Khi chủ nghĩa tối giản gặp thời

Bài 1: Những cuộc gặp gỡ Đông - Tây

Thứ Năm, 14/03/2019, 16:28
Không quá ồ ạt và thời thượng, cũng không quá hời hợt và học đòi, trong mươi năm trở lại đây ở Việt Nam, giới nghệ sĩ đã bắt đầu bàn luận về chủ nghĩa tối giản (minimalism) và nhất là, đang cố gắng hiện thực hóa những ý niệm cốt lõi của nó trong các thực hành nghệ thuật. 

Ngạc nhiên hơn, tối giản thực sự đã đi vào đời thường với tư cách là một lối sống, một tinh thần sống mà, nhìn chung, rất nhiều người trẻ ưa thích, lựa chọn.

Ít hóa nhiều

Bản thân thuật ngữ “tối giản” (minimal) mà giờ đây dùng phổ biến, theo Cedric van Eenoo, xuất hiện lần đầu ở New York vào năm 1929 khi David Burliuk dùng nó trong danh mục cuộc triển lãm hội họa của John Graham tại Dudensing Gallery. 

Tuy nhiên, cho đến hôm nay, có thể thấy những định nghĩa chắc chắn về chủ nghĩa tối giản dường như chưa được hoàn thiện trên bình diện lí thuyết mà chủ yếu, một cách lâu dần, được xây dựng từ các khả thể sáng tạo và thực hành nghệ thuật.

Như tên gọi của nó gợi ra, chủ nghĩa tối giản hàm chỉ việc sử dụng vật liệu một cách hạn chế để tạo ra ý tưởng hiệu quả nhất. Khởi từ các loại nghệ thuật thị giác, tối giản với tư cách là một ý niệm, chủ trương hướng tới việc sáng tạo những tác phẩm đơn giản, tinh khiết, tránh tình thế đa bội cảm thụ và ý nghĩa. 

Trong hội họa, các nghệ sĩ tối giản tiết chế màu sắc; trong trang trí, kiến trúc, các nghệ sĩ sử dụng tối thiểu hình khối, đường nét. Xu hướng này bắt đầu xuất hiện ngay sau Thế chiến thứ II dù mầm mống của nó thì có thể phôi thai sớm hơn trước đó khá lâu, mà điển hình là trào lưu kiến trúc, trang trí, mỹ thuật Bauhaus ở Đức thập niên 1920; hay thậm chí, là kiến trúc và bài trí Nhật Bản truyền thống. 

Theo Matthew John Alberhasky, tối giản, với tư cách là một trào lưu nghệ thuật, chỉ bắt đầu dấy lên một cách mạnh mẽ ở New York từ 1958 đến 1968, trước hết, như là phản ứng chống lại sự tự hư cấu quá đà của chủ nghĩa biểu hiện trừu tượng (abstract expressionism). 

Trong giai đoạn đó và về sau khi đã lan rộng đến châu  Âu, mệnh đề vắn tắt “hãy làm thật nguyên khiết và đơn giản” có thể coi là phương châm của chủ nghĩa tối giản, thể hiện những thay đổi căn bản trong quan niệm thẩm mĩ và phương pháp sáng tác của các nghệ sĩ tối giản.

Chính trong tinh thần tự giải thoát các nhu cầu vật liệu này mà chủ nghĩa tối giản, thay vì phải đau đầu tìm kiếm các công cụ và kĩ thuật biểu đạt, lại lựa chọn, các hình khối lập phương, gạn lọc ẩn dụ, bình đẳng hóa mọi thành phần, thường xuyên tái lặp bề mặt trung tính và tận dụng cả chất liệu công nghiệp. 

Ở đây, phẩm tính tinh giản (simplicity) như một giá trị ý niệm không có nghĩa là bắt đầu từ cách thức giản đơn mà hoàn toàn có thể xảy ra trong sự phức tạp, trong các thao tác tính toán, cân nhắc nhiều hệ thống khác nhau. Khẩu hiệu “ít hóa nhiều” (Less is More) mà trang trí tối giản ưa dùng cũng được áp dụng thành công trong vô số các ngành, lĩnh vực khác như lịch sử nghệ thuật từng ghi nhận. 

