Trái bóng thì tròn

Thứ Năm, 13/09/2018, 22:03
Trái bóng dĩ nhiên hình tròn, bắt buộc phải là hình tròn chứ không thể là hình vuông, hình bình hành, hình chữ nhật, hình tam giác… được. 

Chính vì trái bóng hình tròn, nên chỉ cần một đường chuyền đúng, một cú sút trúng đích, trái bóng sẽ lao đi với tốc độ vừa nhanh vừa chuẩn theo ý của cầu thủ.

Trái bóng dĩ nhiên hình tròn, nên người hâm mộ mới cuồng nhiệt lòng vòng, nghĩa là cuồng nhiệt hoài không nguôi. Có yêu, có ghét, có phẫn nộ, có phấn khích, có hân hoan, có thất vọng gì cũng không dứt hẳn ra được.

Và thật may khi đội tuyển Olympic của nước mình còn yêu chiều cảm xúc của đám đông với những cảm hứng từ Thường Châu (Trung Quốc) sang tận Indonesia vẫn không phai nhạt.

1. Hẳn là Ngô không bàn chuyện bóng đá, chuyện đấy để mấy anh chuyên mảng này bình luận. Ngô bàn bóng đá thì khác gì miền Nam lại trồng vải thiều còn miền Bắc phát triển sầu riêng. Tréo ngoe lắm. Mà chuyện tréo ngoe từ bé đến giờ Ngô làm không có quen, thiên hạ ai muốn làm thì cứ làm chứ Ngô thì chịu không có làm được.

Ông huấn luyện viên người Hàn Quốc Park Hang-seo, nom già già ngộ ngộ vậy mà giỏi quá. Về nắm đội tuyển trẻ của nước mình quãng thời gian ngắn thôi mà đã mang lại cho bóng đá quốc gia nhiều tin tưởng, nhiều hưng phấn. 

Cầu thủ nào chơi cũng hay, phối hợp tốt, lại vô cùng tự tin. Nhìn các cầu thủ nước mình đá với các đội bóng mạnh của Châu Á đã không còn rụt rè nữa rồi, mạnh dạn cầm bóng, chuyền dài chuyền ngắn, sút xa sút gần…

Biết điều quan trọng nhất của một trận đấu bóng đá vẫn là kết quả cuối cùng, tuy nhiên với Ngô thì cách chơi chính là một quá trình để đi đến thành quả. 

Tất nhiên, đội tuyển bóng đá nước mình đã thành một thế lực mới ở Đông Nam Á hay rộng ra là Châu Á chưa, thì chắc chắn là chưa, vẫn còn cần thêm thời gian. Tuy vậy, thành tựu ban đầu mà ông Park Hang-seo đã gặt hái cùng đội tuyển cho thấy nhiều điều trong đời sống này.

Ngô từng tranh luận với nhiều bằng hữu, có người tiếng tăm vang dội, có người tiếng tăm vừa vừa, có người gọi anh vì tuổi tác có người gọi bạn vì đồng niên, nội dung tranh luận chỉ xoay quanh chuyện cá nhân và cơ chế.

Bằng hữu của Ngô bảo, cơ chế thế này thì không ai làm gì được đâu, cơ chế thế kia thì ai vào cũng hỏng cả, là do cơ chế nên người này mới sai phạm, là do cơ chế nên người kia mới bị kỷ luật… Đều là do cá nhân mình thôi.

Làm sao có chuyện làm cán bộ lãnh đạo chỉ lo vơ vét trục lợi, kéo bè kéo phái vinh thân phì gia, nhắm mắt làm liều chỉ cốt sao cho cá nhân mình thu được nhiều lợi nhất, còn ai thiệt hại thì ráng chịu.

Đến khi cơ quan chức năng phân định rõ ràng trắng đen, kết luận ghi rõ có vi phạm vì hành vi này, có sai phạm vì hành vi kia, thì lại đùng đùng đổ lỗi cho cơ chế. Thật sự, không thể nào không gọi là có chút buồn cười.

Minh họa: Lê Phương.

Rượu anh uống anh được say, tiền anh xài anh được sướng, biệt thự biệt phủ anh ở được mát đầu ấm lưng, con nhang đệ tử hầu anh lúc trái gió trở trời, rồi quyền hành anh ban phát tứ tung anh thích tay ký, giờ hóa củi chờ vào lò thì anh lại là vì do bị tại cơ chế. 

