Túi nylon: Kẻ thế mạng trong vở kịch tiêu dùng

Thứ Bảy, 10/08/2019, 00:23
Đúng một năm trước, xác một cá voi hoa tiêu được tìm thấy đang trôi nổi ngoài khơi vùng biển phía Nam Thái Lan. 

Khám nghiệm tử thi xác minh, chú cá voi đã nuốt tới 80 bao nylon nặng tới 8kg vào bụng. Cái chết của chú cá voi khiến cả thế giới rúng động và quyết tâm thay đổi.

Suốt hơn 10 năm qua, đã có 91 quốc gia và vùng lãnh thổ ban bố lệnh cấm hoặc đánh thuế cao với túi nylon mỏng dùng 1 lần (trong bài này sẽ viết gọn là túi nylon). 

Ở Việt Nam - một trong những quốc gia thải nhiều túi nylon bậc nhất - mới đây cũng đặt ra mục tiêu tới năm 2025, cả nước không dùng túi nylon nữa. Đó dường như là cái kết có hậu khi “nhân vật phản diện” là túi nylon đang dần bị đưa tới đoạn đầu đài.

Thay vì dùng túi nylon hay ống hút nhựa, cư dân ồ ạt chuyển sang cốc giấy và túi giấy. Cứ thế, họ yên tâm rằng mình đang hành động vì một thế giới tốt đẹp hơn.

Cuộc đụng độ kéo dài vài thập niên

Nói vui, túi nylon và túi giấy có cuộc so kè căng thẳng kéo dài chẳng khác nào lịch sử các trận El Classico. Lục lại kho lưu trữ của thời báo New York Times, tôi phát hiện ra một bài báo từ năm 1984 và từ thời đó, người ta đã ầm ĩ lên về việc nên dùng túi nylon hay túi giấy. Nhưng khi ấy, chẳng ai quan tâm đến vấn đề môi trường. Họ tranh luận những chuyện khác.

Chẳng hạn như, người ủng hộ túi giấy truyền thống thì bảo: “Túi giấy mang đậm tinh thần Mỹ như lá cờ, hay bánh táo, hay tất cả những thứ có màu đỏ trắng xanh”.  

Họ khăng khăng “những túi nylon nặng làm tổn thương tay người cầm”, rồi thì “túi nylon không đứng yên được, đồ ăn của bạn cứ bị xoay vòng vòng”. Ai ủng hộ túi nylon thì phản pháo: “Vớ vẩn. Túi nylon mà được gói cẩn thận thì chẳng có thứ gì xoay vòng vòng cả”.

Ngày nay, đọc lại mẩu bài đó, có khi người ta sẽ nghĩ đây là bài châm biếm. Nhưng không, đó thực sự là bài đưa tin nghiêm cẩn và chỉn chu.

Câu chuyện về môi trường có lẽ chỉ thực sự bùng lên vào những năm 90. Lúc này, những người dùng túi nylon đi trước một bước khi họ cho ra đời những chiến dịch kêu gọi ngưng dùng túi giấy để bảo vệ... rừng. Chiến dịch ấy thành công thực sự, bởi vì giấy được làm từ gỗ mà gỗ thì ai cũng nghĩ phải lấy từ rừng. 

Trong khi thực tế, giấy ngày nay phần nhiều được làm từ các nguyên liệu tái chế chứ không có nền kinh tế nào đi phá rừng nguyên sinh để làm giấy cả. Dù sao, túi nylon đã dẫn trước một bàn.

Túi nylon, từ một đối tượng được ưa chuộng đã trở thành tội đồ trong những năm gần đây.

Song, đến thế kỷ 21, túi nylon lại rơi vào thế bất lợi. Túi nylon mất tới 1.000 năm để phân hủy. Phần lớn chúng được thải ra biển. Dưới đáy Đại Tây Dương ngày nay có hơn 300 triệu chiếc túi nylon. Ngay cả những chiếc túi nylon được quảng cáo là có thể phân hủy sinh học cũng sẽ tồn tại trong đất vài chục năm trời.

