Câu chuyện về một món ăn

Chủ Nhật, 22/11/2015, 15:18
Trong một thời đại quá văn minh nhưng chứa nhiều nguy cơ, thì trên nhiều làng quê của chúng ta vẫn còn giữ lại những phong tục có từ nhiều đời trước. Một trong những phong tục ấy là phong tục biếu cỗ. Hàng năm, vào ngày Rằm tháng Bảy, người làng tôi có tục biếu cỗ.

Cho đến tận bây giờ, vào những năm của thập niên thứ hai thế kỷ 21, những năm mà, thế giới gần như được thu nhỏ lại trong một màn hình mấy inch của iPhone; Và là những năm làm cho tôi có cảm giác, chúng ta không còn bất cứ nơi nào có thể giấu được mình trước con mắt của thiên hạ nữa, tôi luôn có cảm giác, có những đôi mắt luôn đi theo chúng ta kể cả khi ta đào một căn hầm và chui vào đó. Bạn sẽ mang trạng thái tâm lý như thế nào khi bạn luôn lộ ra trước thiên hạ kể cả khi bạn thay đồ hay ở trong phòng tắm.

Thế nhưng, trong một thời đại quá văn minh nhưng chứa nhiều nguy cơ, thì trên nhiều làng quê của chúng ta vẫn còn giữ lại những phong tục có từ nhiều đời trước. Một trong những phong tục ấy là phong tục biếu cỗ. Hàng năm, vào ngày Rằm tháng Bảy, người làng tôi có tục biếu cỗ.

Cứ đến Rằm tháng Bảy, gia đình nào ở làng tôi cũng chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng cho ngày này. Để chuẩn bị làm cỗ cho Rằm tháng Bảy, người làng tôi phải chuẩn bị trước đó cả tháng. Bởi thuở trước, kinh tế vô cùng khó khăn, mọi thực phẩm chuẩn bị làm cỗ Rằm tháng Bảy không dễ dàng như bây giờ. Mâm cỗ cúng rằm tháng Bảy của các gia đình làng tôi có bốn món mà từ đời nảo đời nào đã như thế và không hề thay đổi. Đó là các món: canh ốc nấu chuối với nghệ và mẻ, thịt vịt, canh miến và xôi đỗ xanh.

Món canh ốc nấu chuối với nghệ và mẻ là món cho dù thế nào cũng không thể thiếu trong mọi gia đình. Bà tôi nói vì xưa kia làng nghèo quá. Đến ngày rằm tháng Bảy, người làng không thể có gà vịt hay thịt cá gì để cúng tổ tiên và biếu ông bà, cha mẹ. Quanh làng là những cánh đồng và đầm nước nên rất nhiều ốc. Chính thế mà chỉ biết nấu món canh ốc như vậy để dâng lên tổ tiên và ông bà, cha mẹ còn sống. Cũng vì thế mà món canh ốc đã trở thành món truyền thống trong mâm cỗ ngày rằm tháng Bảy.

Ngày rằm tháng Bảy hầu như làng tôi chẳng có ai ra đồng làm việc. Tất cả ở nhà để chuẩn bị nấu cỗ cúng rằm. Khi cỗ nấu xong, người ta múc một bát canh ốc, một cái đùi vịt, một bát miến dong và một đĩa xôi để đi biếu. Con biếu cha mẹ, cháu biếu ông bà, con rể biếu bố mẹ vợ, các em biếu anh chị khi mà cha mẹ không còn. Cỗ biếu thường được xếp vào những chiếc chậu đồng lớn hoặc mâm đồng, úp cái nón lá ở trên và đội trên đầu.

Ảnh: LG.

Vào khoảng 10h sáng ngày rằm tháng Bảy đường làng bắt đầu tấp nập người đi biếu. Người biếu khi đến nhà người được biếu phải thưa gửi rất rõ ràng và đầy tôn kính. Khi người được biếu đồng ý nhận thì người đi biếu mới vào bếp lấy bát đĩa của người được biếu để chại đồ biếu sang. Nghĩa là chuyển cỗ biếu sang bát đĩa của người được biếu. Từ “chại” là một từ cổ mà người làng tôi vẫn dùng.

