Tuyệt diệt... tùng La hán

Thứ Tư, 15/08/2007, 17:25
Trên rừng, những cây tùng được "đánh dấu sở hữu" sẵn, được ra tay đẽo gọt để uốn thế ngay từ nhỏ... một cách thiếu kỹ thuật từ từ héo rũ ra mà chết... Trong sân nhà người dân, những cây tùng La hán được đánh về nhưng không kịp hay không vận chuyển được về đất liền... cũng từ từ báo tử... Cô Tô con không còn một bóng tùng La hán!

Tùng La hán lá nhỏ, tuyệt phẩm cổ thụ hiếm hoi chỉ phân bố vài nơi tại Việt Nam trên độ cao trung bình từ 800 đến 1.200m... Ít có ai ngờ lại đột nhiên xuất hiện ở huyện đảo Cô Tô. Ngay lập tức, thứ cổ thụ "độc quý" đứng trên cả tứ quý sanh - si - đa - đề được dân chơi cây cảnh săn lùng quyết liệt.

Hàng ngàn gốc tùng La hán bất kể lớn nhỏ âm thầm rời khỏi những đỉnh núi sừng sững giữa biển cả, chìm xuống đáy biển sâu trong những chuyến đi lậu bị truy bắt, thối rễ trong những vườn ươm ngược thổ nhưỡng, phiêu bạt tại những vùng đất xa lạ... Một chi, một họ hiếm hoi, thậm chí kỳ lạ trong phả hệ tùng La hán lá nhỏ Việt Nam đang đứng bên bờ tuyệt diệt!

"Độc quý" đệ nhất La hán

Chẳng biết tự khi nào, cái danh tự tùng La hán xuất hiện trong làng chơi cây cảnh Việt Nam. Ngay cả đến những bậc lão làng thành danh trong làng chơi cây cảnh ở Hà thành, tỉ như cụ Lê Mẫn với nghệ danh "Mẫn La hán" cũng không rõ được xuất xứ của cái tên này.

Theo như lời kể của cụ Mẫn, một cái tên khác vẫn được dùng để gọi tùng La hán: Thông tre! Cái tên này dân dã hơn, lấy luôn hình dáng lá của tùng La hán hao hao lá tre để gọi tên.

Nhưng dù ở dưới cái tên nào, thứ tùng thượng phẩm, loại cây được coi là cao cấp nhất trong dòng bonsai và cây thế này luôn hút hồn người chơi cầu kỳ và kỹ tính bởi nhiều yếu tố thẩm mỹ được ông trời ưu ái đem tích hợp vào một: rễ uẩn súc sương kính, thân trầm ổn vững chãi như núi, cành hiên ngang mà ưu nhã, lá khi nở búp xòe ra như những cánh hoa tao nhã mà khỏe khoắn, bất biến một màu xanh vĩnh cửu...

Nhưng điều quan trọng nhất để tùng La hán lá nhỏ vững vàng ở ngôi thượng phẩm là người chơi cây phải có được sự cầu kỳ, đam mê và nhẫn nại hết mức.

Hiếm có một thứ cây nào ưa sự phóng khoáng đến mức mà hễ cứ đụng dao kéo vào là ngay lập tức trở tính, phát triển hết sức chậm, thậm chí ngừng lớn luôn như tùng La hán.

Hiếm có thứ cây nào mà chỉ cần động rễ một chút là cầm như ném một đống tiền xuống sông xuống bể. Cũng hiếm có thứ đại thụ nào mà hễ đưa vào thế là phải kiên nhẫn tới 10 năm mới có được một thế cây chơi tạm được.

Lấy một phép so sánh khiên cưỡng, ngay cả đến tứ quý sanh - si - đa - đề nếu mát tay, sau 3-4 năm đưa vào thế là đã có cây đẹp để thưởng trà, thì với tùng La hán, quãng thời gian ấy phải đem nhân gấp 3 lần lên nữa, tức là thêm chừng hơn ba ngàn ngày dày công chăm sóc và chăm chút hết mực.

Ấy thế nên, như có một thứ chuẩn vô hình, nhà ai có trong vườn thấp thoáng dăm bóng tùng La hán, kể cũng được coi là người sành chơi vậy.

Sang trọng thế, tao nhã thế, uẩn súc thế, cho nên tùng La hán cũng tạo ra nhiều tín đồ mà sự cuồng si kể cũng được coi là khác người.

Vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước, cụ "Mẫn La hán" đã có lúc khiến cho giới chơi cây lên ruột khi xuống đất Nam Điền (Nam Định) rinh về hàng xe ôtô tùng La hán đã thành thế đăng đối với giá từ 2 đến 5 chỉ vàng một cây, rồi đem phạt sạch phần ngọn mà dựng thế mới.

Giới chơi tùng La hán Hà Nội vẫn còn lưu truyền giai thoại về "hàng khủng" ở nhà ông "Thọ nhựa" với cái giá ngất ngưởng tới hơn 1 tỷ đồng. Thi thoảng những buổi trà tao nhã vẫn được dọn ra ở đâu đó để những đệ tử của tùng La hán tụ tập hoan hỉ chia vui với nhau về một cây tùng được coi là "mát mắt" mới được đón về với giá tròm trèm 50 triệu...

Rất nhiều nghệ nhân đam mê cây cảnh như cụ Hòa Xuân, họa sĩ Văn Giao, cụ Lê Quyết Bội... mà tiếng tăm mãi ở lại với đời cũng bởi đã từng chung thủy gắn bó với tùng La hán.

Hai vùng đất đặc biệt gắn bó với tùng La hán và có hai cách chơi khác biệt phải kể đến đất Nam Định với một loạt địa danh như Nam Điền, Nam Xá, Vị Khê, và đất Hà Nội. Thành Nam chơi tùng theo một cách riêng, tạo thành dáng tùng Nam Định: vót đuôi chuột, tứ linh (long - ly - quy - phượng) hoặc đăng đối (chơi theo cặp, bày đối xứng nhau).

Dáng tùng Hà Nội lại khác, cây được làm đúc kết từ thiên nhiên thu nhỏ, phân bố thân, cành, tán rõ ràng mềm mại, chú trọng tạo sẹo cho gốc, cành không uốn mà cắt tạo nét chữ chi gấp khúc đột ngột, rồi từ đó tạo thành thế trực, hoành, huyền hoặc xiêu tuỳ ý của người chơi.

Chơi tùng La hán cũng phân định làm hai dòng. Một dòng chơi tùng La hán nhập từ Trung Quốc, nhưng dòng này không được đánh giá cao vì không những giá thành đắt mà cách chơi tùng La hán của người Trung Quốc khác của ta, cây di thực về có khi vài ba năm mới chết! Dòng thứ hai là chơi tùng La hán ta, lá nhỏ, được đánh giá rất cao vì thuộc dòng chơi tinh.--PageBreak--

La hán cũng... khóc!

Chuyện xuất hiện những rừng tùng La hán lá nhỏ trên quần đảo Cô Tô, trải dài khắp các đảo Cô Tô lớn, Cô Tô nhỏ, Thanh Lân... là một điều thực sự ngạc nhiên, bởi những tài liệu thống kê về thực vật chỉ ghi nhận giống tùng này phân bố giới hạn ở 2 khu vực: Nam Trung Quốc và dãy Hoàng Liên Sơn ở Việt Nam.

Điều ngạc nhiên nữa là ở chỗ với kiểu khí hậu thích nghi của tùng La hán luôn ở độ cao 800 đến 1.200m, thì một môi trường hạn chế độ ẩm, nhiệt độ cao và gió mặn là điều khó tưởng để tùng La hán phát triển.

Điều khó tin này cũng làm bối rối khá nhiều dân chơi tùng La hán nổi tiếng, những người vẫn hay than trời về độ vất vả khi chăm sóc "quân tử trong lồng kính".

Khi được tham khảo về thông tin này, căn cứ theo đặc tính của tùng chỉ có thể sinh sôi từ hạt, họ đều cho rằng khả năng hạt tùng phát tán theo các loài chim di cư là rất cao. Và may thay, cây tùng La hán đã thích nghi được với thổ nhưỡng ở quần đảo Cô Tô.

Từ năm 1997, khi phát hiện ra tùng La hán lá nhỏ ở Cô Tô, rất nhiều thợ cây gốc Nam Định đã đổ về đây để săn lùng "hàng khủng". Dương, một thợ cây thế gốc Nam Định hiện định cư hẳn tại đảo Thanh Lân, cho biết, trong quãng thời gian đó, nhiều gốc tùng tự nhiên có giá thị trường lên tới hàng trăm triệu đồng đã âm thầm chảy khỏi Cô Tô.

Tùng La hán ở đây được đánh giá cao bởi hoàn toàn tự nhiên, có những gốc to gần một ôm, thân vàng rượm, có những gốc lại có vẩy uốn theo thân cây tựa như con rồng đang ôm trụ...

