Chuyện lâu dần thành quen

Thứ Hai, 10/07/2017, 07:00
Trong tiểu thuyết võ hiệp của ông Kim Dung có bộ đọc rất hay thông qua lối dịch cực thú của ông Hàn Giang Nhạn là bộ "Phi hồ ngoại truyện".

"Phi hồ ngoại truyện" có nhân vật phản diện thật chẳng kém cạnh Ngụy quân tử Nhạc Bất Quần trong bộ "Tiếu ngạo giang hồ" là mấy, đó là gã Phụng Nam Thiên. Sở dĩ nhắc đến nhân vật này, là vì Ngô mạn phép quý độc giả lạm bàn chuyện lâu dần thành quen.

1. Phụng Nam Thiên là lão đại ở trấn Phật Sơn, không chuyện ác nào không dám làm, không thủ đoạn nào không dám thực hiện. Vì muốn mua một mảnh đất của Chung A Tứ cất phủ cho tì thiếp, Chung A Tứ không đồng ý bán vì mảnh đất trồng rau là tất cả gia sản mà Chung A Tứ có được.

Chèn ép dọa nạt không xong, nhân một hôm nhà mất con ngỗng, Phụng Nam Thiên cho thân tín đến nhà Chung A Tứ truy vấn, con cái của Chung A Tứ đều bảo không có bắt. Cả nhà Chung A Tứ thanh bần, tuyệt không phải phường trộm cắp. Duy có đứa con út còn nhỏ quá chưa biết gì, được hỏi bèn bảo "Hôm nay, được ăn thịt".

Chung Tứ Tẩu là vợ của Chung A Tứ, tính tình ngay thẳng, bộc trực. Nghe con út nói lỡ lời đã biết không yên ổn với Phụng Nam Thiên, vội vàng thanh minh. Nhưng Phụng Nam Thiên đang kiếm cớ phát tán mối hận mua đất hụt dễ gì chịu, bèn vu cho nhà Chung A Tứ là ăn trộm ngỗng, báo quan bắt.

Oan khuất ngang trời xanh, Chung Tứ Tẩu mang đứa con nhỏ đến miếu Quan Đế xin minh oan. Quan Đế được đắp tượng sơn son, khói nhang thành kính lại không linh hiển, Chung Tứ Tẩu bèn dùng dao mổ bụng con. Bên trong ruột chỉ có những con ốc chưa tiêu hóa hết. Hóa ra, con út còn nhỏ quá nên được anh cho ăn ốc bắt ngoài sông cứ tưởng là được ăn thịt.

Láng giềng chứng kiến hiểu Phụng Nam Thiên vốn ác quen thói, cậy thế làm càn nhưng vì lo an nguy không dám lên tiếng bênh vực. Phụng Nam Thiên một hai tống Chung A Tứ vào tù, truy sát đứa con khác của Chung Tứ Tẩu. Chung Tứ Tẩu phẫn nộ hóa điên.

Chuyện về sau còn dài lắm, chỉ biết là Phụng Nam Thiên hạ sát toàn gia Chung Tứ Tẩu, mãi đến khi bị truy bức đến chết vẫn chưa một lần hối hận vì hành động tàn ác của mình.

Xin kể thêm một câu chuyện khác, đây là điển tích rất nổi tiếng mà chắc quý bạn đọc ít nhất đã được nghe, đó là chuyện mẹ Mạnh Tử dạy con.

Cha của Mạnh Tử không may mất sớm, mẹ là Chương Thị thay chồng nuôi dưỡng con. Chương Thị tính tình nghiêm khắc, giáo huấn Mạnh Tử rất có nề nếp. Ba lần Chương Thị (Ngô tôi gọi là Mạnh Mẫu cho phải phép) đã chuyển nhà để giữ cho con không tiêm nhiễm cái xấu, lại mấy lần giữ gìn lời hứa với con để mong con trở thành bậc chính nhân quân tử.

Minh họa: Lê Phương.

Mẹ con Mạnh Tử sống gần bãi tha ma, hàng ngày Mạnh Tử vẫn thường ra đây nô đùa, Mạnh Tử thường diễn lại những cảnh ông nhìn thấy ở bãi tha ma. Mạnh Mẫu nhận thấy đây không phải là chỗ ở tốt cho con trai mình, bà liền chuyển nhà sang một khu phố mua bán sầm uất nhưng cũng không tốt hơn là mấy.