Như vòng luẩn quẩn, bây giờ, người ta lại từ bỏ túi nylon để quay qua dùng túi giấy, coi đó là một động thái thể hiện tôi-là-người-sống-xanh. Phong trào khước từ túi nylon cũng là dịp dể các doanh nghiệp thức thời tiếp thị cho thương hiệu của mình. Họ chỉ quên mất rằng, túi giấy cũng đâu có tốt hơn túi nylon!

Quy trình làm ra một chiếc túi giấy thải ra lượng ô nhiễm không khí gấp 70 lần và làm ô nhiễm nguồn nước gấp 50 lần so với việc làm ra một chiếc túi nylon. Nguồn năng lượng sản xuất túi giấy cao gấp 4 lần so với túi nylon. Túi giấy cũng nặng hơn túi nylon và vì thế việc vận chuyển túi giấy cũng tốn kém nhiên liệu và để lại “dấu vết carbon” nhiều hơn. 

Đó là chưa kể, chúng ta vẫn nghĩ túi giấy có thể phân hủy nhanh hơn nhưng đấy là nếu như bãi rác vệ sinh đạt tới điều kiện lý tưởng. Mà một bãi rác vệ sinh thì chẳng bao giờ đạt tới điều kiện lý tưởng cả, thiếu ánh sáng, oxy, giấy cũng cần một thời gian dài để phân hủy.

Theo báo cáo của Cơ quan Môi trường Anh, một cái túi giấy cần phải được tái sử dụng ít nhất 3 lần thì mức tác động tới môi trường của nó mới ít hơn so với chiếc túi nylon dùng 1 lần. Vậy những vật liệu khác như túi vải thì sao? Túi vải, trông thì thật thân thiện với môi trường, song chúng lại là “kẻ tội phạm” nguy hiểm nhất.

Những nhà thiết kế thời trang thiếu hiểu biết từng xây dựng một chiến dịch ca ngợi những chiếc túi vải, thậm chí còn để chiếc túi vải hãnh diện tuyên xưng rằng: “Tôi không phải túi nylon”. 

Nhưng, bạn phải dùng chiếc tủi vải tới hàng ngàn lần thì may ra tác động của nó tới môi trường mới ít hơn túi nylon. Chưa hết, cotton hữu cơ còn tệ hại hơn cotton truyền thống. Và, thay túi nylon bằng túi giấy hay túi vải thì cũng chỉ là tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa.

“Nỗi oan” của túi nylon

Ước tính mỗi năm chúng ta thải ra 1.000 tỉ đến 5.000 tỉ túi nylon trên toàn thế giới, gấp từ 140 đến 700 lần dân số loài người. Thay vì hỏi tại sao chúng ta lại dùng túi nylon, hãy hỏi tại sao chúng ta lại sử dụng nhiều túi nylon đến vậy? “Chính những món đồ đựng trong túi mới là vấn đề”, David Taylor - một giáo sư nghiên cứu hóa học ở Đại học Oregon chia sẻ.

Chủ nghĩa tiêu dùng đã manh nha từ cuối thế kỷ 17, với sự phát đạt của tầng lớp trung lưu trong xã hội và sự gia tăng mạnh mẽ nguồn cung những xa xỉ phẩm bao gồm đường, thuốc lá, trà, cà phê từ các đồn điền vùng Caribe. 

Đến thế kỷ 21, không còn nghi ngờ gì nữa, chúng ta đang sống trong một xã hội “tách ra khỏi những giá trị cộng đồng, tinh thần và công chính, hướng tới sự cạnh tranh, chủ nghĩa vật chất và sự mất kết nối”.

Và chiếc túi nylon chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. “Những món đồ đựng trong túi” mới là trung tâm biểu tượng của chủ nghĩa tiêu dùng. Những món đồ ấy là gì? Là quần áo thời trang, là thực phẩm, là nhu cầu tối thiểu của con người: nhu cầu ăn mặc.

