Xóa căn bệnh nhũng nhiễu, vòi vĩnh, xin cho nhờ nền hành chính không giấy tờ

Thứ Hai, 15/04/2019, 23:59
Kính gửi báo ANTG Giữa tháng - Cuối tháng. Có một vấn đề mà theo tôi là mang tính nền tảng đối với sự phát triển nhà nước trong thời đại 4.0 này, đó là việc xây dựng một Chính phủ điện tử, chuyển toàn bộ nền hành chính giấy tờ sang nền hành chính số.

Tôi đọc báo và biết Chính phủ của chúng ta đang quyết tâm thay đổi và xây dựng theo đúng xu hướng này. Theo tôi, điều này càng sớm trở thành hiện thực thì nó càng giúp cho chúng ta nhanh chóng đoạn tuyệt với những vấn đề của nền hành chính giấy tờ vốn đã xuất hiện từ hàng chục năm qua, vừa giúp chúng ta xích gần lại với xu hướng phát triển của thời đại.

Khi đọc thông tin về một kế hoạch xây dựng "Chính phủ điện tử" ở Việt Nam mình, tôi nhớ ngay đến câu chuyện đầy ám ảnh và bức xúc dư luận diễn ra vào năm 2017 ở phường Văn Miếu - Đống Đa - Hà Nội. 

Theo những gì xuất hiện trên facebook cá nhân của chị Vũ Thị Thanh Hoa, một người sống ở địa bàn này thì chỉ đến phường để xin một cái giấy khai tử cho bố đẻ thôi mà chị cũng bị hẹn lên hẹn xuống. 

Thời điểm ấy tôi nhớ là rất nhiều facebook cá nhân đã chia sẻ câu chuyện của chị Vũ Thị Thanh Hoa cùng một câu hỏi: người ta chết rồi, đến phường xin một cái giấy khai tử mà cũng khó khăn, nan giải thế sao?

Câu chuyện gây bất bình dư luận tới mức đích thân Chủ tịch UBND TP Hà Nội phải chỉ đạo thanh tra, kiểm tra công vụ, và quả nhiên, kết quả kiểm tra sau đó cho thấy một nhân viên ở bộ phận một cửa của phường đã gây khó dễ trong việc cấp giấy chứng tử cho người dân. 

Tôi nhớ rất rõ rằng nhân vật này đã đề nghị người dân phải đi xin xác nhận của tổ dân phố vào phiếu cung cấp thông tin khai tử, trong khi theo kết luận của tổ thanh tra thì đấy không phải là công việc của người dân, mà là công việc của UBND phường.

Nhân vật này cũng không giao giấy hẹn trả kết quả cho người dân, mà chỉ hẹn bằng miệng, và sau "lời hẹn miệng" cũng không hề báo cáo lãnh đạo phường hay có biện pháp phối hợp với các bộ phận liên quan để giải quyết. Với hàng loạt những biểu hiện mang màu sắc "hành" là "chính" như vậy, cuối cùng nhân vật này đã bị cho thôi việc.

Ngay từ thời điểm ấy, rất nhiều người đã hỏi nhau: nếu chị Vũ Thị Thanh Hoa không bức xúc viết tất cả lên facebook thì những biểu hiện "hành" là "chính" như thế này liệu có được biết đến và xử lý hay không? 

Câu hỏi này, theo tôi là rất đúng và rất trúng vấn đề. Nhưng với riêng mình, thông qua việc quan sát các chính phủ điện tử được vận hành ở một số nước châu Âu, tôi đặt ra một câu hỏi khác: nếu nền công vụ hành chính giấy tờ được thay bằng nền công vụ, hành chính số thì những chuyện không đáng có kiểu này liệu có xảy ra không?

Khi đó những người cần xin cái giấy chứng tử như chị Vũ Thị Thanh Hoa, hay cần xin bất cứ cái giấy A, B, C, X, Y, Z nào khác... chỉ việc ngồi trước máy tính, khai báo thông tin rồi ấn một nút "Enter" là xong. 