Mạnh Tử học cách cân, đong, đo, đếm của những kẻ mua bán, hay khoe khoang đồ của mình. Lần này, Mạnh Mẫu chuyển nhà đến gần một ngôi trường, Mạnh Tử sống gần đây nên học những khuôn mẫu lễ giáo, học hành chăm chỉ, lúc bấy giờ Mạnh Mẫu mới thở phào: "Đây mới là chỗ ở của con ta".

Một lần, nhà hàng xóm giết lợn, Mạnh Tử thấy vậy hỏi mẹ giết lợn để làm gì, Mạnh Mẫu lỡ miệng nói đùa: "Để cho con ăn". Sau đó, bà đi mua thịt lợn về cho con ăn vì bà nghĩ nếu mình nói dối con chẳng khác nào dạy con nói dối. Một câu chuyện nổi tiếng khác về Mạnh Mẫu dạy con đó là khi đang dệt vải, thấy con trốn học đi về. 

Bà kêu Mạnh Tử đến gần rồi cầm dao chặt đứt tấm vải và mắng: "Con đi học mà bỏ học chẳng khác nào mẹ dệt vải mà chặt đứt nó vậy". Thấm thía lời mẹ dạy, Mạnh Tử chăm học hiếu lễ, con đường trở thành bậc đại hiền triết lưu danh thiên cổ của Mạnh Tử chắc chắn khởi phát từ những răn dạy mà mẹ ông đã chọn khi dưỡng dục ông.

Ấy cũng là chuyện lâu dần thành quen.

Hai mẩu chuyện mà Ngô tôi vừa nhắc đến ấy cũng là điều không quá xa lạ, chẳng qua chỉ mạo muội lấy chuyện xưa nhìn chuyện nay mà thôi.

2. Đường ống sông Đà chiếm tổng khối lượng cung cấp nước sạch đến 23%  cho người dân Thủ đô Hà Nội lại vừa gặp sự cố rò rỉ, sự cố lần thứ 21. Đường ống này có tổng chiều dài 47km từ Hòa Bình về Hà Nội, có tổng mức đầu tư 1.450 tỷ đồng, trong đó vay ngân hàng của Pháp hơn 13,6 triệu USD, vay hai ngân hàng trong nước gần 900 tỷ đồng.

Năm 2009, dự án được nghiệm thu đưa vào sử dụng. Ba năm sau, nghĩa là từ năm 2012 cho đến nay, đường ống này liên tục gặp sự cố. Gặp sự cố là cách nói khác đi của việc đường ống bị hỏng hóc, rò rỉ, vỡ…

Là hai mươi mốt lần một đường ống nước có tổng mức đầu tư 1.450 tỷ gặp sự cố, Ngô tôi thật không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Hai mươi mốt lần gặp sự cố cho một công trình trọng yếu liên quan đến việc đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu cho nhân dân Thủ đô là có được nước sạch là con số mà Ngô cho rằng thừa sức tung tăng vào bất cứ kỷ lục xây dựng cơ sở hạ tầng nào.

Lấy ví dụ là một căn nhà, nếu trong vòng 5 năm, từ 2012 cho đến 2017 mà đến hai mươi mốt lần phải sửa chữa thì Ngô tôi không hiểu cảm giác của ông chủ căn nhà sẽ như thế nào, như vậy thà đập bỏ xây lại cho khỏi uất ức quá sinh bệnh mà chết. 

Chuyện vô lý đến cùng cực vậy vẫn có thể xảy ra, xảy ra hết lần này đến lần khác thì Ngô tôi biết phải lạm bàn như thế nào đây. Cả nghìn tỷ đồng chứ có phải rạ rơm sau mùa gặt đâu mà không xót xa; buồn cười hơn nữa là khi cơ quan công an khởi tố vụ án để điều tra, lãnh đạo của đơn vị thi công đường ống còn nhoi nhoi phản đối này kia kia khác.