Cho đến ngày nay, vẫn nhiều người làng còn dùng từ đó. Thường là người được biếu cho lại người đi biếu một món ăn trong mâm cỗ nhà mình hoặc không nhận một món biếu nào đó khi nhà mình cũng có nhưng món ốc thì lúc nào họ cũng nhận. Có lẽ vì món ốc là một món ăn có ý nghĩa truyền thống đặc biệt trong ngày Rằm tháng Bảy của người làng tôi.

Để có món canh ốc nấu chuối với nghệ và mẻ, các gia đình phải chuẩn bị ốc từ trước đó cả tháng. Mỗi ngày, họ tranh thủ đi mò ốc. Mỗi mẻ ốc, họ chọn ra những con ngon nhất và đều don vào một cái vại sành. Hàng ngày họ đổ nước vo gạo mới vào ngâm ốc. Làm như thế, ốc vẫn có thức ăn là nước gạo đồng thời nước gạo cũng làm sạch ốc. Khi họ don đủ chừng 200 con ốc thì mới đủ nấu nồi canh ốc cho Rằm tháng Bảy.

Cùng với món canh ốc là món vịt luộc. Vịt cũng là loại gia cầm mà làng tôi nuôi nhiều nhất. Đặc biệt ngày trước, gà chỉ nuôi để lấy trứng chứ ít khi giết thịt trừ Tết Nguyên đán. Còn vịt nuôi quanh năm. Nhà nào cũng nuôi một đàn vịt ít nhất là mươi con. Vịt cứ thả rông ngoài đồng hoặc ở các ao đầm. Tối đến thì người làng mới lùa vịt về chuồng nếu là vịt đang mùa đẻ trứng.

Còn với vịt đang lớn thì họ cứ để vịt ngủ qua đêm trên bờ đầm, bờ ao hay ngoài ruộng. Thời đó, việc ăn cắp gà vịt hầu như không có. Chính vì vịt là loại gia cầm phổ biến nên một trong hai món chính trong mâm cỗ của ngày rằm tháng Bảy là vịt luộc. Một cái đùi vịt được cắt rộng và không bao giờ thêm một thứ gì khác của con vịt vào đó. Ngày nay, gà được nuôi nhiều nhưng ngày rằm tháng Bảy làng tôi vẫn chỉ là thịt vịt.

Hồi còn nhỏ tuổi, rằm tháng Bảy nào tôi cũng muốn được đi biếu cỗ bà ngoại tôi. Tôi chạy lon ton sau mẹ tôi vào đến cuối làng nhà bà ngoại tôi ở đó. Sau này, mẹ tôi để chị tôi đi biếu cỗ bà ngoại, tôi lại chạy theo chị tôi như thế. Cho đến khi tôi mười bốn, mười năm tuổi thì mẹ cho tôi được đội cỗ đi biếu bà ngoại. Khi đặt cái chậu đồng lên đầu cho tôi, lúc nào mẹ tôi cũng dặn đi dặn lại tôi phải đi cẩn thận. Vì cũng đã có người vấp chân mà đổ cả mâm cỗ biếu. Giờ đây, đời sống đã khác xưa quá nhiều; biết bao nhiêu điều đã đổi thay, nhưng tục biếu cỗ rằm tháng Bảy của làng tôi vẫn còn.

Mấy năm trước, một người bạn về chơi nhà tôi đón rằm tháng Bảy đã vô cùng ngạc nhiên đứng nhìn những người đội cỗ biếu đi lại trên đường làng. Tất nhiên bây giờ, nhiều người không dùng chậu đồng hay mâm đồng đựng cỗ biếu nữa. Mà thời nay, cũng có quá ít nhà dùng đồ đồng nữa. Gia đình tôi vẫn còn lại chiếc chậu đồng ngày trước chỉ để đựng cỗ biếu. Bây giờ có người cho cỗ biếu vào những chiếc làn nhựa treo vào xe máy và phóng ầm ầm trên đường làng. Bây giờ, cũng rất ít nhà don ốc như ngày trước, có những người làng làm nghề mò ốc để bán cho các gia đình nấu món canh ốc làm cỗ.

