Ngoảnh lại tuổi thơ, thấy “bếp ấm của mẹ”…

Thứ Năm, 23/11/2017, 16:47
Không tình cờ, tên sách Bếp ấm của mẹ được tác giả Đỗ Phương Thảo đặt phụ đề: Quê hương, gia đình và tuổi thơ tôi.

Bởi thế, cả cuốn sách đã nương theo xúc cảm ngoảnh lại tuổi thơ, để tìm về, để rưng rưng xúc cảm về cả quá trình lớn khôn của chính người viết. 

Lớn khôn từ quê hương, từ nếp nhà mình, từ căn bếp của tuổi thơ mồ côi, thiếu vắng tình ruột thịt, vì cha mẹ mất sớm. May nhờ ngọn lửa được nhen lên từ bếp ấm của người mẹ đã khuất và được gìn giữ, tiếp nối bởi người trong họ hàng nội ngoại đã nuôi dưỡng và sưởi ấm tác giả suốt cuộc đời dài. 

Cho đến nay, gần tuổi 80, bỗng xui khiến Đỗ Phương Thảo cầm bút viết Bếp ấm của mẹ, với tâm thế quay về tuổi thơ, trong giọng kể trữ tình, hồn hậu, ấm áp hệt như tên cuốn sách.

Như thế, câu chuyện xuyên suốt cuốn sách chính là chuyện về tuổi thơ tác giả, trên nền cảnh đậm đà của quê hương và gia đình tác giả, ở tiểu vùng Phố Hiến, thuộc một trong sáu vùng văn hóa Việt, đó là vùng văn hóa Bắc Bộ. 

Và cuốn sách còn được đặt trên một tình huống độc đáo về văn hóa sống: tác giả được dạy làm người, thông qua việc học nấu các món ăn quê kiểng truyền đời, từ người thân yêu ruột thịt, từ phố Hiến, Hưng Yên lên đến Phố cổ Hà Thành. Và cho đến giờ, văn hóa sống ấy vẫn được tác giả lưu giữ bền vững trong ngôi nhà cổ có gian bếp ấm của mình: 39A phố Lý Quốc Sư, Hà Nội….

Lê Thiều Hoa, con gái thứ của Đỗ Phương Thảo, đầu tháng 11-2017, được mẹ Thảo tặng, đã bầy sách của mẹ ngay trong gian bếp ngôi nhà mình ở TP. HCM, với dòng bình luận đầy cảm kích trên facebook: “Bếp ấm của mẹ đã làm cho bếp nhà con bớt lạnh”. 

Tôi ngẫu nhiên giống Hoa, do mất mẹ đã dăm năm, cũng đặt sách trên bàn ăn trong bếp và đọc với niềm rưng rưng khôn tả về gian bếp của tôi mất mẹ đã lâu. Không còn thấy dáng mẹ tảo tần đi chợ, nấu nướng cho tôi khi lâm bệnh. 

Chân dung Đỗ Phương Thảo qua nét vẽ của họa sĩ Lưu Công Nhân.

Và càng thấy xót thương, cảm phục người bạn vong niên Đỗ Phương Thảo mà tôi xưng em, gọi chị Thảo, đã biết đong đầy tình yêu thương, khi kể lại trong cuốn sách vừa được NXB Trẻ ấn hành, bằng một giọng văn chứa chan cảm động, về căn bếp tuổi thơ, mà nhờ lửa ấm của tình mẹ, truyền sang người thay thế cha mẹ, là vợ chồng người bác ruột, rồi vú em, anh chị em họ, đã cùng cất công nuôi dạy cô Bé (tên thân mật hồi bé của chị Thảo) khôn lớn thành người. 

Nhà báo Vũ Thủy viết tựa đề sách của Đỗ Phương Thảo: “Nếu ngôi nhà có một trái tim, thì nó phải nằm trong trong gian bếp của mẹ”. 

Tôi muốn viết tiếp cho tròn nghĩa: “Và trái tim của gian bếp ấy chính là trái tim của mẹ”. Và mẹ, trong sách đã thành biểu tượng ấm áp về tình yêu thương của người cùng dòng họ, đã bao bọc cô cháu mồ côi từ khi mới lên một tuổi (Đỗ Phương Thảo sinh 1940, cha mẹ mất 1941).

