Từ Khaisilk nhìn ra xã hội

Thứ Sáu, 17/11/2017, 08:49
Chúng ta phải thẳng thắn nhìn vào sự thật là, làm ăn trong môi trường có quá nhiều kẻ lừa dối lẫn nhau, những người thiếu bản lĩnh dễ rơi vào vòng xoáy dối lừa.

Đầu năm 2012 gia đình tôi về Việt Nam đón tết Nhâm Thìn. Một lần đi bộ trên phố Hàng Gai, con gái tôi, sinh viên năm cuối Khoa Thiết kế thời trang Đại học Tổng hợp nghệ thuật London (University of the Arts London) kéo tay tôi, reo lên: “Bố ơi! Khăn lụa đẹp quá. Con muốn vào xem”.

Đó chính là cửa hàng lụa Khaisilk số 113 phố Hàng Gai, Hà Nội.

Như rơi vào mê cung, con gái tôi mải miết chọn lựa khăn và lụa. Chừng nửa tiếng sau, con gái tôi gọi với ra cửa: “Bố ơi! Bố vào trả tiền cho con lô hàng này”. Tôi quay vào. 

Nhìn hàng chục chiếc khăn và nhiều mét lụa mà con gái xếp trên mặt quầy tính tiền, tôi sửng sốt: “Sao con mua quà tặng nhiều quá vậy?”. Con gái tôi thủng thẳng: “Quà tặng đâu, nguyên liệu con dùng để may váy, áo phục vụ cho kì thi tốt nghiệp đấy”. Nghe con gái nói vậy, dù tiếc tiền, tôi vẫn nghiến răng rút ví ra trả.

Con gái tôi hỉ hả xách hai cái túi đựng đầy sản phẩm Khaisilk ra về mà không hề quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ từ nước nào.

Mấy tháng sau, con gái tôi ở Anh gọi sang Ba Lan khoe: “Bố ơi! Con thi xong tốt nghiệp rồi. Những bộ váy, áo may bằng khăn và lụa mua ở Việt Nam được cô giáo đánh giá rất cao”.

Tháng 5 năm nay, tôi về Việt Nam làm lễ ra mắt sách Bóng Làng. Trước khi bay về Ba Lan một ngày, tôi ghé cửa hàng lụa Khaisilk số 101 phố Đồng Khởi, TP Hồ Chí Minh, mua chục chiếc khăn lụa mang sang làm quà tặng bạn bè. 

Một tuần sau đó, trước cửa chờ thang máy, bà Ba Lan hàng xóm cạnh nhà cứ xuýt xoa: “Quân ơi! Tao thích món quà mày tặng quá. Ông chồng tao cứ mân mê chiếc khăn lụa trên cổ tao mà bảo, mềm mại quá, đẹp quá, cả hoa văn lẫn màu sắc”.

Những kén tằm sẽ cho ra những sợi tơ óng ánh cuốn vào guồng quay xa. Ảnh: L.G

Tôi cũng không thấy bà quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm từ nước nào.

Tâm lí người tiêu dùng, phần lớn chỉ quan tâm tới chất lượng và giá trị sử dụng của sản phẩm mà ít quan tâm tới nơi sản xuất. Bằng chứng là, người tiêu dùng toàn cầu đón nhận các dòng iPhone của Hãng Apple với thái độ tin tưởng và háo hức mà không cần biết là chúng được sản xuất tại Trung Quốc với chứng nhận Made in China.

Trong thực tế, người Việt Nam vẫn thích xe Mercedes sản xuất tại Đức hơn lắp ráp tại Việt Nam, bởi họ nghi ngờ chất lượng phụ tùng cùng tay nghề công nhân ở hai nước không đồng nhất. 

Bên cạnh đó, do tâm lí tự ti và sính hàng ngoại, nhiều người Việt Nam cho rằng, ngồi xe sản xuất tại Đức đẳng cấp hơn ngồi xe lắp ráp trong nước. Nhưng nếu xe Mercedes chỉ duy nhất được xuất xưởng ở Việt Nam thì chắc chắn người tiêu dùng toàn cầu cũng đón nhận dòng xe này với thái độ tin tưởng và háo hức không khác với iPhone.