Món canh ốc ngày nay đối với nhiều người không phải là một món ăn đắt tiền hay đặc biệt, nhưng với những người làng tôi thì đó là món ăn chứa đựng trong đó một phần lịch sử của làng. Món ăn đó làm cho những người hôm nay nhớ về tổ tiên ông bà mình, những người đã dựng lên ngôi làng đó. Nó là một món ăn có vẻ bình dân nhưng lại làm ra một nếp sống. Nấu món ăn đó chính là thái độ biết ơn của người nay đối với tổ tiên ông bà mình. Người Việt Nam có câu: “Giấy rách phải giữ lấy lề”. Cho dù cuộc sống có nhiều thăng trầm, biến đổi, những lề thói của một gia đình, một dòng họ và một quốc gia không thể đổi thay.

Cách đây hai chục năm, những người già làng tôi đã yêu cầu con cháu dựng lại cái cổng làng xưa đã bị phá dỡ chẳng hiểu lý do gì. Khi có ý kiến không cần phải dựng lại cổng làng, các cụ già trong làng đã nghiêm khắc nhắc nhở con cháu mình: “Chúng tôi không yêu cầu các anh các chị dựng lại cái cổng làng mà là dựng lại bốn chữ trên cái cổng đó. Bốn chữ ấy là: VỌNG TỰ NHẬP XUẤT. Các cụ già giải thích bốn chữ này là: nhìn chữ để biết việc ra vào phải như thế nào. Đấy là nghi lễ. Những hậu duệ của làng hiểu đơn giản bốn chữ ấy là: Chữ là văn hóa. Phải có văn hóa mới biết ứng xử với cuộc đời này. Nghe vậy, con cháu trong làng đã cùng nhau góp công góp của xây dựng cái cổng làng như bây giờ để dựng lên bốn chữ như một bài học giản dị và sâu sắc của người xưa. Khi viết câu chuyện này, tôi nhận thấy có biết bao vẻ đẹp và những lễ nghĩa truyền thống của tổ tiên, ông bà mà chúng ta đang ngày một lãng quên và rời bỏ. Người Việt Nam cũng có câu “của cho không bằng cách cho”. Ngày nay, đời sống vật chất của người Việt Nam đã thay đổi quá nhiều.

Cách đây chỉ mới 30 năm thôi, thử hỏi có ai hình dung nổi đến bây giờ những người nông dân của những làng quê nghèo đói lại có xe máy và thậm chí cả ôtô. Thế nhưng, một điều ai cũng nhận ra rằng: đời sống vật chất ngày càng cao thì cũng có nhiều vẻ đẹp, sự tôn ti, lề thói đẹp, những nghi lễ... cũng dần mất đi. Nếu chúng ta không nhận ra điều ấy mà tìm cách giữ lại thì đến một ngày, chúng ta xòe bàn tay mình ra và nhận thấy chúng ta chẳng có chút tài sản nào đáng giá cho tâm hồn chúng ta ngoài những phương tiện vật chất.

Chỉ một hành động đơn giản như cất một lời mời những người lớn tuổi hơn trước khi ăn cơm, việc lấy tăm, rót chén nước mời ông bà, cha mẹ và những người lớn tuổi sau khi ăn... chính là những hành động làm nên cả một nền văn hóa. Những hành động như vậy chẳng bao giờ lỗi thời. 

Một đất nước Á Đông phát triển thành một trong những nước giàu có nhất và văn minh nhất trên thế giới là Nhật Bản mà bao nghi lễ truyền thống trong đời sống ngày ngày vẫn được thực thi một cách vô cùng nghiêm túc và thiêng liêng. Bởi những điều giản dị đó lại là những yếu tố vô cùng quan trọng trong việc bảo đảm sự bền vững và thúc đẩy phát triển của một quốc gia. Và nguyên lý ấy không phải chỉ dành riêng cho nước Nhật mà là nguyên lý chung cho mọi quốc gia.

Hoàng Dương
.
.