Trung thực và sự khủng hoảng niềm tin

Thứ Sáu, 17/11/2017, 16:08
Nếu một quốc gia mà làm ăn gian manh, không trung thực thì khi làm ăn với các quốc gia phát triển khác, họ đề cao luật pháp, sự trung thực (lòng tin) vào nhau, thì sớm muộn họ cũng tẩy chay quốc gia không tử tế đó.

Thưa nhà báo Tôn Minh, thông qua nhiều sự việc rúng động xã hội vừa qua như phân bón giả Thuận Phong, nước chấm tạo bằng chất hóa học Masan, vải lụa Khaisilk, một số cơ quan trong nhà nước dùng các số liệu báo cáo (kinh tế, dân sinh, giáo dục) không đúng đắn (nhiều khi giả mạo ra con số), hay mới đây nhất là ví dụ điển hình của đại biểu quốc hội Nguyễn Sỹ Cương khi ông đứng dậy phát biểu ý kiến tại nghị trường đã mang theo cả một túi nilon mà bên trong đựng rất nhiều bao thuốc lá giả. 

Chúng ta khoan hãy bàn tới câu chuyện trách nhiệm của người, cơ quan quản lý ở góc độ này, mà tôi đang hỏi tại sao và nguyên nhân vì đâu mà hiện tại xã hội lại trở nên gian dối trong làm ăn; trong quan hệ người với người đã đánh mất đi cái thực tâm, cái thiện và sự tử tế một cách đáng báo động như vậy?

Thưa bạn đọc và các độc giả,

Khi bạn đọc đặt vấn đề bằng cách nêu ra một loạt những vụ việc tạo ra khủng hoảng niềm tin của người dân trong xã hội qua là tôi đã mường tượng ra được điều cốt lõi mà độc giả muốn bàn thảo tới ở đây là gì khi gửi câu hỏi về tòa soạn.

Chúng ta vẫn luôn đề cao những đức tính tốt đẹp của con người từ xa xưa như Trung - Tín - Hiếu - Lễ - Nghĩa, hay trong đạo Phật những lời răn dạy luôn hướng con người ta tới Chân - Thiện - Mỹ. Và trong những đức tính nêu trên, nói về sự trung thực thì đó chính là nó được biểu hiện ở Tín hoặc Chân trong các nguyên tắc đối xử giữa con người trong xã hội với nhau.

Vậy chúng ta phải xuất phát từ đâu để nói về lòng trung thực như một đức tính mà ngày nay bỗng trở nên khủng hoảng và tha hóa một cách trầm trọng đến như vậy?

Ngay trong câu hỏi của quý độc giả đã gây khó cho tôi khi đã loại bỏ yếu tố trách nhiệm của người quản lý (người có thẩm quyền và nhiệm vụ được giao) trong vấn đề nguồn cơn của sự giả dối.

Phân bón giả Thuận Phong.

Người dân chúng ta trong xã hội là những người không có quyền lực trong tay, và với những phương tiện được luật pháp cho phép, chúng ta luôn mong cầu sự bình an, điều tốt đẹp đến với mình và trong những giá trị ấy thì mỗi chúng ta đều muốn được đối đãi, được giao tiếp, đón nhận những điều tử tế - và nó không thể thiếu giá trị cốt lõi để tạo nên những thứ ấy là lòng trung thực.

Chúng ta phải nhìn ngay vào gốc rễ của vấn đề làm nảy sinh tâm tính dối trá, thói làm ăn gian manh, cung cách làm việc lừa lọc đang tàn phá con người và xã hội chúng ta ngày nay.

Vậy nếu những cơ quan, con người làm trong bộ máy nhà nước mà không thi hành đúng đắn và nghiêm minh luật pháp, dễ dãi và xuê xoa cho những doanh nghiệp, tổ chức làm ăn gian dối, không kiểm tra kỹ càng hoặc khi phát hiện sai phạm lại không xử lý triệt để thì đó cũng là một hành vi tiếp tay cho thói gian dối nảy nở và phát huy. 

Ngay chính các cơ quan nhà nước mà còn không trung thực trong báo cáo các con số dựa trên thực tiễn khảo sát, dựa trên những tính toán khoa học thì sẽ tạo ra những chính sách nhà nước vĩ mô sai lầm. Và nó sẽ gây thiệt hại rất lớn cho đất nước và người dân.

Nếu người dân chúng ta, một ai đó đi làm ăn giở thói gian manh mà bị phát hiện, nếu được tố cáo và ngăn chặn kịp thời thì các hệ lụy sẽ không có cơ hội xảy ra. Và con người ta khi bị xử lý nghiêm minh hành vi gian trá trong làm ăn, trong giao dịch hàng ngày thì tôi tin là khó ai có thể làm ăn theo thói lừa lọc chính con người trong cùng một quốc gia như chúng ta đã thấy vừa qua.

