trời đan mây. Lỡ làm người, nên nghĩ lớn làm lớn, là miệt mài mê mải vẫy vùng trong quãng thời gian hiện hữu trong cõi đời này. 

Vua Lê Đại Hành đã đi vào ngôi đền lòng dân.

Tự lâu, Ngô vẫn nghĩ có những cá nhân nằm ngoài nhận định của đám đông, họ thuộc về một lớp người khác bởi cách nghĩ và cách làm đã vượt một tiến trình tiến hoá.

Phượng hoàng chọn ngô đồng để đậu, phận Ngô như con se sẻ chỉ mong cây tầm vông không bị gió quật quăng. Mỗi sớm mỗi chiều, còn thấy người thân yêu khỏe mạnh, mỗi tuần mỗi tháng còn thấy bạn hữu ngồi quanh đã xem đó là điều may mắn rồi. 

Cũng không đủ sức để mơ ước nhiều hơn, cũng không đủ trí lực để làm điều to tát. Tuổi ngoài tam thập, ôm con trai vào lòng xoa lưng cho con ngủ, đã có thể gọi đó là thành tựu vĩ đại trong cõi tạm phù phiếm này rồi. “May mắn” hay “lỡ” gì cũng đặng, mỗi sáng sớm còn được nhìn thấy mặt trời đã là một hôm vui.

Nhắc lại câu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng trong những hôm cuối năm vẫn màu mây cũ đơn giản là bởi Ngô biết có nhiều quan nhân đã hóa củi từng có những khí chất rất hay, ăn miếng thịt to uống bát rượu lớn, nói được làm được. 

Nhưng rồi không hiểu vì sao, gió mưa chấp chới hay giông bão phận người, mà rồi cũng làm sai cái này, làm trái cái kia để cuối cùng phải trả giá thật đắt.

Trên thực tế cũng phải bình tĩnh mà nhìn nhận, người không bao giờ sai chắc chắn là người không làm gì cả. Tuy nhiên, cái sai chủ quan và cái sai khách quan là hai thứ hoàn toàn khác nhau.

Mấy bữa trước, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong có nói: “Các cuộc thanh, kiểm tra, điều tra, khởi tố giúp thành phố nhận thức rõ các hạn chế, khuyết điểm, thẳng thắn nhìn nhận và tập trung giải quyết để làm tốt hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, cũng có phần làm giảm sự năng động của đội ngũ cán bộ, công chức thành phố, dẫn đến đôi lúc chậm giải quyết hồ sơ hành chính”.

Cá nhân Ngô rất không hiểu vì sao với cương vị Chủ tịch UBND TP HCM mà ông Nguyễn Thành Phong lại phát biểu như vậy, trong lúc lý ra Chủ tịch Nguyễn Thành Phong phải xem việc loại bỏ cán bộ thoái hóa biến chất là động lực, là nền tảng để thành phố thoát khỏi những kìm hãm vì toan tính cá nhân mà phát triển vượt bậc hơn. 

Đúng như phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương: “Các bộ trưởng phải chú ý, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng không có nghĩa là kìm hãm sự phát triển, không vì chống tham nhũng mà trì trệ trong hoạt động. Ở đâu có tình trạng trì trệ là tôi biết đấy, đó là nơi có những vụ án xảy ra, như TP HCM, các sở… im lìm hết cả”.

Ngô tin là nếu chọn “lập danh lập thân”, nhiều quan nhân sẽ nghĩ khác làm khác. Còn nếu chọn “vinh thân phì gia”, nhiều quan nhân sẽ giũ nếp nghĩ cũ để hành động thuần túy phục vụ cho mưu cầu cá nhân mà thôi.

2. Ai đọc Tam quốc diễn nghĩa đều biết đoạn ở trận Trường Bản, Trương Phi đứng bên này cầu thét lên một tiếng, bên kia cầu Hạ Hầu Kiệt sợ hãi đứt ruột vỡ mật rơi xuống ngựa chết tươi. Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu, lẽ đâu dân chơi chọn kiếp xanh cỏ đỏ ngực da ngựa bọc thây lại có thể hèn nhát đến nghe một tiếng thét cũng chết. 

Thế nên, có lẽ Hạ Hầu Kiệt không trúng gió độc thì cũng lên cơn đột quỵ cấp kỳ mà mạng vong. Hạ Hầu Kiệt cũng là tướng cầm quân theo Tào Tháo trải qua nhiều trận lớn nhỏ, không là mãnh tướng thì chắc chắn cũng không phải dạng dẫn ngựa cầm cờ, lấy đâu ra chuyện hèn nhát như vậy. La Quán Trung tiên sinh ưu ái Trương Phi quá thể chăng, chứ Ngô tôi tuyệt đối không tin vào điều này được.

Chính sử có chép chuyện của vua Lê Đại Hành trấn áp quân Mán cũng có đoạn vua Lê Đại Hành khóc Vệ vương Đinh Toàn, đoạn thét lên mấy tiếng, quân Mán nghe tiếng thế mà kinh sợ dẫm đạp lên nhau bỏ chạy. Ấy là tiếng thét phẫn uất nên làm kinh động những kẻ càn quấy vậy. 