Anh làm như anh không có lỗi gì à, anh làm như anh không có sai gì à, anh làm như anh trong sạch liêm khiết bị vu oan giá họa không bằng vậy. Trong lúc, đều là do anh cả.

Anh muốn ghế cao, anh muốn vị trí to, lẽ có ghế cao có vị trí to anh phải biết chuyện nào nặng việc nào nhẹ để cân nhắc có nên làm hay không, chuyện có lợi cho đám đông thì làm chuyện có hại cho người khác thì tránh. 

Anh chuyện lợi lại ngó lơ chuyện hại lại lao vào thì lúc bị phát hiện ngoại trừ đệ tử con nhang của anh ra ai rảnh đâu mà thương anh. Thế nên là do anh chứ là do ai mà anh đổ thừa cơ chế với chính sách.

Anh đi qua vườn dưa, anh không kiềm được lòng mình, anh trộm đại một trái rồi bổ ra ăn. Bị chủ vườn bắt quả tang giải lên quan, chẳng lẽ anh lại bảo, ai biểu ông chủ vườn dưa trồng dưa, dưa ra trái ngon quá nên anh ăn trộm phát chứ anh đâu có lỗi gì. 

Anh bảo vậy quan không nọc anh ra đánh đến bán thân bất toại thì cũng vả anh rớt hết răng, chứ đời thuở nhà ai lại phát biểu ba lăng nhăng đến như vậy.

2. Ngô đọc lặt vặt chuyện này chuyện kia như một thói quen trước khi ngủ, có hôm đọc thấy một điển tích về vua Tự Đức. Vua Tự Đức là một vị vua tài hoa của triều Nguyễn, đáng tiếc là thân thể của ông yếu nhược, không có con nối dõi. 

Vua Tự Đức nổi danh văn hay chữ đẹp, thơ phú vạn bài, vẫn thường muốn thành thi nhân hơn là bậc thiên tử. Đáng tiếc, trời đã chọn thì người không cưỡng cầu được.

Có sứ thần Trung Hoa mến tài thi phú của vua Tự Đức nên hiến tặng một nghiên mực, quan nội giám thu nhận rồi cất đi. Một hôm, vua Tự Đức truyền quan nội giám vào hầu, hỏi về nghiên mực. 

Quan nội giám trình lên, vua Tự Đức mới ôn tồn giảng giải về sự đặc biệt của nghiên mực ấy, đấy là nghiên mực Đoan Khê. Một đại thần bảo trong thư phòng của các bậc mê chữ, mê nghĩa, mê thi, mê họa xưa.

Ngô trích một đoạn ngắn ngõ   hầu giúp quý bạn đọc hiểu thêm chút về nghiên mực Đoan Khê, đọc về những loại bảo vật này cũng có cái thú riêng của nó vậy. Trung Hoa có vùng đất gọi là Đoan Khê. Đoan Khê phong cảnh rất đẹp, ở sâu trong núi.

Đá ở đây có thể đẽo được thành những cổ vật rất quý đem bán cho các nhà quyền quý. Họ làm chậu cảnh, hoặc làm phượng múa rồng chầu, lân mừng chân chúa, cá hóa long, rất nhã rất đẹp, nhưng nổi tiếng nhất là nghiên mực. Nghiên mực Đoan Khê rất được ưa chuộng.

Nghiên mực Đoan Khê được chế tác công phu đến mức khi mài mực thì nước mực sẽ chảy vào những vụ nhỏ trong nghiên, muốn thử mực được hay chưa chỉ cần thổi nhẹ, màu mực được sẽ ánh lên màu ngũ sắc, tay chạm vào thấy mềm mượt và mát.

Nhưng đấy là thú chơi của bậc quý tộc xưa, đọc để hiểu thôi chứ cũng không có ý phải am tường.