Nhưng không vì thế mà tối giản đồng nghĩa với những gì được cho là dễ dãi, tầm thường và không trau chuốt. Vấn đề nằm ở chỗ: sự tinh giản và vô ngôn (silence) trong nghệ thuật tối giản biểu lộ năng lượng bị kiềm chế hay đơn thuần chỉ là sự trống trơn ?

Bởi thắc mắc này nên trên bước đường lí thuyết hóa các quan niệm và sự thực hành tối giản, giới nghệ sĩ và phê bình đã, một cách tổng quát, đưa ra bốn tiêu chí chính nhìn nhận, đánh giá: 1- tối giản về điều kiện tạo tác; 2- tối giản về biểu nghĩa; 3-tối giản về cấu trúc; 4-sử dụng những khuôn mẫu.

Mức độ khác biệt không quá lớn trong các thực hành tối giản theo bốn điểm trên, dĩ nhiên, đặt ra những nghi ngờ về độ độc sáng của từng cá nhân nghệ sĩ nhưng không thể phủ nhận bước ngoặt quan trọng trong xu thế tiếp nhận nghệ thuật thời hậu hiện đại, nơi quá trình diễn giải văn bản mang tính cá nhân rất cao. 

Một tác phẩm, khi đó, luôn tồn tại những nghĩa không ngờ tới trong không gian lĩnh hội của công chúng, và đặc biệt, trong sự thấu hiểu tự thân mà không bị vướng các rào cản tri thức mang tính chuyên môn sâu.

Theo chiều hướng ấy, rõ ràng, tối giản đang kích thích nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ độc lập, dấn tới những dự định sáng tạo ở phạm vi vừa sức của các điều kiện, trong đó có điều kiện tài chính, mặt khác, đặt họ vào tiếng nói tương thông liên cá nhân vốn rất cấp thiết trong thời đại truyền thông. 

Trong thời đại này, các công cụ hỗ trợ tiếp cận đời sống tinh thần không những phải hợp mốt mà còn bắt buộc phải đề cao, vun đắp các giá trị sinh thái, nhân văn. 

Nhìn thoáng qua các chiêu bài kinh doanh, các logo quảng cáo, những trailer truyền hình, các biểu tượng thể thao, các không gian hội nghị, đến các khu nghỉ dưỡng, các tổ hợp văn phòng, sản phẩm công nghệ…, thì dấu ấn của phong cách tối giản hiện hữu rộng khắp, và chúng, không cần quá lâu, cũng đã tạo ra hiệu ứng hai mặt trên mức độ tiện lợi sử dụng lẫn khả năng tiếp nhận, truyền tải. 

Thông qua sức mạnh truyền thông, các vòng sóng ảnh hưởng của ý niệm tối giản sẽ can dự vào thói quen xã hội, tác động không nhỏ các xu hướng hành vi, suy nghĩ của đa số. 

Do đó, sẽ quá vội vàng nếu cho rằng tối giản chỉ là cuộc chơi “nho nhỏ” của những người không có khả năng triển khai những ý tưởng lớn, các dự án nghệ thuật quy mô hay của những kẻ đã cạn kiệt sức tìm tòi, khám phá. 

Ngược lại, trước thế giới đổi thay liên tục các ý niệm mỹ học tân thời, nghệ thuật tối giản đi xa hơn vẻ bề ngoài của nó và khi phải gạt bỏ nhiều tầng nghĩa, nó lại đầy sức nặng, sức hút ở một tầng nghĩa duy nhất. Tối giản, như vậy, không chịu dừng lại trong những tổng kết có vẻ cố định về mặt tiêu chí.

Ảnh: L.G.