Thời trang là ngành công nghiệp ô nhiễm thứ hai trên thế giới, hằng năm ngốn tới hơn 2 ngàn tỉ gallon nước và 145 triệu tấn than. Những thương hiệu thời trang bình dân như Zara, H&M, Mango khi tới Việt Nam đều trở thành cơn sốt nhưng đâu ai biết đằng sau những cửa hàng bóng lộn ấy là mỏ tài nguyên cạn kiệt, là một Trái đất kiệt quệ rã rời.

Trong khi đó, công nghiệp thịt và sữa đang trên đường vượt qua dầu mỏ để trở thành ngành công nghiệp gây tác động nhiều nhất tới biến đổi khí hậu. Có thể tưởng tượng nổi không, rằng những hộp sữa bạn uống hằâng ngày còn tạo nên lượng ô nhiễm lớn hơn cả những chiếc xe máy. Nhưng chính là như thế.

Tác phẩm “Thở” của nghệ sĩ Ưu Đàm Trần Nguyễn được làm từ 880 bao nylon.

Ở Australia, sau khi đánh thuế sử dụng túi nylon, người ta đã thấy có sự giảm sút khoảng 6% số lượng túi nylon trong năm 2016 so với năm 2015 nhưng cần nhấn mạnh rằng số lượng túi nylon chỉ chiếm khoảng 1% tổng lượng rác thải. 

Và, một khi con người còn chạy đua theo những nhu cầu tiêu dùng vô độ thì cấm túi nylon cũng vô ích, bạn vẫn cần một cái gì đó gây ô nhiễm không kém để đem đồ về nhà. 

“Mỗi tuần ăn ít đi một bữa thịt - đó mới là cách thực sự giúp ích cho môi trường” - giáo sư David Taylor nói.

Không thể sống mà không xả rác

Vài tuần trước, ở TP Hồ Chí Minh có tổ chức buổi triển lãm mang tên Thở (Rồng Rắn Lên) của nghệ sĩ Ưu Đàm Trần Nguyễn - một người làm nghệ thuật đương đại đạt nhiều thành tựu được giới làm nghề quốc tế công nhận. Tác phẩm của anh có gì? Đó là một tác phẩm điêu khắc thổi khí quy mô lớn được làm từ 880 bao nylon sắc màu rực rỡ, những bao nylon này được nối với những ống khí thải từ pô xe máy. 

Tác phẩm được vận hành bởi quá trình bơm - thổi khí khiến các bao nylon cũng phập phồng thở như những sinh vật sống, như những lá phổi của chính đô thị Sài Gòn, của chính chúng ta. Chẳng cần phải nói, Thở mang thông điệp rõ ràng về môi trường.

Tôi hỏi Ưu Đàm rằng liệu anh có nghĩ nghệ thuật có đủ sức đánh động được mỗi người về vấn nạn ô nhiễm môi trường hay không. Anh nói với tôi rằng, thực ra không ai vô can trước thực tại này, chúng ta không thể ngừng xả thải vì chúng ta vẫn phải sống, vẫn phải sản xuất mà. 

Lên tiếng về môi trường nhưng anh đùa rằng hằng tuần anh cũng thích uống trà sữa và như vậy là để lại dấu vết nylon lên trái đất rồi. Và, một tác phẩm nghệ thuật như Thở cũng không thể thay đổi cục diện nhưng là lời nhắn gửi nhẹ nhàng tới mọi người, để họ cân nhắc nhiều hơn trong những quyết định tiêu dùng hằng ngày của mình.

Ý của anh rất hay, rằng bản thân sự hiện sinh cơ bản trong cuộc sống hiện đại đã đứng ở thế đối kháng với tự nhiên. Không thể sống mà không để lại một “hậu họa” gì đó. Và vấn đề không nằm ở chỗ chúng ta tiêu dùng rất nhiều túi nylon mà nằm ở chỗ chúng ta tiêu dùng rất nhiều.

Hiền Trang
.
.