Gió trăng kho sẵn tiêu không hết

Thứ Tư, 24/05/2017, 08:44
Quái quỷ thật, đọc Truyện Kiều, luôn có cảm giác như thi hào Nguyễn Du mới vừa viết chưa ráo mực. Còn tươi roi rói từng nét chữ...

Cách nói ấy, cách diễn đạt ấy không khác gì thời buổi này. Điều này chứng tỏ từ mấy trăm năm trước, tiếng Việt đã hoàn thiện, đủ sức chuyển tải mọi cung bậc tình cảm, mọi nỗi lòng trắc ẩn, mọi cảm xúc chi li, tinh tế, vi diệu từ chân tơ kẽ tóc, không thua kém bất kỳ ngôn ngữ nào.

Lúc rảnh rỗi, một trong những cái thú của y vẫn là đọc lại các bản Truyện Kiều đã sưu tập được, để so sách cũng từ ấy, chữ ấy các nhà nghiên cứu đã giải thích ra làm sao. Âu cũng là một cách học lại tiếng Việt. 

Nói rộng, lúc đọc thơ cũng là một cách thẩm thấu, tìm hiểu lại tiếng Việt một lần, nhiều lần nữa. Mỗi tác giả thơ, bằng tài năng, họ sẽ đem lại cho ta một sự sung sướng, hào hứng khiến ta ngạc nhiên về cách sử dụng tiếng mẹ đẻ đã nhuần nhuyễn đến cỡ nào. Thử đọc bài thơ này, ai biết rằng, tác giả đã viết cách đây bao nhiêu năm?

Cái túng xem ra đệ nhất ông,
Có ai là bậc thứ nhì không?
Gió trăng kho sẵn tiêu không hết,
Ngày tháng vần xoay mãi chẳng cùng.
Một bộ áo tàu coi cũng “hổ”,
Ba gian nhà khách chạm thời “long”.
Nhà vua nếu mở khoa thi túng,
Tất đỗ khôi nguyên chiếm bảng rồng.

Viết về cái túng thiếu, nghèo khó nhưng xem ra lạc quan lắm. Bài thơ này đọc là hiểu, không cần giải thích gì thêm. Có điều cần lưu ý ở cặp “luận” là chơi chữ do đồng âm mà có. “Hổ” là uy nghi, danh giá, “bảng hổ đề tên” là công thành danh toại, học hành đỗ đạt; thế nhưng trong ngữ cảnh trên còn có thể hiểu là xấu hổ, thành ngữ có câu: “Chó gầy hổ mặt người nuôi”.

À, ca dao có bài hay hay quá, sao bây giờ mới biết đến? “Chó gầy hổ mặt người nuôi/ Tôi gầy, hổ mặt chúa tôi chăng là/ Chúa tôi mang tiếng chúa nhà/ Mượn được đứa ở khéo là đành hanh/ Rạng ngày nấu cá mè ranh/ Chúa ăn hết nạc, để dành xương cho/ Chúa tham, chúa lại hay lo/ Đêm nằm cắt việc ra cho mà làm/ Chúa bà là chúa ăn tham/ Đồng quà tấm bánh, cất luôn trong buồng/ Ăn nhiều chết rục, chết chương/ Chẳng nhớ thằng ở, chẳng thương con đòi/ Ba năm được cái khố sồi/ Chiều ngang một tấc, chiều dài năm gang”. 

Bài ca dao này xuất phát từ miền Bắc, nếu xét về chữ nghĩa. Từ “chúa” ở đây hoàn toàn không liên quan gì đến vua chúa, đơn giản chỉ là chủ/ông (bà) chủ, “Ăn cơm chúa, múa tối ngày”; “Ngây ngô như chúa tàu nghe kèn”… 

Hãy dừng lại với từ “khố”, lập tức nhớ đến câu: Khố rách áo ôm; Con đóng khố, bố ở truồng; Bòn nơi khố bện, đãi nơi quần hồng; Anh khố son bòn anh khố nâu… Vậy khố sồi là gì? Là khố được dệt bằng tơ gốc, mặt sù sì, xấu xí, rẻ tiền là lẽ tất nhiên.

Ngày xưa, nhìn trang phục, có thể từ cái khố đã nhận ra người Việt. Nay, lạ thay, nay vải vóc, tơ lụa nhiều mặt hàng tinh xảo, đa dạng hơn nhưng chắc gì cách thiết kế/may đã phản ánh được trang phục của người Việt? 

Nói như thế, vì qua thông tin báo chí mới biết rằng, xin tóm tắt: Sắp đến đây Việt Nam sẽ là nước chủ nhà luân phiên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC 2017). 

Vậy các nguyên thủ dự APEC sẽ mặc theo mẫu mã thế nào? Trả lời câu hỏi này, chắc chắn Bộ VH-TT-DL từ nhiều tháng nay đã lao tâm khổ tứ để trình mẫu trang phục lên Ủy ban APEC. Kết quả ra làm sao?