Những thương hiệu nổi tiếng thế giới hầu như đều tìm đến các thị trường có giá nhân công rẻ như Trung Quốc,  Ën Độ, Việt Nam, Indonesia, Bangladesh... để đặt hàng nhằm tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm. 

Ông Hoàng Khải, chủ thương hiệu Khaisilk tỏ ra ngây thơ khi giãi bày với báo chí rằng, “Cái sai của tôi là khi thấy các thương hiệu lớn của nước ngoài đặt hàng, may sản phẩm tại Trung Quốc vẫn bán với thương hiệu của họ thì mình có thể đặt hàng may tơ lụa Trung Quốc về bán với thương hiệu Khaisilk mà không làm rõ xuất xứ hàng hóa”.

Thực ra cái sai của ông Hoàng Khải không phải vì không ghi hàng chữ Made in China lên sản phẩm của mình như các thương hiệu hàng đầu thế giới mà cái sai của Khaisilk chính là bán hàng không ghi rõ xuất xứ hàng hóa để nhập nhèm giá trị sản phẩm. Ông Hoàng Khải thừa nhận: “Lẽ ra tại cửa hàng phải có Khaisilk made in China và Khaisilk made in Vietnam”.

Xét trên góc độ là nhà buôn, không phải nhà sản xuất, ông Hoàng Khải hoàn toàn có quyền nhập sản phẩm Made in China về để bán trên thị trường Việt Nam, tất nhiên ông phải ghi rõ xuất xứ hàng hóa. 

Nhưng với sản phẩm mang thương hiệu Khaisilk, ông Hoàng Khải phải đầu tư vốn để thiết kế mẫu mã, nâng cấp chất lượng và quảng bá thương hiệu. Ông có quyền đặt gia công sản phẩm tại Trung Quốc, nhưng phải gắn hàng chữ Made in China vào sản phẩm. Ông cũng có quyền mua bán thành phẩm của Trung Quốc rồi hoàn thiện khâu cuối tại Việt Nam. Làm được các việc trên đây thì ông Hoàng Khải không có lỗi.

Trong một lần về Việt Nam nghiên cứu thị trường, tôi được đối tác mời ăn tối tại nhà hàng Au Manoir de Khai số 251 Điện Biên Phủ, TP Hồ Chí Minh. Trong không gian lộng lẫy với các món ăn Pháp tinh tế, đối tác cho tôi biết, sự thành công của ông Hoàng Khải, chủ nhà hàng này bắt đầu từ thương hiệu Khaisilk. 

Nhấp ngụm rượu vang đỏ, đối tác ghé tai tôi thì thầm: “Chính lòng yêu nước và tinh thần tự tôn dân tộc kiểu máy móc của một bộ phận không nhỏ người Việt Nam, một mặt khiến ông Hoàng Khải không dám công khai xuất xứ hàng Trung Quốc, nhưng mặt khác lại tạo điều kiện cho ông Hoàng Khải vơ tiền thiên hạ với lợi nhuận siêu ngạch”. Suy ngẫm kĩ, tôi thấy đối tác nói có lí.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc tráo hàng Trung quốc vào sản phẩm Khaisilk, ông Hoàng Khải đã phát biểu với báo giới rằng, trong các cửa hàng Khaisilk chỉ có 50% hàng nhập từ Trung Quốc, còn lại được mua từ các làng dệt lụa Như Xá (Hà Nam) và Vạn Phúc (Hà Đông). 

Nhưng chủ các cửa hàng bán lụa tại hai làng nghề này đã phủ nhận thông tin trên. Ai đặt chân đến hai làng dệt lụa tơ tằm có truyền thống hàng nghìn năm nay, đều nhận thấy, hầu hết các cửa hàng lụa tại đây bày bán sản phẩm Made in China là chính.

Sau khi xảy ra khủng hoảng, nhiều người buộc tội ông Hoàng Khải làm ăn gian dối, đẩy nghề dệt lụa tơ tằm Việt Nam đến phá sản. Thực ra tội của ông Hoàng Khải chỉ như ngọn gió thoảng góp vào cơn bão thổi bay các làng nghề truyền thống trồng dâu, nuôi tằm, kéo kén, quay tơ, dệt lụa trong cuộc cạnh tranh giá cả và chất lượng với lụa Trung Quốc.