Sở dĩ, Ngô nhắc đến nghiên mực Đoan Khê là vì sắp kể đến chuyện của Bao Chửng. Ông Bao Chửng thì siêu nổi danh ở nước mình rồi, tivi kênh nào cũng chiếu, dạo này hơi ít chứ dạo trước song song cùng Tây Du Ký nhất định phải là Bao Thanh Thiên, rồi mới đến Tam Quốc Diễn Nghĩa, Anh hùng Lương Sơn Bạc…

Ông Bao Chửng nhậm chức ở Đoan Châu, chí công vô tư nhất nhất vì việc công không việc riêng nên nhân dân trong vùng đều vô cùng yêu mến kính trọng. 

Đến lúc Bao Chửng nhậm chức ở địa phương khác, dân Đoan Châu đứng tiễn đầy đường, ai cũng chuẩn bị sẵn vật ngon của lạ biếu Bao Chửng. Họ biếu vì tấm chân tình chứ không phải cầu cạnh nhờ vả. Bao Chửng từ chối, không nhận bất cứ vật gì.

Có người thư sinh gói nghiên Đoan Khê vào tấm vải, lẳng lặng lén đặt vào thuyền của Bao Chửng. Thư sinh muốn tặng Bao Chửng một vật tri ân, sở dĩ phải lén là vì nếu dâng lên tuyệt nhiên Bao Chửng sẽ không nhận. 

Thuyền Bao Chửng rời Đoan Châu, đến khúc sông thì bất thần có sóng lớn cứ vỗ mạnh vào mạn thuyền. Bao Chửng nhìn sông than, "Bao Chửng ta một đời thanh liêm, có làm chuyện gì khuất tất đâu mà thủy thần nổi giận".

Than xong lại đốc thuộc hạ tìm khắp thuyền xem có vật lạ gì không. Thuộc hạ tìm quanh dâng lên bọc vải có chứa nghiên mực Đoan Khê ấy. Bao Chửng ném nghiên mực xuống sông, lập tức mặt nước phẳng lặng trở lại.

Điển tích này cũng như điển tích về Dương Chấn. Dương Chấn đến địa phương nhậm chức quan, có người đưa tài vật biếu Dương Chấn, Dương Chấn từ chối. Người này nói, không có ai biết đâu nên ngài cứ thoải mái nhận. Dương Chấn trả lời, "Trời biết, Thần biết, ta biết, ngươi biết, sao có thể nói là không ai biết được?". Một câu nói được dẫn truyền mãi cho đến giờ.

Nhắc lại để thấy rằng nếu cá nhân giữ được mình, thì làm sao có chuyện sai phạm bị phanh phui để rồi từ đó hồ đồ đổ lỗi là do cơ chế này kia kia nọ. Mà Ngô tình thiệt thưa, làm cán bộ lãnh đạo nước mình chỉ cần làm đúng thôi, nội chuyện quà cáp cảm ơn chân tình đã đủ ăn sung mặc sướng rồi, không cần phải làm càn làm quấy gì cả.

3. Rồi lại bảo trong cơ chế này người tài cũng không làm việc được. Tại sao lại không làm việc được? Không phải cũng đội bóng đá ấy mà ông Park Hang - seo đã liên tiếp gặt được những thành tích tầm châu lục đấy hay sao, cũng là những cầu thủ này, cũng là cơ chế này, cũng đôi giày đó, đôi tất đó, trang phục đó, đôi chân đó, đường chuyền đó, tại sao ông Park Hang-seo làm được mà những huấn luyện viên khác hoặc chưa hoặc không làm được?

Chứ không phải Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang làm rất tốt công tác phòng chống tham nhũng, loại trừ ra khỏi bộ máy những cán bộ thoái hóa biến chất hay sao?

Nghĩa là, suy cho cùng vạn sự trên đời đều do mình cả, đều do lòng mình, đều do hành động của mình, đều do tư duy của mình cả.

Bởi trái bóng thì tròn mà cuộc đời cũng tròn, chỉ có cái sai, cái tham, cái lạm quyền là không vo tròn được thôi, trước hay sau gì cũng sẽ bị phanh phui, bị phơi bày dưới ánh mặt trời này.

Mà khi ấy có gan làm sai thì có gan chịu phạt, đừng trách, đừng hờn, đừng vu vạ, đừng oán thán cơ chế này hay cơ chế khác nữa. Đơn giản là cho dù có vạn vạn cơ chế đi chăng nữa nhưng cá nhân không làm sai thì xử phạt vào đâu. 

Ngô Nguyệt Hữu
.
.