Xóm chài Vĩnh Tân ngày cuối năm: Có cơn gió rất buồn thổi qua

Thứ Năm, 10/01/2019, 17:04
Có lẽ ít người hiểu được đằng sau mỗi chuyến đi biển của những người ngư dân trong cái xóm chài nghèo có tên xóm 7 này là cơm áo, là nợ nần, là hình ảnh mẹ già ngồi ngóng, vợ trông chồng, con nhớ cha từ mái nhà các làng chài ven chân sóng ở xóm 7, thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.


Nhọc nhằn biển mùa gió Bắc, gió Nam

Căn nhà của vợ chồng chị Phương và anh Tâm ọp ẹp không thể ọp ẹp hơn, tồi tàn không thể tồi tàn hơn, nằm lọt thỏm trong con hẻm sâu của xóm. Khi tôi đến, vợ chồng chị cùng hai con gái đang ăn cơm. Mâm cơm đơn giản với 4 chén cơm còn nghi ngút khói và duy nhất vài miếng thịt kho trứng. Từ hiên nhà anh chị tôi nhìn ra bên ngoài, trời Vĩnh Tân vào đêm, nhà máy nhiệt điện lên đèn, những ngọn đèn vàng sáng trưng, rực rỡ.

Anh Tâm nghỉ đi biển hơn tháng nay vì sức khoẻ anh đang dần yếu bởi mấy lần bệnh ngoài khơi xa, lại thêm đang mùa khan hiếm cá tôm, tàu bè phải đi xa bờ hơn cũ, có khi ra tận Phú Quý. Dạo này anh Tâm ho rất nhiều nên không chịu được, đành ở nhà. Chị Phượng đành bỏ hẳn nghề buôn cá ngoài chợ, chuyển sang làm công nhân phụ hồ và bưng bê sắt thép cho nhà máy, một công việc tưởng chừng chỉ phù hợp với đàn ông.

Bình minh trên biển.

Chị Phượng tâm sự rằng, dẫu biết là nặng nhọc vậy nhưng chị cũng không còn lựa chọn nào khác. Chồng chị yếu lắm, nếu đủ sức khoẻ thì đã đi làm biển rồi, biển là nghề của ông bà gắn bó mấy mươi năm, cũng có thể gọi là nghề gia truyền. Chồng nghỉ đi biển đã buồn rồi, mình cố vun vén bằng số tiền kiếm được ráng cho hai đứa con được bữa ăn no bữa nào là đã vui mừng bữa đấy.

Cũng như ngày anh chị đến với nhau, thật giản đơn, một mâm cơm dưới chứng kiến của hai nhà, không cưới hỏi rình rang, tuy nghèo vẫn hạnh phúc. “Anh chị chưa bao giờ nặng nhẹ với nhau dẫu khổ mấy, mình sống với nhau, mình hiểu nhau rồi”, chị Phương nhẹ nhàng nói với, trong căn nhà cũng đơn sơ nhưng chợt thấy ấm áp hơn trong một tối lâm râm mưa.

“Ngày trước, biển quê mình nhiều cá lắm”, anh Tâm buồn buồn nhớ lại. Chuyến ghe giã nào cũng đầy những loại cá. Cá thành bữa ăn chính trong mỗi gia đình, cá là món trao đổi ngoài chợ, cá đem bán để có tiền, cá là những bộ đồng phục, là bút tập theo các con anh chị đến trường học… Bây giờ cá hiếm, những thứ tưởng chừng như bình thường ấy trở nên khó khăn hơn.

Bữa cơm tối nhà chị Phương - anh Tâm.

“Rau xanh hả, rau mắc hơn thịt cá”, chị Phương cười, xưa rau nhà chị tự trồng tự ăn được, nhà ai cũng có vườn rau, có giàn bí mướp này nọ, nhưng rồi đất trở nên chai sần, mất chất dần đi, cây to lớn như cổ thụ còn chịu không nổi, khô cong rồi chết. Nói gì đến những luống rau đọt mong manh. Giờ rau ở quê mắc ngang thịt cá. Mọi thứ cái gì cũng tăng lên, chỉ có thu nhập là tụt xuống. 

