Tặc-Dăng nhảy dù, Zô-Rô bắn súng

Thứ Tư, 19/06/2019, 15:41
Này bạn ơi, có phải niềm hạnh phúc, sung sướng nhất của lũ chúng ta “Được ăn được ngủ là tiên”?

Tiên ở nơi cõi trần, đôi lúc chỉ cần được thế đã là may mắn, toại nguyện. Dễ dàng quá, chứ gì? Cực dễ. Nhưng rồi nếu đêm hôm khuya khoắt, đang ngủ ngon lành sau một ngày mệt nhọc, nếu có ai quấy rầy thì sao? Ắt bực bội lắm đây. Cau có lắm đây. Vậy mà, nào dám bực bội, nào dám cau có khi nghe bé nhóc cất tiếng óe òe oe. 

Tiếng khóc ấy, chẳng khác gì tiếng kèn xung trận. Vội vàng bật người dậy trong ngái ngủ với những động tác đã quen thuộc nào ẵm, bồng, ru… rồi cho măm sữa. 

Mà lại cứ tỉnh bơ như không. Lại còn tự an ủi bằng cách nhìn ở góc độ tích cực cho nhẹ lòng, đại khái tiếng khóc ấy cũng vui tai, chẳng khác gì giai điệu nhộn nhàng đã nghe, đã hát - nhại theo giai điệu ca khúc “Ce nest quun au revoir”  từ thời thò lò mũi xanh: “Tò te cây me đánh đu/ Tặc-dăng nhảy dù/ Zô-rô bắn súng/ Chết cha con ma nào đây/ Thằng Tây hết hồn/ Thằn lằn cụt đuôi”.

Z - Hiên ngang đi vào tiếng Việt tự lúc nào?

Câu trả lời xin dành cho các nhà ngôn ngữ học. Với y, khi đọc Từ điển Việt - Bồ - La (1651), biết rằng: “Lần đầu tiên tiếng Việt được đem ra học hỏi theo lối văn phạm và so sánh với nhiều ngôn ngữ Á Đông và Tây phương, 23 mẫu tự La ngữ được dùng để phiên âm tiếng Việt, trừ những chữ Z, J, F được thay thế bằng GI, D, PH. Về tử âm cha Đắc Lộ đã sáng kiến ra hai mẫu tự mới â và Đ. Chữ â đọc giữa chữ B và V. Còn chữ Đ thì hoàn toàn là một sáng kiến mới, còn giữ mãi cho đến ngày nay. Về mẫu âm, cha đã đặt ra những chữ Ă, Â, Ô, Ơ, Ư” (Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam - NXB Hiện Tại - 1959, SĐD, tr.287). Rõ ràng, trong tiếng Việt thế kỷ XVII, Z chưa hề xuất hiện.

Nhân đây xin nói luôn: “Còn chữ Đ thì hoàn toàn là một sáng kiến mới, còn giữ mãi cho đến ngày nay” là một nhận định rất quan trọng trong quá trình hoàn thiện chữ Quốc ngữ. 

Từ điển Việt-Bồ-La đã ghi nhận, nhưng trong văn bản thời ấy vẫn chưa phổ biến chăng? Nói như thế vì khi khảo sát manchette của tờ Gia Định Báo, ta có thể thấy đôi điều lý thú. 

Theo nghiên cứu chu đáo của Thạc sĩ Đoàn Hữu Hoàng Khuyên (Trường KHXH&NV - ĐH QG  TP HCM), từ số đầu tiên phát hành ngày 15-4-1865, manchette ghi Gia Dịnh Báo. 

Do nhà in ở Pháp không có chữ đúc đ/ Đ nên họ “chịu chết”, chưa hết, thỉnh thoảng d/ D còn được thay thế bằng j/ J. Vậy đ/ Đ bao giờ mới chính thức xuất hiện trên manchette của tờ báo lừng danh này? Đó là năm 1890: “Lần đầu tiên chữ “D” trong chữ Gia Dịnh Báo được thay thế bằng “Đ” có dấu gạch ngang sắc sảo. 

