“Virus” tự sát và những kẻ giết người “siêu nhân”
Vanilla Gallery, tất nhiên, không dành cho tầng lớp khán giả đại chúng. Chỉ những ai đủ khả năng lĩnh hội thứ nghệ thuật “kinh dị” mới thưởng thức nổi các buổi triển lãm búp bê bằng sáp hay những gánh xiếc quái đản tại đây.
Năm 2014, bức điêu khắc mang tên “Chim mẹ” (Mother bird) của Keisuke Aisawa được đem tới Vanilla Gallery, bức điêu khắc lấy cảm hứng từ huyền thoại Ubume trong truyện dân gian Nhật Bản về một người đàn bà chết khi sinh nở nhưng linh hồn quay lại ám ảnh cõi nhân gian. Và Ubume phiên bản hiện đại cuối cùng đã thực sự đem đến nỗi khiếp sợ cho thế giới.
Nỗi khiếp sợ bắt đầu vào mùa hè năm 2018, khi có báo cáo về việc một đứa trẻ 12 tuổi tại Argentina tự sát, nguyên nhân được cho là do một chương trình mang tên Momo Challenge (Thử thách Momo) được chiếu trong một video hoạt hình Peppa Pig dành cho trẻ nhỏ.
Trong Thử thách Momo, một linh vật với đầu người mình gà, mái tóc đen dài và đôi mắt trố gớm ghiếc giống hệt như bức điêu khắc Chim mẹ của Keisuke Aiwara xuất hiện và xúi giục người xem tìm tới cái chết.
Dù không có một báo cáo chính thức nào từ các nhà điều tra về thực hư đoạn clip này nhưng một đồn mười, mười đồn trăm, câu chuyện cứ thế lan tỏa, trở thành một “truyền thuyết thị thành” (urband legend) và là lời cảnh tỉnh cho những bậc cha mẹ đang trao cho con cái quyền tự do trôi nổi trong thế giới internet đầy hiểm họa.
Nhưng có thật đó chỉ đơn thuần là hiểm họa của internet hay không?
Ta hãy cứ cho rằng Momo không phải một trò bịa đặt mà là một “lời nguyền” có thật, vậy thì làm cách nào Momo đã dụ dỗ những người yếm thế tìm cách kết liễu đời mình?
Hiểm họa ẩn nấp sau những chương trình dành cho thiếu nhi trên YouTube. |
Một điều tưởng chừng phi lý nhưng có chứng cứ khoa học, ấy là: “Tự sát là một hành vi có khả năng lây lan và có thể truyền từ người nọ sang người kia, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp”, theo tiến sĩ Madelyn S. Gould trong một nghiên cứu vào năm 1990.
Nhờ vào những bi kịch tráng lệ của những người anh hùng trong văn học, “tự sát” được nhiều người ngợi ca như một hành động đầy tính thẩm mỹ hơn là phút sa ngã của ý thức.
Năm 1774, Johann Wolfgang von Goethe - tác gia vĩ đại của thời kỳ Khái sáng, người đốt đuốc dẫn đường cho cả một thế kỷ văn chương và khoa học - cho xuất bản Nỗi đau của chàng Werther kể về mối tình bi đát của Werther và bước đường cùng khiến chàng giương súng tự sát.
Cuốn sách là tác phẩm gối đầu giường của thanh niên đương thời nhưng cũng gây nên một nạn dịch tự sát khủng khiếp. Những chàng trai trẻ bắt chước lối ăn vận của Werther, mua đúng loại súng mà Werther đã dùng để quyên sinh, rồi cũng học theo Werther đi tìm cái chết.
Nạn dịch lan nhanh tới nỗi, ở nhiều nơi tại châu Âu như Leipzig, Copenhagen và cả nước Ý đã cấm phát hành tác phẩm “chết chóc” của Goethe vào thời điểm đó.
Những cái chết a dua như thế, được các nhà xã hội và tâm lí học sau này gọi là “hiệu ứng Werther”. Momo không hẳn là một hiện tượng mang tính Werther theo nghĩa nguyên bản. Bởi Werther không hề chủ động kêu gọi cái chết, Momo thì có.
Bởi Werther là lời hiệu triệu cái chết đầy mỹ học, còn Momo như một lời mời mang tính hăm dọa. Nhưng cả Werther và Momo đều gặp nhau ở việc, chúng đều vô tình hoặc cố tình giăng ra cái bẫy khó lường của hành vi tự hủy hoại mà những người với sức phản kháng mong manh dễ dàng sa hố.
Cái chết là một khoảng không hư vô đầy sức cám dỗ. Vào giữa thế kỷ 20, nhà nghiên cứu David Phillips đã thu thập số liệu của 30 năm từ 1947-1977 ở Mỹ và bất ngờ tìm thấy mối liên quan tỉ lệ thuận kì lạ giữa số lượng những vụ tự sát của một vùng đất và số lượng những bài tường thuật về các vụ tự sát được đăng tải hằng ngày trên báo chí. Dường như, tự sát cũng giống như... ngáp, nó thực sự có thể tạo nên một hiệu ứng dây chuyền.
Và nếu như vài trăm năm trước, khi tiểu thuyết còn là thú vui giải trí chính của giới tiểu tư sản, “virus” tự sát kí sinh trên vật chủ là những cuốn sách văn chương như Nỗi đau của chàng Werther, đến thế kỷ 20, khi báo chí trở thành phương tiện truyền thông chính yếu, con virus ấy lại chuyển sang sống trong những bản tin thời sự thì đến thế kỷ này, đương nhiên, nó phải tìm đến những chủ thể mạng xã hội.
Sự quyến rũ của cái chết, nó là hiểm họa trầm kha đeo đẳng nhiều thế hệ và dường như không có một cách giải quyết nào hiệu quả.