Như đã biết trước đây, năm 2006, mẫu áo dài thời trang của nhà thiết kế Minh Hạnh được chọn. Nay vì sao thay đổi? Do không có thông tin nên y chỉ dám “dựa cột mà nghe”, chỉ biết, mẫu thiết kế mới vẫn chưa được thông qua vì nó quá giống trang phục Indonesia! 

Hóa ra, từng tự hào là đã sáng chế chiếc áo dài, và chính chiếc áo dài đã trở thành “quốc hồn quốc túy”, tha hồ tung bay trong thơ ca nhạc họa, thậm chí hiên ngang đi vào Từ điển Oxford nhưng thế nào là chiếc áo dài đúng nhất với bản sắc văn hóa của người Việt? Câu trả lời vẫn còn gian nan lắm.

Vừa thoáng nghĩ đến đây, bỗng giật mình, vì đã lạc đề quá xa. Xa lắm rồi đấy nhé. Đang bàn về từ “hổ” lại nhảy một phát qua chiếc áo dài, thế không lạc là gì? Đúng lắm. 

Thành ngữ có câu: “Lạc đàn nắm đuôi chó, lạc ngõ nắm đuôi trâu”, với trường hợp này cách tốt nhất vẫn là nắm lấy bài thơ trên. Vâng, câu kế tiếp là gì nhỉ? “Ba gian nhà khách chạm thời “long”… Long là rồng, là biểu tượng tôn vua, quyền quý, sang trọng nhưng long cũng là lỏng, rời ra, lung lay, “Gái không chồng như phản gỗ long đanh”, “Răng long, tóc bạc” v.v…

Qua hai câu thơ vừa dẫn chứng, dễ dàng nhận ra rằng sự đồng âm trong là một nét tiêu biểu của tiếng Việt. Sự biến hóa thiên hình vạn trạng của tiếng Việt cũng từ đó mà ra. Quyển sách khảo cứu Lắt léo tiếng Việt của y phần lớn là khai thác, phân tích các từ đồng âm. Và trước lúc đưa đi nhà in, kịp thời có mấy câu thơ ngẫu hứng. Thơ rằng:

Lắt léo lượn lờ lên lấp lóa
Tiếng ta thanh thoát thiết tha thương
Chọn chữ chắt chiu chan chứa chữ
Thắm thiết tình ta thấy tỏ tường

Văn Việt vỗ về vương với vấn
Chống chèo chững chạc chớ choảng, choang
Chằng chịt, chung chạ, chừ, chặt chịa
Vướng víu vòng vo vẫn vững vàng

Ngữ nghĩa - nhìn nghiêng, nhoài ngó ngửa
Đỉnh đạc đã đời đó đến đến đây
Lung linh, lúng liếng lên lả lướt
Nâng niu, niềm nở nước Nam này
Dịu dàng, day dứt dùng da diết
Nặng nợ ngàn năm núi níu non
Hồn Nước nằm trong hồn tiếng Việt
Tiếng ta tự tại tới trường tồn

Thời buổi này, còn có mấy ai kiên nhẫn đọc thơ nữa không? Một tập thơ in ra khó có thể xếp vào hạng “sách bán chạy”. In rất hạn chế. Nhiều tờ báo đã bỏ hẳn chuyên mục thơ. Vì lẽ đó nhiều người tìm cách tiếp cận bạn đọc qua các trang mạng xã hội, có nhiều người đọc hơn. Ừ, cứ cho là vậy nhưng đừng quên rằng tiếp cận từ văn bản in và lướt web là hai thao tác khác nhau lắm.

Người đọc trên mạng đối mặt với quá nhiều thông tin. Thông tin cuồn cuộn như mưa nguồn thác lũ đủ mọi đề tài, hình thức, “hầm bà lằng xắn cấu”. Do đó, người đọc dễ dàng bị cuốn theo, họ khó có thể nhẩn nha, bình tâm suy nghĩ, ngẫm ngợi từng chữ, từng từ, từng câu mà các nhà thơ đã chọn lọc chu đáo, dù chỉ là một dấu chấm, phết, một dấu hỏi, ngã… 

Cũng bài thơ đó, đọc lần một thấy bình thường, lạ thay, đọc lại nhiều lần lại có một cảm nhận khác. Bài thơ xuất hiện trên trang mạng xã hội chẳng hạn, không cho phép người đọc có được điều kiện ấy, bởi lẽ như đã nói, có quá nhiều thông tin đang phơi bày trước mắt, làm sao họ có thể dừng lâu, nghiền ngẫm với một câu chữ trong bài thơ đó. 

Đọc nhanh, đọc loáng qua để rồi còn đọc qua cái khác nữa. Vì lẽ đó, cách thể hiện câu chữ trên Facebook cũng khác, phải đáp ứng nhu cầu lựa chọn thông tin trong một rừng thông tin mà người đọc đang tiếp cận.

Không phải ngẫu nhiên, chuyện này đã xẩy ra. Chuyện gì? Sáng hôm qua, đi ăn sáng cùng thói quen cúi mặt vào tờ báo. 