Những lời chia sẻ rất thật tình, không trau chuốt mà khiến người nghe xúc động vô cùng. Có những hạnh phúc rất đơn sơ, và để giữ được hạnh phúc ấy, đôi khi người ta phải gánh thêm nhiều tảo tần, nhiều hi sinh.

Nhìn quanh nhà chị, tự lâu rồi tôi cứ nghĩ “nhà tranh vách lá” là cụm từ đã đi vào dĩ vãng, nhưng không phải, ngôi nhà của chị Phượng và anh Tâm còn xiêu vẹo và sơ sài hơn những gì tôi có thể nghĩ đến. Giá trị nhất trong căn nhà chắc có lẽ là chiếc tủ lạnh cũ được một người hàng xóm bán rẻ và chiếc tivi nhỏ để xem phim Ấn Độ chen lẫn những lần rột rẹt mất hình.

Những bộ phim Ấn Độ dài từ mấy trăm cho đến cả ngàn tập với những tình tiết hư cấu lạ lùng là thú giải trí của cụ Bảy và chị Giang mỗi tối khi đợi con trai cụ đi biển về. Chị Giang, con dâu cụ bận bịu chăm cho hai cậu con trai ăn tối trước. 

Phần cụ Bảy, dứt khoát phải đợi con trai về nhà an toàn, cùng ngồi vào mâm cơm thì cụ mới an lòng, bởi rất nhiều năm trước khi cụ vẫn còn điềm nhiên tin vào biển, tin vào kinh nghiệm đi biển của chồng thì cùng lúc ấy cụ đón tin ông trở về từ mảnh chăn cuốn vội của những người đi chung.

Căn nhà lụp xụp của chị Phương và anh Tâm.

Dân gian đúc kết: “Gió tháng 3 bà già đi biển” nghĩa là đi biển vào tháng 3 âm lịch thường thì thời tiết rất tuyệt vời, không những cá tôm được mùa, trời xanh mây trắng mà người ta còn có thể thong dong ngắm nhìn trời biển bao la. Biển trong xanh đến nỗi ngồi trên boong tàu ta có thể tận mắt ngắm nhìn rặng san hô và sinh vật biển... Thế mà cơn bão tháng 3 âm lịch năm ấy đã cướp đi chồng, con của cụ Bảy và cả 2 người phụ nữ trong cái xóm nghèo này. Họ có chung một ngày giỗ chồng, giỗ con. 

Nhắc lại, giọng cụ vẫn rất xót xa, dường như cơn bão chỉ mới vừa đi qua ngày qua, ngày kia vậy. Cụ hiền hậu nói, biển là như vậy, dẫu có xảy ra bao nhiêu điều thì rồi ta cũng đâu thể bỏ biển. Như những đứa con, có oán hờn cha mẹ, có giận dỗi đòi bỏ đi nhưng rồi biết đi đâu khi đã là một phần máu thịt.

Cụ Bảy và con dâu

Nếu đến xóm chài bên biển Vĩnh Tân, ta sẽ được nghe rất nhiều lần 2 từ “gió Bắc” và “gió Nam”. Như lúc tôi ở nhà cụ Bảy, tôi được nghe rất nhiều lần “đang mùa gió Bắc”. 

Tôi là đứa không có nhiều kiến thức về gió mưa hay thời tiết, cũng không biết ngư dân nơi đây gọi gió Bắc, gió Nam dựa trên nguyên lý nào. Chỉ được nghe giải thích nôm na rằng, mùa gió Nam, cá nhiều, ai ra khơi trở về cũng ăm ắp thu hoạch. Nhưng mùa này cá rớt giá thảm hại.

Còn mùa gió Bắc cá rất ít, có người đi hai ba ngày về vẫn trắng tay. Bởi hiếm cá nên giá cá bán được đẩy lên rất cao. Những ngày tháng chạp đang trong mùa gió Bắc, cá nục, cá bạc má, cá trích… may mắn cũng được vài đôi cân, nếu kém may mắn thì ai đó sẽ phải ngồi gỡ rác thải, rong rêu mắc víu đầy lưới. Rồi vắt lưới, neo ghe, rồi quay về nhà ngủ. 

Như đã hẹn giờ, cứ vào khoảng tầm 3, 4 giờ chiều họ lên thuyền ra khơi, sau một đêm lênh đênh trong màn đêm đặc quánh giữa bao la biển trời, rạng sáng ngày hôm sau thuyền ghe cập bến. 