Cần quản lý chặt chất lượng nước mắm lưu hành trên thị trường.

Tiếp theo nữa là căn nguyên của giáo dục mà ra. Khi mà giáo dục của chúng ta đã tạo ra những con người được dạy và bị áp đặt tư tưởng tới mức sẵn sàng sẽ đưa ra những lời nói dối để được điểm cao, không ảnh hưởng tới thành tích của trường, lớp hoặc làm thầy cô, phụ huynh hài lòng. 

Giả dụ như chuyện các giáo viên dạy văn theo mẫu cũng là tạo ra những thói xấu cho học sinh về thói không trung thực đối với suy nghĩ, tâm hồn và cả những gì người ta trông thấy mà không được mô tả đúng với sự vật, hiện tượng. 

Rồi ngay cả các thầy cô đứng trên bục giảng cũng vì thành tích mà dạy dỗ máy móc, áp đặt các học sinh theo ý chí của mình, vì thành tích của mình hoặc vì tư lợi mà sẵn sàng báo cáo không chuẩn xác tình trạng học lực của học sinh với phụ huynh, với nhà trường. 

Học sinh thì sợ phụ huynh lo lắng, sợ bị rầy la, thậm chí đánh đập, phụ huynh thì sợ làm xấu mặt nhà trường, sợ thày cô giáo phật ý, trù dập. Nên thành ra những người này cứ luẩn quẩn trong một vòng quay mà luôn có xu hướng dẫn con người ta tới những điều dối trá (tức không trung thực) để đối phó mà làm đẹp (hài lòng) nhau.

Chính vì giáo dục ở nhà trường, ở gia đình, những người lớn hay lo lắng và sợ hãi thái quá nên thường đe nẹt các em, những đứa trẻ rằng không nên có ý kiến về vấn đề này, vấn đề kia, nên im lặng và bỏ qua thì hơn, nhất là những chuyện liên quan đến những hành vi chính trị của nhà nước, của các cán bộ công quyền.

Và điều này dẫn tới tâm lý e ngại chính phủ, né tránh những điều xấu xảy ra trên đất nước, và do được đe nẹt, nhắc nhở từ nhỏ làm chúng sợ hãi nên các em sẵn sàng trở nên dối trá trong quá trình trưởng thành và làm một công dân (mất đi tính trung thực) để bảo đảm an toàn cho bản thân.

Lực lượng chức năng kiểm tra một cửa hàng Khaisilk. Ảnh trong bài: L.G.

Việc các hàng hóa giả trà lan trên thị trường hiện nay, hay cả những sự dối trá đang tàn phá xã hội và con người chúng ta nguồn cơn chính là do sự quản lý yếu kém, và thậm chí có cả sự tiếp tay của những người có chức quyền trong bộ máy. 

Một phần nữa là do chúng ta thờ ơ, vô cảm, không quan tâm đến thực trạng đất nước vì sợ hãi những phiền toái đến mình và gia đình nên cũng khiến cho những thứ dối trá, lừa lọc có cơ hội được dung dưỡng và phát huy đến mức kinh hoàng như độc giả đã thấy được.

Nếu một quốc gia mà làm ăn gian manh, lừa lọc không trung thực thì khi làm ăn với các quốc gia phát triển khác, họ đề cao luật pháp, sự trung thực (lòng tin) vào nhau, thì sớm muộn họ cũng tẩy chay quốc gia không tử tế đó, kèm theo là những hậu quả (chế tài) mà phần lớn là bất lợi hay gây thiệt hại cho chính quốc gia đó.

Để thấy được hiểm họa của sự dối trá này, chúng ta phải giáo dục lại những đứa trẻ lòng trung thực và phải gắn với lòng quả cảm của nó, phải làm một người tử tế và gan dạ, không né tránh hay sợ hãi những điều xấu, phải quan tâm đến tình hình xã hội, đất nước và lên tiếng trước các hành vi quản lý của chính quyền.

Chỉ có như vậy, chúng ta mới tạo ra được những con người trung thực và những thế hệ tử tế, và tạo ra nền tảng văn hóa tốt đẹp cho con cháu thụ hưởng một cách văn minh, bền vững.

Tôi hy vọng mỗi độc giả sẽ lưu tâm và bắt đầu chung tay vào xây dựng những nền móng đầu tiên của những điều tử tế cho con người, quốc gia chúng ta, ngay từ hôm nay.

Tôn Minh
.
.