Phía trên manchette, ngoài các dòng chữ tháng năm phát hành, số báo như các manchette trước đó, ngay chính giữa còn ghi hai hàng chữ Pháp: République Francaise: Liberté- Égalité- Fraternité” (Gia Định Báo - tờ báo Việt ngữ đầu tiên - NXB Văn hóa Văn nghệ - 2017, tr.178). Với dòng chữ “Cộng hòa Pháp: Tự do - Bình đẳng - Bác ái”, Gia Định Báo đang dần thoát khỏi tính chất công báo.

Ta hãy trở lại với Z.

Như đã biết, trong tiếng Việt chỉ có 29 chữ cái, bắt đầu từ A và kết thúc Y. Thế nhưng người Việt đã mượn Z - con chữ cuối cùng của bảng chữ cái Latinh, nhằm phiên âm tiếng nước ngoài và ghi ký hiệu có tính quốc tế. 

Đại từ điển tiếng Việt (1999) của Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam chỉ ghi nhận: Zê-rô (zero), Zê-ta (zeta), Zích-zắc (ziczac) và Zn - ký hiệu hóa học của nguyên tố kẽm (zinc).

Sự lý thú của câu cửa miệng “Từ A đến Z” là bắt nguồn từ bảng ký hiệu của chữ cái. Một khi nghe ai sử dụng cụm từ đó, ta có thể hiểu là sự việc đó sẽ được diễn ra theo trình tự - từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc.

Chẳng hạn, một chàng trai “thả thính”: “Yên tâm đi, lúc nào em đám cưới, anh giúp cho em từ A đến Z” - tức giúp tất tần tật, không thiếu thứ gì, từ “Giúp em một thúng xôi vò/ Một con lợn béo, một vò rượu tăm/ Giúp em đôi chiếu em nằm/ Đôi chăn em đắp, đôi trằm em đeo”; đến cả “Giúp em quan tám tiền cheo/ Quan năm tiền cưới, lại đèo buồng cau”. Giúp như vậy “trọn gói”, không chê vào đâu được. 

Có phải chàng trai trong ca dao hào phóng, có nhã ý giúp cho cô nàng? Không, chỉ là một cách “khoe hàng”, ngụ ý nếu đám cưới với anh ta thì việc chuẩn bị lễ cưới đâu vào đó, đầy đủ “từ A đến Z”, không gì phải lăn tăn.

Có lẽ nhà văn Nguyễn Công Hoan là người trước nhất đem zéro/ dê rô vào tác phẩm văn học chăng? Năm 1942, khi viết vở kịch Tấm lòng vàng, ông cho nhân vật Đức có biệt danh “vua zéro” vì thường xuyên không thuộc bài, luôn bị thầy cho điểm 0. Điểm zéro ấy chỉ là con số không tròn vo nên còn gọi trứng ngỗng/ trứng gà. 

Nhà ngôn ngữ học Lê Ngọc Trụ, Lê Văn Đức có ghi nhận trong Việt Nam từ điển (1971) hẳn hoi đấy. Nói như thế, để thấy cách gọi ấy rất phổ biến, thậm chí nó còn đi vào thơ của thiếu nhi thời ấy: “Mười ba tuổi tập làm thơ/ Ngồi trong lớp học ngẩn ngơ nhìn trời/ Lắng nghe chim hót đầy vơi/ Quên lời cô giảng được xơi trứng gà”. 

Nay, hầu hết dùng từ “trứng ngỗng” là do trứng ngỗng to hơn nên sẽ ấn tượng hơn. Tương tự, đã có cụm từ “đường ổ gà”, tức “chỗ lõm xuống trên mặt đường, gây khó khăn cho xe cộ đi lại” như Đại từ điển tiếng Việt (1999) giải thích, nay còn bổ sung thêm “đường ổ voi” nhằm chỉ mức độ hư hại, lồi lõm “hoành tráng” hơn nữa.