Đến lượt mình các bộ phận liên quan ở phường/ xã, quận/ huyện... cũng sẽ ngồi trước máy tính để tiếp nhận thông tin, và sau đó - thông qua hệ thống máy tính, sẽ phải giải quyết theo đúng thời hạn quy định. Mọi thứ minh bạch, công khai, nhanh chóng, hiệu quả, gần như không tốn kém bất cứ công sức gì.

Với Chính phủ điện tử, người dân sẽ không bị nhũng nhiễu, không phải bôi trơn, không phải xin ai và cho ai cả.

Nói rộng ra, nếu có một Chính phủ điện tử hoạt động hiệu quả chúng ta chắc chắn sẽ giải quyết được hàng loạt những vấn đề nhũng nhiễu mang tính chất con người. Khi đó hàng loạt những vấn đề nan giải, khiến người dân phải đau đầu trong nhiều chục năm qua như cách làm việc "hành" là "chính" hay tư tưởng "muốn nhanh thì phải có bôi trơn" sẽ chấm dứt. 

Với Chính phủ điện tử, người dân sẽ không bị nhũng nhiễu, không phải bôi trơn, không phải xin ai và cho ai cả.  

Tuy nhiên, tôi hiểu là từ mục tiêu đến thực tế đôi khi là một quãng đường dài. Cho nên, vừa bày tỏ vui mừng với việc chúng ta đang dần dần xây dựng những bước đầu tiên của một Chính phủ điện tử chuẩn 4.0 nhưng tôi cũng vừa băn khoăn về tiến độ và những khó khăn của nó. Rất hy vọng sẽ được toà soạn chia sẻ về vấn đề này.

Xin chân thành cảm ơn!

Nguyễn Anh Quân (Hà Nội)

Kính gửi độc giả Nguyễn Anh Quân!

Chúng tôi thấy rất thú vị với cách đặt vấn đề của độc giả. Trước khi trả lời câu hỏi của độc giả, chúng tôi cũng xin chia sẻ với độc giả một câu chuyện cụ thể sau đây. Một lần Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu vào TP Hồ Chí Minh thăm gia đình Thiếu tướng Lê Khanh - một cựu trợ lý của Đại tướng Văn Tiến Dũng.

Vợ của Thiếu tướng Lê Khanh phàn nàn rằng bà ra phường xin một cái giấy tờ nhà mà hết lần này đến lần khác phường không cho. Đến khi cho rồi thì ông đóng dấu ở phường lại đi công tác 3 tháng, không thể về đóng dấu ngay được.

Nghe chuyện bực quá, Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trực tiếp ra phường hỏi: "Các anh để con dấu lại trụ sở hay đi công tác thì mang đi luôn?". Cán bộ phường trả lời: "Báo cáo bác, để lại ở trụ sở!".

Kể tới đây thì Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu phân tích với chúng tôi: "Đấy, anh thấy không, xin mỗi cái giấy phường mà cũng bị làm khó như thế đấy! Người làm khó như thế để nhũng nhiễu, vòi tiền người dân. Nhưng không chỉ riêng cái phường này đâu, tôi thấy những chuyện nhũng nhiễu, làm khó dân kiểu này thì giờ nông thôn cũng có, thành phố cũng có, ở đâu cũng có...".

Thưa độc giả, kể lại câu chuyện này chúng tôi muốn nói rằng nền hành chính giấy tờ thực sự là một nỗi ám ảnh ghê gớm đối với chúng ta. Nó sinh ra từ thói cửa quyền của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức nhà nước.

Mới đây, khi Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể từng đề xuất giải pháp "mất bằng lái xe phải thi lại" thì chúng ta thấy rằng tư duy quản lý "hành chính giấy tờ" có vẻ vẫn đang hiện diện ở ngay cả một bộ phận nào đó những nhà lãnh đạo cấp Bộ, cấp cục, cấp địa phương.