Tuy nhiên, sau một thời gian ầm ĩ, bỗng nhiên, các tờ báo lớn đồng loạt đính chính rằng việc Momo là nguyên nhân nhiều thiếu niên tự sát chẳng qua là lời đồn thổi vô căn cứ. Vậy thì một câu hỏi khác lại được đặt ra, nếu nó không có thật, làm cách nào nó lại lừa phỉnh được hàng triệu triệu người đang dùng mạng xã hội?
Thử thách Momo là một truyền thuyết đô thị (urban legend), khái niệm được đưa ra lần đầu bởi một giáo sư tiếng Anh tại Đại học Utah vào năm 1964 và nhanh chóng trở thành một thuật ngữ quen thuộc với đại chúng.
Theo các nhà tâm lí học, truyền thuyết thành thị là một cách để chúng ta giải mã thế giới và quản lý những nỗi sợ hãi vô hình của chính mình. Mà chính bản năng cố gắng nhận định những mối nguy hại ẩn tàng trong môi trường sống xung quanh là một trong những lí do tin tức giả về nỗi sợ hãi dễ dàng lan truyền, hay nói như Mark Twain: “Lời nói dối có thể đi nửa vòng trái đất trong khi sự thật còn đang loay hoay xỏ giày”.
Và như thế, Momo không có thật. Nhưng nỗi sợ hãi về Momo là có thật. Và đó mới là điều đáng sợ. Người ta còn nhớ vào năm 2014, khi nảy ra trên mạng internet lời đồn đại về nhân vật “Người mỏng” (Slenderman), một sinh vật kì bí được cho là có khả năng tiếm đoạt ý thức của con người. Chẳng lâu sau, đã có một vụ án mạng diễn ra mà hung thủ - hai đứa trẻ vị thành niên - thú nhận rằng chúng bị ám thị bởi nhân vật này. Khó ai có thể nói trước mất bao lâu để một nỗi ám ảnh biến thành tội ác thực thụ. Biết đâu những “trò đùa” như Momo chẳng trở thành niềm cảm hứng cho những kẻ có thế giới quan lệch lạc?
Vấn đề là xã hội vẫn có những kẻ như vậy, chúng như những con cá sấu há mõm rình những nạn nhân nhẹ dạ xung quanh. Trước Momo, mạng xã hội từng bùng nổ thông tin về Thử thách Cá voi xanh (Blue Whale), một trò chơi tử thần khác.
Đó là một trò chơi kéo dài 50 ngày, mỗi ngày, bạn sẽ được “thử thách” làm một điều biến thái, như tự khắc hình cá voi lên cánh tay hay thức giấc vào lúc 4h30 sáng và xem những đoạn phim khát máu và dần dần cứ thế cấp độ nỗi kinh hoàng tăng lên, đến ngày cuối cùng, “chúng” sẽ yêu cầu bạn lấy đi mạng sống của chính mình.
Xoay Nietzche, ta được Hitler? |
Cá voi xanh không còn dừng lại là một trò lường gạt như Momo. Nó đã thực sự khiến 16 đứa trẻ chưa tới tuổi vị thành niên tìm đến cái chết. Tác giả của trò chơi này là một thanh niên 21 tuổi từng theo học khoa tâm lí nhưng đã bị trục xuất khỏi trường. Khi bị bắt giam, y thú nhận đã làm ra trò chơi này để tẩy uế xã hội bằng cách buộc những kẻ chán đời, vô giá trị tự kết liễu đời mình.
Một suy nghĩ độc hại như vậy, mỉa mai thay, lại bắt nguồn từ cách hiểu sai về tư tưởng của một triết gia lớn trong lịch sử, người “xuất hiện như một cơn lốc cuồng điên cuốn bay cả một lớp thành kiến già nua cố đế”.
Trong những kinh điển của mình, Nietzche đả phá gần như tất cả những thành quách của nền triết học, luân lí, tôn giáo. Hình tượng trung tâm mà ông xây dựng là “con người siêu nhân”, con người đã vượt lên sự tầm thường nhờ tính cách ngang tàng, ý chí tự chủ, sự tỉnh trí. Nếu chúng ta chỉ chắt lọc tư tưởng của Nietzche đến thế, thì triết lí của Nietzche là thứ triết lý hiện sinh cần thiết để tạo ra lớp người ưu tú.
Nhưng khi Nietzche khẳng định, những kẻ tầm thường là lũ người ti tiện, là mối hiểm họa lớn nhất của siêu nhân và rằng siêu nhân phải giẫm lên quần chúng, thì đó chính là mầm mống cho những tội ác diệt chủng ghê rợn nhất trong lịch sử loài người. Không nói đâu xa, chính Adolf Hitler, trùm phát xít Đức, là điển hình của một hậu duệ “biến tướng” từ triết thuyết siêu nhân của Friedrich Nietzche.
Trong một bộ phim giả trinh thám của Alfred Hitchcock, nhà làm phim vĩ đại người Anh, ông kể câu chuyện về cuộc đấu trí giữa một thanh tra và một kẻ sát nhân với tham vọng chứng minh phẩm chất ưu việt của mình thông qua việc gây ra một “án mạng hoàn hảo”.
Nhưng vào phút cuối cùng, khi tên tội phạm đã bị tra tay vào còng, viên thanh tra đã hỏi y rằng, “Làm sao ngươi dám tự xếp mình vào hàng ngũ những người thượng đẳng? Ngươi dùng quyền hạn gì quyết định rằng người đàn ông kia là hạ đẳng và vì thế cần phải bị tiêu diệt?”. Kẻ sát nhân lặng im vì rõ ràng y không có thẩm quyền đó.