Sau khi những con cá tươi rói đã được bán hết cho thương lái, họ lại quay về nhà với công việc nhà thường nhật, lại ngủ và chuẩn bị cho những chuyến đi biển tiếp theo, lòng tự nhủ đang vào mùa gió Bắc, hôm nay không có, biết đâu ngày mai sẽ may mắn hơn. Bữa cơm lại được cải thiện hơn, có canh có thịt, có rau…

Lênh đênh theo thuyền ra khơi đánh hải sản, hay tảo tần một nắng hai sương thu mua tôm, cá là hình ảnh thường nhật của những người đàn ông, phụ nữ, thanh niên, trẻ con nơi xóm biển này.

Ai cũng hiểu, sống ở nơi ven biển, mùa bão là mùa thót tim, mùa nắng gắt là mùa xót xa, mùa mất mùa là mùa lòng người xơ xác, mắt người buồn khô, đời người cực khổ. Ngư dân xóm chài quanh năm nương tựa vào tôm cá, và bám níu lấy nhau. Qua bữa ăn này, qua ngày hôm nay, ngày mai trông đợi mặt trời lên, mọi thứ sẽ khá hơn. “Chỉ cần giản đơn mà được khoẻ mạnh, là đã toại nguyện rồi” - cụ Bảy vừa nói vừa sốt ruột trông con trai.

Con đường hẻm sau mưa.

“Xin trời cho chút chở che…”

Người dân ở xóm biển có những cái tên rất ngộ, rất chân quê và thường gọi thêm thứ số cạnh bên như chú Năm Xị, chú có tên là Xị và thứ ba. Ông Tám Đực, cô Ba Đen…

Cô Ba Đen là một người được cả xóm gọi với biệt danh “miệng bằng tay, tay bằng miệng”, cô có cái tên ngồ ngộ này là do cô tính tình hoạt bát, làm việc nhanh nhảu và miệng thì nói suốt. 

Cô Ba Đen nói nhiều đến nỗi nếu tôi có muốn hỏi thêm gì đó phải đợi cô nghỉ lấy hơi thì mới nói được, tuyệt nhiên không thể cắt ngang lời khi cô đang say sưa nói chuyện. Cô Ba Đen bắt chuyện với tôi trước và dắt tôi đi lòng vòng quanh biển, ngắm nhìn nhà máy nhiệt điện trong đêm sáng choang đèn vàng, cô còn chỉ tôi góc nào nhìn đẹp mê hồn.

Cô Ba Đen phong phú từ ngữ đến mức khi cô diễn tả “nhìn trong đêm từ góc này thật là nét đẹp vĩ đại, nhưng nhìn từ góc khác thì nó có vẻ đẹp nghiệt ngã nhiều hơn…”, tôi còn không tin được khi cô nói “chữ nó biết cô chứ cô không biết chữ”.

Cô Ba Đen năm nay 55 tuổi, là người bám trụ lâu năm với xóm biển. Cô có 6 người con, con gái út vừa đi học vừa bán trái cây ở chợ, con gái nữa là giáo viên lấy chồng và sống ở thành phố Phan Thiết. Bốn cậu con trai còn lại đều sống bằng nghề lặn bắt ốc, bắt nghêu. Nghề lặn là một nghề nguy hiểm nhưng vì mưu sinh, vì những con ốc, con nghêu, chem chép bắt được cũng sẽ góp phần vào kinh tế gia đình, nên đành chọn lựa. 

Biển mang đến nguồn sống cho gia đình cô Ba nhưng cũng mang đi thứ quý giá nhất, đó là mái ấm. Biển cướp mất vợ của con trai thứ ba của cô trong đợt bão lớn 5, 6 năm trước, khi ấy con dâu cô đang cố cứu mấy chiếc thuyền thúng mất neo trôi đi, rồi con dâu cô cũng trôi đi mất.

“Cô thương nó lắm, đến giờ vẫn cứ nhớ, vợ chồng nó còn chưa kịp có với nhau đứa con nào”. Tôi an ủi cô, dẫu sao cô vẫn còn đông con cái và dâu rể. Cô lắc đầu, lại kể.