Theo dòng hoài niệm miên man của tác giả, cuộc sống mồ côi từ bé ấy của Đỗ Phương Thảo, cùng 4 anh chị ruột, ngay thời đó, đã thành “gia cảnh bi thương làm nao lòng cả thị xã Hưng Yên”. 

Những người có quyền hạn về giáo dục của thị xã, theo tác giả, “đã thanh kiểm tài sản của bố mẹ tôi để lại rồi thống nhất quyết định trao quyền giám hộ cho bà bác ruột (chị ruột của bố tôi). Bác đã thay mặt bố mẹ tôi nuôi dưỡng và dạy dỗ năm anh em chúng tôi”. 

Cuộc sống của nhân vật cô Bé, đã được chính tác giả coi là may mắn. Theo cảm nhận tinh tường của tác giả, thì bác gái vốn là người đàn bà đẹp và phúc hậu, sống mộc mạc, giản dị, buôn bán tháo vát, đảm đang việc nhà, nhất mực chiều chồng, thương con, thương cháu, và đặc biệt, bà có tấm lòng vị tha quảng thiện. 

Bác giai là người hiền lành, ít nói, dễ xúc động trước cảnh ngộ nghèo khổ, lại được bác gái rất đồng cảm với nỗi buồn của bác giai nên hễ nghe bác giai than thở về nỗi khổ của ai là bác gái lại tìm đến để an ủi, sẻ chia, giúp đỡ. Hai bác sinh được 6 người con, 2 trai, 4 gái. 

Bìa cuốn “Bếp ấm của mẹ” và...

Chị gái lớn lấy chồng xa, anh cả lên Hà Nội làm việc, chỉ còn chị dâu Cả, ở nhà đảm đương, chăm sóc bố mẹ chồng và các em chồng ăn học. Chị Cả không đẹp nhưng duyên dáng, hiền thục, tính tình mộc mạc, rất hợp với mẹ chồng. Chị Cả lại có giọng nói điềm đạm, tình cảm, rất hợp với bố chồng. 

Ba nhân vật trong cuốn hồi kí này đã tác thành một tam giác tình thương, đủ đầy và chắc chắn cho suốt thời thơ bé như tâm sự của tác giả, họ đã “bù đắp cho tôi nỗi thiếu thốn thiệt thòi của một đứa trẻ mồ côi”. 

Ngay từ bé, tác giả đã vỡ lẽ một điều giản dị về tình thương: “Có lẽ nhờ cách sống vị tha phúc hậu của bố mẹ tôi và các bác tôi mà anh chị em tôi được hưởng trọn vẹn tình thương yêu của cả họ hàng và bà con trong phố xá”.

Nhân vật cô Bé cứ thế lớn lên trong cái tam giác đong đầy tình thương ấy của bộ ba: bác trai - bác gái - chị dâu Cả. Bác trai thì dạy chữ nghĩa, luôn để mắt kiểm tra sách vở của Bé trong phòng học, còn bác gái thì dạy các chị của Bé làm món ăn đãi khách. 

Cô Bé rất thích nhà có khách, để được vào bếp cùng chị tỉa tót, bày biện món ăn. Và cô bắt đầu học lỏm được cách nấu một số món ăn, khi nghe bác gái  đích thân vào bếp truyền dạy cách nấu nướng cho các chị gái đãi khách…

Và món ăn đầu tiên cô Bé được học lỏm là món bún thang. Món này được tác giả miêu tả kĩ lưỡng, sống động và hấp dẫn trong gần 4 trang sách. Từ cách ninh xương lợn, hòa vào nước luộc gà, ninh đầu tôm he, làm nước dùng, đến cách chặt gà, lách lườn gà để nguội xé mỏng làm nhân đặt trên bát bún thang. 

Vì bún thang cần ăn nóng, nên bác gái cô Bé đã làm thêm món thứ hai là món cuốn, coi như “món ăn vui trước khi ăn bún thang, để có thể vừa ăn, vừa trò chuyện”.