Hẳn nhiên, chúng ta hiểu giải pháp của Bộ trưởng Bộ Giao thông là để ngăn chặn tình trạng một số tài xế vi phạm luật giao thông, bị công an tạm giữ bằng lái xe, nhưng sau đó lại xin làm bằng mới với lý do "mất bằng". Tuy nhiên, cách ngăn chặn này rõ ràng là không bắt kịp với xu hướng quản lý thời đại số.

Ở trong thời đại số, với sự vận hành của nền hành chính số, thông tin của người vi phạm giao thông, bị giữ bằng lái sẽ được lưu lại, và khi người này "lách luật" bằng cách đi làm bằng lái mới thì chỉ cần một cái click chuột trên máy tính là có thể xác minh một cách chính xác tình trạng giấy tờ đích thực của người này.

Nhưng muốn có một nền tảng chung để có thể dễ dàng truy xuất dữ liệu như vậy thì các ngành khác nhau phải liên tục cập nhật, trao đổi thông tin với nhau. Và đây cũng chính là khó khăn đầu tiên, nếu không muốn nói là khó khăn lớn nhất trong việc xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam ta. 

Bởi theo những gì chúng tôi được biết thì tư tưởng "độc quyền thông tin" hay "hạn chế chia sẻ thông tin" vẫn là một tư tưởng hiện hữu ở không ít bộ ngành hiện nay.

Theo tiến độ thì đến quý IV năm nay, chúng ta sẽ có một kho dữ liệu Quốc gia, do đích thân Thủ tướng Chính phủ quản lý chìa khóa. Đến lúc này, chia sẻ dữ liệu nào, Thủ tướng sẽ quyết định, và chắc chắn tình trạng độc quyền, cát cứ thông tin giữa các Bộ sẽ không tồn tại nữa.

Khó khăn thứ hai đó là sự thay đổi thói quen, khi những lãnh đạo vẫn quen cầm bút, ký duyệt trên văn bản giờ sẽ chuyển sang ký duyệt trên máy tính bảng. Nhưng đây chắc chắn không phải khó khăn lớn. 

Là một người quan tâm đến vấn đề Chính phủ điện tử, chắc độc giả cũng biết là mới đây, Văn phòng Chính phủ đã khai trương trục liên thông văn bản quốc gia, kết nối cả thảy 95 cơ quan Trung ương, địa phương. 

Mục tiêu đặt ra là đến cuối năm nay sẽ vận hành cổng dịch vụ công quốc gia, kết nối, chia sẻ dữ liệu với các địa phương để theo dõi tiến trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân. Đấy là hai bước đi quan trọng trong việc tạo dựng một Chính phủ điện tử - một Chính phủ không giấy tờ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng.

Đã có những tính toán rất đáng chú ý rằng, việc vận hành của một Chính phủ điện tử đúng nghĩa sẽ giúp chúng ta tiết kiệm được 154,3 tỷ đồng tiền giấy mực, sao chụp, in ấn; 575 tỷ đồng tiền bưu cước, chi phí phát hành, 576 tỷ đồng chi phí thời gian.

Và như cùng thống nhất với nhau ở phần trên, vấn đề không chỉ là chuyện tiết kiệm kinh phí, mà còn nằm ở chỗ, chính phủ điện tử hứa hẹn sẽ hạn chế đến mức tối thiểu tình trạng xin - cho, nhũng nhiễu, vòi vĩnh vốn là mặt trái kéo dài hàng chục năm của nền hành chính công vụ giấy tờ.

Điều cuối cùng chúng tôi muốn đề cập thêm ở đây, đó là Chính phủ điện tử cũng không đồng nghĩa với việc 100% các văn bản đều xuất hiện trên máy tính. Chắc chắn vẫn sẽ có những văn bản thuộc dạng "mật" hoặc "tối mật" là những văn bản giấy, để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển an ninh quốc gia.

Xin chân thành cảm ơn độc giả!

Vương Trọng Tín
.
.