Con trai đầu và con trai thứ tư của cô đều đang gà trống nuôi con. Ba năm trước con dâu cả của cô sau một trận cãi vã với chồng, nửa đêm khăn gói theo một anh thợ hàn trong nhà máy nhiệt điện sau hè. Có người nói họ đi ra quê anh thợ hàn đó ở Nghệ An, có người bảo trông thấy họ ở đâu đó trên Tây Nguyên. Mấy bận con trai lớn cô đi tìm không thấy rồi dần bỏ cuộc. Bây giờ con trai lớn cô nuôi hai cháu, một trai một gái. 

Con dâu thứ tư của cô cũng như vậy mà bỏ chồng, bỏ con mà đi tìm một ấm êm khác. Đó là lúc các trại tôm ở đây được mở rộng, nhiều chủ trại và nhân công từ miền Tây đến làm ăn. Con dâu cô theo một anh nhân công nào đấy về xứ Đồng Tháp Mười mênh mông. Con trai cô sau đó cưới vợ khác, dẫn hai con nhỏ về Liên Hương sống với vợ sau.

Những câu chuyện nghĩ đến khiến lòng buồn nhưng cô Ba vẫn xem như không. Cô nói: “Cô vẫn hay xin trời chút chở che, để con cháu cô được khoẻ mạnh là đã mang ơn rồi, mọi việc khác chắc là do trời an bài cả, có buồn có trách cũng khác được đâu!”.

Năm ngoái, chồng cô cũng đi theo một người phụ nữ khác, chồng cô bỏ lại ngôi nhà vừa được sang sửa mới, cắt phòng cho thuê. Bỏ cả những dở dang toan tính cuộc sống để theo người hát đám cưới. “Ổng có máu nghệ sĩ, thôi cũng kệ. Cũng vẫn là mong trời cho ổng khoẻ mạnh!”. Cô Ba lại cười, lại kể những câu chuyện buồn vui nơi xóm chài nghèo. Tôi trộm nghĩ, có lẽ do cô sống với người chồng có máu nghệ sĩ ấy nhiều năm nên lời nói của cô lúc nào cũng đầy hoa mỹ, như câu cửa miệng của cô “xin trời cho chút chở che” tôi cố nhớ mãi nó nằm trong một nhạc phẩm, hay một bài thơ nào đó đã từng nghe rồi nhưng không nhớ ra được, dẫu vậy tôi vẫn mong sao những câu từ đẹp đẽ ấy sẽ thành hiện thực với cuộc đời của cô và những người con cũng như với bà con hàng xóm sống nơi đây. Một xóm nghèo nhưng tình người chan chứa, nương tựa và yêu thương, tối lửa tắt đèn luôn có nhau.

Đến Vĩnh Tân, không khó để tìm xóm chài nghèo này. Chỉ cần nói với tài xế hay phụ xe muốn xuống xóm 7 hẳn ai cũng biết. Xóm 7 nổi tiếng không bởi danh lam thắng cảnh du lịch nào nổi bật, mà nơi đây nổi tiếng bởi cái nghèo quanh quẩn, bởi những người lần lượt bỏ quê tha phương cầu thực, bởi những đứa trẻ sau một đêm nào đó chợt quờ quạng bàn tay không còn thấy hơi ấm từ mẹ nữa hay những lần cha đi biển không về. Và còn bởi những cơn mệt mỏi kéo dài theo bụi bặm mỗi lần xe cộ chạy ngang, bởi những cơn gió xoáy tung trời những bụi và xỉ nếu gặp ngày gió Bắc - gió Nam đổi phiên, báo hiệu của sự đổi phiên này sẽ kèm theo một “cơn tố”. Cơn tố ấy, như cô Ba Đen giải nghĩa cho tôi thì nó là một lốc xoáy, trong lốc thì chẳng có gì đẹp đẽ, chẳng có gì mong đợi, bởi lốc chẳng để lại gì ngoài những mịt mù.

Một phiên chợ ven biển.

“Con đường sảy thai”

Tôi đọc văn hay nghe nhạc thấy những tên bắt đầu với con đường đều rất lãng mạn và đẹp đẽ. Như khi tôi nghe nhạc phẩm Con đường màu xanh của Trịnh Nam Sơn, Con đường mang tên em của Trúc Phương, hay như khi tôi đọc tuỳ bút Con đường đưa tiễn đầy hoa của cô Nguyễn Thị Hậu. 