Về sau Ngô đọc của Kim Dung tiên sinh, lờ mờ nhận ra trong tiếng thét của vua Lê phảng phất chính khí, nên chính khí sẽ đủ quyền năng để trấn áp những điều xằng bậy. Có lẽ vì vậy mà quân Mán mới kinh sợ bỏ chạy. 

Còn những đoạn quân Mán lắp cung tẩm độc nhắm bắn vua Lê, cung rơi dây đứt đều là chuyện chắc quan chép sử muốn nịnh vua mà bịa tạc vào, tuyệt không thể tin được.

Thôi thì cứ tin La Quán Trung tiên sinh, thôi thì cứ tin chính sử, để mong quý bạn đọc hiểu rằng cái sợ mà Ngô muốn chúc trong năm mới không phải là cái sợ của Hạ Hầu Kiệt, của quân Mán. 

Chứ lẽ đâu sống lại chán đời đến vậy, không có cái dũng của Đường Thư để “Kẻ sĩ mà nổi giận thì thây nằm hai cái, máu loang năm bước, thiên hạ để tang”, thì cũng thuộc dạng “Sống làm đào hoa chết thành ma phong lưu”.

Cái sợ mà Ngô nhắc đến chính là cái sợ thế gian chê cười, chính là cái sợ hậu thế xét đoán. Không phải hiền nhân Trần Thì Kiến từng móc họng nôn ra thức ăn để trả lại cái lễ biếu mâm cỗ hay sao? 

Khi hiền nhân Trần Thì Kiến làm An Phủ Sứ Thiên Trường, có người biếu mâm cỗ. Trần hiền nhân hỏi vì sao biếu, người biếu trả lời nhà có giỗ nên biếu. Trần hiền nhân nghĩ tình nên nhận, về sau người kia có việc sai quấy nhờ, Trần hiền nhân làm lơ, Trần hiền nhân không chịu. Người kia bèn có ý nhắc đến mâm cỗ ngày nào, ngay lập tức Trần hiền nhân móc họng nôn ra.

Mà đâu chỉ có Trần Thì Kiến, Quốc lão Phạm Công Trứ thích ăn món chả chim. Có người phạm tội muốn được tha nhẹ bèn đút lót với đầu bếp để dâng chim làm món chả dâng cho Phạm Công Trứ. Đợi Phạm Công Trứ ăn xong mới khẩn khoản cầu xin, Phạm Công Trứ không ngại ngần đưa tay móc họng trả cho bằng sạch.

Trấn thủ Bình Định của vua Gia Long là Nguyễn Văn Hiếu, một đời thanh liêm, ngoài bổng lộc của triều đình tuyệt không tơ hào thêm bất cứ khoản kinh tài nào khác. Nguyễn Văn Hiếu lễ tết không nhận quà biếu, nghiêm cấm người thân phóng đãng giao du với người ngoài. 

Có lần phu nhân tỏ ý ca cẩm gia cảnh, Nguyễn Văn Hiếu thủ thỉ: “Phu nhân không còn nhớ thuở còn đi cắt cỏ ư ? Cái ăn cái mặc giờ đây gấp đôi gấp năm ngày xưa, vậy mà còn muốn lấy của bất nghĩa để làm giàu ư?”.

Thật là các bậc anh minh, thật là các bậc hiền nhân, ấy cũng là cái khí tiết lập thân lập danh của người xưa vậy. Đó cũng là điều Ngô muốn chúc.

3. Đời sống này vốn ngắn ngủi, biết đủ là đủ. Hệt như học trò năm nào hỏng thi nằm ngủ dưới gốc cây hòe, mơ một giấc mộng nhân sinh, tỉnh dậy thấu triệt phù phiếm cõi tạm mà thôi buồn bã trách than.

Biết sợ để làm điều đúng, biết sợ để tự mình thương mình, biết sợ để sau này đến lúc rời vị trí quan nhân, rời chốn quan trường cảm thấy thanh thản vì những gì mình làm được, để nhân dân nhớ tới đầy kính trọng, để đồng liêu nhớ tới vẫn thương mến.

Đúng như tinh thần của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói hôm bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 9: “Đề nghị từng ủy viên Trung ương và mọi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa để tránh đi vào vết xe đổ, gây ra những hậu quả, tổn thất không đáng có đối với Đảng, đất nước và nhân dân, để lại nỗi đau khôn lường đối với người thân, gia đình, đồng chí, bè bạn. Mỗi người chúng ta cần luôn ghi nhớ trong tâm khảm của mình rằng, lợi ích của quốc gia, dân tộc, của nhân dân, của Đảng là tối thượng; và danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất đối với mỗi con người, trước hết là đối với mỗi cán bộ, đảng viên”.

Ngô Nguyệt Hữu
.
.