Một người rất am hiểu ngành lụa là bà Lương Thanh Hạnh - Giám đốc Công ty Hanhsilk - đã mô tả “hàng lụa Trung Quốc rất khác hàng lụa Việt Nam, nhìn vào mẫu mã sản phẩm có thể phân biệt được ngay. Hàng Trung Quốc bóng và mượt mà, do công nghệ dệt phát triển hơn, mà Việt Nam chưa theo kịp. Trong khi đó, sản phẩm lụa Việt Nam khá đẹp nhưng dễ nhăn, hoa văn, họa tiết không sắc sảo như lụa Trung Quốc”.

Thuở ấu thơ, những năm sơ tán tránh bom Mỹ, tôi ở với người cô tại vùng trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa Thọ An, Thọ Xuân và làng Phùng, Đan Phượng, Hà Tây. 

Thời đó, ban ngày tôi hay trốn chị họ vào ruộng dâu bạt ngàn trên bãi phù sa sông Hồng để hái quả dâu dôn dốt nửa chua nửa ngọt bằng đầu ngón tay bỏ vào mồm, khi thì ngồi xem chị họ cho những nắm kén trắng hoặc vàng vào nồi nước sôi để kéo ra những sợi tơ óng ánh cuốn vào guồng quay xa, khi thì tựa cửa đứng xem chị họ ném thoi dệt lụa trên khung cửi bằng gỗ đặt trong buồng. Ban đêm, tôi nằm ngủ trên phản cạnh những nong dâu mùi ngai ngái, nghe khe khẽ tiếng rì rào tằm ăn rỗi. 

Thế rồi 10 năm trước trở lại vùng này thăm chị, tôi không thấy một thửa ruộng dâu nào trên bãi phù sa, không thấy một guồng quay xa quấn tơ, một khung cửi gỗ dệt lụa nào còn sót lại trong mấy làng nghề dệt lụa truyền thống bên sông Hồng nữa. Tôi hỏi, chị họ cười buồn bảo, nghề dệt lụa tơ tằm thủ công chết từ lâu rồi, em ạ.

Nhìn rộng ra khắp cả nước, ai cũng biết, ông Hoàng Khải không đơn độc trong việc kinh doanh sai trái, thiếu trung thực. Các doanh nhân từ tiểu công thương đến đại gia; các tổ chức kinh tế từ hộ gia đình đến đại công ty; các làng nghề, làng đặc sản, các phường buôn bán... gian lận thương mại, làm hàng giả, lừa đảo khách hang bị phát hiện ngày càng nhiều trên tất cả các lĩnh  vực. 

Chỉ có điều chúng ta chưa có chế tài đủ mạnh, chưa có pháp luật công minh, và chúng ta có quá ít những người tâm huyết quyết làm đến cùng để lôi bọn công chức thoái hóa, gian thương ra trước ánh sáng.

Tôi không bênh vực cách làm của Khaisilk. Nhưng cái sai của ông Hoàng Khải chỉ làm hại ví tiền những người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu trở lên, còn những kẻ cung cấp thực phẩm bẩn, buôn bán thuốc tân dược giả thì nhiều khả năng đem cái chết đến cho tất cả mọi người.

Dù không muốn bới bãi rác ra, nhưng chúng ta phải thẳng thắn nhìn vào sự thật là, làm ăn trong môi trường có quá nhiều kẻ lừa dối lẫn nhau, những người thiếu bản lĩnh dễ rơi vào vòng xoáy dối lừa.

Trong cùng một chợ, kinh doanh cùng một loại hàng, có nhiều quầy nhập hàng lậu, tuồn hàng giả trộn lẫn với hàng thật, khi xuất hàng không viết hóa đơn VAT và tìm mọi phương cách lách luật để trốn thuế thì người tử tế biết phải cạnh tranh như thế nào để bán được hàng?

Muốn thay đổi hiện tượng trên, mỗi người trước tiên phải trung thực với chính mình trong mọi hành động và việc làm.

Trần Quốc Quân
.
.