Vậy mà con đường nơi đây khi tôi được nghe tên là “con đường sảy thai” thật khiến không biết diễn tả cảm xúc thế nào. Ví von được giải thích có vẻ hơi buồn cười, nhưng buồn lại nhiều hơn là cười.

Anh Hưng, cán bộ xã cũng là người ở xóm kể khi ngà ngà say: “Mấy tháng trước thôi, con đường này đàn ông đàn bà gì chạy xe ngang qua đều có nguy cơ bị sảy thai. Con đường bé tí mà toàn ổ gà, ổ voi to bự chảng. Xốc ruột chịu không nổi. Có chị mới mang bầu mấy tháng, chạy xe qua hết đoạn đường về nhà sảy thai luôn. Lại có ông đang khoẻ mạnh, lái xe qua con đường xong về nhà ôm bụng than đau, mà đàn ông lấy thai đâu ra để sảy, tại vì ổng có bệnh đau ruột sẵn… Từ đó con đường này được đặt tên là con đường sảy thai”.

Tôi đi qua “con đường sảy thai”, con đường đã được tráng lắp lại khá hoàn chỉnh dẫu vẫn còn vài mảng nhỏ còn đọng nước sau mưa. Nghe kể ngày xưa con đường cũng êm ái, bằng phẳng. Rồi dần về sau này, nhiều xe con, xe tải của người làm nhà máy ra vào liên tục, lại thêm mưa nắng bao mùa. Đường dần xuống cấp, cùng với xuống cấp là những chuyện dở khóc dở cười. Cái tên đó đi vào huyền thoại.

Bên đường, một cậu bé tầm 4-5 tuổi mặt mày lấm lem, cậu mặc chiếc áo thun cũ dài và giãn đến tận gối, có lẽ vậy nên cậu bé không cần mặc quần nữa. Tay cầm thanh gỗ như bảo kiếm, vừa múa kiếm gỗ vừa hát một bài rất thời sự: “Bỏ số đề đi, người ơi bỏ số đề đi…”. 

Một chiếc xe hơi chạy với tốc độ chóng mặt lướt qua để lại nghi ngút bụi. Bà mẹ trẻ hoảng hốt vừa chạy ra ôm con mình vào nhà vừa mắng yêu: “Về nhà kêu ba mày bỏ số đề, ra đường nói với ai, xe nó đụng là tao chết cho vừa...”. Anh bạn đứng cạnh tôi buông một câu chửi đổng: “Đường quê mình mà nó chạy như đường cất riêng trong nhà nó”.

Thật sự con đường nhỏ này có rất nhiều xe hơi ra vào, không ai nghĩ đến chuyện sẽ chạy chậm lại một chút, cứ như tên lao tới, bụi vẫn cứ bay khiến những chiếc lá dại bên đường đổi sang một màu nhàn nhạt, khô khan. Một dây khổ qua của ai đó bám lấy bờ rào vươn dài, vài trái cong queo, nhợt nhạt. Nhìn quả của nó, tôi nghĩ đến cái vị đắng nghét nếu hái để nấu canh.

Những đứa trẻ chơi đùa trên biển chờ được sai vặt.

Bình minh trên biển

Đi hết “con đường sảy thai” sẽ gặp biển. Tôi đến biển của xóm 7 một sáng sớm tinh mơ thuyền tàu trở về. Tôi đã đi qua nhiều bến bãi, nhiều cảng cá vẫn chưa thấy bến nào tàu bè và ngư dân thưa thớt đến thế. Chú Tình (58 tuổi) là ngư dân đã “về hưu” cho biết lý do cũng như anh Tâm đã kể với tôi, rằng biển gần hết cá, có số tàu phải đi biển xa vài ba hôm nữa mới trở về. 

Xưa tàu bè vẫn tấp nập lắm nhưng rồi có số bán ghe đi làm nghề khác, có người bệnh tật (tôi nghĩ đến anh Tâm) dăm ba tháng chọn tháng gió Nam mà đi, chắc chắn đánh bắt được nhiều cá mới đi, rồi lại về nghỉ. Tuy thưa thớt nhưng buổi họp chợ cá vẫn rộn ràng đến inh ỏi tiếng của các cô, các chị. Họ trả giá, họ kể lể, họ buông chuyện đúng kiểu của một cái gọi là chợ.