Cùng âm dờ/ zờ nên “đôi bạn cùng tiến” Z và D đôi lúc có thể hoán đổi cho nhau, không ai bắt bẽ gì. Một khi viết/ nói Tặc-dăng hay Tặc-zăng thậm chí Tặc giăng cũng đặng. 

Do đó, không phải ngẫu nhiên trong quá trình cải cách chữ Quốc ngữ, đã từng có học giả đề nghị sử dụng Z thay D; không dừng lại đó, có ý kiến “triệt để” hơn đòi thay luôn cả GI, chẳng hạn, “giăng” có thể viết “dăng”, vậy sao không thay quách bằng “zăng” cho nó gọn (!). 

Có phải y bịa ra chi tiết này? Thưa không, nếu muốn tìm hiểu rõ hơn, xin tìm đọc quyển Vấn đề cải tiến chữ quốc ngữ của Viện Văn học, Ủy ban Khoa học Nhà nước (NXB Văn Hóa, 1961) thì rõ.

Đại khái, theo tài liệu của nhà từ điển học Hoàng Phê, trước hết phải kể đến Le Grand de la Liraye, trong quyển Từ điển Việt - Pháp in tại Sài Gòn (1868), ông đề nghị nhiều thay đổi, trong đó “D thay cho Đ, Z” v.v… tức loại bỏ Z. Rồi một sự kiện đầu tiên quan trọng nhằm cải cách chữ Quốc ngữ có quy mô lớn, đó là Hội nghị Quốc tế khảo cứu về Viễn Đông lần thứ nhất, họp tại Hà Nội vào cuối năm 1902. 

Hội nghị này đã cử ra Tiểu ban chữ viết ghi âm, gồm 9 người, chỉ có một người Việt là Tổng đốc Hoàng Trọng Phu. Với nhiều cải tiến được đặt trên bàn hội nghị đã nổ ra nhiều cuộc tranh luận nảy lửa, cuối cùng cũng chẳng nên cơm cháo gì.

Đến năm 1906, vấn đề cải tiến chữ Quốc ngữ lại được nêu ra, đó là các cuộc họp tại Hội đồng cải lương học chính của Chính phủ Pháp tại Đông Dương. 

Đứng đầu Tiểu ban là nhà giáo Edmond Nordemann, trong đó lại có kiến nghị: “Dùng D thay cho Đ; Z thay D, và J thay cho GI (gia, viết ja)” v.v… Chưa hết, thân phận mẫu tự Z còn được bàn đi bàn lại chán chê. Chẳng hạn, ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cuối năm 1946, Ban chuyên môn Bình dân học vụ Trung ương đã soạn thảo văn bản cải cách chữ Quốc ngữ, trong đó, “Dùng Z thay cho D và D thay cho Đ” v.v…

Dù bàn luận, cải cách thế nào đi nữa, như một lẽ tự nhiên phù hợp với quy luật vận động ngôn ngữ, đến nay Z cứ vẫn là Z. Oanh liệt quá đi chứ?

Chữ nghĩa kỳ thú

Mà ngộ thiệt, với mẫu tự Z có lúc thay thế cả D/ GI/ TR, do đó, dù cách ghi âm còn nhập nhằng nhưng rồi người Việt lại chấp nhận. Thí dụ, dung dăng dung dẻ/ giung giăng giung giẻ; bánh gio/ bánh tro - tức loại bánh làm bằng gạo nếp ngâm trong nước tro.... “Bờ Hồ những gió cùng giăng/ Những giăng cùng gió, lăng nhăng sự đời/ Ai lên, ta hỏi ông Giời:/ Bầy chi giăng gió? cho người gió giăng?” (Tản Đà). Rõ ràng TR đã được hoán đổi qua GI.