...hình ảnh một số món ăn trong sách.

Bác gái vừa dạy làm món thang, món cuốn, vừa cho con cháu thấu hiểu rằng nghệ thuật làm bún thang vốn là cổ lệ của người Hưng Yên đãi khách, nhất là hai vị khách lại là hai người họ hàng thân thiết: bác Hồng là chị của mẹ cô Bé, và dì Hạnh là em mẹ cô Bé, từ quê ngoại Bắc Ninh sang Phố Hiến chơi. 

Dạy xong 2 món: bún thang và cuốn, bác gái lại tỉ mỉ chỉ dạy cách bầy biện khi dọn món, phải là sự tinh tế trong kết hợp các thành tố của từng món (bác đòi bỏ húng chó và mùi tàu già khỏi món cuốn, chỉ để mùi tàu non cho hợp vị), để bắt mắt và lên hương thức ăn, đánh thức các giác quan ẩm thực của thực khách. 

Tác giả đã kêu lên sung sướng khi “món cuốn được bày lên trước trông thật đẹp mắt. Đẹp quá! Đẹp đến mức tôi không muốn cho ai động vào làm hỏng nó đi”. 

Và tác giả, hạnh phúc khi bữa ăn đầu tiên của sách Bếp ấm của mẹ đã diễn ra trong “không khí thật ấm cúng”. Chuyện quanh mâm cơm nở như cơm gạo vàng. Nhân vật Bé lúc ấy đã chỉ biết vui sướng ăn cơm do dì Hạnh xúc và hóng chuyện. Và “câu chuyện cứ tiếp nối như thế và cứ đi sâu mãi vào kí ức” cô Bé…

Và cứ thế, sách Bếp ấm của mẹ của chị Thảo đã vượt ngưỡng rất xa một cuốn sách dạy làm món ngon cổ truyền vùng châu thổ sông Hồng, dù chị Thảo chăm chú kể chuyện làm bếp, đưa ra những ngón nghề gia truyền khi làm các món ngon cổ truyền, từ Phố Hiến Hưng Yên đến phố cổ Hà Nội.

Xét về miêu tả ẩm thực, Bếp ấm của mẹ đã lên chữ cho hơn 40 món ngon cổ truyền thật tươi tắn, sinh động trong sách này. Sau bún thang và món cuốn cặp đôi với nhau trong bữa ăn đầu, tác giả khéo dẫn dụ sang món ốc hấp và lươn om, với lý giải thú vị về sự song đôi: “món này (ốc) các cụ thường hay mời nhau vào những đêm trăng tháng tám, vừa nhắm rượu vừa bình thơ, đến khuya, khi đã vào lúc trăng lu cũng là lúc đã quá giấc, muốn cho đêm khuya dễ ngủ các cụ ăn thêm vài thìa lươn om thì ngủ tốt lắm. Vì thế ốc hấp phải đi với lươn om”. 

Và có điều thơm thảo nữa, bác gái muốn ân cần chúc dì Hạnh “làm món này thật thơm ngon để cúng bà, như vậy là chị em mình làm đúng theo lời dạy của bà, bà sẽ chứng tâm cho chị em mình…”.

Rồi cô Bé cứ dần lớn lên trong vòng tay yêu thương của họ hàng nội ngoại. Càng lớn cô Bé càng yêu làm bếp và học được nhiều món mới từ bác Ký, cũng là chị ruột bố, thật giỏi giang bếp núc. Cô Bé học nấu món cháo cho người mệt, đến các món cho giỗ tết, bánh trái, mứt, kẹo, rồi học tiếp các món cỗ bàn từ nơi tỉnh thành, đến các món quê kiểng.

Rồi nhân vật cô Bé bắt đầu va chạm với sự thương đau: nạn đói 1945, người ăn xin, người đói chết đầy đường. Người bác giai yêu quý của cô Bé vì cảm thương cảnh chết đói mà lên cơn đau tim và đột ngột qua đời. 