Tôi gặp cụ Lê Thị Lợi đang ngồi ở mép biển xin cá. Cụ Lợi đã 65 tuổi, cụ xin cá nhiều năm nay, ai cũng biết cụ, có dư cá một chút họ nghĩ đến cụ để cho, như một phản xạ tự nhiên. Cụ Lợi nói giọng thì thào, cụ không có người thân thích nên vẫn ngày qua ngày, sáng sáng cụ ra chợ xin cá về đổi thức ăn, nếu xin được nhiều cụ sẽ bán để dành tiền.

Cạnh đó, cụ Trương Thị Dần (63 tuổi) vừa phụ gỡ nang mực cho một chủ ghe vừa kể những câu chuyện thường nhật quanh xóm. Cụ Dần cũng goá bụa, cụ ra bến hằng ngày, ai nhờ gì làm nấy, ai trả bao nhiêu tiền cũng được, cụ chắt chiu từng đồng để sống qua ngày.

Nếu những người đàn ông đi biển, phụ nữ buôn bán cá tôm, người không có ghe thì sẽ chọn nghề gánh cá thuê từ bãi biển vào trong chợ. Gánh cá từ bến bãi vào chợ khoảng cách không xa lắm nhưng mỗi người một việc, và việc gánh cá thuê ở đây rất hữu ích. Mỗi lần gánh được ba đến bốn nghìn đồng, hôm nhiều cá, mỗi người làm nghề này chắc cũng được bốn năm chục nghìn từ lúc mờ sáng đến khi mặt trời lên hẳn trên biển. 

Còn có những đứa trẻ theo bố mẹ ra biển chờ sai vặt, khi là lấy giúp cái giỏ, khi là bê hộ bịch tôm. Những lúc chưa được phân công nhiệm vụ, chúng nô đùa bên biển sớm mai, đầy hồn nhiên và thanh bình, dẫu cạnh đó một vài đống rác lớn đang phân huỷ bốc mùi nhờn nhợn.

Biển nơi đây có những đổi thay theo quá trình công nghiệp hoá, nhưng những người dân sinh sống tại đây phần nhiều vẫn chọn bám lấy biển, bởi nó là tất cả của nguồn sống. Biển khi hiền hoà, khi hung tợn nhưng rồi sau những cơn giận dữ biển lại bao dung không chối từ một ai yêu mến nó. 

Một vài ngư dân trò chuyện với tôi về nước biển mỗi lúc một đục hơn, cá tôm dần vắng bóng... Vẫn là những câu chuyện quen thuộc về thiên tai, nhân tai. Tôi nghe và ngẫm nghĩ. 

Chợt nhớ thông điệp của bộ phim lấy cảm hứng từ cổ tích Mỹ nhân ngư đã từng phát đi thông điệp rất sâu sắc: “Khi thế giới này chẳng còn đến một giọt nước sạch, một luồng không khí trong lành thì tiền bạc của cải còn nghĩa lý gì?”.

Khi những ngày cuối năm dần trôi về kéo theo cái Tết cổ truyền, người người tất bật hoàn thành dự định trong năm thì những ngư dân ở xóm chài Vĩnh Tân chỉ ao ước mỗi ngày ra biển là một ngày có thu hoạch. Mỗi lần từ biển trở về vẫn mạnh khoẻ như mọi ngày, những đứa trẻ không đau bệnh vặt do môi trường khói bụi, những con đường không bong tróc từng mảng, không tù đọng nước sau mỗi lần xe cộ vụt qua.

Tôi tạm biệt xóm chài khi hoàng hôn dần xuống trên biển. Một vệt màu hổ phách băng ngang đường chân trời, cạnh những đám mây xám vẫn ì ạch biếng lười tụ yên một chỗ, đón những luồng khói từ đâu đó bay đến tụ thành đám mây lớn.

Dưới cảnh trời chiều, cuộc sống của người dân nơi đây vẫn cứ thế, ngày qua ngày tiếp diễn. Tôi lại mượn lời của cô Ba Đen “xin trời cho chút chở che”, mong “lộc biển” sẽ về để xóm nghèo được đón cái Tết đủ đầy hơn. 

Bùi Kiều Trang
.
.