Một đồn mười, mười đồn trăm, khi giá trị thực của những gốc tùng La hán được phổ cập thì cũng là lúc người dân đảo lao vào cơn lốc khai thác tùng.

Bất kể lớn hay nhỏ, bất kể cần biết kỹ thuật phải đánh gốc ươm gốc ra sao, hàng ngàn cây tùng La hán bị bứng khỏi rừng, quấn nylon kín mít để giữ ẩm, rồi được lén đưa lên tàu vào đất liền hay qua biên giới...

Và kết quả của những hoạt động khai thác theo kiểu "làm kinh tế tận diệt" ấy đã đưa những cây tùng La hán ở Cô Tô vào thảm họa. Không hề tính đến vấn đề thổ nhưỡng, cũng không tính đến kỹ thuật bứng và trồng, những cây tùng La hán tồn tại được trong gió bão lại dần héo úa, tàn lụi rồi biến thành củi khô ở đất liền.

Dương thừa nhận, chính anh cũng đã từng đưa và chứng kiến những người khác đưa hàng tàu tùng La hán về Nam Định, để rồi bất lực nhìn những cây tùng trị giá hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng... từ từ chết.

Trên rừng, những cây tùng được "đánh dấu sở hữu" sẵn, được ra tay đẽo gọt để uốn thế ngay từ nhỏ... một cách thiếu kỹ thuật cũng từ từ héo rũ ra mà chết...

Trong sân nhà người dân, những cây tùng La hán được đánh về nhưng không kịp hay không vận chuyển được về đất liền... cũng từ từ báo tử... Cô Tô con không còn một bóng tùng La hán! Rồi đến Cô Tô lớn cũng không thể nhìn thấy! Rồi tùng ở Thanh Lân cũng chịu chung số phận!

Chỉ vào những cây tùng khẳng khiu, nylon vẫn đang cuốn khắp thân, để lộ ra những chồi lá vút lên xanh mướt đang được trồng rải rác trong sân sau của... Công an huyện Cô Tô, Đại úy Lê Mạnh Hùng, Đội trưởng Đội An ninh tổng hợp cho biết đấy là những cây tùng La hán mà cơ quan chức năng thu giữ được của những người dân vận chuyển trái phép.

Nhận thức được thảm họa về môi trường mà Cô Tô đang phải gánh chịu, huyện đã đấu tranh mạnh với hoạt động tàn phá môi trường này. Hàng trăm gốc tùng La hán bị thu giữ. Tùng không thể lọt qua những chuyến tàu khách công cộng thì tùng đi bằng tàu cá!

Những đợt truy quét của lực lượng biên phòng trên biển đã chứng kiến nhiều hình ảnh đau lòng: Nguyên cả một chuyến tàu chở toàn tùng La hán bị bắt giữ; hàng trăm cây tùng bị ném xuống biển để phi tang khi tàu bị truy đuổi...

Gần 4 ngày lang thang khắp huyện đảo Cô Tô, chúng tôi chỉ có thể được chiêm ngưỡng những cây tùng La hán lá nhỏ Cô Tô hiếm hoi còn lại... trong vườn của người dân. Dương cho biết, phải mất cả ngày lang thang trên đảo may ra mới nhìn thấy một cây tùng tự nhiên cao cỡ... đầu gối.

Hình ảnh những rừng tùng La hán kiêu hãnh ở Cô Tô nay chỉ còn là quá khứ. Khi nghe chuyện, cụ "Mẫn La hán" lắc đầu than trời, tiếc nuối cho một kỳ quan của tự nhiên đã bị đánh mất.

Cụ Mẫn nhẩn nha kể lại mẩu chuyện chưa cũ: Khi nhà văn Nguyễn Tuân leo lên đỉnh Phanxipăng, đến đoạn rừng tùng La hán trùng điệp uẩn súc trong mây vờn núi vọng, cảnh tựa cõi tiên, thủy mặc phi phàm, ông ngồi xuống giở rượu ra uống, không leo lên nữa, và đặt cho rừng tùng ấy một cái tên mới là "rừng Cảnh tiên".

Cụ thở dài tiếc nuối, rằng đáng nhẽ chúng ta đã có thêm chí ít là một "rừng Cảnh tiên" khác, nếu tất cả mọi chuyện đáng tiếc ấy không xảy ra

Việt Đông
.
.