Mà D cũng có lúc thay thế R, chẳng hạn duồng dẫy/ ruồng rẫy; dẫy vợ/ rẫy vợ (tức để vợ/ bỏ vợ); day dứt/ ray rứt… Đôi khi D “cao hứng”  biến thành GI, chẳng hạn, giấy dó/ giấy gió; bánh dầy/ bánh giầy… 

Nếu viết đúng chính tả phải là giấy dó -  gọi theo tên một cây mà Việt Nam tự điển (1931) giải thích: “Dó: tên một thứ cây lấy vỏ để làm giấy ta”; bánh giầy, theo Đại từ điển tiếng Việt: “là bánh có hình tròn khum khum, màu trắng, rất dẻo, mịn mặt, làm bằng xôi trắng giã nhuyễn, khi ăn cặp với giò chả...”. 

Một lần nữa, xin nhấn mạnh, hoàn toàn không có loại bánh nào có gọi tên bánh dầy/ dày.

Dù vẫn biết, D và Z có thể hoán đổi nhau nhưng lại có lúc cả hai phải “dính chùm” cho bằng được. Khi một người Nam Bộ bảo: “Nói dzậy mà hổng phải dzậy” thì mặc nhiên phải viết “dzậy”, chứ nếu viết dậy/ zậy thì chưa phản ánh đúng tinh thần nhấn mạnh có tính hài hước, bông lơn của từ “dzậy”. “Dzậy” đúng là/ hiểu là “vậy” - nhưng ở đây ghi theo cách phát âm của người Nam Bộ, và dần dần được các vùng miền khác chấp nhận. Trong khi đó, từ điển chính thống vẫn chưa ghi nhận từ “dzậy”.

Tương tự, từ điển vẫn chưa ghi nhận mắc zịch, chỉ có mắc dịch - có thể hiểu là mắc bệnh dịch, bệnh truyền nhiễm nhưng không chỉ có thế. Chẳng hạn, một người bình luận: “Cứ thấy gái đẹp là thả dê. Thằng chả đúng là thứ mắc dịch” - nhằm chê kẻ đó mất nết, không đứng đắn. 

Nhưng khi người mẹ mắng con: “Về nhà rồi à? Cái thằng mắc dịch kia, sao lên tiếng, mày làm má hết hồn” - lại là câu trách nhẹ nhàng, mắng yêu, chứ không chì chiết, phỉ báng như câu trên. Thế mới thấy, cùng một “mắc dịch” nhưng hàm nghĩa lại khác nhau.

Vậy, có ai viết mắc zịch không? NXB Trẻ đã in tập truyên dài rành rành cái nhan đề Những đứa trẻ mắc zịch. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho biết: “Thoạt nhìn thấy chữ “mắc zịch”, tôi băn khoăn quá. Tôi nói với tác giả: “Sao ông đặt tên sách cà rỡn thế này?”. 

Trần Nhã Thụy tủm tỉm: “Thì anh đọc truyện đi đã”. Tôi đọc, thì ra “mắc zịch” không phải là... “đồ mắc dịch” mà là biến âm của “magic” - “ảo thuật”. 

Không những thế, với Z, ta còn zích zắc (ziczac) là đường gấp khúc nhưng một khi du nhập vào tiếng Việt lại mang hàm nghĩa mới, chẳng hạn, người nọ phán một câu xanh rờn: “Cậu muốn nhanh thăng quan tiến chức à? Đừng tưởng bở, đường đi còn dích dắc lắm”. 

Dích dắc ở đây là quanh co, có sắc thái tiêu cực, không minh bạch, rõ ràng. Tương tự, zéro là số 0 nhưng lại còn dùng để chỉ người bất tài vô tướng, chẳng tài cán: “Tưởng gì, lúc đụng chuyện, thằng chả chỉ là số zéro to tổ chảng”.

Rắc rối thiệt.

Lan man với mẫu tự Z kể ra cũng lý thú quá đi chứ. Nghĩ thế, bèn viết bài đồng dao ru con, có câu: “Tò te cây me đánh đu/ Tặc zăng nhảy dù…”/ em óe òe oe/ Con quạ nó đứng đầu hè/ Nó kêu bớ mẹ nấu chè chín chưa?”. 

Lê Minh Quốc
.
.