Rồi anh chị em cô Bé phải đi tản cư, chạy giặc, xa quê hương, cùng nhau trải qua cuộc kháng chiến chống Pháp. Và cô Bé vẫn vừa học, vừa vấn vương duyên nợ với bếp kháng chiến. Kháng chiến thành công, chị em dắt díu nhau về lại quê hương. 

Bác gái đã lên Hà Nội ở với anh cả, chị em lại dắt díu nhau lên Hà Nội sum họp với bác gái cùng vợ chồng anh chị Cả. Cô Bé lại được vào bếp Hà Nội cùng chị Cả như ngày nào còn ở phố Hiến. 

Cô Bé bồi hồi nhớ bác Ký ngày xa xưa thường về chơi, mang theo bánh quế thơm phức và món canh bánh đa cá rô đồng. Hà Nội từ đây đã là nơi ở mới của cô Bé, cùng với sự phát hiện của chị Cả: lúc nào cũng thấy cô Bé “quanh quẩn bên chị và các bác để xem chị và các bác nấu nướng làm các món bánh trái. 

Đến đây thì chính tác giả đã không kìm được lòng mà thốt lên: “Đấy là thứ mà tôi đam mê nhất!”. Vì thế, Bé đã được vào học Trường Trưng Vương để đeo đuổi môn Nữ công gia chánh mà trường này là nơi đào tạo uy tín nhất.

Trải qua nhiều biến cố nữa của sự mất mát người thân, của sự bất đồng quan điểm sống với người anh ruột của mình, cuối sách, cô Bé đã có cơ duyên được gặp một nhân vật đặc biệt, anh Lê Thọ, người thích hợp hoàn hảo với đam mê nấu nướng của cô Bé, lúc này đã là thiếu nữ và chưa bao giờ quên nấu nướng những món ngon được học từ bác Tam (bác gái) và chị Cả, con dâu của bác. 

Lê Thọ đã nói với Bé những lời chí tình: “Em đã học được món gì thì cố mà giữ lấy, văn hóa ẩm thực truyền thống là quý lắm!”. Vốn văn hóa ấy, anh dặn Bé không được để mất, rồi sẽ có điều kiện để phục hồi lại hết, và hối thúc: “Em nhớ được đến đâu thì cứ ghi chép lại, sẽ có lúc dùng đến, đừng để nó mai một mất”.

Những lời chí tình ấy khiến nhân vật Bé sáng ra nhiều điều, thấy bớt hoang mang và thêm hy vọng, bởi anh Thọ đã cho Bé cơ hội lớn: Học tiếng Trung Quốc để sang Trung Quốc học nghề quay phim. 

Tuy không sang được Trung Quốc, chị Phương Thảo vẫn theo học nghề này ở Việt Nam và sau đó, đã trở thành chính mình: nhà quay phim nữ đầu tiên và duy nhất của điện ảnh Việt. Và là người nấu món ăn và làm bánh cổ truyền thuộc loại ngon nhất nhì phố cổ Hà Nôi.

Tất cả những gì được tác giả viết trong Bếp ấm của mẹ, vì thế đã thành tinh túy, khi ôm chứa câu chuyện về cuộc đời riêng của một phụ nữ Việt hiện đại, mà số phận gắn liền với sự trưởng thành từ chính gian bếp ấm của mẹ. Và bao trùm lên cuốn sách vẫn là một tâm thế văn chương độc đáo trong một giọng kể chân tình, thiết tha, đẫm đầy tình hoài cảm, mang hơi thở ấm nóng của thể loại tiểu thuyết. 

Cũng không ngạc nhiên, bởi chính tác giả đã kinh qua việc viết tiểu thuyết Mẹ và con, NXB Hà Nội 1988, NXB Hội Nhà văn tái bản năm 2010. Chắc hẳn bạn đọc nào từng yêu thích cách kể chuyện sống động, duyên dáng trong cái viết văn của Đỗ Phương Thảo và cả cái cách ứng xử ấm áp của chị Thảo trong đời thường, sẽ sẵn lòng đón đọc cuốn sách thơm thảo tình người này của nữ tác giả…

Cuối thu, sắp lập đông Hà Nội, đầu tháng 11-2017.
Nhớ mẹ tôi mùa Vu Lan

PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Thái
.
.