Và đọc ngấu nghiến bản tin Đưa hành văn Facebook vào dạy tại đại học: “Trường đại học Delhi (Ấn Độ) sắp tới sẽ mở khóa dạy cách hành văn trên Facebook cho sinh viên ngành văn chương Anh. Theo Đài BBC dẫn lời Giáo sư Christel Devadawson, trưởng khoa văn chương Anh thuộc đại học trên, học cách viết dòng trạng thái trên trang Facebook sẽ là một phần của khóa học nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên.

Tờ The Hindustan Times cho hay ở Ấn Độ, phương tiện truyền thông xã hội có thể là bệ phóng giúp một nhà văn đầy tham vọng trở nên nổi tiếng, giúp họ dễ dàng tiếp cận lượng lớn độc giả hoặc thậm chí tìm được một nhà xuất bản.

Một chuyên gia khác tại Đại học Delhi giải thích thêm với Hãng tin Press Trust of India rằng: “Viết văn không nhất thiết là viết những cuốn sách nặng ký hoặc những tiểu thuyết khoa học giả tưởng lớn lao. Viết văn cũng bao gồm viết blog, viết thư hoặc cả những dòng trạng thái trên Facebook”. Ban giám hiệu Trường đại học Delhi sẽ đưa ra quyết định cuối cùng sau khi lấy ý kiến của dư luận về vấn đề trên, theo tạp chí India Today” (Báo Thanh Niên ngày 27-4-2017).

Về chuyện này, mà thôi, không bàn đến nữa. Chỉ lơ mơ ghi lại cái đề thi môn Văn khối 12 của Trường THPT Thủ Thiêm như sau: “Do được sáng tạo trong môi trường ảo, thậm chí nặc danh nên nhiều “ngôn ngữ mạng” trở nên vô trách nhiệm, vô lương tâm và vô văn hóa”. Có ai cãi gì không? 

Khoan đã, hãy nghe đồng nghiệp Minh Nhật có ý kiến: “Trong một đề thi văn, việc dẫn nguồn ngữ liệu là rất quan trọng nhằm xác định tính chính xác và chuẩn mực của thông tin, nhưng trong buổi họp thống nhất đáp án, giáo viên đã hỏi về nguồn trích, tổ trưởng môn Văn của trường THPT không thể trả lời” (Báo Phụ Nữ TP HCM số ra ngày 28-4-2017). Ấy là chưa nói về câu văn mơ hồ, thậm chí vô nghĩa. Thì ra, cái tội nghiệp nhất vẫn là các cô cậu học sinh.

Mới đây, khi giao lưu ở Hội sách Hải Châu đã có cô nữ sinh thẳng thắn cho biết là không thích học môn Văn. Lỗi đó do đâu? Chẳng lẽ ngồi đây phân tích này nọ ư? Thôi đi, tớ xin can. Vậy thì hãy trở lại với bài thơ có câu: “Một bộ áo tàu coi cũng “hổ”/ Ba gian nhà khách chạm thời “long”. Thử hỏi tác giả là ai? Xin thưa của Vũ Duy Thanh (1806-1859), người Ninh Bình.

Trong quyển Ninh Bình - Một vùng sơn thủy hữu tình (NXB Trẻ - 2007) nhà nghiên cứu Lã Đăng Bật có kể giai thoại thời Vũ Duy Thanh còn bé: Lần nọ Quan phủ Yên Khánh đi chợ Chàng (nay thuộc xã Khánh Cư, Yên Khánh) gặp Vũ Duy Thanh, muốn thử tài liền ra về đối: “Đi một thôi, đến chợ Chàng, vắt chân ngóe, ăn thịt ếch, có trả tiền, thế mới ương”. 

Vũ Duy Thanh hiểu rằng vế đối toàn các con vật: chẫu chàng, ngóe, ếch, ễnh ương và có hàm ý giễu cợt liền đối ngay: “Học Nam Kinh, thi trường phượng, đỗ bảng rồng, làm quận công, cuốc lấy bạc, nhanh như cắt”. Vế đối không chỉ có các con vật: phượng, rồng, công, cuốc, cắt mà còn hàm ý quan phủ ăn tiền của dân nhanh như cắt” (trang 399).

Con người thế nào, thơ văn thế ấy, khó có thể che giấu. Bài thơ thất ngôn bát cú nêu trên đã phản ánh đúng suy nghĩ của Vũ Duy Thanh, chứ nào phải uốn éo chữ nghĩa. Bằng chứng rằng, Khi giữ chức Tế tửu Quốc tử giám, ông được vua Tự Đức ban khen, có lần nhà vua hỏi: “Trẫm muốn ban chức cho khanh, khanh muốn chọn chức nào?”. 

Ông từ chối: “Được chuyên về rèn luyện nhân tài cho quốc gia, với thần như thế đã là thỏa nguyện”. Rõ ràng chọn lấy công việc đúng với sở trường, chứ không vì việc làm ấy đem lại đồng tiền nhiều hay ít khiến mình giàu hay nghèo, còn là quan niệm vui sống của người Việt.

Gió trăng kho sẵn tiêu không hết
Ngày tháng vần xoay mãi chẳng cùng.

Lê Minh Quốc
.
.