Bóng hình phương Đông

Nghệ thuật tối giản ra đời khi chủ nghĩa hiện đại ở phương Tây đến lúc tàn khép và bất chấp các trào lưu nghệ thuật khác lấn lướt, nó vẫn tồn tại, gây ảnh hưởng đến hôm nay cho dù giới phê bình từng tuyên bố rằng trào lưu này đã kết thúc vào cuối thập niên 1970. 

Không chỉ hội họa hay trang trí, kiến trúc, tối giản còn hiện diện như một phong cách trong văn chương, âm nhạc, phim ảnh. Số lượng các nghệ sĩ tối giản phương Tây hiện nay khá đông đảo, với Raymond Carver (1938-1988) trong văn xuôi, Philip Glass (1937- ) trong âm nhạc, Robert Bresson (1901-1999), Gus van Sant (1952- ), Micheal Heneke (1942 - ), Cristian Mungiu (1968- ) trong điện ảnh, là những tên tuổi có tầm quốc tế và luôn được chọn để phân tích về tối giản hiện nay.

Ở phương Đông, ý niệm về tối giản đã xuất hiện trong nghệ thuật truyền thống Nhật Bản. Nhưng căn gốc sâu xa hơn, triết học của Lão Tử cũng bàn đến tính không (“vô”) không phải là một cái không trống rỗng, mà trái lại, từ vô thì mọi tồn tại được sinh ra. “Vô” cũng có công dụng thiết thực.

Khi Lão Tử cho rằng: “Ba chục căm, hợp lại một bầu, nhưng nhờ chỗ “không” mới có cái “dụng” của xe; Nhồi đất để làm chén bát, nhờ chỗ “không” mới có cái “dụng” của chén bát; Khoét cửa nẻo, làm buồng the. 

Nhờ chỗ “không” mới có cái “dụng” của buồng the” (Đạo đức kinh) thì đã khẳng định sự diệu dụng của cái “không”. “Ít thì lại được” (thiểu tắc đắc) cũng  là một phẩm tính, phẩm chất vì nó ít tư dục, gần với “đạo”, tránh bị mê do quá nhiều tư dục. 

Bài học về “vô” của Lão Tử khiến các bậc hiền giả và nghệ sĩ có những ứng xử uyển chuyển, mềm mại khôn ngoan phù hợp với thời thế. Các bậc hiền giả thì cổ vũ các nhà chính trị thực hiện một xã hội lí tưởng “vô vi”, “vô dục”, “tiểu quốc quả dân”. 

Với các nghệ sĩ, thì thực hành nghệ thuật là giản dị thuần phác, tiết chế những phương thức nhân tạo để đạt đến lời ít ý nhiều, ý tại ngôn ngoại.

Ta thấy trong thơ Đường, tranh thủy mặc Trung Hoa, bút pháp chấm phá, điểm xuyết trở nên rất diệu nghệ. Văn học trung đại Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng ít nhiều của bút pháp này. 

Hiện nay, trong cảm nhận và quan sát của tôi, thì âm nhạc của Trịnh Công Sơn, Lê Cát Trọng Lý, văn xuôi Nguyễn Huy Thiệp, thơ Đồng Đức Bốn, hội họa Lê Thiết Cương và phim Nguyễn Võ Nghiêm Minh (trường hợp Mùa len trâu) có thể gây hứng thú nếu được phân tích từ góc nhìn nghệ thuật tối giản. 

Là một quốc gia từng coi văn hóa nghệ thuật là vũ khí tư tưởng, từng nuôi khát vọng và thực thi những “đại tự sự” trong trí óc nghệ sĩ, Việt Nam có thể sẽ tương thích nhanh chóng với trào lưu tối giản, một lối sáng tạo nghệ thuật cho phép nghệ sĩ Việt có điều kiện trở về với cỗi gốc phương Đông của mình. Và, dĩ nhiên, hồn cốt phương Đông ấy, với thực hành tối giản, là cả một nguồn năng lượng dồi dào, bất tận. 

Mai Anh Tuấn
.
.