Nhưng quan trọng hơn cả xử lý, là cho đến giờ vẫn chưa có ông nào đứng ra dám đảm bảo cho một đường ống Sông Đà không vỡ nữa trong tương lai gần hoặc ít nhất là không vỡ nữa trong một hai năm tới. Và có vẻ như cho đến thời điểm này, đại bộ phận dư luận đã bắt đầu quen với thuật ngữ, "Đường ống sông Đà lại gặp sự cố". Thật kỳ lạ, vô cùng lạ, cực kỳ kỳ lạ.

Như chuyện ngay tắp lự, là cơn mưa khiến Hà Nội nhiều tuyến phố hóa thành sông, chuyện ở TP Hồ Chí Minh cũng không hề khác biệt. Các thị dân thản nhiên dẫn xe lội nước, các thị dân hồn nhiên thức trắng đêm tát nước ra khỏi nền nhà ngập cao, các thị dân điềm nhiên đón nhận kẹt xe rồi hàng loạt mối nguy hiểm khác trên đường.

Là tại làm sao, là có phải tại vì nhiều lần đắm chìm trong những cảnh đó xong quen luôn rồi phải không? Là tại vì không ai còn đủ kiên nhẫn để yêu cầu những dự án chống ngập phải được thực hiện tốt hơn, những giải pháp chống ngập phải được thực hiện cấp bách và khoa học hơn. 

Mặc cho năm nào tiền tỷ, chục tỷ, trăm tỷ, thậm chí nghìn tỷ vẫn ném xuống việc khai thoáng kênh rạch, quy hoạch chống ngập. Chắc rồi không ai còn xót tiền ngân sách nữa, chắc rồi cũng không ai còn thương lấy cảm xúc của nhân dân nữa.

Ngay như chuyện ở Yên Bái, làm sao có thể có đến sáu quyết định được ký trong cùng một ngày để chuyển 1,3 hecta đất lâm nghiệp thành đất ở đứng tên vợ của ông Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh, mà ông này lại là em ruột của Bí thư Tỉnh ủy đương nhiệm. Để rồi từ đây một biệt phủ xa hoa hiện hữu trên địa phương năm nào cũng quyết tâm xóa bớt hộ nghèo, giảm hộ cận nghèo.

Hay như chuyện ở Lào Cai, một khu đất vàng với biệt thự hiện đại sừng sững toàn thuộc sở hữu của các lãnh đạo tỉnh. Bảo là đấu thầu đúng quy trình, bảo là người mua rất minh bạch, bảo là đúng pháp luật hết chứ không khuất tất gì. Thì dĩ nhiên là đúng quy trình, thì dĩ nhiên là đúng pháp luật, chỉ là quy trình cho ai và pháp luật cho ai mà thôi.

Rồi hàng loạt chuyện ở các địa phương khác, ông Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp mấy số trước Ngô vừa khen thì nay lại vướng chuyện làm lộ nhân thân người tố cáo sai phạm, rồi chuyện thanh tra Bộ Nội vụ kết luận các tỉnh bổ nhiệm sai nguyên tắc, thiếu chuyên môn… Tỉnh nào cũng có chuyện, nơi nào cũng tồn tại rất nhiều vấn đề.

3. Viết những điều này, thật không thể không thương lấy những nỗ lực của Chính phủ trong giai đoạn hiện nay. Có quá nhiều thứ trì trệ, có quá nhiều thứ đã theo nếp quen cũ, một thứ nếp quen hết sức tiêu cực và kìm hãm sự phát triển của quốc gia vốn đã được xem như là chuyện bình thường như vốn vậy.

Cái nguy hại chính là ở chỗ đó, lâu dần thành quen, lâu dần thấy bình thường, lâu dần thấy chuyện đó có đáng gì đâu mà phải phản ứng hay quyết tâm xóa bỏ, lâu dần sẽ thấy nơi nào cũng vậy chứ đâu phải mỗi địa phương mình nên có việc gì đâu phải làm khác với người ta…. Cứ kéo dài tình trạng này mãi thì sẽ thành cha chung không ai khóc, mặc ai người nấy tung hoành, hoàn toàn không nhận ra mình đang mắc khuyết điểm gì, đang sai chỗ nào…

Rồi sẽ còn dài hơn, rồi sẽ còn gian nan hơn cho một Chính phủ kiến tạo mà theo quan sát của Ngô tôi đang dần dần như cánh én mỏng mảnh dẫu luôn cố gắng không ngừng…

Ngô Nguyệt Hữu
.
.